ĐB Huỳnh Văn Tính:Góp ý dự thảo Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

Đăng lúc: Thứ tư - 13/11/2013 09:22
Vừa qua, Quốc hội (QH) thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi). Đại biểu Huỳnh Văn Tính (Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Tiền Giang) tham gia phát biểu ý kiến với các nội dung cụ thể như sau:
ĐB Huỳnh Văn Tính

ĐB Huỳnh Văn Tính

Thứ nhất, về phạm vi điều chỉnh của luật, nên tập trung cho việc quy định đối với việc quản lý chi tiêu công là phù hợp, bởi lẽ hiện nay việc lãng phí trong chi tiêu công là rất lớn, cần được quy định điều chỉnh, quản lý chặt chẽ. Riêng việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng đối với hộ gia đình, cá nhân ngoài xã hội, cần thiết nên giao Chính phủ quy định và cùng với hệ thống cơ quan Mặt trận Tổ quốc các cấp thực hiện có hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” để phát động thực hiện chủ trương tiết kiệm trong nhân dân, gắn với việc đưa vào quy ước ở cơ sở để thực hiện tốt.

Thứ hai, về vấn đề trách nhiệm do ban hành chính sách gây lãng phí. Thực tế trong thời gian qua đã xảy ra rất nhiều vụ việc gây thất thoát, lãng phí tiền của, công sức… từ việc ban hành, thực hiện các chủ trương, chính sách, các công trình, nhất là những công trình xây dựng cơ bản không phù hợp, không khả thi, nhưng việc xử lý chưa nghiêm, chưa tác động để nâng cao trách nhiệm trong thực thi công vụ của các tập thể, cá nhân, trong đó có phần do pháp luật chưa kịp thời quy định điều chỉnh. Do vậy, đề nghị Ban soạn thảo xem xét bổ sung điều, khoản quy định chi tiết về việc xử lý trách nhiệm đối với tập thể, trách nhiệm của người đứng đầu, trách nhiệm của cán bộ, công chức trong việc tham mưu, soạn thảo, thẩm định gây lãng phí, thất thoát tiền của, vật tư…

Thứ ba, tại Khoản 5, Điều 7 quy định trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức “tạo điều kiện cần thiết cho hoạt động thanh tra nhân dân” trong việc phòng, chống lãng phí là rất chung và khó khả thi trong thực tế. Do vậy, để đảm bảo cho việc góp phần phòng, chống lãng phí hiệu quả, đề nghị sửa lại quy định người đứng đầu cơ quan, tổ chức có trách nhiệm phối hợp để thực hiện tốt hoạt động thanh tra nhân dân tại cơ quan, tổ chức. 

Thứ tư, tại Khoản 1 Điều 26 quy định việc “khuyến khích cơ quan, tổ chức thực hiện giao khoán một số khoản kinh phí đến người quản lý, sử dụng trực tiếp” sẽ rất khó khả thi, bởi việc quy định vận động, khuyến khích sẽ không phát huy hiệu quả tích cực. Do đó, đề nghị dự thảo luật bỏ cụm từ “khuyến khích” và bổ sung quy định giao Chính phủ hướng dẫn chi tiết việc cơ quan, tổ chức thực hiện giao khoán một số khoản kinh phí đến người quản lý, sử dụng trực tiếp với những tiêu chuẩn, định mức cụ thể, rõ ràng, đúng quy định (như khoán phương tiện đi lại, khoán các chi phí phục vụ việc thực thi công vụ và đưa vào tiền lương hàng tháng) để góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ở mỗi cơ quan, tổ chức và toàn xã hội.


(Theo Báo Ấp Bắc)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 383
  • Hôm nay: 20344
  • Tháng hiện tại: 1769244
  • Tổng lượt truy cập: 48143371