Những điều cần biết về bệnh tay chân miệng

Đăng lúc: Thứ sáu - 09/05/2014 14:49
Trước tình hình bệnh tay chân miệng đang có xu hướng gia tăng tại một số địa phương, Bộ Y tế đã cung cấp một số thông tin liên quan để người dân biết và chủ động phòng chống bệnh.

Tay chân miệng là một bệnh nhiễm virus cấp tính, lây truyền qua đường tiêu hóa, thường gặp ở trẻ nhỏ và có khả năng gây thành dịch lớn.

Triệu chứng

Bệnh thường bắt đầu với các biểu hiện như: Sốt, chán ăn, mệt mỏi và thường xuyên bị đau họng.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Một hoặc 2 ngày sau khi khởi phát sốt, xuất hiện đau trong miệng, có đốm đỏ như phỏng rộp và sau đó trở thành vết loét. Vết loét thường nằm trên lưỡi, nướu răng (lợi) và niêm mạc má.

Phát ban trên da, không ngứa trong 1-2 ngày với những đốm màu đỏ không nổi hoặc nổi lên, có khi có rộp da. Ban thường nằm trong lòng bàn tay và lòng bàn chân; cũng có thể xuất hiện trên mông và/hoặc ở cơ quan sinh dục.

Người bị bệnh tay chân miệng có thể không biểu hiện triệu chứng, hoặc có thể chỉ có phát ban hay chỉ loét miệng. Trong một số ít trường hợp, bệnh có thể diễn biến nhanh với các triệu chứng về thần kinh, hô hấp và nhanh chóng dẫn đến tử vong.

Đường lây của bệnh

Bệnh tay chân miệng lây truyền qua đường tiêu hóa, thường gặp ở trẻ nhỏ và có khả năng gây thành dịch lớn.

Virus gây bệnh tay chân miệng còn có thể lây nhiễm từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp với dịch mũi, họng, nước bọt, chất dịch từ mụn nước, hoặc phân của người bị nhiễm bệnh. Người bị bệnh có thể làm lây lan bệnh nhiều nhất trong tuần đầu tiên của bệnh, nhưng thời gian lây nhiễm có thể kéo dài trong vài tuần (do virus vẫn tồn tại trong phân).

Bệnh không lây truyền từ người tới vật nuôi/động vật và ngược lại.

Nguyên nhân gây bệnh

Bệnh tay chân miệng gây ra do các loại virus thuộc nhóm đường ruột, gồm có Coxsackie, Echo và các virus đường ruột khác, trong đó hay gặp là virus đường ruột type 71 (EV71) và Coxsackie A16. Virus EV71 có thể gây các biến chứng nặng và gây tử vong.

Người có nguy cơ mắc bệnh và mức độ nghiêm trọng của bệnh

Tất cả những người chưa từng mắc bệnh tay chân miệng đều có nguy cơ nhiễm bệnh, nhưng không phải ai bị nhiễm bệnh cũng xuất hiện bệnh. Bệnh xảy ra chủ yếu ở trẻ em dưới 10 tuổi, nhưng thường gặp nhất ở trẻ em dưới 5 tuổi. Các trẻ nhỏ thường dễ bị biến chứng nặng hơn.

Trẻ em có nhiều khả năng bị lây nhiễm và bị bệnh vì trẻ có ít kháng thể hơn người lớn và ít khả năng miễn dịch khi tiếp xúc. Hầu hết người lớn được miễn dịch, nhưng vẫn có trường hợp mắc bệnh.

Có người có thể mắc bệnh tay chân miệng nhiều lần do có nhiều type virus khác nhau. Người bệnh chỉ miễn dịch đối với một loại virus cụ thể, những lần mắc bệnh khác có thể xảy ra do lây nhiễm một loại virus type khác.

Bệnh tay chân miệng thường là một bệnh nhẹ, hầu hết tất cả bệnh nhân hồi phục trong vòng 7 đến 10 ngày mà không cần điều trị và thường không gặp các biến chứng. Tuy nhiên, bệnh cũng có thể diễn biến nặng như viêm màng não, viêm não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong, thường do virus EV71 gây ra.

Làm thế nào để phát hiện bệnh sớm sau khi tiếp xúc?

Thời gian ủ bệnh thông thường từ khi nhiễm bệnh tới khi khởi phát triệu chứng là 3-7 ngày. Sốt là triệu chứng đầu tiên của bệnh tay chân miệng, sốt thường kéo dài 24-48 giờ.

Phụ nữ mang thai có mắc bệnh tay chân miệng không?

Về lý thuyết, phụ nữ mang thai nên tránh tiếp xúc gần với bất cứ ai bị bệnh tay chân miệng và đặc biệt chú ý đến các biện pháp phòng ngừa lây truyền.

Nhiễm virus đường ruột và bệnh tay chân miệng rất hay gặp ở phụ nữ mang thai vì họ thường xuyên tiếp xúc với mầm bệnh. Chúng có thể gây bệnh nhẹ hoặc không gây bệnh ở phụ nữ mang thai. Hiện chưa có bằng chứng rõ ràng về việc nhiễm virus đường ruột, trong đó có virus gây bệnh tay chân miệng ở bà mẹ, có liên quan đến hậu quả bất lợi đặc biệt của thai kỳ (như phá thai, thai chết lưu hoặc dị tật bẩm sinh).

Tuy nhiên, phụ nữ mang thai có thể truyền bệnh cho em bé nếu họ bị nhiễm một thời gian ngắn trước khi sinh đẻ hoặc có các triệu chứng tại thời điểm sinh. Hầu hết trẻ sơ sinh bị nhiễm virus đường ruột có bệnh nhẹ, hiếm khi có tiến triển thành nhiễm trùng nặng ở nhiều cơ quan, bao gồm cả gan, tim và tử vong do nhiễm trùng.

Điều trị

Hiện nay, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cho bệnh này. Bệnh nhân nên uống nhiều nước và có thể được điều trị triệu chứng để giảm sốt và giảm đau từ vết loét, phòng biến chứng.

Cách phòng bệnh

Cho đến nay, chưa có vaccine phòng bệnh tay chân miệng. Nguy cơ lây nhiễm bệnh có thể được giảm thiểu bằng việc thực hiện tốt vệ sinh cá nhân và chăm sóc y tế kịp thời cho những trẻ em bị bệnh.

Các biện pháp phòng ngừa bao gồm:

Rửa tay thường xuyên với xà phòng trước khi chuẩn bị thức ăn và ăn uống, trước khi cho trẻ nhỏ ăn, sau khi sử dụng nhà vệ sinh và sau khi thay tã cho trẻ, đặc biệt là sau khi tiếp xúc với các bọng nước;

Làm sạch môi trường bị ô nhiễm và các vật dụng bẩn (bao gồm cả đồ chơi) với xà phòng và nước, sau đó khử trùng bằng các chất tẩy rửa thông thường;

Tránh tiếp xúc gần (ôm, hôn, dùng chung đồ dùng…) với trẻ em bị bệnh tay chân miệng cũng có thể giúp giảm nguy cơ nhiễm bệnh;

Không cho trẻ sơ sinh và trẻ em bị bệnh đi mẫu giáo, nhà trẻ, trường học hoặc nơi đông người cho tới khi khỏe hẳn;

Theo dõi chặt chẽ tình trạng bệnh và chăm sóc y tế kịp thời nếu trẻ sốt cao, li bì, mất tỉnh táo; che miệng và mũi khi hắt hơi và ho; xử lý khăn giấy và tã lót đã dùng bằng cách bỏ vào thùng rác và thải bỏ rác đúng cách; luôn lau dọn nhà cửa, nhà trẻ, trường học sạch sẽ.


(Theo Chinhphu.vn)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 419
  • Khách viếng thăm: 415
  • Máy chủ tìm kiếm: 4
  • Hôm nay: 37429
  • Tháng hiện tại: 2202089
  • Tổng lượt truy cập: 46169322