TRẦN ĐỖ LIÊM:đời doanh nhân, tình thi nhân

Đăng lúc: Thứ ba - 24/01/2017 11:20
Ngày 22/11 vừa qua, Chi hội Văn học phối hợp Thư viện tỉnh Tiền Giang ra mắt giới thiệu và tọa đàm về hai tác phẩm mới của tác giả Trần Đỗ Liêm là tập ký “Miệt vườn cựa quậy” và tập tiểu luận phê bình “Vùng đất hồn thơ”. Là một doanh nhân thành đạt, Trần Đỗ Liêm đến với văn chương bằng thái độ nghiêm túc và niềm đam mê lớn.
Nhận quà từ Chủ tịch nước Trần Đức Lương trong ngày gặp mặt doanh nhân tiêu biểu

Nhận quà từ Chủ tịch nước Trần Đức Lương trong ngày gặp mặt doanh nhân tiêu biểu

Sinh ra ở quê lúa Thái Bình, như nhiều thanh niên khác cùng thời, Trần Đỗ Liêm tham gia lực lượng thanh niên xung phong bằng ngọn lửa nhiệt huyết của tuổi trẻ. Sau hơn 5 năm phục vụ ở chiến trường, ông được cử đi học tại trường Đại học Giao thông đường thủy rồi đến Đại học Hàng hải. Năm 1976, khi có chủ trương tăng cường cán bộ vào miền Nam xây dựng đất nước, Trần Đỗ Liêm cùng người bạn đời của mình xông xáo vác ba lô lên tàu vào Nam với suy nghĩ đơn giản ở đâu cần thì mình cứ đi phục vụ. Thế rồi, Trần Đỗ Liêm đã bén duyên với vùng đất sông Tiền và gắn đời mình với nghề sông nước từ đấy.

Nhớ lại một thời tuổi trẻ, ông trầm ngâm: “Mới đó mà đã gần 40 năm… gắn bó với miệt vườn sông nước Tiền Giang”. Được phân công công tác tại Ty Giao thông Vận tải tỉnh, những bỡ ngỡ của buổi ban đầu nơi vùng đất mới cũng mau chóng trôi qua. Năm 1979, khi được giao nhiệm vụ viết phương án xây dựng HTX cơ giới chủ lực đường sông của tỉnh, Trần Đỗ Liêm đã nghĩ ngay đến cái tên Rạch Gầm với hào khí đạo quân bách chiến bách thắng của vua Quang Trung từng đánh tan 5 vạn quân Xiêm trên sông Tiền hơn 200 năm về trước. Thế là tên gọi Hợp tác xã được khai sinh từ đó.

Đến nay sau gần 40 năm hoạt động, HTX Rạch Gầm không ngừng lớn mạnh và đã khẳng định được thương hiệu cũng như uy tín của mình. Rạch Gầm hiện là đơn vị vận tải đường thủy nội địa có quy mô lớn nhất nước về quy mô cũng như doanh thu với trên 300 phương tiện, tổng trọng tải gần 150 ngàn tấn. Tàu của HTX vận chuyển từ 4,5 - 5 triệu tấn hàng hóa mỗi năm, với tổng sản lượng đạt từ 400 - 500 triệu km. Ngoài ra, đơn vị còn kinh doanh nhiều ngành nghề như: bốc xếp hàng hóa, cung ứng nhiên liệu, vật liệu xây dựng, thi công cầu đường bộ, san lấp mặt bằng, đóng mới và sửa chữa tàu… HTX Rạch Gầm đã nhận được nhiều danh hiệu cao quý của Đảng và Nhà nước như: Huân chương Độc lập hạng Ba, Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, ba lần đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba… và là một trong ba đơn vị dẫn đầu cả nước theo xếp hạng của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam.

Để đạt được những thành tích đó, HTX Rạch Gầm đã trải qua nhiều bước thăng trầm cùng không ít những cam go thử thách. Và “người thuyền trưởng” lèo lái đưa “con tàu Rạch Gầm” qua bao sóng to gió lớn vững vàng cho đến hôm nay không ai khác hơn là Trần Đỗ Liêm, người hơn nửa cuộc đời lăn lộn cùng nghề sông nước, gắn bó với HTX Rạch Gầm từ những ngày thành lập cho đến nay.

Ngày đầu ra mắt thành lập, HTX chỉ có 29 ghe vỏ gỗ, 32 đò khách, 8 cán bộ cùng gần 100 xã viên và một gian nhà chỉ rộng 16 mét vuông cho đến nay, khi nguồn vốn hoạt động đạt trên 650 tỷ đồng là cả một quá trình phấn đấu lâu dài cùng với công sức đóng góp của bao thế hệ cán bộ, xã viên HTX. Thành tựu của đơn vị là kết quả của tinh thần đoàn kết, thống nhất ý chí, cùng nhau vượt qua khó khăn thử thách để tổ chức sản xuất kinh doanh, mở rộng ngành nghề, chủ động nghiên cứu nắm bắt dự đoán thị trường, kịp thời xây dựng chiến lược kinh doanh; đổi mới phương tiện, thiết bị cũng như phương thức kinh doanh phù hợp với nhu cầu thị trường. Trong đó có phần công sức đóng góp không nhỏ của doanh nhân Trần Đỗ Liêm - người được giao giữ chức vụ phó chủ nhiệm và từ năm 1981 là Chủ nhiệm HTX Rạch Gầm. Mãi cho đến năm 2010, theo quy định mới ông trở thành Chủ tịch Hội đồng quản trị của HTX. Chức danh dù có thay đổi nhưng chung quy Trần Đỗ Liêm vẫn là người thuyền trưởng tài năng và giàu kinh nghiệm đã đưa Rạch Gầm trở thành một ví dụ điển hình và là niềm tự hào của khu vực kinh tế HTX trên cả nước.

Chừng ấy năm theo nghề sông nước đủ để Trần Đỗ Liêm hiểu miền Tây Nam bộ như hiểu hết tâm ý người bạn đời của mình. Tôi cảm nhận được điều ấy khi nghe ông phân tích những yếu tố đã tạo nên thành công của HTX Rạch Gầm, trong đó yếu tố đầu tiên chính là việc phát huy đúng lợi thế của địa phương. Đồng bằng sông Cửu Long có hệ thống sông ngòi chằng chịt với hơn 5.000km có khả năng vận tải đường thủy, trong đó hơn 600km có thể cho các phương tiện vận tải từ 100 tấn trở lên lưu thông. Các thành phố, thị tứ ở các tỉnh miền Tây lại thường nằm cạnh các bờ sông lớn nên rất tiện cho việc giao lưu buôn bán. Trong khi đó, hệ thống đường bộ và đường hàng không chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa của người dân trong vùng.

“Cứ tưởng tượng xem, chỉ cần bước chân xuống tàu ở bến Rạch Gầm là có thể đi chu du khắp các tỉnh miền Tây, rồi lên TP. Hồ Chí Minh hay đi ra biển. Vị thế đó quả lý tưởng còn gì bằng”. Không những thế, thời tiết ở Nam bộ lại hết sức ôn hòa, hầu như ít có thiên tai, bão lũ nên rất thuận lợi cho vận tải đường thủy phát triển. “Chỉ cần dựa vào chế độ bán nhật triều đặc trưng ở vùng Nam bộ, tận dụng dòng chảy của sông để tiết kiệm nguồn năng lượng hay ví như việc dựa vào vị thế cửa ngõ nối liền miền Tây Nam bộ với TP. Hồ Chí Minh để xây dựng xưởng đóng mới và sửa chữa tàu cũng đã đem về cho HTX khối tiền rồi!” - ông Liêm chia sẻ.

Nhưng yếu tố con người mới là nguyên nhân quyết định sự thành công của HTX. Những ngày đầu mới đến vùng đất này, Trần Đỗ Liêm hết sức ngỡ ngàng khi thấy đến đứa trẻ con tóc còn để chỏm nhưng đã biết bơi xuồng băng băng, lặn sông như rái cá. Người dân miền Tây cất nhà ven sông, buôn bán trên sông, đi lại bằng xuồng ghe, quen sinh sống bằng nghề sông nước. Với nhiều chàng trai, cô gái ở đây tuổi nghề thậm chí còn lớn hơn tuổi đời bởi họ đã được đi trên sông nước từ lúc còn trong bụng mẹ. Chính vì thế việc tuyển dụng nhân sự làm việc cho HTX hết sức dễ dàng. Đây chính là một lợi thế so sánh trong kinh tế. Trần Đỗ Liêm nghĩ bụng: “Với những kiến thức chuyên môn đã học được, để sinh sống và làm giàu trên vùng đất này, không gì bằng việc kinh doanh vận tải”.

Thấy được những lợi thế đó và trong vai trò là thành viên trong ban chủ nhiệm HTX, Trần Đỗ Liêm đã đưa ra nhiều chiến lược phát triển sản xuất kinh doanh từ ngắn hạn đến dài hạn phù hợp với từng thời kỳ khác nhau. Thời kỳ bao cấp, đơn vị thực hiện nhiệm vụ giao nhận hàng, cung cấp nguyên nhiên liệu, vận chuyển vũ khí, lương thực thực phẩm… phục vụ chiến trường biên giới Tây Nam và trung chuyển lương thực ra miền Bắc. Nhiệm vụ chung cứ thế mà làm nhưng với tinh thần quyết tâm, HTX luôn hoàn thành vượt mức kế hoạch được giao. Thấy hoạt động có hiệu quả, nhiều người đã rủ nhau đưa ghe tàu về đầu quân ngày càng đông. Năm 1980, HTX được Cục Đường sông tặng Cờ thi đua xuất sắc, báo chí viết bài đưa tin, nhiều đơn vị bạn đến tham quan, học tập kinh nghiệm. Đó là mốc son đầu tiên cho chặng đường đầy vẻ vang của HTX Rạch Gầm.

Giai đoạn chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường, mọi thứ hầu như bị đảo lộn. Nguồn kinh phí được cấp từ trên không còn, HTX phải tự cân đối thu chi, tự tìm khách hàng, nguồn hàng, tự tổ chức sắp xếp, điều hành… để chăm lo đời sống cán bộ, xã viên. Lúc đó, gánh nặng mưu sinh của hàng trăm con người đè nặng lên vai ban chủ nhiệm trong việc tìm lối ra cho hoạt động của HTX. Khi ấy với quyết định táo bạo “lách luật” để mở rộng thêm ngành nghề kinh doanh, tạo thêm công ăn việc làm kiếm thêm thu nhập cho anh em của chủ nhiệm Trần Đỗ Liêm đã cứu HTX khỏi nguy cơ tan rã.

Trong giai đoạn hiện nay, dù HTX Rạch Gầm đã trở thành đơn vị vận tải đường thủy nội địa hàng đầu cả nước nhưng đơn vị vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn mới. Thời buổi mở cửa hội nhập quốc tế, tuy có nhiều đối tác, nhiều cơ hội hợp tác làm ăn hơn nhưng cũng không ít sự cạnh tranh và rủi ro. Điều đó đòi hỏi HTX phải không ngừng đổi mới, đi trước đón đầu với những khó khăn. Đồng thời tình hình mới cũng đòi hỏi những người kinh doanh phải nhanh chóng thích nghi cũng như phải biết tự trang bị kiến thức, kinh nghiệm hội nhập để bước ra làm ăn với thế giới. Đáp ứng đòi hỏi đó, Trần Đỗ Liêm đại diện cho HTX đã chủ động đặt vấn đề liên kết đào tạo, tận dụng thời gian rảnh rỗi để đội ngũ thuyền viên HTX tham gia nhiều lớp thuyền trưởng, máy trưởng kết hợp với việc tuyên truyền các kiến thức pháp luật. Ông chủ động trong việc xây dựng thương hiệu, đăng ký hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO nhằm xây dựng HTX Rạch Gầm thành doanh nghiệp vận tải đường thủy chuyên nghiệp của cả nước. Ông Liêm khẳng định quyết tâm xây dựng thương hiệu của đơn vị mình bằng chính sự uy tín cũng như hiệu quả kinh doanh có như vậy mới phát triển bền vững, lâu dài được.

Đến thăm vườn thơ biệt thự Hoa Mai của nhà thơ, doanh nhân Trần Đỗ Liêm vào những ngày cuối năm bận rộn, bên ấm trà ngon xứ Bắc nghe ông kể chuyện đời, chuyện nghề tôi cảm nhận ở Trần Đỗ Liêm dường như cùng lúc song song tồn tại cái đầu lạnh của một người làm kinh tế cùng với một trái tim ấm nóng và tâm hồn nhạy cảm của người nghệ sĩ. Điều hết sức đặc biệt ở Trần Đỗ Liêm ngoài việc kinh doanh và là một doanh nhân thành đạt, ông còn có niềm đam mê viết văn, làm thơ. Tính đến nay Trần Đỗ Liêm đã xuất bản 4 tập thơ in riêng: “Đi dọc Việt Nam”, “Quê hương, tình yêu”, “Cho cau gặp trầu”“Mơ gọi về”. Về ký văn học ông đã xuất bản 4 tập: “Con người và sông nước ĐBSCL”, “Sông nước quê mình”, “Nỗi niềm sông nước” , “Miệt vườn cựa quậy”. Và mới đây nhất là tập phê bình tiểu luận mang tên “Vùng đất hồn thơ”. Ngoài ra, Trần Đỗ Liêm có hàng chục tác phẩm in chung cùng rất nhiều sáng tác được giới thiệu trên các phương tiện thông tin đại chúng khắp cả nước.

Có thể nói với Trần Đỗ Liêm, thơ giống như một người tình, nơi ông gửi gắm những tình cảm, những suy tư, trăn trở rất đỗi riêng tư của mình nhưng lại mang đậm hơi thở của thời đại. Thơ của Trần Đỗ Liêm vì thế không có những từ đao to búa lớn, không rơi vào hũ nút khó hiểu mà mộc mạc, phóng khoáng, tài tử như những người dân Nam bộ. Trần Đỗ Liêm đã thổi vào thơ mình những cảm xúc tinh tế, lãng mạn, những tình cảm ấm áp nghĩa tình.

Với Trần Đỗ Liêm thơ ông luôn lắng đọng nhiều xúc cảm về những vùng đất mà ông đã đặt chân qua. Viết về nhiều cảnh đẹp của quê hương đất nước nhưng nhà thơ không chỉ tả mà còn gửi vào trong đó cái tình và chất men say đắm của người viết. Trần Đỗ Liêm đi nhiều, và nhìn sự vật, con người quanh mình bằng con mắt và tấm lòng của một nhà thơ. Chính những con người và mảnh đất ông qua đã nuôi dưỡng, hun đúc tâm hồn Trần Đỗ Liêm.

Là một doanh nhân, Trần Đỗ Liêm có dịp đi nhiều nơi, tiếp xúc nhiều người. Đó chính là chất liệu cho nhiều sáng tác của nhà thơ. Và cũng từ những chuyến đi, thực tại đời sống đã đọng lại trong thơ Trần Đỗ Liêm với những cái nhìn sâu rộng và nhiều chiêm nghiệm sâu sắc. Nhà thơ đã chắt lọc những cảm xúc của mình suốt những năm tháng “lãng du” dọc dài khắp mọi miền đất nước và cả nơi xứ người… Qua thơ, Trần Đỗ Liêm đã dẫn dắt người đọc vào những cuộc hành trình từ quá khứ đến hiện tại, từ làng ra phố, từ Đông sang Tây, từ mảnh đất Tiền Giang dạt dào sông nước nhìn ngắm vẻ đẹp của mọi miền Tổ quốc và bước ra thế giới, từ đời sống thực tại đi vào cõi tâm linh. Và trong suốt những cuộc hành trình thú vị đó, bạn đọc bắt gặp nhiều tứ thơ lung linh, nhiều câu thơ lấp lánh dọc đường đi. Trần Đỗ Liêm đã ghi lại nhật ký hành trình của mình bằng những vần thơ dạt dào cảm xúc và lắng đọng.

Không chỉ am tường về giao thông vận tải, về kinh tế vi mô đến vĩ mô, Trần Đỗ Liêm còn rất am hiểu về văn học và triết học. Ông không chỉ thuộc làu Truyện Kiều của Nguyễn Du mà còn có thể đọc vanh vách nhiều đoạn trích mà mình tâm đắc trong “Thép đã tôi thế đấy” của Ostrovski hay bút ký “Đường chúng ta đi” của nhà văn Nguyễn Trung Thành. Và biệt thự thơ Hoa Mai trên đường Lý Thường Kiệt (Thành phố Mỹ Tho) của ông từ lâu đã trở thành nơi giao lưu, gặp gỡ, trao đổi thơ văn của giới văn nghệ sĩ trong và ngoài tỉnh. Ông bộc bạch: “Với tôi, sáng tác là một công việc tự giác và chiếm không ít thời gian, tâm trí cũng như sức lực. Nhưng khi đối diện với trang viết, tôi lại là chính mình. Nó giúp tôi lấy lại thăng bằng, giải tỏa những căng thẳng trong cuộc sống. Đó cũng chính là cách “làm giàu” cho tâm hồn mình”.

Ngoài việc kinh doanh và sáng tác, ở Trần Đỗ Liêm còn có một niềm đam mê khác, đó là sách. Biệt thự thơ Hoa Mai của ông còn là một thư viện sách mini với hàng ngàn quyển sách cũ mới, trong đó phần lớn là sách văn học được ông góp nhặt trong hơn nửa thế kỷ qua. Nhiều quyển sách quý từ những năm cuối thập niên 50 đã úa vàng vì thời gian được ông lưu giữ cẩn thận trong các tủ kính như một thứ tài sản quý giá. Yêu sách, quý sách là thế nhưng đối với những ai cần ông sẵn sàng cho mượn. Và không ít lần kho sách của ông đã trở thành nguồn tư liệu quý giá cho những học viên cao học và nghiên cứu sinh hoàn thành luận văn của mình. Trần Đỗ Liêm chia sẻ sách là món ăn tinh thần không thể thiếu trong cuộc sống của ông. Đọc sách ngoài việc thu thập được nhiều kiến thức, một thú vui tiêu khiển thời gian thì mỗi cuốn sách ông được đọc qua điều giúp ông chiêm nghiệm thêm nhiều điều thú vị về cuộc sống.

Thành đạt trên thương trường, Trần Đỗ Liêm không quên việc “Đền ơn đáp nghĩa”. Trong những năm qua, Trần Đỗ Liêm đã trích một phần lợi nhuận kinh doanh của HTX Rạch Gầm để xây dựng hơn chục căn nhà tình nghĩa, nhà tình thương dành tặng các gia đình chính sách ở địa phương, đồng thời nhận phụng dưỡng suốt đời 2 Mẹ Việt Nam anh hùng. Trần Đỗ Liêm còn là mạnh thường quân thường xuyên quan tâm giúp đỡ hướng dẫn, tài trợ cho các hoạt động của CLB Sáng tác văn học trẻ  thuộc Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Tiền Giang cũng như CLB Văn học của sinh viên Trường Đại học Tiền Giang.

Khi tôi hỏi ông đã dành hơn nửa đời người để theo nghề sông nước, có bao giờ ông cảm thấy ngán nghề sông nước chưa? Ông Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Rạch Gầm bật cười: “Gần 35 năm trước, khi ngồi viết phương án xây dựng HTX tôi không nghĩ mình có thể gắn bó với HTX Rạch Gầm từ khi còn là một anh chủ nhiệm cho đến khi trở thành ông chủ nhiệm, và bây giờ thì sắp thành “cụ” chủ nhiệm luôn rồi. Có lẽ vùng đất Tiền Giang hữu tình dạt dào sông nước với những vườn cây xanh trái ngọt và những con người chất phác thật thà đã thành định mệnh gắn tôi với những chuyến hàng trĩu nặng. Ngành vận tải là một ngành đặc biệt, nó không tạo ra sản phẩm nhưng lại góp phần làm tăng giá trị sản phẩm. Tôi yêu vùng đất này và tôi muốn góp phần làm gia tăng giá trị hạt gạo, giá trị nông sản của những nông dân một nắng hai sương làm ra đồng thời đưa kinh tế miền Tây phát triển, xây dựng vùng đất này ngày càng giàu đẹp xứng với tầm vóc của nó”.

Những điều ông bộc bạch thật giản dị, chân tình nhưng lại chất chứa nhiều tâm huyết. Nó khiến tôi liên tưởng dường như tố chất của người lính thanh niên xung phong vẫn còn cháy âm ỉ trong con người này. Người lính xung kích thời nào cũng đầy gian khổ, nếu chí không bền thì khó lòng vượt qua mọi thử thách. Và tôi tin rằng khi từ sông ra biển lớn, người thuyền trưởng đã được trui rèn ấy cũng sẽ luôn vững chắc tay chèo.

Mai Hương
(Theo Văn nghệ Tiền Giang số 77)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 174
  • Khách viếng thăm: 166
  • Máy chủ tìm kiếm: 8
  • Hôm nay: 8203
  • Tháng hiện tại: 2240753
  • Tổng lượt truy cập: 46207986