Gặp gỡ

Đăng lúc: Thứ ba - 02/10/2018 11:11
1. Ngay từ đầu ngõ tôi đã thấy là giống lắm mặc dù hơn mười lăm năm rồi không gặp hắn. Tóc hắn bây giờ đã bạc gần hết. Bộ răng giả khiến tiếng nói cười của hắn nhao nhão, không như ngày xưa có cái vẻ gầm gừ của loài chó, nhất là khi hắn sắp sửa đánh ai. Nhưng dáng đi của hắn thì dù có lẫn trong đám đông tôi cũng nhận ra ngay. Đạn phá vỡ xương đùi khiến chân trái ngắn lại hắn đi vẹo sang một bên, lưng cũng ẹo theo, buồn cười lắm. Như cô gái làm điện õng a õng ảnh mà lại chỉ mang mỗi một chiếc guốc cao gót thôi. Tôi làm sao mà lầm được.
Minh họa: Thanh Tiên

Minh họa: Thanh Tiên

Hắn đốt ba cây nhang cắm trước linh cữu Bác Hai tôi, rồi toan sụp lạy, ông anh, con bác tôi, vội nắm hắn lại:

- Anh Năm ơi, chân anh yếu, đứng vái là được rồi.

Sao lại là anh Năm? Tôi nhớ là hắn thứ ba mà! Ra thằng này đổi tên đổi thứ để về lẩn lút ở đây không thèm trình diện học tập. Ông anh tôi thế mà dở! Là trưởng công an phường mà để thằng ác ôn ở gần, lại còn có vẻ quý mến nó nữa mới lạ! Nhưng biết đâu tôi lầm người. Đời đâu phải chỉ có mỗi một anh què chân trái.

Thằng cháu tôi xách bình nước đến. Nước đầy quá, một tia nóng hổi vọt ra khỏi vòi trúng cánh tay hắn. Anh tôi suýt nữa đã tát tai con. Hắn cười, ngăn anh lại, rồi xăn tay áo lên. Trên bắp tay có xăm quả tim màu đỏ, với mũi tên xanh xuyên qua dưới có bốn chữ mà xa quá tôi không đọc được. Không đọc được nhưng tôi thừa biết đó là bốn chữ: “HẬN TÌNH DANG DỞ”. Và thế là đúng. Đúng là thằng Ba Ẹo.

Tôi cũng nhớ luôn Ba Ẹo chỉ là cái biệt danh mà đám công an ở trung tâm thẩm vấn của Tổng nha cảnh sát  đặt cho hắn, để chế nhạo thôi. Kỳ thật thì hắn thứ Năm. Một anh người miền Trung đã bị luôn hai trận đòn vì hai cái thứ: ba và năm này.

Hôm trước, anh bị gọi lên phòng thẩm vấn số hai lấy cung. Mọi người dặn dò anh kỹ lưỡng. Ở phòng đó cần đề phòng thằng Ba Ẹo, chúa hay kiếm chuyện đánh đập, tướng tá của hắn thế này, giọng nói hắn thế đó. Lên văn phòng anh nhận ra hắn ngay. May quá không phải hắn thẩm vấn anh! Hỏi đáp chưa mấy câu, bất đồ hắn ở bàn bên hỏi với qua.

- Ê, thằng kia, mày phải dân Quảng Ngỡi không?

- Tôi ở Phú Yên, thưa thầy Ba!

Hắn chồm lên, mặt đỏ rần:

- Sao? Thằng khốn nạn! Mày gọi tao là thầy Ba à? Ba gì? Ba Ẹo phải không?

Hắn xô ghế nhảy ra, vớ lấy cây chổi lông đánh bổ xuống đầu anh Phú Yên. Giận đến phát cuồng, hắn quên phứt rằng đánh bằng đầu chổi thì đau đớn gì. Cả phòng cười hô hố. Hắn trở cán đánh nữa. Anh kia vừa né vừa thụt lùi. Hắn đuổi theo anh quanh phòng, cà thọt cà nhảy loi choi. Những tù nhân dù lo lắng đăm chiêu cũng không nín cười nổi. Hắn càng tức đụng ai đánh nấy. Tù nhân náo loạn chạy núp khắp nơi, các thẩm vấn viên vừa lo che chắn cho họ vừa cười sặc sụa. Cuối cùng hắn mệt đuối, ném chổi:

- Tao xử tử hết tụi bây. Tao đi lấy súng.

Trưởng phòng thẩm vấn phải lôi hắn ra ngoài, có lẽ là xuống căn tin uống nước. Nhưng trong phòng không còn ai làm việc nghiêm chỉnh nổi nữa. Công an thì chốc chốc lại phá lên cười. Tù nhân thì nhấp nha nhấp nhổm, sợ Ba Ẹo trở lại, cứ giật mình thon thót. Mọi khi việc đó đủ để cho họ bể đầu giập mũi rồi.

Trưa, anh Phú Yên về trại kể lại sự tình. Một anh cũ vỗ đùi:

- Phải rồi, Ba Ẹo là dưới trại này mình gọi, thực ra nó thứ Năm. Anh em không nói rõ với anh. Nó nghe cái tên Ba Ẹo là nổi sùng đánh chết đấy.

Hôm sau, anh Phú Yên lại bị gọi đi thẩm vấn. Anh yên tâm vì không thấy Ba Ẹo. Ai ngờ, một lúc sau, thẩm vấn viên bỗng phát cười sặc sụa. Anh quay lại và hết hồn. Ba Ẹo lù lù sau lưng anh.

Như con rắn độc muốn thôi miên con mồi, hắn nhìn anh một lúc lâu, thưởng thức đến cùng tột nỗi kinh hoàng, tê điếng của đối tượng. Rồi hắn gật gù:

- Hết “ngoan cố” chưa con?

- Tôi đâu dám, thưa thầy Năm!

Hắn giật thót người:

- Oái! Sao lại biết tao là thầy Năm? Á, à! Ra là thằng này đã bỏ công theo dõi điều tra kỹ càng về tao. Để ám sát tao chớ gì?

Rồi màn kịch hài như hôm qua lại tái diễn, cũng đánh chửi lung tung, cũng đòi bắn bỏ. Hôm nay, thằng cha lại có mùi rượu mới ghê nữa chứ. Nó đến đâu là thầy chú lẫn tù nhân phải ngừng lại, kẻ sợ nó xen vào, kẻ sợ nó đánh ẩu. Chết tù nhân thì người thẩm vấn lãnh đủ chứ đâu phải thằng đánh ké. Còn cái điệu bộ của nó, ai mà nín cười nổi. Làm nghề thẩm vấn mỗi chút mỗi la lối đánh đập, coi vậy cũng cực khổ lắm. Thỉnh thoảng có trò hề chọc lét cho vui cũng được. Nó làm quên cái mỏi mệt đi.

2. Ba Ẹo là thằng ác ôn trong máu tủy, trong nhân của từng tế bào. Ngày nào không hành hạ người khác được, dường như nó không sống nổi. Chuyện gì nó cũng đánh. Không có chuyện nó cũng bới ra chuyện. Không biết vì sao nó vẫn được làm việc. Chứ nếu mang nó ra khám y khoa chắc rất dễ phát hiện những tổn thương trong bộ não hay chí ít cũng xác định được những lệch lạc trong hệ thần kinh của nó.

Một hôm, phòng thẩm vấn số hai đang hoạt động cật lực vì vừa xảy ra vụ nổ mìn ở một rạp chiếu bóng, thì Ba Ẹo về. Hắn đi truy lùng và con mồi của hắn thoát bẫy nên có vẻ cau có. Như thường lệ, thấy hắn là những thằng khác ngưng lại, chuẩn bị để cười vui giải trí một chút.

Hắn đến gần một anh còn trẻ, có dáng sinh viên, vuốt tóc anh và thở dài:

- Tội nghiệp! Còn trẻ quá mà đã ra thân tù tội!

Rồi móc tấm ảnh khổ 9 x 12 chìa ra trước mắt anh:

- Thấy mày ngây thơ dễ thương tao cũng mở cho con đường sống. Đây là ảnh của gia đình tao, toàn là phụ nữ. Mày chọn ai tao sẽ gả người đó cho mày. Thế là mày thành người thân của tao, tao sẽ lãnh mày ra khỏi bị đòn bộng nữa. Chọn đi!

Anh thanh niên ngồi yên. Hắn nổi đóa nện cho hai thước kẻ:

- Đồ chó! Non nước này mà còn làm cao à? Gia đình tao mà mày dám chê là thấp hèn không đáng cho mày trao thân gởi phận phải không?

Tên thẩm vấn ngồi trước mặt cũng giả vờ khuyên:

- Thôi anh ráng chiều ổng chút đi! Anh không biết ông này là ông Ba Ẹo à? Ai trái ý ổng, ổng đập cho ẹo xương sống chết luôn đó!

Cái uy danh của Ba Ẹo làm anh thanh niên khiếp đảm:

- Nhưng tôi làm sao bây giờ?

- Thôi thì nhắm mắt lại, vái van ông địa rồi chỉ đại ai đó, cho khỏi đòn.

Anh ta nghe theo, nhắm mắt chỉ đại. Cả phòng cười ầm. Ba Ẹo tức tối:

- Đồ chó đẻ! Sao mày chọn má tao? Mày đòi làm cha tao à? Hỗn này!

Một loạt thước kẻ giáng xuống túi bụi. Thẩm vấn viên chận lại:

- Thôi, anh chỉ chỗ khác cho mau, ổng giết anh bây giờ đó!

Anh chỉ một phụ nữ xồn xồn, vợ Ba Ẹo. Lại đòn tơi bời, sao mày giành vợ tao? Chính là mày, năm trước đã bắn tao, mày muốn giết chồng để đoạt vợ đây mà!

Anh chàng tội nghiệp bấn loạn, tay chân run bần bật. Cả phòng xúm lại, người can gián Ba Ẹo, người giả vờ xuýt xoa khuyên bảo:

- Anh mở mắt ra đi. Lần này, lựa đúng con gái của ổng mà chỉ. Coi bộ ổng thương anh quá. Hèn chi ông bà chẳng nói là thương cho roi cho vọt, hay ghê!

Con ác quỷ đó sao lại có đứa con gái mặt mày khá xinh, nhu mì, phúc hậu. Anh chỉ cô ta xong cũng lại bị đòn. Thì ra lại lỗi của anh nữa. Anh muốn làm rể tại sao gặp cha vợ chẳng lạy chào. Vậy là vô phép nhé con! Cha vợ phải đánh dạy con đây!

Phòng thẩm vấn có người cười hết ra tiếng. Ba Ẹo đi đã lâu rồi mà mạnh ai cứ nhái lại, hết điệu bộ đến lời lẽ của hắn. Anh thanh niên lúc bị gọi là “Cha hờ của Ba Ẹo” lúc là “Ba Ẹo chi phò mã” lúc là “Ba Ẹo nhí”.

Anh em tù đều căm phẫn cái cảnh làm người khác đau khổ để cười chơi ấy. Tuy nhiên, rõ ràng là không khí của các cuộc thẩm vấn sau đó có nhẹ nhàng hơn, cung cách cật vấn cũng dễ dãi hơn. Thôi thì thở được lúc nào hay lúc ấy. Trong khung cảnh rùng rợn của phòng thẩm vấn, những hành động lố bịch của Ba Ẹo nhiều khi có một tác dụng kỳ lạ. Nó làm ai nấy bớt căng thẳng. Đòn giỡn dù sao cũng ít đau hơn đòn tra, mà lại có khi chận bớt được đòn tra. Thằng ác ôn này ngu. Nó phá đồng bọn nó mà nó không biết.

Cả bọn bị phá cũng không biết. Thằng nào cũng thích Ba Ẹo. Trước hết, có nó thì vui rồi cái tật ham đánh người xui giục nó ngày nào cũng lết vào trung tâm. Bọn đồng nghiệp tha hồ lợi dụng. Dù là ngày nghỉ, Ba Ẹo vẫn sẵn sàng gác thay, làm việc thay cho ai đó gặp cảnh vợ sinh con bệnh, hay cờ bạc chơi bời thâu đêm, quá mệt. Do đó lúc nào hắn cũng có thể có mặt để tác oai tác quái tràn lan.

3. Tôi bị bắt mới ba ngày song đã năm sáu lần mặt đối mặt với hắn. Hắn tham gia chận bắt tôi tại ngã tư Phan Đình Phùng - Cao Thắng. Hắn và hai tên nữa điệu tôi về nhà đốt hết giấy tờ sách vở. Đêm ấy, hắn gác ca chót tại trại C của trung tâm thẩm vấn. Chiều hôm sau, hắn xách giấy gọi tôi lên phòng điều tra. Hắn quấn thun vào hai cườm tay tôi để treo lên. Hắn bịt mũi tôi cho đồng bọn đổ nước. Hắn không trực tiếp điều tra tôi, nhưng những câu hắn chửi bới đến cha mẹ, đến ông, bà nội ngoại, cố sơ của tôi nếu ghi lại chắc phải đầy một cuốn băng các-séc loại chín mươi phút.

Bị giặc bắt là một thất bại lớn. Tuy nhiên tôi cũng có những cái may nho nhỏ. Tôi kịp thấy mặt thằng phản bội đã chỉ bắt tôi. Như thế tôi nắm được ngay là địch đã biết mình đến mức độ nào. Không có cái may mắn này thì mệt đấy. Nếu mình tưởng là tình cờ bị bắt thì có thể phải chịu hàng chục ngày tra tấn để dò dẫm tình thế. Hậu quả là mình kiệt sức, dễ sơ hở, dễ lung lay và gục ngã.

Điều nữa, là tôi không bị Ba Ẹo thẩm vấn. Tôi không ngán đòn của nó. Thằng nào ở đây mà chẳng đánh. Nhưng nó là thẩm vấn loại tồi, kéo dài lê thê, bị đánh tới đánh lui. Rồi hồ sơ bị cấp trên chê, phải làm lại, hoặc thay người thẩm vấn nghĩa là lặp lại từ đầu những trận tra tấn chết người.

Trưa ngày hỏi cung thứ ba, tôi chiếm một góc trong phòng 5 của trại C, nằm suy nghĩ. Anh em trong phòng đa số làm cung xong đã đủ thoải mái để đánh cờ hoặc nói chuyện. Tôi tự kiểm điểm. Dường như tôi đã chống đỡ khá tốt. Trước tiên tôi làm ra vẻ như chúng chưa biết gì cả về tôi. Tôi không nhận gì hết. Tôi chịu đòn trọn ngày đầu, và nửa ngày kế. Rồi tôi ra vẻ thấm đòn, chịu nói về quá trình của mình và quan hệ với những người đã bị bắt, nói rất thật. Còn sau khi đơn vị bể bạc, tôi kịp chạy về quê. Thấy có vẻ lắng dịu, tôi lẻn lên thu thập tư trang để rồi trốn hẳn, chấm dứt mọi hoạt động. Đơn vị đã bể trắng nên chẳng biết đâu mà liên lạc với trên.

Bản cung của tôi rành rẽ mạch lạc. Thằng thẩm vấn gài bẫy, hỏi tréo lại phần trước nhiều lần, lời khai lại của tôi vẫn nhất quán, không một chữ sai lệch. Y có vẻ hài lòng khi mang cung trình trưởng phòng. Thằng này mặt tái, môi thâm, hẳn là ghiền ma túy và chắc chắn rất thâm hiểm. Nó cầm bút chì điểm vào mấy tờ giấy và nói rất dài, nho nhỏ. Ba Ẹo đâu cũng bước đến, đứng nghe. Hắn ngậm điếu Ruby cháy nửa chừng. Khói thuốc xông lên làm hắn nheo nheo mắt. Thỉnh thoảng hắn gật đầu.

Những cái gật đầu ấy làm tôi lo lắng. Lời khai ắt có sơ hở chỗ nào. Nó đủ thật ở những phần mà bọn này đã nắm được qua tên phản bội, đủ để chúng tin tôi. Những gì chúng chưa biết tôi sẽ che chắn cực kỳ khéo, chắc chẳng lòi manh mối nào. Tôi cũng sẵn sàng chịu vài trận đòn nữa để chứng minh rằng mình đã nói hết. Nhưng…

… Chỉ nửa tháng sau khi cơ sở bể, tôi đã bắt được liên lạc với trên, qua một khớp hẹn dự bị chỉ có tôi và Tư Hoàng - Bí thư cũ của tôi biết. Mà đồng chí ấy đã hy sinh lúc bị khai thác rồi. Trong đơn vị chỉ có một tên phản bội thôi. Các đồng chí khác đã bảo vệ được nhiều bộ phận bên dưới. Chính tôi đã tập hợp các anh em còn lại, củng cố sinh hoạt, tiếp tục công tác. Cho đến nay, không có dấu hiệu chứng tỏ địch biết cơ sở vẫn còn. Tuy nhiên đây là nơi đầu não của ngành công an, tập hợp nhiều tay nghiệp vụ giỏi, dày kinh nghiệm. Hồ sơ lưu trữ, phương tiện xác minh ở đây rất đầy đủ. Nào biết chúng nó sẽ mò ra được cái gì?

Tâm trạng như thế, giữa lúc này, tôi biết là vô cùng nguy hiểm. Chẳng khác một võ sĩ đứng trên một rẻo đất trơn trợt kề miệng hố mà lại phải chống đỡ một đối thủ vừa mạnh hơn vừa có vũ khí. Nhưng làm thế nào bây giờ! Chỉ còn có thể tự trấn an mình rằng, cùng lắm là dám chấp nhận chết như anh Tư Hoàng vậy. Anh đã hy sinh để bảo vệ tôi. Đến lượt tôi phải bảo vệ những gì còn lại.

Buổi chiều, ngay câu hỏi đầu, tôi biết ngay tình thế rất căng:

- Cơ sở của Tư Hoàng tập hợp lại được bao nhiêu sau khi y bị bắt?

- Tôi không làm công việc ấy. Tôi chỉ bỏ trốn luôn.

- Nghĩa là có những đầu mối cần liên hệ lại nhưng anh chưa làm?

- Tôi không biết. Tôi không có nhiệm vụ.

- Vậy ai trong đơn vị anh có nhiệm vụ đó?

- Tôi không biết.

- Phải có. Nếu anh không biết là ai thì đó phải là anh.

- Không phải tôi.

Nhìn vai y, tôi biết sắp sửa bị đánh bên  phía phải. Tôi niểng đầu về phía đó, để kịp thời nhích vai lên che bớt đòn. Bỗng “bùng” một tiếng, chùm pháo bông tung tóe trong đầu tôi, trước mắt tôi. Rồi tất cả đen ngòm lại.

4. Tôi dần dần khôi phục tri giác. Đau, đau ghê gớm bên trái. Ai đang chùi máu cho tôi, rát lắm, từ khớp quai hàm kéo dài đến xương gò má. Mắt tôi không mở được. Mà cũng không cần. Có tiếng hỏi:

- Tỉnh chưa?

- Chưa thấy có dấu hiệu sếp ơi!

Chắc một tù nhân khác săn sóc tôi, chứ không phải y tá. Nhiều tiếng cãi vã:

- Các anh có như tôi, có bị chúng bắn vỡ xương đùi, mang tật suốt đời, các anh mới hiểu nổi sự phẫn hận của tôi trước một tên cộng sản ngoan cố.

- Anh có hận thì cũng phải để tôi khai thác nó cho xong chứ.

- Trời ơi! Tôi phục anh sát đất. Anh mới ngồi nói mãi nổi với cái bọn “Tam vô” này. Lúc nào nó cũng ba không: không có, không biết, không phải.

Tên trưởng phòng lên tiếng:

- Anh đánh nó thế đó rồi làm sao khai thác?

- Tôi nhìn nhận có lỡ hơi mạnh tay. Nhưng rồi các anh coi. Chừng tỉnh dậy thì tam đại nhà nó, nó cũng khai tuốt luốt.

- Nó chết luôn thì sao?

Ai đó buông câu pha trò:

- Chà! Khó đó! Nó chết thì Ba Ẹo phải mũ rơm áo thùng, chống gậy tre đưa ma, rồi phải khóc nữa chứ!

Ba Ẹo nổi đóa chửi thề một tràng dài:

- Nó chết, tôi đá vào xác đúng một trăm cái, rồi bỏ bao bố thả trôi sông.

Người vừa pha trò nói thêm:

- Mà nó chưa chết, cũng không tỉnh. Thôi sếp phạt Ba Ẹo phải chở nó đi bệnh viện Chợ Quán, rồi ở đó hầu hạ ba tháng.

Ba Ẹo lại chửi rùm. Bọn kia khoái chí cười ầm. Trưởng phòng vỗ bàn:

- Đúng rồi! Mày gọi xe ngay. Ba Ẹo chuẩn bị đi cha. Mà này! Cha mà làm nó chết dọc đường tôi sẽ báo cáo thiếu tướng nhốt cha sáu tháng đấy!

Ba Ẹo còng tay tôi và lầu bầu rằng cha mẹ tôi không phải giống người, sinh ra cái quái thai như tôi để rồi hành hạ hắn. Đồ khốn kiếp! Chớ không phải hắn đã làm cho tôi dở sống dở chết đây sao?

Thằng cha lấy cung tôi lại hỏi:

- Nó như vậy đó mà còn còng sao?

- Thôi đi cha! Cộng sản mà! Chừng nào nó chết tôi mới hết đề phòng. Cha dầu khỏe như trâu tôi cũng đếch ngán bằng  một thằng cộng sản hấp hối. Mà có khi cái xác chết nó còn ráng chơi mình cú chót rồi mới chịu nằm luôn. Ớn óc lắm!

Xe ra khỏi Tổng nha, xóc một cái mạnh. Ba Ẹo quát tài xế:

- Cẩn thận nghe cha! Nó đứt luôn là chết mẹ!

Máu trên mặt tôi có lẽ lại chảy. Hắn móc khăn tay ra lau áp sát khăn lên vết thương để chận máu. Hắn cho đầu tôi dựa lên vai. Tay còn lại loay hoay gì đó. Một chút sau tôi ngửi thấy mùi nhãn phảng phất trước mũi. Sao nó lại làm thế? Sợ tôi chết? Có một chút hối hận? Trễ rồi Ba Ẹo ơi! Đời còn dài, tao với mày rồi có lúc gặp nhau! Mà phải được mặt đối mặt, súng cầm tay nữa mới khoái! Đảm bảo chỉ phát súng đầu thôi là lưng mày sẽ hết ẹo vĩnh viễn.

Anh y công khiêng cáng đi trước sơ ý để tay cáng va vào cạnh bàn. Đầu tôi lăn qua, dập chỗ đau lên thành cáng, tôi nhăn mặt. Ba Ẹo vội sửa tôi nằm ngay lại. Thôi chắc nó biết tôi đã tỉnh! Mặc kệ! Tôi cứ nằm yên với chút hy vọng mong manh rằng nó chưa kịp thấy. Nó hỏi người cán sự y tế trực xem vết thương nặng nhẹ.

- Chỗ khớp quai hàm bị giập, nhưng anh này còn trẻ, xương cũng mau liền lại. Có điều, nói năng ăn uống sẽ khó khăn một thời gian dài.

- Mắt có sao không?

- Mặt sẽ sưng, mắt trái không mở được ít ngày, chắc là không hư.

- Có thành điên điên khùng khùng không?

- Cái này thì khó xác định lắm. Cũng có thể đấy.

- Nếu nó giả vờ có dễ phát hiện không?

- Phải hỏi các chuyên gia tâm thần. Tôi thì chào thua. Anh ta quả thật có thể bị chạm thần kinh, rồi mất trí nhớ, ngây dại, hay bị động kinh co giật.

- Thôi anh băng bó cho nó. Tôi đi mua gói thuốc hút.

Ba Ẹo áp giải tôi đến trại chữa trị cho tù nhân. Tôi nằm yên chỗ hắn mới chịu tháo còng. Tàn ác quá! Nhưng nó cũng ngu tột độ. Thằng ăn cám sú đó có ngờ đâu tôi đã nghe hết. Giờ thì tôi chấp cái phòng thẩm vấn số hai của nó, chúng nó có giỏi nhào vào khai thác tra tấn tôi thử coi. Tôi sẽ khai tuốt tuột cấp trên và cơ sở bên dưới của tôi, nào là Ngô Đình Cẩn, Tôn Ngộ Không, Đác ta nhăn, Mít-xu-bít-si, Rốc-pheo-lơ, Hít-le và cuối cùng có cả Ba Ẹo nữa.

Tôi ú ớ. Một bạn tù trong phòng chạy đến. Tôi ra hiệu xin nước uống. Phải chống hai khuỷu tay để anh nghiêng ca nước vào miệng. Hớp ba hớp tôi đã choáng cả đầu. Ước gì những đau đớn này trút ngược lại cho Ba Ẹo! Tôi thả mình xuống từ từ. Ôi da! Sao có cái lon lớn dưới lưng. Tôi lại ú ớ. Anh bạn quay lại rút cái lon ra. Cái lon sữa Ghi gô, mà sao lại là lon mới chưa khui? Anh bạn cười:

- Khỏe thôi! Anh bồi dưỡng được rồi. Lúc anh được đưa vào tôi thấy nó nằm cạnh anh trên cáng.

Đưa tôi vào đây, ngoài hai y công thì chỉ có Ba Ẹo. Không lẽ lại là nó? Mà sao lại là cái thằng mặt ngựa đầu trâu đó mới được chứ?!?

5. Tháng sau, nội vụ của chúng tôi bị đưa ra tòa án quân sự. Thực ra, nó đã quá kéo dài rồi, tôi lại trong tình trạng khó mà khai thác nữa. Tất cả bị tống giam ở Chí Hòa, tôi cũng hết ngây ngây dại dại. Năm 1963 tôi lãnh bản án 15 năm khổ sai và bị đày ra đảo cho đến lúc trao trả trong khuôn khổ của Hiệp định Pa-ri.

Tôi được phục hồi mọi quyền lợi, được bố trí công tác ngay và có mặt ở thành phố những ngày đầu giải phóng. Tôi không đi lùng Ba Ẹo như toan tính ngày xưa. Công việc ngập đầu, với lại đã có chính sách. Nó có tội thì đã có luật pháp.

Hơn nữa, mười lăm năm qua rồi. Có quá nhiều thời gian để suy nghĩ cân nhắc. Tôi cũng gặp nhiều anh em từng ở Tổng Nha. Dĩ nhiên chúng tôi có đánh giá thằng Ba Ẹo nó ác ôn. Nó đánh tất cả mọi người. Tuy nhiên chẳng có ai vì bị nó đánh mà chết hoặc phạm sai lầm. Nó vừa ác mà cũng vừa ngu. Nếu nó không ác nhưng không ngu nó sẽ nguy hiểm hơn nhiều. Còn nếu nó vừa ác vừa khôn thì mới thật là một tai họa. Nó lại chỉ là nhân viên quèn. Cho đi cải tạo ít lâu cũng đủ đối với nó.

Thế nên, hôm nay, gặp hắn tôi không lồng lộn lăn xả vào. Tôi chỉ muốn biết nó đã được cải tạo hay chưa. Nếu nó vẫn nhởn nhơ tự do, chẳng ai biết, thì tức lắm. Cho đến bây giờ, khi tôi há mồm ngáp mạnh, tôi vẫn còn trật khớp quai hàm, đau đến buốt ruột phải chơi đâu!

Chắc là nó trốn trình diện đấy thôi. Nhưng dù sao cũng phải thận trọng. Lỡ nó đã được cải tạo, được cho về, mà tôi lại xốc vào cà khịa nữa thì các ông tổ chức sẽ phê cho một vố nhớ đời!

Hay tôi đến ngồi cùng bàn với nó, nhẹ nhàng nhắc chuyện xưa, bỉ mặt nó chơi?

Tôi đứng lên.

Ông anh họ bỗng cũng đứng lên đi về phía tôi:

- Chú ra tiếp ba ông bạn giùm tôi. Tôi phải bàn chuyện chôn cất ngày mai. Tiếp khách đàng hoàng nhé. Toàn là bạn chí cốt của gia đình.

Tôi hỏi nhỏ:

- Anh què chân là ai vậy? Làm gì?

- À, anh Năm Nghĩa, thương binh.

- Thương binh chế độ nào?

- Chú hỏi gì lạ vậy? Thương binh là thương binh chứ? Trước khi được hưởng chính sách, anh ấy công tác cùng ngành với tôi. Cuối năm 1975, hai đứa còn sinh hoạt cùng tổ Đảng nữa.

Cũng lạ, nghe đến đấy tôi bỗng thở phào khoan khoái. Mọi việc đối với tôi đều sáng tỏ. Tôi đến bàn nước bắt tay khách. Năm Nghĩa là người cuối cùng, tôi không buông tay anh ra và tự giới thiệu:

- Tôi là Ba Lĩnh, Lê Hồng Lĩnh, ngành lương thực.

Năm Nghĩa nhíu mày:

- Tên anh ít trùng với ai! Sao tôi nhớ có gặp anh rồi?

Nên nói không nhỉ? Tôi đáp ngay:

- Anh Năm chắc nhớ nhầm. Tôi mới gặp anh lần đầu.

Ba Ẹo đã chết rồi mà! Trước mặt tôi đây là anh Năm Nghĩa. Mà anh Năm Nghĩa thì đúng là người ơn của tôi. Anh đã đỡ đần tôi qua khỏi tai biến nghiêm trọng nhất đời tôi. Nói ra biết đâu anh lại chẳng có ngỡ ngàng, mất công giải thích lôi thôi. Tôi biết ơn anh là đủ!

Nhưng có thể biết ơn cũng chưa là đủ. Còn phải khâm phục anh ấy nữa chứ! Hơn hai mươi năm nằm trong lòng địch, ngày ngày phải thủ vai tên ác ôn ngu đần, khéo đến độ bạn lẫn thù đều không phát hiện nổi! Tôi phải chịu là tâm cơ của mình còn xa mới linh mẫn được như anh.

Lương Hiệu Vui
(Theo Văn nghệ Tiền Giang số 87)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 219
  • Khách viếng thăm: 215
  • Máy chủ tìm kiếm: 4
  • Hôm nay: 30746
  • Tháng hiện tại: 2195406
  • Tổng lượt truy cập: 46162639