Sài Gòn 1978

Đăng lúc: Thứ ba - 18/12/2012 14:49
1. Điểm hẹn là quán cà phê cóc trong sân một ngôi đình của người Hoa ngay ngã ba đường Minh Phụng. Xuống trạm xe buýt, tôi đi vào rồi chọn góc khuất ngồi chờ Cường “thẹo” tới trong khuôn viên đình có một quán cà phê nhỏ.
Bên ly cà phê phin nhỏ giọt, tôi nhìn quanh, như bao nhiêu quán cà phê “cóc” ở Sài Gòn này, cái quán nhỏ chỉ có vài ba cái ghế vừa để ngồi, rồi ly cà phê được đặt lên một cái ghế khác, chỉ cần nghe tiếng chiếc xe Jeep màu vàng của công an là nhanh như trong phim, cả cái quán biến mất bỏ lại những người khách tốt bụng đứng dưới gốc cây đa cổ thụ chờ công an đi, lại uống tiếp ly cà phê nguội ngắc. Tôi yên tâm, hôm nay sáng thứ hai, chắc là không phải “chạy” vì mấy ông công an phường còn bận họp đầu tuần.
Chiếc honda PC hình như quá tương phản với thân hình đồ sộ của một lực sĩ như Cường “thẹo” trong cái áo pull và cái quần jean bạc màu, Cường vẫy cái kiếng đen vừa lấy xuống chào tôi:
- Ông chờ lâu chưa?
Tôi lại cẩn thận nhìn quanh:
- Chừng 15 phút, tin tức sao rồi?
Đợi cô bé đặt ly cà phê lên bàn, Cường nói nhỏ:
- Xong hết rồi… bữa nay “gom hụi” chót, ngày mai 5 giờ sáng, ông tập trung 6 người của ông tại quán bánh bao bà Năm Sa Đéc chỗ đường rầy xe lửa chợ An Đông, tui cho “Tắc xi” tới đón.
Minh họa: Lê Hồng thái

Cái từ “Tắc xi” trong các tổ chức vượt biên chính là người dẫn đường, có thể đó là một phụ nữ đẹp, cũng có khi là một anh chàng có vẻ bề ngoài rất “lúa” đến trao đổi mật khẩu rồi nhanh chóng hướng dẫn lên đường.
Tôi đẩy qua chỗ Cường bao thuốc hiệu “Hoa Mai”, trong đó đựng 12 chỉ vàng 24k.
- 12 “khâu” đó, tụi tui 6 người, vị chi là… à, ba lần sáu là 18 cây, đưa trước cho chú 12 “chỉ”, ra tới tàu lớn, số còn lại tui “chung” đủ.
Cường “thẹo” càu nhàu:
- Mấy cha, cha nào cũng “thủ”, tụi tui đóng tàu cả trăm cây, đến giờ đi, lại “lượm” từng “chỉ”.
Nói thì nói vậy chớ hắn cũng thò tay lấy cái bao thuốc lá có 12 khâu vàng cẩn thận cất vào túi, nói nhỏ:
- Theo hợp đồng, tiền cọc mỗi người là 5 chỉ, bữa nay tui nhận trước mỗi phần 2 chỉ, tới bữa lên đường tui sẽ nhận thêm… vị chi là 18 chỉ nữa… O.K?
Tôi lắc đầu ngao ngán, vàng của khách tôi đã gom đủ chỉ sợ lại gặp tổ chức “dỏm” nên chỉ “chi” nhỏ giọt cho nó “chắc ăn”… ai dè Cường “thẹo” còn tính cao hơn tôi.. đúng như lời đồn của giới “Over Sea”(1) hắn là một con cáo già lọc lõi
trong nghề.
Cái thẹo kinh dị trên mặt hắn chính là hậu quả của ca axit trong một trận thanh toán vì “ăn chung” thiếu sòng phẳng.

2. Buổi sáng, quán hủ tíu bà Năm Sa Đéc chật kín khách, nhóm tôi, từng người một tới điểm hẹn ngồi uống cà phê chờ đợi.
Đúng giờ thì Cường đến với một anh chàng rất “lúa” mặc bộ đồ Pi-ja-ma màu cháo lòng, mang đôi dép Lào màu đỏ, tay xách cái giỏ đệm. Tôi nghĩ:
- Thằng cha “Taxi” này sắm vai dân lục tỉnh đây, hay thiệt.
Cường tới ngay bàn tôi, cười
rất tươi:
- Hế lô đại ca, thời tiết bữa nay tốt quá, “hàng họ” sao rồi?
Tôi nhăn mặt:
- Trả lại chú cái tên gọi đại ca đó, nghe sao có cái hơi “Mạc Đỉnh Chi”(2) quá “cha nội”!
Cường quay qua anh chàng “Taxi”:
- Giới thiệu với anh Ba, đây là Thọ, bữa nay đi Sóc Trăng với anh đó.
Đúng là một tay “Taxi” chuyên nghiệp, hắn đội cái nón cối bộ đội đã cũ nhìn tôi cười nheo mắt.
Cuối cùng thì bọn tôi 6 người theo Thọ ra xe buýt đi xa cảng Miền Tây. Một hàng dài những người chờ đến lượt mua vé mồ hôi nhễ nhãi, tiếng người lao xao, phía trước là những hành khách trên tay cầm tờ giấy giới thiệu mua vé ưu tiên, cô bán vé có lẽ quá quen thuộc với công việc của mình thường ngày, thản nhiên ngồi nói chuyện giành nhau mua cá biển ở Hợp tác xã mua bán sáng nay với cô bạn đồng nghiệp, trong khi chồng giấy giới thiệu ngày càng thêm dầy. Cũng dễ hiểu thôi, nhịp thở của một đất nước mới hồi sinh cũng khó mà ổn định, chế độ thương nghiệp tem phiếu sau đợt đổi tiền đã có tác dụng làm cho người Saigon giảm bớt cái tốc độ quán tính trong nếp sống cũ mà trật tự hơn, lịch sự văn minh hơn, có lẽ trước kia họ rất dị ứng với hai từ “chờ đợi”, ngay cả mua vé xem phim cũng khó tránh được những cú huých vai với rất nhiều bàn tay thô bạo thọc vào cái ô cửa nhỏ xíu của quầy bán vé. Nhanh như sóc, Thọ tìm một chị bán thuốc lá dạo nói gì đó rồi đưa mấy chục đồng bạc, chỉ năm phút sau chị ta mang lại 7 cái vé đi chuyến xa cảng - Sóc Trăng.

Trên đường đi, những thửa ruộng trĩu nặng lúa vàng chạy vụt qua khung cửa sổ, tôi lại nhớ lời dặn của anh Chín Tâm:
- Tổ chức vượt biên nầy lớn lắm, tay đầu sỏ nằm tuốt bên Băng Cốc chỉ huy, anh phải hết sức thận trọng, lộ một cái là chúng không ngần ngại thủ tiêu anh đâu.
Tôi rất an tâm vì mọi hành động từ việc tìm đầu mối để tiếp cận Cường thẹo  là một thời gian dài hơn 3 tháng, đủ thời gian để bọn chúng tìm hiểu dò xét, trong vỏ bọc là một sĩ quan chế độ Saigon mới đi cải tạo về, vợ con đã vượt biên, xem ra tổ chức nầy rất tin tưởng tôi.
- Cô bác xuống xe qua phà.
Anh lơ xe đeo ở cửa xe la lên, bọn tôi lục tục xuống xe.
Phà Mỹ Thuận rộn rịp với một dãy dài xe chờ đến lượt xuống phà, tiếng rao hàng, tiếng người, tiếng máy xe gầm rú tạo nên một cảnh quan vô cùng nhộn nhịp, theo sắp xếp của Thọ Taxi hắn chia 6 người bọn tôi ra làm hai nhóm: một nhóm do hắn dẫn và nhóm còn lại gồm có tôi và hai vợ chồng người Hoa nối bước theo sau, giả bộ như không hề biết nhau.
Đến phía bờ Vĩnh Long, tôi nhăn nhó xin đi vệ sinh dòm trước dòm sau, tôi chui vào quán bán báo, đưa tờ năm đồng, ra gọi nhờ điện thoại cho anh Chín Tâm báo cáo tình hình và cho biết điểm tập kết là một xã ven biển của huyện X. thuộc tỉnh Sóc Trăng. Vẫn giọng nói đặc biệt chất Nam bộ trầm ấm và thân tình, anh Chín nói:
- Ông cứ yên tâm, một tổ
trinh sát vẫn bám theo từ sáng đến giờ, các đồng chí ấy đã được lệnh bảo vệ ông.
Tôi thở phào nhẹ nhõm và nhớ lại 3 anh thanh niên hiền lành ngồi hàng ghế phía sau bàn chuyện về miền Tây tìm mua tôm ở miệt biển.
Xe chưa tới Sóc Trăng thì Thọ đứng lên:
- Cho xuống bác tài ơi….ờ…ờ….đống lúa phơi đằng trước đó.
Tôi cũng đứng lên nhìn về phía trước, một đống lúa to đùng chiếm gần một phần tư con đường nhựa, vợ chồng nông dân người Khmer đang trải ra phơi thản nhiên như ở sân nhà mình.
Thọ dẫn cả bọn qua phía ngã ba đường, chờ xe. Bây giờ thì hắn ta có vẻ bình tĩnh đến lạ:
- Mấy ông nhớ cho kỹ, đến đây là an toàn rồi, lỡ ai có hỏi thì cứ trả lời là đi dự đám giỗ nhà ông Tám Ti ở Ấp Biển.
Sau một đám bụi đỏ mù trời, chiếc xe chở khách hiệu Renaul già ọc ạch dừng lại, không còn một chỗ ngồi, dưới sự sắp xếp của anh lơ xe, tụi tôi leo lên mui ngồi chung với mấy cái rọ heo đang kêu la inh ỏi.
Hình như cái mặn của biển đã nghe thoang thoảng theo gió chiều. Rồi cuối cùng chiếc xe cũng vào bãi đậu, mấy anh xe “tàu cau” xuất hiện ồn ào mời chào bằng tiếng Việt lẫn cả tiếng Khmer.
Tôi lại mỉm cười khen cho ai đó đặt tên cho chiếc xe lôi máy của vùng đồng bằng Nam bộ là xe “tàu cau”. Cũng đúng thôi, ngồi sau lưng người lái, tôi bấu chặt vào càng xe trong khi chiếc động cơ Sache gầm rú ì ạch kéo cái sức nặng quá tải vượt con đường lộ đất đỏ đầy những ổ gà sau cơn lũ mấy tháng trước… tôi lại nhớ thuở còn thơ ngồi trên cái tàu cau cho thằng bạn cùng lớp ì à ì ạch kéo…
Lại xuống xe, sau gần 20 phút lội bộ trên con đường đầy cát, tiếng sóng biển vọng về đã nghe rõ hơn, thì đến nơi.
Đó là một ngôi nhà ngói phía trước là một hàng rào xương rồng dày kịt, đúng là nhà nầy vừa tàn một đám tiệc gì đó, bàn ghế còn chỏng chơ trên cái sân phơi lưới, nhìn thẳng ra mặt biển ì ầm tiếng sóng.
Tám Ty, chủ nhà là một người rất hiếu khách, theo Thọ giới thiệu Tám Ty nguyên là một trung sĩ biệt động quân thuộc Tiểu đoàn 42 “Cọp Đen” vừa đi cải tạo về, hơn năm nay, anh ta sống ở đây một mình với thằng cháu kêu bằng cậu, thằng bé, mấy hôm nay lại về nhà lớn ở trên
chợ huyện.
Nghe nói tôi là sĩ quan của chế độ Saigon, Tám Ty rất thân tình, cứ luôn miệng gọi tôi là “ông thầy” may mà tôi nói trước kia mình ở tuốt ngoài Quân khu I Quảng Trị mới qua mặt được anh chàng láu táu nầy.
Bốn chiếc chiếu bằng đệm bàng được trải ra trong căn nhà kho hoang phế của dãy nhà sau có con đường mòn đi thẳng ra phía rừng tràm, tôi nhìn quanh quan sát, ở cuối phòng là một đống lưới cũ ẩm mốc, đúng đây là một nhà kho chứa dụng cụ đi biển của nhiều năm trước.
Buổi tối hôm đó, ông chủ nhà tốt bụng và vui vẻ cho chúng tôi bữa hải sản linh đình có cả mấy chai rượu đế Bình Tây trong vắt.
Đang nhậu thì có tiếng xe Honda, lát sau, Thọ cùng vào với một người đàn ông trạc 40 tuổi với làn da sạm nắng của một người đi biển, Thọ giới thiệu:
- Đây là anh Năm Hùng, chủ tàu của chuyến đi nầy.
Năm Hùng rất lịch thiệp, bắt tay và hỏi tên từng người, hắn vào đề:
- Tui đi chuyến này nữa là chuyến thứ hai và cũng là chuyến cuối cùng, lần nầy tui mang cả gia đình cùng đi luôn với quý vị, vợ tui và 3 đứa con của tui cùng đi cho nên chuyến nầy tui tổ chức rất kỹ lưỡng, tài công của tàu mình là một trung sĩ hải quân cũ, thợ máy tàu là cháu ruột của tui trước kia là thợ của hãng Ba Son… bảo đảm là rất an toàn. Đêm nay là 30, trời tối, rất tiện cho việc lên tàu.
Ông khách người Hoa rụt rè:
- Còn… vấn đề tiền vàng thì sao.
Năm Hùng cười rất tươi:
- Yên chí, yên chí, bà con cứ yên chí, Năm Hùng nầy dám bán 3 chiếc tàu đánh cá xa bờ để đóng mới chiếc tàu nầy giá bằng cả ngàn cây vàng…xin lỗi…vài “cây” của bà con đối với tui chỉ là số lẻ… Lên tàu, ra tới hải phận tui mới lấy vàng. O.K ?
Mãi đến bây giờ tôi mới thấy được một chút thư giãn trên mặt mọi người, tuy vậy, từ khi Năm Hùng ra về sau khi cho giờ xuất phát là 12 giờ khuya, đón khách ngang bãi biển trước nhà, ai cũng chìm đắm vào suy tư, cả một không gian như chùng lại, mỗi người mỗi góc, bó gối im lặng trong tiếng gió hú trên kèo nhà làm leng keng tấm tôn bị sứt đinh, tiếng sóng biển ì ầm than thở như chào tiễn biệt những kẻ sắp lìa xa mãi mãi quê hương.
- Tôi quay mặt đi khi thấy đôi vợ chồng trẻ nghe nói là mua bán cassette ở chợ Huỳnh Thúc Kháng đang ôm nhau khóc.
Có lẽ, chỉ trong khoảnh khắc hiếm hoi nầy người ta mới nhận ra tình quê hương nó thiêng liêng đến thế nào…
Đó là những buổi bình minh ríu rít tiếng chim trên sợi dây điện trước lan can nhà, đó là tiếng còi hú báo giờ của hải quân công xưởng, đó là những góc phố có đàn em bé đang chờ xe rước đến trường, rồi cái phông tên công cộng ở đầu hẻm, chiếc xe bán mì gõ với tiếng nhịp buồn lóc cóc của hai thanh tre, tiếng rao “bánh dày, bánh dò…” lanh lảnh giữa đêm mưa… Tất cả những thứ ấy đã như gắn liền với nếp sống của người Saigon mà lẽ nào… một chuyến đi, mãi mãi chỉ còn là
kỉ niệm?

3. Tám Ty cầm đèn pin đi trước, cả bọn tay xách nách mang lúc thúc theo sau, phía đoạn hậu, Thọ cũng trang bị đèn pin đi sau cùng.
Ngoài bờ biển, chiếc tàu đang neo phía xa, gần bờ là chiếc “tắc ráng”(3) đang bập bềnh chờ
chuyển khách.
Bỗng nhiên một trái hỏa châu nổ tung sáng rực bầu trời, từ bốn phía lực lượng công an biên phòng xuất hiện, chưa kịp hoàn hồn, tất cả chúng tôi đều bị khống chế nằm úp xuống mặt cát biển mát lạnh, trên chiếc tàu mẹ đèn cũng cháy lên rực sáng, hai chiếc ca nô tuần tiễu của công an áp sát.

4.  Đang ngồi bó gối trong trại tạm giam Trần Việt Châu - Cần Thơ thì có tiếng mở khóa lách cách, tôi được gọi lên “làm việc” .
Anh Chín Tâm đang chờ tôi ngay tại Phòng của Ban Chuyên án, anh ôm chặt tôi cười rạng rỡ:
- Đêm qua ngủ có bị muỗi cắn không? Cực khổ cho ông quá … Mình thành công rồi.
Nghe anh Chín kể tôi mới biết đây là một tổ chức cướp có vũ khí ngụy trang thành một đường dây vượt biên trái phép, sau khi đưa con mồi xuống được tàu, chúng sẽ tiến hành cướp đoạt tiền bạc, tư trang, nếu chống cự lại chúng sẽ không ngần ngại thủ tiêu, còn không chúng sẽ xô tất cả nạn nhân xuống biển, nếu may mắn sống sót cũng chẳng ai dám khai báo với công an vì sợ bị truy cứu tội danh vượt biên….

5.  Mới đó mà đã mấy mươi năm, một khoảng thời gian chắc là đủ để mọi người tìm ra được đáp án của bài toán đúng sai của thế cuộc thăng trầm.
Riêng tôi ở cuối đời sao lại chợt nhớ bài học thuộc lòng trong quyển Quốc văn Giáo khoa thư thời thơ ấu: Quê hương ta là nơi đẹp hơn cả.
 
(1) OverSea: Tiếng lóng chỉ vượt biên
(2) Mạc Đỉnh Chi: trại tạm giam Công an
       thành phố
(3) Tắc ráng: thuyền, gỗ nhỏ, trang bị  động cơ Diesel

Thảo Bích
(Theo VNTG số 55)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin cũ hơn

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 218
  • Hôm nay: 54530
  • Tháng hiện tại: 2287080
  • Tổng lượt truy cập: 46254313