Nguyễn Thị Kiêm - nữ nhà báo đa tài

Đăng lúc: Thứ ba - 23/06/2015 16:32
Đầu thế kỷ XX, cùng với sự ra đời của Nữ lưu thơ quán rồi kế tiếp là tờ Phụ nữ Tân văn (PNTV), ở Gò Công xuất hiện những phụ nữ nổi tiếng trên văn đàn, báo giới như: Phan Thị Bạch Vân, Cao Thị Khanh, Phạm Thị Thọ (Ni sư Diệu Tịnh)…

Đặc biệt, có một cây bút nữ xứng danh là một phụ nữ đa tài trên nhiều lĩnh vực, đó là nhà báo Nguyễn Thị Kiêm, người đương thời thường gọi là Manh Manh nữ sĩ.

Nguyễn Thị Kiêm sinh năm 1914, tại làng Thành Phố, tỉnh Gò Công; cha là ông Nguyễn Đình Trị, một nhân sĩ nổi tiếng với nhiều hoạt động xã hội.

Lúc nhỏ Kiêm học trường làng ở Gò Công, sau lên học Collèges des Jeunes filles Indigènes - Trung học Thiếu nữ bản xứ (còn gọi là Trường Áo Tím, nay là Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3, TP. Hồ Chí Minh).

Năm 1931, Nguyễn Thị Kiêm tốt nghiệp bằng Sư phạm, được giữ lại trường dạy học. Vừa dạy học, Kiêm vừa tham gia hoạt động xã hội và viết bài cho các tờ báo: Phụ nữ Tân văn, Công Luận…, với nhiều bút hiệu như: Manh Manh, Nguyễn Văn Mym, Lệ Thủy…

NHÀ BÁO LÀM DIỄN GIẢ

Vào làng báo chừng hơn 1 năm, Nguyễn Thị Kiêm nhanh chóng trở thành tâm điểm chú ý của dư luận thời bấy giờ. Báo Phụ nữ Tân văn (PNTV) số ra ngày 27 Avril 1933 chạy tít “Một thiếu niên nữ sĩ trong bộ biên tập của bổn báo: cô Nguyễn Thị Kiêm”; đồng thời giới thiệu đây là “nhân vật mới, tinh tú mới, văn chương mới”.

Lúc này, ngoài bút danh Manh Manh xuất hiện thường xuyên trên Báo PNTV, bà đã có những bài như: “Văn sầu với văn vui”, “Một hoàn cảnh hai tâm hồn”… ký tên Lệ Thủy và “Nhân vật buổi kinh tế”, ký Nguyễn Văn Mym...

Tháng 4-1934, Nguyễn Thị Kiêm thực hiện loạt bài “Ý kiến phụ nữ với vấn đề phụ nữ”, phỏng vấn từ những người có tên tuổi, mệnh phụ phu nhân đến chị em lao động. Mục đích của loạt bài này nhằm tạo dư luận ủng hộ tổ chức Nữ lưu học hội.

Trong bài “Chị em ở Mỹ Tho”, Nguyễn Thị Kiêm viết: “Phần nhiều chị em lao động vì nghèo khổ, vì dốt nát mà chẳng có thể đọc báo được. Tôi có lấy vài số báo tặng cho và đọc vài bài mà cắt nghĩa thì các chị em thích nghe và ham báo lắm.

Sau này cơ quan phụ nữ mà được mạnh lớn, ở các tỉnh chúng ta có chi nhánh để lập ra phòng đọc sách hội nữ công thì bổn phận của chị em có học thức, được sung sướng là khuyến khích và giáo hóa chị em lao động” (PNTV số 239 ngày 26 Avril 1934). Cuối năm 1934, bà trình làng loạt ký sự đáng chú ý như “Cuộc hành trình từ Nam ra Bắc”, “Hà Nội với mấy cái cảm tưởng đầu”, “Dưới chân đèo Cả”…

Điểm nổi bật nhất trong các hoạt động của nhà báo Nguyễn Thị Kiêm là các cuộc diễn thuyết. Ngày
26-7-1933 Nguyễn Thị Kiêm đăng đàn diễn thuyết ở Hội Khuyến học Sài Gòn về đề tài Thơ mới.

Báo (PNTV) mô tả “Một thiếu nữ đứng trước gần ba trăm thính giả nam nữ mà giảng về thơ văn chương, cắt nghĩa chức vụ của thơ là thế nào, thỉnh thoảng cầm mấy tờ giấy để đọc những lời chỉ trích của bạn đồng nghiệp mà thái độ rất tự nhiên, rất vững vàng (PNTV ngày 3 Aout 1933).

Cuộc diễn thuyết về Thơ mới của Manh Manh nữ sĩ từ đó đi vào lịch sử văn học. Nhà phê bình văn học Hoài Thanh và Hoài Chân khen ngợi bà là “một nữ sĩ có tài và có gan”. Năm đó Nguyễn Thị Kiêm mới 19 tuổi.

Đương thời những bài diễn thuyết của bà rất nổi tiếng và được đăng tải trên Báo PNTV như: Phụ nữ và văn học, bài diễn thuyết vận động thành lập Nữ lưu học hội tại Hội chợ phụ nữ năm 1932 (PNTV số 131, ngày 26 Mai 1932). Đặc biệt, đêm 8-5-1934, tại nhà hội Quảng Tri - Huế, Nguyễn Thị Kiêm diễn thuyết đề tài “Dư luận nam giới đối với hạng phụ nữ tân tiến”.

Thính giả có hơn ngàn người gồm trí thức, quan chức, học sinh, báo giới, văn giới… đã hoan nghinh nhiệt liệt “Người ta rầm rộ chen chúc đi ra. Con đường Paul Bert đã ngoài 9 giờ tối mà người ta còn chen nhau đi rất náo nhiệt, vừa đi vừa trầm trồ xưa nay ở Huế chưa có cuộc diễn thuyết nào đông như bữa nay (PNTV số 248 ngày 24 Mai 1934).

Cuối năm 1934, những cuộc diễn thuyết của Nguyễn Thị Kiêm tập trung nhiều hơn vào đề tài giải phóng phụ nữ như ở Hội Khai Trí Tiến Đức (Hà Nội), bà nói về “Một ngày của một người đàn bà tân tiến” (PNTV số 259, ngày 20 Septembre 1934). Ở Hội Trí Tri (Nam Định) bà trình bày đề tài “Có nên tự do kết hôn hay không?” (PNTV số 267, ngày 21 Novembre 1934). Ở Hội quán Trí Tri (Hải Phòng) bà nói về vấn đề “Có nên bỏ chế độ đa thê không?” (PNTV số 268, ngày 29 Novembre 1934)…

PHÊ BÌNH CẢI LƯƠNG

Ở lĩnh vực sân khấu, Nguyễn Thị Kiêm cũng là một trong những cây bút xông xáo. Bà viết nhiều bài phê bình các tuồng hát và có những loạt bài dài khen hoặc chê những đoàn hát và kịch bản. Các tuồng hát như: Tứ đổ tường của Đặng Công Danh, Ai là bạn chung tình của Tư Chơi, Bể ái đầy vơi của Diệp Văn Kỳ, bà nhận xét: “Ba vở này nếu không kể vài cái khiếm khuyết thì có thể gọi là tuồng cải lương theo lối opérette của Tây”.

Đặc biệt, trong bài viết “Những cái dở trong điệu hát cải lương ta” đăng trên PNTV số 230 ngày 4 Janvier 1934, Nguyễn Thị Kiêm đã phân tích sâu sắc các vấn đề về tuồng tích, đạo diễn (thầy tuồng), cho đến chưng dọn cảnh trí (tableau). Theo bà thì tuồng cải lương còn dở là do bố cục tuồng tích dài quá, thiếu thầy tuồng giỏi, thiếu người xếp cảnh… “chớ đào kép hát thì chúng ta có nhiều người thật là tài tử thiệt thọ”.

Xu hướng cải lương từ sau năm 1934 có những cải tiến đáng kể như hát theo bản đờn Tây, bỏ bớt tuồng cổ, tập trung vào tuồng xã hội, dịch và soạn tuồng theo kịch nghệ phương Tây. Nguyễn Thị Kiêm là một người cũng khá sành sỏi trong âm nhạc, bà viết “Tiếng của ta hát như rời từng chữ, muốn rõ phải nện (scander) từng chữ thành ra nghe hơi chát.

Tiếng Pháp trong một chữ có thể nhấn giọng nơi một âm (syllabe) còn nhả hơi từ từ mấy âm sau, vì vậy mà mình có thể hát liền mấy chữ kế mà không rời rạc. Thế là chưa kể mấy cái dấu của mình nữa. Vậy thì làm sao các tài tử như cô Phùng Há, kép M. Châu, Chơi, Út… hát Tây nghe thâm trầm, cũng rõ lời mà đủ hỉ, nộ, ái, ố…

Việc lấy điệu đờn Pháp mà ca theo mình cũng chẳng dở. Tuy vậy, người mình chẳng nên hát ròng những bản Tây. Thử nghĩ một người ngoại quốc đến xứ ta, muốn khảo cứu về mỹ thuật nước mình, vào xem hát cải lương, người ấy nghe rặt là bản Tây thì họ tưởng làm sao? Vậy ta phải chỉnh đốn âm nhạc của ta lại” (PNTV số 231, ngày 11 Janvier 1934).

Bà kết luận “Theo tôi, điệu hát cải lương ta còn sống lâu lắm vì (nhứt là ở Nam kỳ) người mình chưa hạp với lối kịch. Nếu người ta còn ham coi cải lương thì các gánh hát cải lương phải gắng mà sửa đổi cho hay cái nghề của mình. Không phải cải cách một ngày mà rồi được (PNTV số 232, ngày 18 Janvier 1934).

Theo nhà nghiên cứu Trương Minh Đạt, khoảng năm 1936 bà Nguyễn Thị Kiêm lấy chồng là ông Trương Tuấn Cảnh ở Hà Tiên, tức nhà thơ - nhà báo Lư Khê có tiếng đương thời. Đến khoảng năm 1950, Lư Khê bị ám sát chết. Sau đó Nguyễn Thị Kiêm sang định cư ở Pháp đến khi qua đời ngày 26-1-2005 tại một nhà dưỡng lão ở Paris.

Nguyễn Ngọc Phan
(Theo Ấp Bắc)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 427
  • Hôm nay: 33165
  • Tháng hiện tại: 1562500
  • Tổng lượt truy cập: 47936627