Vượt cạn giữa rừng

Đăng lúc: Thứ hai - 02/07/2012 14:52
Tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Hà Nội năm 1968, họa sĩ Phạm Đỗ Đồng tình nguyện đi chiến trường, tìm cho mình một con đường sáng tác: vẽ về chiến tranh, những chiến sĩ giải phóng quân trên khắp nẻo đường Trường Sơn và chiến trường Nam Bộ. Xem những tranh: Phía sau là chúng tôi, Chiến khu mùa lá đổ... người xem tưởng như mỗi nét cọ là từng vết dao cắt, vết gai đâm vào tim ông, với những tâm tư tình cảm của người họa sĩ đã từng đi qua chiến tranh.
Tranh: Phạm Đỗ Đồng

Tranh: Phạm Đỗ Đồng

Những ký ức về Trường Sơn không chỉ được thể hiện qua mảng tranh về rừng mà còn được họa sĩ ghi lại thành những câu chuyện kể sinh động, đầy tính văn học. VNTG xin giới thiệu đến bạn đọc truyện ngắn Vượt cạn giữa rừng, một trong những sáng tác gần đây của  họa sĩ Phạm Đỗ Đồng.

Rất nhiều đơn vị hành quân chuyển căn cứ đi qua. Đêm hồi hôm, một trận mưa “dở hơi” cuối muà làm nhão nhoét con đường rừng bên cạnh. Sáng ra, tranh thủ đi “tuần tra” thì mói thấy tiếng người đêm qua, để lại dấu vết hơi “bị” nhiêù. Dấu xe thồ nặng làm đất lún khá sâu, vết dép to cuả nam giới, vết dép nhỏ hơn chắc chắn đến 1000% là cuả nữ giới. “Một bãi” đầy dấu dép đi về một hướng, cuả một đơn vị thật đông người.

     Bỗng nhiên hai người đi “tuần tra” thấy thoang thoảng trong gió là mùi…dầu hôi. Có ai lại đánh đổ dầu hôi trên đường đi thế này?...Và cái mùi dầu hôi “sống động” đến mức cảm thấy như có người còn ở lại đâu đây…Vô tình đang đi tìm cái váng dầu trong vũng nước, hay cái gì đựng dầu có thể bị đánh rơi, không biết để làm gì, chỉ vì một thói quen rất “trinh sát” là lúc nào cũng phải thật “ngọn ngành”mới chiụ (!), thì đồng thời phát hiện ra một quả lựu đạn da láng cuả Mỹ nằm lấp ló trên một gò mối thấp, bèn liên hệ ngay đến chuyện ở chiến trường đồng bằng, người ta hay gài lựu đạn như thế sau khi đã rút đi, đúng kiểu lựu đạn này, và là loại cứ chạm vào là nổ tức khắc…Không lẽ “các ông các bà” đi qua hồi đêm lại là “người ở nhà quê mới ra”? Hai người dang ra xa, bàn cách vô hiệu hoá trái lựu đạn. Khó khăn chính là mình không “chơi” thứ này bao giờ! Biện pháp “thủ công” nhất là chọi cho nó nổ. “OK!”, Thu gom đất đá vưà bằng quả trứng, tìm chỗ nấp, nằm xuống, chọi. Ném ra rào rào, đa số là trượt, cho dù không phải là một trận đánh, nhưng hồi hộp thì vẫn cứ hồi hộp phát run…vì tiếng nổ sắp tới.  Gần hết “đạn” rồi mà trái lựu đạn vẫn trơ “thổ điạ”, nguyên nhân là nằm mà ném nên không mấy chính sác. Một anh điên tiết đứng thẳng lên , vẫn không quên nấp sau một gốc cây, đưa tay nhá nhá cục đá như đánh đáo. Vèo…bụp! Trúng bóc, nhưng không nổ! Chắc là quả này…bị thối. Hai người tiến lại gần thì phát hiện : Đây rõ ràng là “trung tâm” cuả mùi dầu hôi. Ngu cũng hiểu ngay ra quả lựu đạn này, chính là một cái …đèn bị đánh rơi, mà không ít người đã móc hết thuốc nổ, bỏ kíp nổ đi, và “chế tạo” lại thành như thế. Chơi “cắc cớ” ghê! Người ta từng râm ran bàn tán: Có vài ba “chàng” cũng đã chết vì chuyện này rồi mà vẫn không chừa. Nguyên do là trên thắt lưng không phải chỉ có một trái lựu đạn như thế, mà có đến cả một “xâu”giống nhau như sinh sản “vô tính”. Chọi giặc bằng trúng cái đèn, thì quá lắm, giặc không đội nón sắt chỉ bị “u” đầu, mở đèn ra đốt, laị trúng trái thật, nổ cái “đùng!”, mà có khi cộng hưởng nổ cả đám, thì… lãnh đủ! Nhưng thôi, “tai nạn sinh sản” ấy mà…Quẳng cái đèn “nhố nhăng” vào thật sâu trong rừng để tránh thêm người hiểu lầm, rồi đi về…Con đường trở về như ai cố tình in đầy những dấu dép đàn bà ,như báo trước một điều gì…

       Vào đến bià rừng thì quả nhiên gặp một chị mang bầu. Chị ngồi trên một tấm nilon màu rêu, đã trải rộng ra trên nền đất lổm nhổm, như để dành cho…hơn một người. Dưạ vào cái bòng bên gốc cây, hai tay ôm bụng, mặt chị ngưả lên, trắng bệch, nhăn nhó vì đau đớn, đầu vật qua vật lại, mồ hôi dính bết tóc trên trán. Xúm lại hỏi thăm, chị nói đứt quãng : Em… đau bụng… sanh . Sanh trong hoàn cảnh này? Nghe nổi cả da gà! Chị là y tá cuả đơn vị đã qua đây hồi đêm, không kịp báo cho ai vì tưởng đau sơ sơ, tìm chỗ ngồi nghỉ…Vô tình chợp mắt thì đơn vị đã đi hết. Chị nói các anh cho em xin ít nước để làm vệ sinh, may trời đã khô ráo, nếu còn mưa, không có ai giúp đỡ thì chỉ cảm lạnh thôi cũng đủ…chết cả mẹ lẫn con. Một người ở laị, người kia chạy nhanh vào căn cứ lấy nước và kêu các cô đến phụ giúp. Máng khẩu súng lên cành cây, hai tay rảnh rỗi cứ nắm chặt lấy nhau, ngồi mà nhìn một cách “vô tích sự”. Hình như ối đã vỡ, nước dưới chân lênh láng. Chị bảo lấy cái bòng kê cho chị làm gối và đỡ chị nằm xuống, gỡ cho chị đôi dép dưới chân cũng đã ướt đầm, tanh tanh. Có cả cái bầu nưã mà sao chị nhẹ thế! Hồi xưa má cũng từng là bà đỡ trong kháng chiến, cũng đã từng thấy người ta đi đẻ, dù là thời khó khăn, cũng có chút đồ đạc và người này người kia đi theo…Bây giờ chị …“vượt cạn” một mình giưã rừng, còn chồng, chị bảo anh ở tận Đoàn pháo binh Biên Hoà, năm thì mười hoạ mới thấy mặt nhau. May mà gặp được mấy ông “đực rưạ” này.

       Người đi lấy nước cũng đã tới, mang theo một can nước lạnh. Đi theo còn có hai cô trong cơ quan, một cô mang theo ấm nước mới đun vội, nóng già nhưng chưa sôi, không có thau chậu gì cả. Đặt cái can xuống, người mang nước đến bèn lấy vội tấm nilon lúc nãy dùng để lót tay, xoay xoay tìm hướng gió để chặn laị bằng cách lấy dây rừng và cò cây bốn góc cột thật chặt . Che gió? Anh này có “kinh nghiệm” đây. Trong lúc đó hai cô đang loay hoay lấy một tấm nilon nhỏ hơn, đã kiểm tra kỹ là không thủng, cắm bốn cây, cột cao bốn góc làm chậu. Chắc bản năng làm mẹ đã mách bảo các cô làm như thế. Người còn lại, ngồi bên cạnh sản phụ lấy khăn lau mặt cho chị, và chờ… thay ca vì nếu không có mấy cô này, thì dứt khoát cái anh có mẹ từng là bà đỡ sẽ bắt chước má mà đỡ đẻ, cho dù không biết đã hết sợ máu hay chưa…và cũng chưa học ai  bao giờ, nhưng anh ta tin ở “di truyền”. Cũng giống như một lần anh phải tiêm bắp cho ai đó, đâm kim vào thịt người ta mà mình nhảy nhổm lên, đau nhói! Sản phụ lên cơn đau dữ dội, hai cô nhào tới ngồi hai bên cho chị vịn tay. Cái bụng và hai cái chân trắng đã hở ra dưới sự giúp đỡ cuả các cô. Tự nhên một cơn gió “vô duyên” làm rơi mấy cái lá vàng, đỏ rất đẹp, lên bụng sản phụ như những tặng phẩm được tặng không đúng lúc, một cô mắm môi tức giận quơ lấy, vò nát vứt ra sau lưng. Cô kia bảo là điềm trời chúc mừng đấy, đẹp thế sao lại vứt đi ? Sản phụ như biết phải làm gì, nín hơi, gồng mình dặn. Ba lần như thế, một tiếng “oe”chào đời, con trai! Hơi nhỏ con. Không thể tưởng tượng nổi là giưã nơi “đồng không mông quạnh”, “ thâm sơn cùng cốc” lúc xế chiều này lại có tiếng khóc hài nhi. Mặt người mẹ nở ra tươi tỉnh, chị lập tức ngồi dậy tự làm lấy mọi việc, chỉ nhờ mấy cô lục bòng lấy tã lót áo sống cho em bé trong đó có cả một luỡi lam không rỉ, bọc trong bông cồn gói cẩn thận trong bịch nilon,và một cuộn chỉ trắng nhỏ dùng để cắt và cột rốn và lấy quần áo thay cho mình. Ấm nước còn nóng, được đổ ra cái chậu nilon ban nãy, và thêm chút nước lạnh nưã cho vưà, một cô nhanh nhẹn bảo chị đưa em tắm cháu, nhưng người mẹ cảm ơn tự làm. Chị còn nói thêm như dạy hai cô em : Tắm trẻ sơ sinh là phải tránh để nước vào rốn, sau đó chị lau khô, băng rốn lại mặc áo, quấn tã cho bé, rồi gói nó vào một tấm tã lớn, trùm kín cái thóp phập phồng, chỉ để lại khuôn mặt hồng hồng dễ thương… Tấm vải màu cỏ uá, như bộ “quân phục” chào đời đầu tiên cuả nó. Thằng bé lúc này êm re, mắt to, tóc đen thui, và giống bố “y chang”. Chị ấy nói thế.

       Không biết giờ này cái ông “ Pháo binh Biên Hoà” ấy ở đâu, ông thì sướng rồi, chỉ khổ mẹ con người ta. Đấy là mình nghĩ thế thôi, chứ trông chị ấy thật hạnh phúc, và chẳng mảy may oán thán gì. Đột nhiên cô đang bế em ra lệnh : Các anh đi chỗ khác, để chị ấy thay quần áo! Bước rảo vào sau gốc cây, chợt nhớ : Tất cả moị chuyện từ lúc nãy, chỉ toàn diễn ra dưới đất, bây giờ phải giăng võng cho hai mẹ con nằm. Có hai cái cây vưà giăng võng , nhưng phải chờ.

 

      Bà mẹ thay quần áo sạch, cho quần áo cũ vào bịch nilon, nhét tất cả vào bòng, cột gọn gàng lại. Vưà thay quần áo vưà nhờ mấy cô xoa dầu nóng khắp người. Xong bồng con trở lại. Thằng bé gặp mùi dầu, hắt hơi thật to, làm mọi người bật cười trước sự khẳng định phải sống đầu tiên của nó. Chị vưà ôm con vừa tìm chỗ cao ráo để ngồi, lục trong cái túi nhỏ cuả bòng lấy ra một mẩu lương khô to chỉ bằng bao diêm, mở bình toong nước, vưà uống vưà ăn. Mọi người lúc đó mới nhớ ra là chỉ lấy nước, không lấy cơm, và cảm thấy mình cũng đang đói meo. Một anh phân vân từ lúc nãy, bảo chị đưa võng giăng nghỉ tạm, trởi bắt đầu sâm sẩm tối. Chị cảm ơn rồi nói thôi, làm tất cả ngơ ngác : Đẻ mà không chịu nằm nghỉ ! Mọi sự hầu như đã êm xuôi, mọi người ngồi xuống quanh chị. Chị nói với một anh : Anh tìm giúp em cái đèn mắc nơi quai bòng. Cái đèn gì ? Cái đèn lựu đạn da láng. Hai người đàn ông trố mắt nhìn nhau xuýt phá lên cười, cùng trả lời không có, và cùng nghĩ : Chẳng lẽ bà này chơi "sộp" thế à? Chị nói chắc nó rơi đâu mất rồi, tiếc quá , đấy là cuả chồng em tặng, khi mới mang bầu bé này. Sau đó chị mới rỉ rả cảm ơn các anh các chị, không có các anh các chị, một mình em không biết xoay sở thế nào…Mọi người im lặng, hai người quên chuyện đèn, cái người ta đang nghĩ là tương lai cuả hai mẹ con, không biết có nên đưa về đơn vị mình hay không, trong khi đơn vị cũng đang phải di chuyển, những người còn lại đây, là những người cuối cùng. Còn đơn vị chị thì đang đi tới đâu? Như đọc được ý nghĩ cuả mọi người, chị nói luôn : Em chỉ ngồi nghỉ một chút là sẽ theo ngay đơn vị, để chồng em có đi đâu thì cũng biết đường mà tìm…Cái khó nhất, được giải toả, nhưng mới đẻ xong mà đã đi, mà lại đi thật xa và mang nặng ngay, thì chưa hề thấy bao giờ. Không biết sức lực và nghị lực này từ đâu mà ra ? Riêng mình , biết khá rõ : Đi đứng kiểu này rất dễ bị băng huyết. Bình thường người ta còn phải “nằm ổ, hơ than”, cả tháng!...Có cái gì nghèn nghẹn nơi cổ mọi người....

       Thế là chị đứng lên chia tay với cái “nhà hộ sinh” dã chiến “ngàn sao” và các “nhân viên trơ giúp” bất đắc dĩ này thật. Trước khi đi còn nhờ một việc nưã : Các anh các chị nhớ chôn giùm em cái “nhau” em đã gói sẵn, đừng để thú rừng nó lôi tha, tội nghiệp!

        Người đàn bà đẻ nhẹ tênh, đội cái nón tai bèo “lính” cuả chị, lên trên cái khăn rằn carô đen trắng trùm đầu, với cái bòng to sau lưng, và cái bòng nhỏ nhưng quan trọng hơn, trước ngực, bước những bước thật dứt khoát, và thầm lặng đi thẳng vào đêm…

 

Phạm Đỗ Đồng
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 196
  • Khách viếng thăm: 194
  • Máy chủ tìm kiếm: 2
  • Hôm nay: 27591
  • Tháng hiện tại: 2260141
  • Tổng lượt truy cập: 46227374