Sui gia

Đăng lúc: Thứ năm - 14/06/2012 13:47
MH: Duy Hải

MH: Duy Hải

Tôi đi hai vòng chợ Pô-thi-xát. Dễ chừng đã hơn mười giờ. Mệt và đói, tôi lững thững về. Sao mà nhớ quê nhớ nhà không chịu nổi...

Hôm nay là mồng một tết Mậu Thìn, chúng tôi nghỉ làm việc một tuần. Hai chuyên gia trẻ ở cùng phòng đã gồng mình vượt hơn năm trăm cây số về Tiền Giang ăn tết. Tôi thì dù biết ở lại một mình là buồn, nhưng phải đành thế thôi. Mình đã già đâu còn xông xáo nổi như họ.

Sáng nay, thấy hé một chút vui, khi các em bộ đội ta múa lân mừng năm mới. Tôi lần ra chợ xem còn có gì. Và thất vọng. Ở đây xa xôi quá, chẳng chút hơi hướng gì ngày xuân như bên quê nhà. Thôi thì quay về với cái ốc đảo Việt Nam, là cơ quan mình vậy. Thế nào cũng có thịt kho, cho dù cô cấp dưỡng không rành làm dưa giá. Cậu bảo vệ đón tôi ở cổng:

- Có chú Tám sang thăm con cháu gởi ở với chú, hai ông già hủ hỉ cho đỡ buồn.

Tôi vui vẻ đồng ý. Mấy hôm nay ở nhà một mình thật chán, anh em đa số trẻ quá, tôi ít tìm đến họ, họ cũng ngại đến với tôi. Có ông bạn già để chuyện vãn thì hay, sáng chiều khỏi đi loanh quanh một mình.

- Anh Tám cứ tự nhiên nằm nghỉ mệt - Tôi lên tiếng đón người bạn mới.

- Ôi, mệt nhọc gì - Người bạn mới bước vào phòng nói - Nhà nông như tôi làm đến khi trâu le lưỡi mình vẫn tỉnh bơ... Anh là anh Mười đây phải không? Xin lỗi, chắc anh nhỏ tuổi hơn tôi?

Anh người ốm, đen, tuổi trạc gần sáu mươi, vóc dáng nhỏ thó, tôi chẳng lực lưỡng gì còn khá hơn anh.

Anh Tám cười khà khà:

- Tôi ở đây có phiền gì anh không?

- Phiền nỗi gì, càng vui thì có. Phòng rộng mình đá banh chơi còn được.

Anh Tám chợt xịu mặt:

- Tôi làm sao đá banh!

Anh đứng lên đi vài bước, kéo lê bàn chân trái.

- Chân anh sao vậy?

- Bị thương lâu rồi!

- Anh là thương binh?

- Không… Để thủng thẳng tôi sẽ nói. Bây giờ mình… lai rai được không?

- Được quá đi chớ, Tết nhứt mà! Nhưng… lai rai thôi nghen!

Anh Tám lôi trong giỏ ra chai rượu thuốc, cái ly, chiếc muỗng và miếng khô cá tra chiên thơm ngạt ngào. Anh trót đầy ly đưa tôi:

- Anh Mười lớn tuổi làm trước đi. Cho ngọt nghen. Chà, ngon lành lắm! Tới tôi. Thấy chưa? Tiếp đi anh, mở màn mỗi đứa phải ba quả mới được!

Cũng may, chỉ là ly mắt tre, phải ly bầu tôi rớt luôn. Tuy vậy cũng đã thấy váng vất khó chịu lắm rồi. Anh Tám tỏ vẻ thông cảm:

- Vậy là xong màn mở đầu, vậy là anh không theo tôi nổi rồi. Thôi thì cứ tôi một, anh nửa, để còn chơi dài dài. Anh theo sát tôi là ''đứt bóng'' luôn.

Được lắm, tôi nghĩ bụng. Tay này nói chung chơi được, không nài ép người dưới cơ mình.

- Anh qua đây thường không? - Tôi hỏi.

- Có năm hai, có năm ba lần. Hễ rỗi rảnh là tôi đi chơi.

- Coi bộ thằng nhỏ lười viết thư nên anh phải đi?

- Không, nó lớn rồi, đã vợ con, quân hàm thượng úy. Nó thư từ, về phép cũng đều. Tôi vừa nói anh là tôi đi chơi mà. Lâu lâu tôi lại thích vào rừng ít ngày với các em các cháu. Chúng nó thương tôi lắm. Chúng nhảy múa, tôi cũng cà thọt theo. Chúng ca, tôi còn rống lớn hơn nữa!

Anh chống tay lên bàn, đúng phắt dậy:

- Mùa thu rồi, ngày hăm ba, ta đi theo tiếng kêu sơn hà nguy biến.

Rền khắp trời lời hoan hô, dân quân Nam nhịp chân tiến lên trận tiền.

Thuốc súng kém, chân đi không, mà người người... ừ - ừ - ừ - ứ.

Nóp với giáo, mang ngang vai, nhưng thân trai... ự - ứ - ư - ừ.

Tôi mỉm cười. Anh ngồi xuống cười theo:

- Già rồi nó vậy đó anh Mười. Hát hổng chẳng ra gì, câu nhớ câu không! Chớ lúc trẻ tôi là một cây. Tôi mà trỗi giọng... à... giọng “gà trống” vàng là các cô im phăng phắc, nuốt từng lời. Nhất là cái cô, bây giờ là bà xã tôi đó!

***

Xã tôi thuở ấy thuộc vùng xôi đậu, tuy nhiên ấp tôi ở là ấp độc lập, có treo đại kỳ đàng hoàng nên lính chẳng dám lò mò tới. Năm 1945, tôi đã học nhì hai (1) trên lớp bốn bây giờ. Vậy là “trình độ” lắm rồi. Tôi viết chữ đẹp, đánh máy cũng tàm tạm, theo kiểu mổ cò, nên các chú các anh xếp vào ban tuyên truyền.

Làm công tác đó mình phải nói nhiều, động viên bà con tham gia mặt này mặt nọ. Nói riết cũng quen miệng, lúc nào cũng lên giọng tuyên truyền. Một hôm, có đám “tuyên bố”, là đám cưới ấy. Bọn thanh niên nam nữ chúng tôi ráp lại chuyện vãn tào lao một hồi rồi tôi quen miệng nói sang chuyện kháng chiến giết giặc, lập công hồi nào không biết. Một giọng nữ thanh cắt ngang:

- Thanh niên thì phải vậy, còn anh thì sao?

- Tôi cũng như mọi người chớ sao.

- Anh chiến đấu tại nhà à? Lúc nằm mơ phải không?

Cô gái thật độc mồm quá chừng! Lại là cô nàng tôi đang theo đuổi mới chết chớ. Tôi nghẹn họng không nói gì được. Một cô khác ngâm nga mấy câu thơ:

- Hôm qua nằm ngủ mà mơ

Hai tay, tay súng, tay cờ xung phong

Sáng ra, xấu hổ vô cùng,

Chợt thấy mấy ảnh, tôi chun vô buồng

Người ta đánh trận, hãm đồn

Còn tôi, tôi lại dạo hồn trong mơ (2)

Tôi chết đứng. Tai ù ù. Đầu bừng bừng. Các cô lại ồ lên:

- Dạo hồn trong mơ... hò lơ, hò lơ, lắng tai nghe chúng em hò lờ!

Ôi, mình đường đường một đấng nam nhi, cho dù lưng không mấy dài, vai không mấy rộng, mà bị con gái nó bêu riếu như vậy làm sao chịu nổi. Trong lúc tượng của tôi đang ngoác miệng ra cười. Tôi cười ngượng nghịu:

- Các cô đừng lộn xộn. Tôi đăng ký vào tiểu đoàn 309 rồi. Ngày mai tôi đi, rõ chưa?

Họ im bặt. Tưởng yên, ai ngờ cô vừa đọc thơ lên tiếng:

- Hoan hô! Lần anh về phép đầu tiên tôi đảm bảo chị Liên sẽ cho anh khoác tay ra đứng trước ủy ban.

Cô Liên, nàng của tôi đỏ mặt lên, đập bồm bộp lên vai cô bạn, mắng quỷ mắng yêu, đúng cung cách các cô gái khi gặp chuyện vừa hài lòng vừa mắc cỡ. Tôi biết là nguy tai, hết phương tháo gỡ. Ngày mai tôi còn ở nhà sẽ mất hết mặt mày. Ước mơ của mình cũng tan biến. Liên sẽ khinh tôi, đó là điều chắc chắn. Thật ra tôi có sợ chuyện đi bộ đội đâu, chẳng qua là tại má tôi. Má chỉ còn mình tôi ở chung, không muốn cho tôi đi xa. Má đau yếu luôn nên tôi cũng chẳng nỡ ra đi. Nếu cần tôi vẫn có thể ra đi, để lại ít chữ là xong. Tôi đi Liên sẽ ở với má tôi, làm người yêu anh bộ đội là danh dự lắm rồi.

***

Tôi ra đi vào buổi sáng sớm, bộ quần áo túm trong chiếc khăn rằn, ghé lại chú bí thư ấp trình bày nguyện vọng. Chú chấp thuận, bảo tôi mặc áo trắng, quần xanh học sinh lên lộ dễ hơn, sang phía bắc lộ, tự tôi đã biết đường lên cơ quan quân sự huyện. Chú cho thêm ít tiền.

Tôi ra khỏi xóm trời đã hửng sáng. Tôi men theo con rạch nhỏ. Xóm tôi giờ đã cách một cánh đồng, không rộng lắm, tôi còn nghe tiếng rống của con nghé nhà Liên. Bất đồ, từ trong lùm chuối có mấy thằng nhảy xổ ra:

- Đứng lại! Mày đi đâu?

- Tôi đi Mỹ Tho. Tôi là học trò.

- Giấy tờ đâu?

Tôi đưa giấy khai sinh. Tôi mười chín tuổi nhưng khai là mười bảy, có dán ảnh đóng mộc đàng hoàng. Tuổi bắt lính lúc đó là hai mươi mốt, nên tôi tỉnh bơ. Thằng xem giấy cười gằn:

- Thằng này sao lạ quắc, tao chưa từng thấy mặt?

- Tôi là con nít mới lớn, đi học xa, chú không thấy là phải.

- Sách vở mày đâu?

- Tôi để ở Mỹ Tho. Tôi về nhà xin tiền.

Mình thật ngốc, tôi nghĩ bụng, khi không lại khai chuyện tiền bạc, chúng sẽ lục túi lấy sạch. Một thằng lên tiếng lếu láo:

- Thằng này hôm kia tôi thấy đứng nói chuyện với Ba Chim.

Thằng nói láo quá chừng! Chú Ba là Bí thư Tỉnh ủy, thằng lính làng này gặp chú thì bữa nay vợ con nó chắc đang cúng mở cửa mả, còn đâu kênh mặt rố ráo. Tôi cười, nó nhảy lại tát tôi:

- Mày cười cái gì?

- Chú đi hỏi hết Mỹ Tho xem có ông giáo sư nào tên như chú nói không. Làm sao tôi nói chuyện với ông ta được?

Hắn móc quyển sổ và cây bút chì:

- Viết tên mày vào đây!

Thấy nét chữ cứng cáp, hắn có vẻ tin tôi là học sinh, nhưng vẫn bảo:

- Thôi dẹp chuyện học hành, đi làm bót chiều nay tao tha.

Tôi thấy yên tâm, bót ở trên lộ lớn, gần chợ chồm hổm của xã, chúng vô ý một chút mình vọt qua bên kia lộ là xong. Hai thằng đi trước, có vẻ là lính mới, thằng ác ôn hò hét nãy giờ thúc súng vào lưng tôi:

- Đưa tay lên! Đi mau!

Nó không nói tôi đi rồi, nó nói làm tôi tức quá. Tôi muốn vào bộ đội, bộ đội bao giờ chịu đưa tay lên. Chú tôi có dạy mấy thế Judo, ít miếng võ Việt. Tôi vờ trợt chân, nó bước trờ tới họng súng hướng qua chỗ khác, tôi nhập nội, chặt một đòn đúng nó, lên tiếp cho một gối.

Thằng chó chết buông súng lăn đùng xuống rạch. Tôi chộp cây súng giương lên, hai đứa còn lại hoảng hốt bỏ chạy, tôi mà biết bắn thì chúng đi đứt rồi. Tôi vác súng băng đồng chạy miết về xóm, chạy được nửa đường mới nghe súng nổ. Chắc thằng dưới lạch đã mò lên được.

Tôi tiếp tục chạy, bỗng như bị ai hất mạnh, té nhào, may là đã cách bọn chúng khá xa. Các anh trong xóm nhìn thấy bắn hỗ trợ, chúng liền rút êm. Tôi đau quá ngất đi.

Tôi tỉnh đậy, nghe yên ắng xung quanh. Tôi quàng súng lên vai bò lê về xóm kêu cứu, các anh ra cõng tôi vào. Y tá cho tôi biết tôi không bị gãy xương chỉ đứt gân gót thôi. Vậy cũng khổ quá rồi. Làm sao đi bộ đội?

Liên đến thăm. Tôi ảo não:

- Thôi hết rồi, em! Anh không đi bộ đội được nữa rồi.

Liên nắm tay tôi thương cảm:

- Đừng buồn, anh Tám! Anh đánh, tước súng được của tụi nó. Anh là bộ đội Cụ Hồ rồi.

***

Kể đến đoạn đắc ý anh Tám ngừng lại, mặt mày rạng rỡ, tự rót cho mình một ly rượu nhìn tôi cười:

- Đời nó vậy đó anh Mười, trong cái rủi có cái may. Đúng là chuyện tái ông mất ngựa. Tôi què chân rồi được vợ, rồi còn làm được chuyện quan trọng hơn nữa.

- Chuyện gì vậy?

- Tôi thành tàn phế, hết sợ bắt lính, ít bị chú ý, vợ chồng tôi chuyển ra gần lộ, làm ăn khấm khá, có điều kiện nuôi giấu tiếp tế cho anh em mình. Nhà tôi là cái trạm quan trọng của tỉnh trên lộ Bốn, trong cuộc kháng chiến lần sau.

Anh trót đầy ly đưa cho tôi, nói tiếp:

- Dù gì tôi cũng hận là không được sống ngày nào trong quân ngũ. Anh thông cảm hôm nay tôi quấy rầy anh. Anh cũng như tôi, cũng thích đời bộ đội.

- Sao anh biết tôi thích?

Anh cười khà, uống luôn một hơi hai ly. Trông anh như chiếc xuồng khẳm, lắc lư trên sóng:

Năm mười bảy tuổi vẫn cười khà

Khăn gói lên đường công tác K

Nhắn lại những người... ơ... ơ... mà thôi, hết!

Tôi sặc luôn mấy cái, nước mắt ràn rụa vì cười. Anh lại gật gù:

- Tụi mình hợp ý nhau quá. Sau này, mỗi lần qua đây tôi sẽ tới với anh nữa. À… mà cũng kẹt…

- Kẹt cái gì?

- Kẹt ở chỗ… mình mấy tháng mới được gặp nhau. Phải chi hai đứa mình cùng xóm thì thật là vui. Hay là như vầy… Anh Mười có con trai lớn không?

- Đứa lớn hai mươi, còn đi học.

Anh Tám thở dài:

- Uổng quá, con gái Út tôi hai mươi bốn tuổi rồi, phải chi mình làm sui với nhau thì hay quá.

Anh trầm ngâm một chút, rồi lại cười:

- Hay là mình làm sui ''chay'' với nhau đi?

- Sui “chay” là sao?

- Tại mình không có con trai con gái xứng lứa, nhưng mình thích nhau, gặp nhau cứ chào, gọi nhau là anh sui cho thiên hạ tức mình chơi.

Tôi cười ngất. Anh đứng lên hai tay nâng ly:

- Năm mới, chúc anh sui mạnh khỏe, công tác hoàn thành.

Tôi cũng đứng lên:

- Tôi cũng mừng anh sui sang năm làm ăn khá giả, cháu nội, cháu ngoại đủ đầy.

***

Chúng tôi chúc nhau đến chừng nào tôi không nhớ nổi, dường như đã thăm hỏi đến cả chó mèo, gà vịt của đôi bên. Khi tôi tỉnh giấc sáng hôm sau anh sui đã đi rồi, trên bàn còn để lại khúc rượu thuốc, miếng khô cá tra.

Anh sui tôi ''ra đi không hẹn ngày về'', “bóng chim tăm cá'' chẳng biết đâu mà tìm. Năm năm rồi, tôi vẫn mong gặp lại anh, để ''tửu phùng tri kỷ thiên bôi thiểu'' mà than ôi, vẫn là “đã mòn con mắt, phương trời đăm đăm”.

Hy vọng cuối cùng của tôi là viết truyện ngắn này. Thằng con của anh Tám phải đọc báo quân đội, nó là sĩ quan, nó phải biết tôi viết về ai, hy vọng anh em tôi sẽ bắt được tin nhau.

Không, tôi chẳng đòi hỏi chúng mình gặp nhau đâu, anh Tám! Những thằng kháng chiến già, giỏi lắm là có chiếc xe đạp còi, đường xa đến với nhau mệt lắm. Tôi chỉ muốn anh làm như có tôi đứng trước mặt, đang nghe tôi nói:

- Chào anh sui!

 

----------------------------------

 (1) Bậc tiểu học ngày xưa có sáu lớp, hai lớp nhì: nhì một năm và nhì hai năm.

(2) Thơ Bảo Định Giang

 

Lương Hiệu Vui
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 362
  • Khách viếng thăm: 361
  • Máy chủ tìm kiếm: 1
  • Hôm nay: 42688
  • Tháng hiện tại: 1684101
  • Tổng lượt truy cập: 48058228