Quy hoạch cây xanh đô thị - nhìn từ góc độ văn hóa

Đăng lúc: Thứ ba - 22/11/2016 08:11
Dưới góc nhìn văn hóa, cây xanh đô thị không chỉ có giá trị kinh tế, môi trường, sức khỏe, mà còn là di sản văn hóa, góp phần tạo nên diện mạo, bản sắc văn hóa và đồng hành với những thăng trầm trong đời sống đô thị - chứng nhân thuyết phục nhất cho bề dày lịch sử và văn hóa của một đô thị, làm tăng vẻ đẹp kiến trúc cảnh quan, phản ánh trình độ văn minh đô thị. Tùy vào điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng, quan điểm, tầm nhìn của nhà quy hoạch mà cây xanh ở mỗi đô thị có những sắc thái và đặc trưng riêng, góp phần làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần cho người dân đô thị.
Cây xanh trồng quanh Công viên Tết Mậu Thân, TP. Mỹ Tho. Ảnh: HẠNH NGA
Cây xanh trồng quanh Công viên Tết Mậu Thân, TP. Mỹ Tho. Ảnh: Hạnh Nga

Không ít người dân đô thị nhớ về phố cổ là nhớ về kiến trúc cây xanh. Những ký ức gắn với hàng cây xanh có thể theo suốt cuộc đời mỗi người, trở thành những ký ức không phai trong tâm khảm, nuôi dưỡng tâm hồn, tình cảm, vun đắp tình yêu quê hương, đất nước của mỗi người, chẳng hạn như: Những đường cây đặc trưng của Hà Nội đã trở thành giai điệu đi vào thơ ca và tâm khảm của “người Tràng An”. Nói đến TP. Hồ Chí Minh, những con đường rợp bóng cây mà nhắc qua thì ai cũng nhớ như: Nguyễn Thị Minh Khai, Phạm Ngọc Thạch, Nam Kỳ Khởi Nghĩa… Nhắc đến TP. Hải Phòng là người ta liên tưởng ngay đến biểu tượng “thành phố hoa phượng đỏ”. Với đô thị Mỹ Tho xưa với hàng me Lê Lợi, Công viên Lạc Hồng... đã góp phần khẳng định giá trị của đô thị thông qua tuổi tác của cây.

Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, quá trình đô thị hóa cũng diễn ra nhanh chóng, bộ mặt đô thị nước ta được cải thiện rõ rệt, quy hoạch không gian xanh, cây xanh trong xây dựng và phát triển đô thị đang được chú ý, tuy nhiên vẫn còn yếu và thiếu, đặc biệt là chưa chú trọng nhiều đến yếu tố văn hóa trong quy hoạch cây xanh đô thị. Thậm chí, những năm gần đây còn có hiện tượng có nhiều loại cây xanh được trồng trên đường phố đô thị chạy theo phong trào, không phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu, không tạo nên bản sắc riêng cho mỗi đô thị. Từ đó dẫn đến hiện tượng cây trồng xong vài năm lại đốn bỏ, trồng lại mới, vừa gây lãng phí tiền bạc, công sức, vừa tạo nên những đô thị lộn xộn, kém mỹ quan. Những ngày qua, việc chặt đốn cây xanh được công nhân của Công ty Công trình đô thị Mỹ Tho ráo riết thực hiện tại vỉa hè phía Nam đường Ấp Bắc và trồng thay thế bằng cây bằng lăng. Cây xanh trên đường Lê Lợi cũng bị đốn hạ và được thay thế bằng cây me chua. Việc cây xanh bị đốn hạ khiến nhiều người không khỏi xót xa, tiếc nuối...

Đây là những hạn chế chung trong quy hoạch cây xanh của các đô thị trong cả nước và tỉnh ta cũng không phải là một ngoại lệ. Nếu chúng ta không kịp thời khắc phục thì sẽ có lỗi với các thế hệ mai sau. Chính vì lẽ đó, đã đến lúc chúng ta thay đổi tư duy ứng xử có văn hóa với cây xanh đô thị để hướng tới tương lai đô thị bền vững, cân bằng giữa tự nhiên và nhân tạo, tạo ra những đô thị có đầy đủ các giá trị, quy hoạch những con phố đậm dấu ấn và đặc trưng riêng, để góp phần bồi đắp tính cách và văn hóa con người, bồi lắng lối sống văn minh gắn bó hài hòa với những hàng cây mang theo linh hồn của đô thị xanh. Thiết nghĩ, để việc quy hoạch cây xanh ở các đô thị của tỉnh ta ngày càng thiết thực, hiệu quả, hạn chế các tác động tiêu cực tới môi trường tự nhiên nói chung và môi trường cảnh quan văn hóa nói riêng, xin đề xuất một số biện pháp sau:

Một là, cần đổi mới tư duy, nhận thức về vị trí, vai trò của văn hóa trong quy hoạch, phát triển cây xanh đô thị. Phát triển cây xanh cần có tầm nhìn và trình độ, từ việc chọn giống và lên kịch bản cho tương lai, dự trữ không gian phát triển để cây xanh đô thị không chỉ giải quyết các vấn đề môi trường mà còn là một di sản văn hóa, trở thành biểu tượng, góp phần khẳng định bề dày lịch sử của một đô thị, phục vụ phát triển du lịch. Cây xanh cần được vị trí ưu tiên trong những dự án đô thị. Trước khi quy hoạch và thiết kế một đồ án, hãy suy nghĩ đến cây xanh như một tiêu chí không kém phần quan trọng so với đối tượng chính của dự án, tránh lối tư duy bố trí cây xanh vào những phần thừa còn lại của khu đất được đầu tư.

Hai là, đẩy mạnh việc nghiên cứu trồng cây xanh đường phố theo chủ đề, bổ sung cây xanh theo chiều đứng, phát triển không gian xanh thiên nhiên và xanh trong mỗi gia đình, tăng sức chống chịu với tác động của biến đổi khí hậu để hướng đô thị đến phát triển hài hòa, bền vững.

Ba là, tăng cường công tác kiểm tra, rà soát quy hoạch cây xanh đô thị thường xuyên, chặt chẽ để góp phần tạo nên vẻ đẹp đặc trưng của đô thị; tuyệt đối tránh tình trạng quy hoạch theo cảm tính, phong trào, dẫn đến hệ lụy cây trồng xong vài năm lại đốn bỏ, rồi trồng lại mới gây lãng phí...

Bốn là, tăng cường công tác quản lý cây xanh đô thị trên các mặt trồng, duy trì và bảo vệ cây xanh. Việc chặt hạ, dịch chuyển cây xanh công cộng cần phải quy định cụ thể về việc cấp phép và thẩm quyền cấp phép; phân công rõ chức năng và nhiệm vụ của các cơ quan quản lý Nhà nước, trong đó chính quyền đô thị các cấp có trách nhiệm và vai trò quan trọng trong việc quản lý, bảo vệ, phát triển công viên, cây xanh đô thị trên địa bàn theo phân cấp của UBND tỉnh.

Năm là, khuyến khích các hộ gia đình tự trồng cây xanh, chăm sóc, bảo vệ và trồng cây xanh trước nhà, trên các tuyến phố theo quy hoạch và theo quy định về chủng loại cây được phê duyệt; kết hợp lồng ghép với việc thực hiện tiêu chí vệ sinh môi trường trong công nhận các danh hiệu văn hóa của phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa.

Nguyễn Minh Phúc
(Theo Ấp Bắc)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 203
  • Khách viếng thăm: 200
  • Máy chủ tìm kiếm: 3
  • Hôm nay: 28875
  • Tháng hiện tại: 2261425
  • Tổng lượt truy cập: 46228658