Sôi nổi các hoạt động liên kết về văn học - nghệ thuật ĐBSCL

Đăng lúc: Thứ sáu - 23/01/2015 09:38
Vừa qua, tại TP. Mỹ Tho, lãnh đạo của 13 Hội Văn học - Nghệ thuật khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã cùng ngồi lại để tổng kết đánh giá, rút kinh nghiệm cho các hoạt động liên kết văn học - nghệ thuật trong năm 2014 và bàn bạc, thảo luận phương hướng hoạt động năm 2015. Nội dung của hội nghị này đã phần nào cho thấy diện mạo chung của phong trào văn học - nghệ thuật khu vực trong thời gian qua với nhiều hoạt động sôi nổi, đa dạng và phong phú.
 Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật Việt Nam chụp hình lưu niệm cùng thành viên Trại Sáng tác văn học - nghệ thuật ĐBSCL năm 2014.
Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật Việt Nam chụp hình lưu niệm cùng thành viên Trại Sáng tác văn học - nghệ thuật ĐBSCL năm 2014.

30 NĂM LIÊN KẾT KHU VỰC

Soạn giả Huỳnh Anh, Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật Tiền Giang cho biết: “Mối liên kết hoạt động chính thức được lãnh đạo các Hội Văn học - Nghệ thuật trong khu vực ĐBSCL ký kết và đề ra quy chế liên kết từ năm 1985.

Theo đó, mỗi năm sẽ có 1 đơn vị đóng vai trò là Hội trực, làm nhiệm vụ điều hành kế hoạch, giám sát việc thực hiện; đồng thời tạo điều kiện giúp đỡ các Hội thành viên trong các hoạt động liên kết, cuối mỗi năm đều có hội nghị tổng kết, giao ban”.

Đây là một trong những nét đặc thù trong hoạt động văn học - nghệ thuật khu vực ĐBSCL so với cả nước, đã được Ủy ban toàn quốc Liêp hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật Việt Nam cũng như các Hội chuyên ngành Trung ương đánh giá rất cao.

Tính đến nay, các Hội Văn học - Nghệ thuật trong khu vực đã có 30 năm hợp tác liên kết, mang lại nhiều thành tựu đáng kể, đặc biệt là trên lĩnh vực phát hiện và bồi dưỡng lực lượng sáng tác, trong đó việc tổ chức các cuộc thi hàng năm, các buổi tọa đàm về tình hình sáng tác văn học - nghệ thuật đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực, mở ra “sân chơi chung” cho đông đảo văn nghệ sĩ trong khu vực.

Họa sĩ Lê Hồng Thái (Tiền Giang) và họa sĩ Lê Duy (Báo Ấp Bắc) - bên phải nhận giải thưởng do Hội Mỹ thuật Việt Nam trao tặng tại Triển lãm Mỹ thuật ĐBSCL năm 2014.
Họa sĩ Lê Hồng Thái (Tiền Giang) và họa sĩ Lê Duy (Báo Ấp Bắc) - bên phải nhận giải thưởng do Hội Mỹ thuật Việt Nam trao tặng tại Triển lãm Mỹ thuật ĐBSCL năm 2014.

Cũng theo soạn giả Huỳnh Anh, thời gian qua, văn nghệ sĩ Tiền Giang đã nhiệt tình hưởng ứng và tham gia tích cực các cuộc thi cũng như hoạt động liên kết khác của khu vực. Tiền Giang cũng đã đứng ra đăng cai một số cuộc thi về âm nhạc, mỹ thuật, nhiếp ảnh… tạo được tiếng vang, cũng như tổ chức thành công tọa đàm về văn xuôi.

Qua đó, văn nghệ sĩ tỉnh nhà đã có dịp cọ xát nghề nghiệp, cũng là cơ hội tiếp thêm động lực sáng tạo để cho ra đời ngày càng nhiều tác phẩm văn học - nghệ thuật có giá trị mang đậm đặc thù của vùng ĐBSCL, khắc họa chân thực hình tượng vùng đất và con người Nam bộ.

Mỗi cuộc thi thực sự là “ngày hội” để văn nghệ sĩ trong khu vực thắt chặt thêm tình đoàn kết, là dịp để trao đổi, giao lưu, học tập kinh nghiệm lẫn nhau và cũng đã có rất nhiều tác giả Tiền Giang đạt được giải thưởng cao từ những cuộc thi này.

NĂM 2014 VỚI NHIỀU HOẠT ĐỘNG SÔI SỔI

Năm 2014, Hội Văn học - Nghệ thuật Tiền Giang được đánh giá cao trong vai trò Hội trực thông qua việc tiếp tục làm cầu nối cho nhiều hoạt động liên kết về văn học - nghệ thuật.

Do các Hội trong khu vực đều đã có ý thức trách nhiệm rất cao trong hoạt động liên kết, cùng với nguồn kinh phí hỗ trợ sáng tạo văn học - nghệ thuật từ Chính phủ và sự quan tâm sâu sát của các Hội chuyên ngành Trung ương cũng như của Tỉnh ủy, UBND tỉnh ở mỗi địa phương nên hoạt động văn học - nghệ thuật diễn ra tương đối thuận lợi.

Triển lãm Mỹ thuật ĐBSCL lần thứ 19 do tỉnh Cà Mau đăng cai vào tháng 8 đã giới thiệu 260 tác phẩm của 226 tác giả. Ban tổ chức đã chọn trao 7 giải thưởng cho các tác giả là hội viên Hội Mỹ thuật Trung ương và 11 tác phẩm cho các tác giả chưa phải là hội viên.

 Ca sĩ Huy Thế (Tiền Giang) tham gia biểu diễn tại Chương trình Ca nhạc các tỉnh đồng bằng sông Tiền.
Ca sĩ Huy Thế (Tiền Giang) tham gia biểu diễn tại Chương trình Ca nhạc các tỉnh đồng bằng sông Tiền.

Trong khi đó, Liên hoan Ảnh nghệ thuật ĐBSCL lần thứ 29 do tỉnh Đồng Tháp tổ chức đã thu hút 406 tác giả nhiếp ảnh chuyên và không chuyên với gần 2.700 ảnh tham gia dự thi. Hội đồng Giám khảo đã chọn 180 tác phẩm vào vòng triển lãm và trao giải cho 20 tác phẩm xuất sắc.

Cuộc thi Ca khúc ĐBSCL do Hội Văn học - Nghệ thuật Nguyễn Đình Chiểu (tỉnh Bến Tre) đăng cai cũng đã nhận được trên 240 tác phẩm tham dự và sẽ được tổ chức tổng kết trao giải vào dịp kỷ niệm 40 năm Ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước (30-4-2015).

Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Vĩnh Long đảm nhận công trình khá quy mô, đó là tuyển chọn và in tập sách Mỹ thuật ĐBSCL. Với mong muốn tuyển tập này có thể phác họa nên diện mạo đầy đủ nhất của phong trào mỹ thuật khu vực từ sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng đến nay, nên việc tập hợp, sưu tầm tốn khá nhiều thời gian và kế hoạch in tập sách này đã được kéo dài sang năm 2015.

Năm qua, Trại Sáng tác Văn học - Nghệ thuật khu vực cũng đã được tổ chức tại Tiền Giang, với sự tham dự của 25 tác giả. Trong thời gian 10 ngày dự trại, ngoài hoạt động sáng tác, trao đổi chuyên môn, các trại viên đã được tổ chức đi thực tế để tìm cảm hứng sáng tác. Đây là một trong những hoạt động bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ rất bổ ích nhằm giúp văn nghệ sĩ trong khu vực không ngừng sáng tạo ra nhiều tác phẩm sinh động, chân thực về cuộc sống và con người vùng đất Tây Nam bộ.

Theo đánh giá từ Báo cáo tổng kết, năm qua các Hội đăng cai hoạt động liên kết đã thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm của mình. Việc mời Hội đồng Giám khảo có uy tín, đảm bảo tính khách quan, công bằng đã thuyết phục được đông đảo văn nghệ sĩ khu vực gửi tác phẩm tham gia. Công tác tổ chức tổng kết, trao giải được thực hiện chu đáo, trang trọng với nhiều tác phẩm có nội dung tư tưởng tốt và chất lượng nghệ thuật được nâng cao.

Tại hội nghị lần này, lãnh đạo Hội Văn học - Nghệ thuật các tỉnh, thành trong khu vực cũng đã đề ra phương hướng cho hoạt động liên kết trong năm 2015. Theo đó, Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật TP. Cần Thơ sẽ đăng cai Liên hoan Ảnh nghệ thuật lần thứ 30 cùng với Cuộc thi Sáng tác kịch ngắn và chập cải lương; tỉnh Bạc Liêu tổ chức Triển lãm Mỹ thuật; tỉnh An Giang nhận đăng cai Cuộc thi Truyện ngắn và Cuộc thi Viết lời mới vọng cổ sẽ do tỉnh Sóc Trăng tổ chức.

Trong giai đoạn hội nhập như hiện nay, việc liên kết hoạt động giữa Hội Văn học - Nghệ thuật các tỉnh, thành trong khu vực định kỳ tổ chức các đợt sinh hoạt nghề nghiệp hoặc trại sáng tác chung là điều hết sức cần thiết. Chỉ khi có sự liên kết thì không khí sáng tác ở ĐBSCL mới có “sinh khí”, tạo nên nhiều tác phẩm có chất lượng.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trương Hoàng Thêm, Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Cà Mau cho rằng, những cuộc thi này cần được sự bảo trợ của các Hội chuyên ngành Trung ương, để các giải thưởng văn học - nghệ thuật của khu vực được ghi nhận một cách xứng đáng và hoạt động liên kết mang lại hiệu quả cao hơn, thiết thực hơn. Việc liên kết chặt chẽ hơn, sâu hơn sẽ giúp phong trào sáng tác văn học - nghệ thuật của khu vực ĐBSCL hòa nhanh vào dòng chảy chung của cả nước.

Lê Văn
(Theo Ấp Bắc)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 409
  • Khách viếng thăm: 407
  • Máy chủ tìm kiếm: 2
  • Hôm nay: 62818
  • Tháng hiện tại: 1811718
  • Tổng lượt truy cập: 48185845