Một đề tài nghiên cứu đưa vào ứng dụng đạt hiệu quả

Đăng lúc: Thứ năm - 27/04/2017 14:58
Để từng bước giải quyết tốt những vấn đề và những thách thức đặt ra, góp phần thực hiện đạt mục tiêu Chiến lược Dân số sức khỏe sinh sản (DS-SKSS) giai đoạn 2011 - 2020 trên địa bàn tỉnh, Sở Y tế tiến hành nghiên cứu Đề tài “Triển khai các mô hình can thiệp về y tế nhằm nâng cao chất lượng dân số trên địa bàn tỉnh Tiền Giang”, đánh giá tình hình mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2010 -2014; phân tích các yếu tố ảnh hưởng về y tế để can thiệp, nhằm từng bước khống chế tốc độ gia tăng mất cân bằng giới tính khi sinh trong những năm tiếp theo; xây dựng và đánh giá hiệu quả mô hình điểm về “Tư vấn và kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân” tại 6 xã thuộc huyện Tân Phú Đông; triển khai mô hình sàng lọc trước sinh, sàng lọc sơ sinh nhằm phát hiện, xử trí sớm các bệnh, tật, giảm thiểu tình trạng trẻ dị dạng, dị tật bẩm sinh và thiểu năng trí tuệ trên địa bàn toàn tỉnh...
Tư vấn về sàng lọc trước sinh và sơ sinh cho các thai phụ và bà mẹ.
Tư vấn về sàng lọc trước sinh và sơ sinh cho các thai phụ và bà mẹ.

Sau 2 năm tiến hành nghiên cứu, ngày 23-11-2015, UBND tỉnh nghiệm thu đề tài, xếp loại A và đã được Sở Y tế triển khai thực hiện trên phạm vi toàn tỉnh, đạt được nhiều kết quả, đóng góp quan trọng cho việc hoàn thành các chỉ tiêu về DS-KHHGĐ, góp phần bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe người dân
trong tỉnh.

Đến cuối năm 2016, để từng bước khống chế tốc độ gia tăng mất cân bằng giới tính khi sinh, tỉnh đã tổ chức cuộc 2 hội thảo, viết 7 bài báo tuyên truyền quy định nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức; nghiêm cấm chẩn đoán giới tính thai nhi; nghiêm cấm loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính; nạo phá thai vì mục đích lựa chọn giới tính. Mặt khác, tổ chức 11 cuộc kiểm tra, thanh tra để dự phòng các hành vi lựa chọn giới tính thai nhi tại các cơ sở y tế (nạo thai lựa chọn giới tính hoặc siêu âm chẩn đoán xác định giới tính thai nhi). Qua đó, tỷ số giới tính khi sinh trong tỉnh đã từng bước được khống chế, dần ổn định, thấp hơn Kế hoạch thực hiện Chiến lược Dân số và Sức khỏe sinh sản giai đoạn 2011 - 2020 trên địa bàn tỉnh (113 bé trai/100 bé gái), thấp hơn chỉ tiêu mà Tổng cục DS-KHHGĐ giao hằng năm (tăng 0,4 điểm%/năm). Việc giảm mất cân bằng giới tính khi sinh góp phần ổn định xã hội, không gây xáo trộn tâm lý khi có tình trạng nam thừa, nữ thiếu.

Tiếp tục duy trì mô hình “Tư vấn và kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân” tại 6 xã thuộc huyện Tân Phú Đông. Trong năm 2016, mô hình đã khám kiểm tra sức khỏe cho hơn 200 đôi nam nữ chuẩn bị kết hôn, phát hiện và tư vấn cho 3 trường hợp bị viêm gan B, 12 trường hợp bệnh lây truyền qua đường tình dục và một số bệnh lý khác. Việc tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân giúp các cặp vợ chồng có những kiến thức cơ bản về cuộc sống gia đình; các quy định của Nhà nước về chính sách DS-KHHGĐ; phát hiện, xử trí các bệnh, tật có liên quan để bảo đảm tình trạng sức khỏe của các cặp vợ chồng trước kết hôn; trang bị kiến thức về sức khỏe sinh sản - KHHGĐ khi kết hôn, mang thai, sinh con.

Về sàng lọc trước sinh và sơ sinh, các đơn vị trong tỉnh đã thực hiện sàng lọc trước sinh cho 8.143/22.930 thai phụ, tỷ lệ 35,51% (vượt chỉ tiêu được giao là 30%), qua đó phát hiện 77 trường hợp nguy cơ cao (tỷ lệ 0,94%) chuyển tuyến trên (Bệnh viện Từ Dũ). Thực hiện sàng lọc sơ sinh cho 18.736/22.930 trẻ, đạt tỷ lệ 81,71% (vượt chỉ tiêu được giao là 50%), qua đó phát hiện 179 trẻ thiếu men G6PD, 1 trẻ suy giáp bẩm sinh, đã tiến hành tư vấn và điều trị phù hợp.

Sàng lọc trước sinh và sơ sinh đã giúp phát hiện ra nhiều bệnh, tật, giúp tư vấn xử lý sớm, hợp lý, qua đó làm giảm chi phí cho gia đình và gánh nặng cho xã hội trong việc nuôi dưỡng, điều trị những trẻ mắc các bệnh lý di truyền, dị tật bẩm sinh, thiểu năng trí tuệ..., góp phần nâng cao chất lượng dân số ngay từ khi mới sinh.

Đánh giá về hiệu quả kinh tế của việc ứng dụng nghiên cứu cho thấy, trong năm 2016, dựa theo nghiên cứu của Bệnh viện Từ Dũ, chi phí xét nghiệm cho 1 trường hợp sàng lọc phát hiện ra thiếu men G6PD và suy giáp bẩm sinh là 190.000 đồng. Qua tư vấn xử lý hợp lý sẽ tiết kiệm rất nhiều, nếu như không sàng lọc thì gia đình và xã hội phải chịu chi phí 1.291.200.000 đồng cho 1 trường hợp suy giáp bẩm sinh hoặc 10 triệu đồng cho 1 trường hợp thiếu men G6PD.

Ngoài ra, từ kết quả nghiên cứu và quá trình triển khai ứng dụng trên địa bàn tỉnh, Sở Y tế đã đề xuất UBND tỉnh nghiên cứu, trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết 112/2015/NQ-HĐND, ký ngày 17-7-2015 về chính sách và kinh phí hỗ trợ người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo thực hiện biện pháp tránh thai; sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020 từ nguồn ngân sách tỉnh.

BS CKII TRẦN THANH THẢO
(Theo Ấp Bắc)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 176
  • Khách viếng thăm: 172
  • Máy chủ tìm kiếm: 4
  • Hôm nay: 21171
  • Tháng hiện tại: 2253721
  • Tổng lượt truy cập: 46220954