Tuổi teen – kỳ vọng hay thất vọng

Đăng lúc: Thứ tư - 31/10/2012 09:05
Khái niệm “tuổi teen” mang bao kỳ vọng về một lớp trẻ vượt xa thế hệ cũ trong một kỷ nguyên mới của xã hội. Xung quanh khái niệm nhập ngoại này đã có biết bao “huyền thoại” được vẽ vời, nhưng cũng không ít biểu hiện thất vọng từ thế hệ các ông già “Khốt-ta-bít”…

Đời người như… đời xe
Cùng lúc với sự thay đổi xoành xoạch các vòng đời sản phẩm tiêu dùng, trong xã hội cũng vô tình xuất hiện khái niệm thế hệ con người theo thập niên. Bắt đầu là với khái niệm 8X, 9X chỉ những người sinh vào thập niên 80, 90 của thế kỷ trước. Ngay cả trong “đời người” thuộc cái gọi là 8X hay 9X, lại được phân biệt “9X đời đầu”, “8X đời cuối”… Cũng như với các “đời xe” hay điện thoại di động, người ta dễ có niềm tin đời sau tất yếu sẽ tiến bộ hơn đời trước, bởi “tre già măng mọc”, “con hơn cha là nhà có phúc”…
 

 
Vẫn có một bộ phận các bạn trẻ quan tâm đến cộng đồng. Trong ảnh: làm đèn lồng trung thu tặng trẻ em nghèo, tháng 9.2012. Ảnh: Thanh Hảo
 
Hãy nghe Wikipedia tiếng Việt “định nghĩa” một cách lạc quan về thế hệ 9X: “9X là nhóm người lớn lên cùng sự phát triển của kinh tế, công nghệ thông tin và sự kiện mở cửa Việt Nam ra với thế giới. Họ được miêu tả là thế hệ tiến bộ và nổi loạn. Họ tự tin hơn thế hệ trước, sẵn sàng theo đuổi những gì mình muốn, sử dụng ngoại ngữ tốt hơn, và công nghệ, đặc biệt internet là một phần quan trọng trong cuộc đời họ; ngoài ra họ sẵn sàng từ chối những phong tục truyền thống sẵn có, bỏ qua giá trị của thế hệ lớn, nghe nhạc Tây, theo phong cách sống và thời trang của nước ngoài… Vì những điều trên, họ được gọi là những người có tố chất công dân toàn cầu trong một thế giới phẳng và rất được dư luận xã hội chú ý trong cách ứng xử…”

Quả thực, thế hệ mà trước đây chỉ được người lớn xem là “trẻ nít”, giờ đã có những “quyền lực” nhất định. Chúng có cả một thị trường riêng về các sản phẩm dành cho lứa tuổi, có những kênh truyền thông riêng và thậm chí gần như có cả ngôn ngữ riêng. Có thể dễ dàng nhận thấy rằng các nhà sản xuất hàng hoá lẫn thông tin ra sức chiều chuộng thế hệ trẻ để bán được hàng. Thậm chí cả thứ ngôn ngữ “chát chít” có tính khu biệt của thế hệ trẻ, các nhà khoa học cũng từng lập hội thảo để đòi “đưa vào tự điển”!

“Tiến hoá” ngược?

Trên VietNamNet gần đây có bài báo Sức chịu đựng học sinh bây giờ rất kém, nêu tâm sự của một cô giáo chua chát thất vọng vì những lứa học sinh “đời mới”. Nhà giáo có tuổi nghề gần mười năm này cho rằng càng về sau, các thế hệ học sinh càng kém về cả nhân cách lẫn trình độ. Cô giáo này đã “nhiều đêm không ngủ, ước là mình đừng làm nghề giáo vì như thế sẽ ngủ ngon trước sự vô tâm, ích kỷ, nông cạn và nhu nhược của học sinh”.

Rất có thể đây chỉ là một nhận xét võ đoán, hoặc phiến diện. Thế nhưng cũng có thể nhận ra rằng thành tích học tập của những thế hệ sau kém hơn thế hệ trước, như ở các kỳ thi quốc tế chẳng hạn. “Tuổi teen” ngày nay đạt nhiều “thành tích” ở những lĩnh vực khác. Trên các mặt báo, trẻ em bị lôi vào làm “chuyện người lớn” ngày càng nhiều. Một thống kê đáng buồn được đưa ra vào năm ngoái là trong những vụ phạm pháp hình sự, trung bình có đến 3/4 tội phạm thuộc tuổi thanh thiếu niên. Ngày càng xuất hiện dày đặc những thông tin về tội phạm “tuổi teen” với các tội ác man rợ, những vụ đánh ghen, bạo hành học đường...

Những đứa con của trưởng giả

Vấn đề giáo dục kỹ năng sống cho các 9X đang rất thời sự. Đã có những trung tâm chuyên dạy kỹ năng được mở ra, nhà trường cũng được khuyến khích đưa kỹ năng sống vào chương trình giảng dạy.

Một điều khó có thể tranh luận là các thế hệ 5X, 6X, 7X có bản lĩnh sống hơn các thế hệ trẻ sau này. Đa số những người thuộc thế hệ trên đều đã kinh qua thời chiến tranh hoặc thời kỳ hậu chiến gian lao, vất vả. Thời cuộc đã buộc con người phải tồn tại và trưởng thành mau chóng mới có thể thích nghi với những điều kiện sống khắc nghiệt. Chiến tranh và hậu chiến đã tạo cho người phải sống với nhiều lý tưởng.

Trong vô thức, có lẽ họ ít nhiều ức chế về những thành công của các thế hệ cha anh và khát khao thể hiện, khẳng định sự khác biệt của thế hệ mình. Sự khẳng định đó đôi lúc là những mặt tích cực, đôi lúc là những mặt tiêu cực, và đó là điều không thể tránh khỏi.
 
Đoàn Đạt
(Theo SGTT)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 3 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 364
  • Hôm nay: 66251
  • Tháng hiện tại: 2266540
  • Tổng lượt truy cập: 48640667