Quà tết

Đăng lúc: Thứ tư - 01/02/2017 16:12
Cùng với việc xông đất, thăm viếng, chúc tụng nhau trong năm mới, quà tết từ lâu cũng được xem là một phong tục trong dịp xuân về, dù không được ghi thành văn, ít được nhắc tới (có lẽ vì thuộc lãnh vực tế nhị).
Minh họa: Thanh Tiên

Minh họa: Thanh Tiên

Tôi nhớ, ngày còn bé, vừa bước vào rằm tháng chạp đã nghe bà tôi nhắc nhở đến việc chuẩn bị gà vịt, bánh phồng bánh tráng, trái cây để “tết” ông bà, sui gia, bà con thân tộc.

Việc biếu và nhận quà tết thường diễn ra sớm, khi vừa bước qua hai mươi tháng chạp, rầm rộ khoảng hăm lăm, hăm sáu đổ về sau và kết thúc vào ngày ba mươi, có khi mãi đến trước cúng giao thừa.

Trong ký ức tuổi thơ tôi, việc chuẩn bị quà đi tết cũng như việc nhận quà biếu ngày ấy, thật háo hức và chan chứa nghĩa tình. Từ hai mươi, má đã hối mấy chị em tôi đi chợ mua bánh mứt, trà lá thèo lèo xách về quê cho ông bà cúng đưa ông táo.

Cuộc hành hương về hai bên nội ngoại trước tết là ký ức tuổi thơ sống động nhất trong những ngày rộn rịp chuẩn bị đón năm mới. Trước đó, má đã soạn sửa từng món, dặn dò kỹ lưỡng phần nào biếu ông bà, rồi cậu mợ, cô chú, đến những người hàng xóm tối lửa tắt đèn thân thuộc dưới quê. Chị em tôi phải cộ mấy cái túi xách bự chảng ra bến xe. Về tới quê đi rạc cẳng cả ngày trời mới phân phát hết quà tết của má. Cực nhưng mà vui. Thích nhất là quang cảnh nhộn nhịp những ngày cận tết. Đường làng tấp nập người qua kẻ lại gồng gánh trái cây, rau cải đi bán chợ phiên. Chợ làng gần như họp sáng đêm. Tiếng mặc cả nói cười, hỏi han nhau về mùa màng, lứa gà, bầy heo, vịt náo nhiệt một góc sân đình, nơi họp chợ. Thích nhất là được nhìn ngắm những luống vạn thọ, sao nhái vàng ươm, mào gà đỏ rực, và những cây mai đơm đầy nụ trước các ngõ nhà. Hồi đó không có nhiều chủng loại hoa du nhập, lai tạo như bây giờ. Tết ở quê, nhà nào cũng ươm vài luống vạn thọ, lặt lá, chăm bón mấy cây mai để có bông chưng cúng. Có thể nói vạn thọ, mai vàng, biểu tượng cho sự trường tồn, may mắn là hai loài hoa dân dã luôn hiện diện vào dịp tết ở vùng quê Nam bộ nhiều thập niên qua. Cùng với những cơn gió chướng lao rao thổi, những chồi mai biếc, những nụ “vạn” đơm đầy, tiếng chày quết bánh phồng nhịp nhàng đầu trên xóm dưới, là tết đã ùa về thôn xóm. 

Những cuộc hành hương về quê cuối năm cũng là dịp gắn kết tình thâm gia tộc họ hàng, mà trong suốt ba trăm sáu mươi lăm ngày cuộc mưu sinh, bận rộn tất bật ở chốn thị thành có làm xao lãng. Cảm động làm sao khi đón nhận ánh mắt mừng mừng tủi tủi, những cái nắm tay rờ rẫm của ông bà: Mấy chị em năm nay lớn bộn rồi… cùng những lời thăm hỏi ân cần của bà con lối xóm.  Rồi khi quay trở về thành phố, cùng với tấm lòng đầy ắp chân tình, giỏ xách cũng trĩu nặng nào trái cây, bánh phồng, bánh tráng, khô sặc, khô cá lóc, gà vịt, chuối khô… những món quà thấm đẫm hồn quê.

Sau này tôi lớn lên, ra đời đã trải qua không biết bao cái tết với rất nhiều lần được nhận và tặng quà, nhưng không sao tìm lại cảm giác ấm áp, thích thú khi cho và nhận như ngày nào. Dường như bây giờ những món quà tết ngày càng tăng về giá trị thì lại nghèo nàn đi về cái nghĩa cái tình. Lắm khi tặng quà cho nhau chỉ vì bổn phận và nghĩa vụ. Người ta cứ ào ào ra shop, ra siêu thị khiêng những giỏ quà gói sẵn (đôi khi không biết trong đó có những thứ gì, ngon dở ra sao) rồi rải đi mà tặng. Người cho đã thế, người nhận cũng ơ thờ buông lời cám ơn suông, không chút xúc động vui mừng…

Lâu rồi, tôi không còn háo hức, thú vị trước những món quà tết nữa… Bỗng sáng ba mươi năm nọ, tôi nhận được cuộc gọi từ điện thoại công cộng. “Nhà bạn ở đâu, sao bây giờ đường sá lạ quá, mình đi tới đi lui hoài mà hổng tìm ra? Là cô bạn lấy chồng về dạy học ở quê mấy năm nay. Tôi ra cổng đứng một lúc mới thấy bạn chạy trờ tới. Chiếc xe đầy bụi đỏ đường quê. Quà xuân của bạn là chiếc thùng giấy cũ được ràng rịch cẩn thận. “Năm nay vú sữa chín trễ, mình đi lùng khắp vườn mới được bấy nhiêu. Nảy giờ dằn xóc hổng biết có giập không”.

Tôi xuýt xoa vì bạn phải cực nhọc lặn lội đường xa mang quà tết cho tôi. Bạn về, tôi tẩn mẩn gỡ từng lớp dây buộc, mở tung chiếc thùng giấy. Một lớp lá chuối nõn nà, rồi lớp lá lục bình xanh mướt phủ lên những trái sữa tròn căng gói cẩn thận trong giấy pơ lua trắng được ôm áp chở che bởi hai tầng lá êm ái bên dưới nữa (sau tôi được biết lá chuối lót cho vú sữa khỏi bị giập, còn lục bình là để giữ cho trái được tươi).

Tôi bồi hồi như ngửi thấy mùi nắng trong vườn, mùi của cây lá, của triền sông bờ bãi…, như thấy mồn một dáng bạn cặm cụi dõi tìm những trái sữa hiếm hoi trên cành, nâng niu rồi tỉ mẩn xếp từng trái một trên lớp lá mịn màng êm ái…

Lâu rồi tôi mới nhận được món quà tết mang đến nhiều cảm xúc như vậy.

Thu Trang
(Theo Văn nghệ Tiền Giang số 78)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin cũ hơn

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 413
  • Khách viếng thăm: 405
  • Máy chủ tìm kiếm: 8
  • Hôm nay: 71497
  • Tháng hiện tại: 1820397
  • Tổng lượt truy cập: 48194524