Báo động về TNGT liên quan đến uống rượu, bia

Đăng lúc: Thứ sáu - 15/11/2013 15:56
Uống rượu, bia là một trong những nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông (TNGT). Trong 5 tháng đầu năm 2013, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 406 vụ TNGT, trong đó có 26 vụ liên quan đến việc uống rượu, bia quá mức cho phép. Nghị định 71/2012/NĐ-CP ngày 19-9-2012 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 34/2010/NĐ-CPngày 2-4-2010 đã xử phạt nghiêm khắc đối với người tham gia điều khiển phương tiện giao thông có nồng độ bia, rượu quá mức cho phép.
Hiện trường một vụ TNGT có liên quan đến uống rượu, bia.

Hiện trường một vụ TNGT có liên quan đến uống rượu, bia.

Theo Phòng Cảnh sát Giao thông đường bộ - đường sắt (PC67-CATG), trong 9 tháng của năm 2013 trên địa bàn tỉnh xảy ra 406 vụ TNGT, chết 198 người, bị thương 400 người. Nếu theo số liệu thống kê vi phạm hành chính về trật tự ATGT đường bộ của PC67 thì tổng số vụ vi phạm liên quan đến uống rượu, bia trong 9 tháng qua là 784 vụ; thống kê của CSGT các huyện, thành phố, thị xã là 670 vụ.

Qua phân tích các vụ TNGT trên cho thấy ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông chưa cao là nguyên nhân chính gây ra TNGT; trong đó, tập trung ở các lỗi gây TNGT là chạy quá tốc độ, tránh, vượt sai quy định, say bia, rượu... riêng say bia, rượu khi điều khiển phương tiện gây ra TNGT chiếm tỷ lệ 6,4%.

Đơn cử như vụ TNGT xảy ra vào ngày 28-3-2013 tại QL1A, ấp Long Mỹ, xã Phước Thạnh (TP. Mỹ Tho), làm 1 người chết, gây hư hỏng 1 mô tô và 1 xe đạp. Nguyên nhân là do người điều khiển mô tô sau khi uống rượu bia thiếu chú ý quan sát, để xe tông vào xe đạp. Hoặc TNGT xảy ra vào 21 giờ ngày 20-4-2013 tại hương lộ 18, ấp Thạnh Hưng, xã Đồng Thạnh (huyện Gò Công Tây) làm 1 người chết, gây hư hỏng 2 xe; nguyên nhân do người điều khiển mô tô có sử dụng rượu bia, lấn trái đường…

Đây chỉ là số ít trong những vụ TNGT dẫn đến chết người mà nguyên nhân là do người điều khiển mô tô đã uống rượu bia say, không làm chủ được tay lái khi tham gia giao thông.

Trung tá Nguyễn Thành Nhâm, Đội phó Đội CSGT trật tự cơ động huyện Cái Bè cho biết: Phần lớn các vụ TNGT và va quẹt giao thông thì người gây ra TNGT hoặc là nạn nhân đều có uống rượu bia. Có những vụ TNGT người gây ra tai nạn say rượu đến nỗi không đứng nổi để thổi vào máy đo nồng độ cồn trong máu; một số đối tượng còn quá khích cự cãi, chống đối với cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ; có đối tượng khi đưa vào bệnh viện còn lớn tiếng chửi rủa, xúc phạm các y, bác sĩ…

Bên cạnh đó, điều đáng cảnh báo nữa là độ tuổi của các đối tượng gây ra TNGT có liên quan đến rượu, bia từ 18-27 tuổi (chiếm 32,47% tổng số vụ), thậm chí có đối tượng dưới 18 tuổi (chiếm 1,70%). Vì vậy, việc tăng cường tuần tra, phát hiện và xử phạt nghiêm túc đối với các hành vi say rượu, bia điều khiển phương tiện giao thông là hết sức quan trọng, nhằm hạn chế TNGT do uống bia, rượu gây ra.

Nghị định 71/2012/NĐ-CP ngày 19-9-2012 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 34/2010/NĐ-CP ngày 2-4-2010 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ thì người điều khiển ô tô trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở bị phạt tiền từ 8-10 triệu đồng, bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe (GPLX) 60 ngày và bị tạm giữ phương tiện đến 10 ngày.

Còn theo quy định tại Điểm b Khoản 5, Điểm b Khoản 9 Điều 9, Điểm b Khoản 1 Điều 54 Nghị định 71/2012/NĐ-CP thì người điều khiển mô tô, xe gắn máy trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở bị phạt tiền từ 500.000 - 1.000.000 đồng, bị tước quyền sử dụng GPLX 30 ngày và bị tạm giữ phương tiện đến 10 ngày.

Theo Đại tá Trần Hoài Bảo, Trưởng Phòng CSGT-ĐB (CATG): Qua thống kê số vụ TNGT trong những tháng đầu năm 2013, hiện tượng TNGT nghiêm trọng (dẫn đến chết người) xảy ra ở các đường tỉnh lộ, huyện lộ nguyên nhân phần lớn do người điều khiển uống rượu, bia rồi điều khiển phương tiện phóng nhanh, vượt ẩu là đáng báo động.

Để hạn chế tình trạng này, lực lượng CSGT sẽ mở các đợt cao điểm tuần tra, kiểm soát tập trung theo chuyên đề kiểm tra, xử lý lái xe sau khi uống rượu, bia điều khiển phương tiện tham gia giao thông; chú trọng thời điểm vào các buổi tối, ngày nghỉ, lễ, Tết. Khi kiểm tra, phát hiện lái xe có độ cồn vượt quá quy định thì cương quyết đình chỉ phương tiện không cho lưu hành, lập biên bản vi phạm, tạm giữ phương tiện và xử phạt.

Về giải pháp hạn chế tình trạng uống rượu bia quá mức cho phép điều khiển phương tiện tham gia giao thông, ông Nguyễn Văn Nên, Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh cho biết, Ban ATGT sẽ tham mưu UBND tỉnh giải pháp là tăng cường sự phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể để tuyên truyền sâu rộng về vấn đề này, trong đó MTTQ là nòng cốt trong việc tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ đến cộng đồng khu dân cư; đặc biệt chú trọng đến đối tượng thanh thiếu niên.

Phùng Long
(Theo Báo Ấp Bắc)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 420
  • Khách viếng thăm: 414
  • Máy chủ tìm kiếm: 6
  • Hôm nay: 18199
  • Tháng hiện tại: 1883978
  • Tổng lượt truy cập: 48258105