Hội thi Tiếng hát Măng non lần IV: Bay cao hơn nữa những ước mơ

Đăng lúc: Thứ sáu - 23/08/2013 08:08
Hội thi “Tiếng hát măng non lần IV - Giải Hồ Văn Nhánh” đã trải qua gần 1 tháng, kể từ vòng sơ khảo đến bán kết, chung kết và chung kết xếp hạng. Anh Nguyễn Văn Đấu, Trưởng phòng Sản xuất chương trình của Đài PT&TH Tiền Giang, thành viên Ban tổ chức hội thi cho biết: “Số lượng thí sinh lần này đông gấp đôi các lần trước và chất lượng khá đồng đều, là tín hiệu lạc quan. Phòng GD&ĐT cùng Hội đồng Đội của các huyện, thị, thành đã làm tốt công tác sơ tuyển, đặc biệt là 4 huyện: Tân Phú Đông, Tân Phước, Cái Bè và Gò Công Tây đã được Ban tổ chức hội thi khen tặng…”.
“Lời mẹ ru” do thí sinh Nguyễn Phan Tường Vi biểu diễn, là một trong những tiết mục dàn dựng hoành tráng, công phu.

“Lời mẹ ru” do thí sinh Nguyễn Phan Tường Vi biểu diễn, là một trong những tiết mục dàn dựng hoành tráng, công phu.

Hội thi với 514 tiết mục ở vòng sơ khảo, chọn ra 70 tiết mục vào vòng bán kết, 34 tiết mục vào chung kết và 18 tiết mục (có 2 tiết mục song ca) so tài trong đêm chung kết xếp hạng. “Hội thi lần này, thí sinh đầu tư về trang phục, đạo cụ, cả dàn dựng rất kỹ và  thí sinh dự thi đông. Ban giám khảo sẽ rất khó khăn trong việc tuyển chọn các giọng ca nhí này” - chị Võ Thị Bích Vân (nguyên diễn viên Đoàn Nghệ thuật tổng hợp Tiền Giang), phụ huynh của thí sinh Quyên My nhận định.

Chú Nguyễn Hữu Nhơn (ấp An Thị, xã Mỹ Tịnh An, huyện Chợ Gạo) có mặt từ đầu đến cuối giải “hộ tống” cháu nội ứng thí, mộc mạc với những chia sẻ: “Hồi nhỏ cháu Quế Quyên (thí sinh bảng C) chưa đi học, nhưng khi bắt đĩa hát nhạc của Cẩm Ly, cháu nghe rồi tự bắt nhịp chắc lẻm. Thấy cháu thuộc nhiều bài, tối thứ bảy tôi đưa cháu đến các tụ điểm “Hát với nhau” để  cháu làm quen sân khấu. Có người khuyên tôi không nên cho cháu hát nhạc người lớn. Nhà tôi trong quê, có đĩa gì cháu hát nấy. Đến khi cháu đi học thì hát những bài cô giáo dạy. Cháu đoạt giải Nhì đơn ca cấp huyện. Được tin cháu vào vòng chung kết xếp hạng, cả nhà đều vui. Chúng tôi rất biết ơn Ban tổ chức hội thi đã tạo điều kiện cho các cháu có nơi thi tài và vui chơi”.

Ở vòng bán kết, nhiều thí sinh có giọng ca đầy triển vọng, diễn xuất tốt, trang phục phù hợp với từng thể loại nhạc và vùng, miền, dân tộc. Càng vào các vòng thi sau, các thí sinh càng bộc lộ rõ tài năng của mình một cách hoàn hảo, nói theo những người trong nghề của sân khấu đó là giỏi “thanh sắc và vũ đạo”.

Mỗi tiết mục đều tạo một ấn tượng riêng. Cụ thể, ở vòng chung kết, thí sinh Nguyễn Phan Tường Vi (Trường Tiểu học Thủ Khoa Huân, TP. Mỹ Tho) làm người xem khó quên với trang phục công nhân qua bài hát “Ba em là công nhân lái xe” và em cũng thật hoành tráng với tốp múa minh họa bài hát “Lời mẹ ru” ở vòng chung kết xếp hạng, đã đoạt giải Ba ở bảng B.

Qua hội thi, cũng toát lên một Tú Phương xinh tươi, phong cách khá chững chạc, gây ngạc nhiên cho người xem với bài hát “Ước mơ tuổi thơ” và “Dắt trâu ra đồng”, xứng đáng với giải Nhì bảng B và giải phong cách biểu diễn.

Ở bảng A, thí sinh Hoàng Lam hóa thân thành chú cò trắng xinh xinh trong bài dân ca Bắc bộ “Cò lả” và đoạt 2 giải thưởng: Giải Nhì bảng A và “thí sinh nhỏ tuổi nhất đạt giải cao”; thì ở bảng B, Minh Anh với phong cách biểu biểu dễ thương, chất giọng trong sáng, vút cao qua tác phẩm của Ngô Ngọc Hùng “Em đọc thơ Bác Hồ”, đã đoạt giải Nhất bảng B và giải “Hát về Bác Hồ hay nhất”.

Minh Anh và Tường Vi cũng là đôi song ca khá ăn ý với giọng hát chính, hát bè xứng với giải Nhất thể loại này. Minh Anh vô tư chia sẻ: “Con hát quen rồi nên không run. Đi thi tưởng được giải Nhì, không ngờ được giải Nhất và nhiều giải nữa!”.

Ở Bảng C, bật lên những giọng ca: Phương Giao (Gò Công Tây), Diễm Phương (Cai Lậy), Quyên My (TP. Mỹ Tho). Ở vòng chung kết xếp hạng, thí sinh Phú Thịnh (xã Phước Thạnh, TP. Mỹ Tho) nổi trội với ca khúc “Nổi trống lên” cùng dàn múa minh họa rầm rộ, sinh động, đưa em vinh danh giải Nhất bảng C.

Ca sĩ Thanh Duyên, cán bộ nghiệp vụ Trung tâm VHTT tỉnh, giám khảo vòng sơ tuyển nhận xét: “Thí sinh năm nay đẹp. Nhiều giọng ca ở các huyện khá tốt nhưng do chưa được rèn luyện, hướng dẫn nên chưa biết cách biểu diễn, ca còn sai nhạc… Các tiết mục đơn ca được phụ huynh đầu tư rất nhiều, nhưng thể loại song ca ở hội thi này lại yếu hơn do thiếu giọng ca bè chuẩn”.

Bà Nguyễn Thị Tho Đông, Phó Giám đốc Đài PT&TH Tiền Giang, Trưởng ban tổ chức Hội thi vui mừng chia sẻ: “Hội thi thành công nhờ Sở GD&ĐT, Nhà Thiếu nhi, Hội đồng Đội tỉnh cùng Đài PH&TH Tiền Giang đã có sự phối hợp ăn ý; sự nhiệt tình của Ban giám khảo, nhạc công; sự quan tâm của phụ huynh và sự nỗ lực của thí sinh. Để tạo sự công bằng, ngoài giám khảo có chuyên môn cao của tỉnh như: Lê Ngân, Võ Quang Đảm, Ngô Ngọc Hùng…, chúng tôi còn mời Giảng viên thanh nhạc Thu Hương (Long An), Nhạc sĩ Lê Quốc Thắng (TP. Hồ Chí Minh), Nhạc sĩ Nguyễn Thanh Sử (Bến Tre)…

Ngoài việc tạo sân chơi mùa hè cho các em có năng khiếu ca hát, hội thi còn giáo dục truyền thống và tình yêu thương cho các em qua nội dung những bài hát; tổ chức cho các thí sinh đến đặt tràng hoa, thắp hương tại Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh; viếng mộ và nghe kể chuyện về tấm gương Anh hùng - Liệt sĩ Hồ Văn Nhánh cho đúng với ý nghĩa tên gọi của giải thưởng”.

“Tiếng hát măng non lần IV - Giải Hồ Văn Nhánh” đọng lại với niềm hân hoan, những giọt mồ hôi trên vầng trán ngây thơ của các thí sinh trong những buổi tập luyện với dàn nhạc và những giọt nước mắt xúc động, những nụ cười của các thí sinh trẻ thơ - dấu ấn kỷ niệm đẹp. Qua hội thi, hy vọng Tiền Giang sẽ có một thế hệ tương lai đủ “thanh sắc, vũ đạo” và “tài, đức”.

Nhã Thy
(Theo Báo Ấp Bắc)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 205
  • Khách viếng thăm: 203
  • Máy chủ tìm kiếm: 2
  • Hôm nay: 41779
  • Tháng hiện tại: 2274329
  • Tổng lượt truy cập: 46241562