Phục sinh

Đăng lúc: Thứ hai - 17/09/2012 14:52
Sách vở, báo chí, thơ truyện, cải lương, kịch nói trên truyền hình, sân khấu mô tả giống hệt nhau cảnh anh chồng mừng quýnh nhảy dựng lên reo cười khi lần đầu tiên nghe vợ báo tin có bầu.

Tôi cảm thấy miêu tả như vậy là không thật, khuôn sáo, sượng sùng quá. Tôi không cho là mình thật hơn người, chỉ nói riêng cảm xúc của mình, nó không như vậy; không hẳn vì vợ tôi chưa từng mang thai bởi mười hai năm sau khi cưới cô ấy luôn bệnh hoạn và phải mổ triệt sản. Tôi cho rằng để đạt được niềm hoan hỉ thật sự khi có một đứa con, để có thẩm quyền nói lên điều đó, anh chồng phải trải qua muôn vàn thống khổ não nề như tôi đây.

***

Thằng nhỏ bị viêm phổi, khò khè mấy ngày rồi phải nhập viện. Tôi đưa cháu đi nhà thương. Vợ tôi xin nghỉ dạy ngày thứ sáu, cộng với hai ngày thứ bảy và chủ nhật, có cả ba ngày để lo cho cháu. Sau ba ngày thằng nhỏ chưa khỏi, thứ hai tôi phải thay vợ nuôi cháu. Kế hoạch là vậy, còn bây giờ, mỗi ngày hai bận sáng chiều, tôi đến thăm nom, tiếp tế cơm cháo, đồ dùng cần thiết.

Ngày chủ nhật tôi buộc phải đi dự đám mừng đầy tháng đứa cháu ngoại của ông anh. Tôi có lý do con bệnh để từ chối, nhưng mẹ nó thỉnh mời khẩn thiết quá. Tôi định đến chúc mừng tặng quà cho cháu, uống ly rượu rồi ra về. Nhưng vừa nhập tiệc ông anh là gia chủ cũng là tiệc chủ rên rẩm không uống rượu được. Không khí bỗng tẻ nhạt chán ngắt. Tôi thừa biết ông ấy uống như rồng hút nước, say máu rồi là cả ngày chưa chịu thôi; nhưng vì tính bạc nhược, suốt đời hay rên rẩm, than van, sướng ưa lừa khổ. Bực mình quá, để cứu lấy bàn tiệc và cũng để gây ấn tượng, tôi đứng dậy chúc rượu chủ nhà, thậm chí cha con cùng rể gộc, mỗi người cạn một ly đầy. Tôi uống mấy vòng liền, khiến chủ nhà phải chới với kinh hồn. Lát sau, ngấm rượu, ông anh hăng lên: “Chơi luôn!”. Ai cũng tỏ vẻ ưng ý với nước chịu chơi của tôi, làm tôi nở mũi quá chừng. Để lên dây cót, khích lệ tinh thần ông anh, tôi cảm thấy phấn chấn chẳng kể gì mệt nhọc.

Cái giá phải trả cho hành động xốc nổi ấy thật kinh khủng. Sáng hôm sau phải thay ca cho vợ đi dạy, tôi đến bệnh viện nuôi con, bụng dộp cả bao tử không ăn uống gì được, người nhẹ như giấy, chỉ chực đổ gục tại chỗ. Trời ơi, làm sao tôi chịu nổi suốt ngày với thằng con láu táu, nằm viện nhưng không ở yên trong phòng quá mười phút. Nó cứ chạy lon ton khắp bệnh viện, đến phòng nào cũng ngó vào “kiểm tra”, tôi chạy theo thở dốc, lầm bầm như cầu kinh: “Qua được bữa nay, ta thề bỏ rượu”.

Tội nghiệp thằng nhỏ, cho nó đủ thứ, cháo lòng, hủ tíu, phô mai, trứng cút, sữa tươi… mỗi thứ nó chỉ nếm qua một chút thôi. Mặt mũi nó chao vao, cổ tay ốm nhách thấy mà nhót rột. Nhưng tôi biết làm gì đây, chỉ mong cho mau qua ngày hết đêm, nó ngấm thuốc khỏi bệnh.

Lần đầu tiên tôi thấy thằng con mình bị chích thuốc, nó hét lên hãi hùng, hả họng mãi không ra hơi. Y tá lại bồi thêm một mũi nữa. Quýnh quáng tôi vỗ đít nó liên hồi, nói không ra lời:

- Ôi, ôi! Cha đau giùm con, cha đau thế con! Nín đi, nín đi con!

Cả phòng năm sáu đứa trẻ bị chích, khóc la đinh tai nhức óc. Không chịu nổi, tôi bồng con sang phòng trống kế bên, vỗ về đủ cách nó vẫn khóc dai dẳng nghe đứt ruột. Tôi tự trách mình đủ điều. Chính tôi đã vô trách nhiệm, để nó vọc nước bị nhiễm lạnh, bỏ mặc nó ngoài nhà trẻ đi chân không trên nền gạch lạnh. Thật tội nghiệp nó, ngần ấy tuổi phải chịu đớn đau quá sức. Ôi, con ơi tha thứ cho cha, thằng cha vô trách nhiệm này!

Lát sau nó cũng chịu nín, tôi bồng trở về phòng. Một bà nông dân cười nói bỗ bã:

- Con khóc, cha cũng khóc nữa kìa!

Lúc ấy tôi mới hay, hai mắt mình lóng lánh, cay cay.

***
Năm bốn mươi tuổi tôi xin nó từ một bà mẹ trẻ vì quá nghèo bỏ con mình giữa nhà thương. Lúc ấy nó đỏ hỏn trông thấy ghê ghê, không sữa mẹ nó yếu ớt hơn các trẻ khác, ốm đau luôn, phải hoạn dưỡng trầy vi tróc vảy. Bà già vợ tôi nhận nuôi giùm năm tháng đầu. Tháng chạp năm ấy, tôi đem nó về khi đã cứng cáp, ngồi được xe nôi. Mấy ngày đầu nó ăn uống nhà tôi không quen bị chói nước, đau bụng khóc ngằn ngặt, hai vợ chồng tôi rối tinh. Đã vậy mấy thằng bạn nhậu cứ đến rủ rê. Tuần sau bà nhạc về, vợ tôi đi dạy, tôi một mình với nó. Nó cứ khóc suốt, nước mắt nước mũi tèm lem, toát cả mồ hôi đầu. Tôi cuống quýt, lúc cho uống nước, lúc cho uống sữa, lúc đút núm vú, không cái nào nó chịu. Tánh tôi ngang ngạnh vậy mà lúc ấy bỗng vái trời vái phật hỏi xem thằng con muốn gì. Có lẽ trời phật cũng động lòng trước cảnh gà trống nuôi con nên xui khiến tôi chợt nảy ra sáng kiến thử cởi áo ấm nó ra. Quả nhiên, nó im re, còn cười hè hè. Té ra mặt trời đã lên cao nó bị nóng bức quá đỗi. Tôi lắc lục lạc, nó cười làm tôi sướng rơn. Vậy là nó đã chịu tôi rồi. Mối quan hệ bắt đầu được thiết lập. Tôi cảm thấy thiêng liêng, hệ trọng quá chừng. Giá mà nó kêu một tiếng “cha”, chắc tôi mừng đến phải vật heo mở tiệc.
 
 
Đang chơi ngon lành, tự dưng nó im re, nhìn tôi trân trân làm tôi chột dạ. Có điều gì đó lạ lắm. Ôi trời ơi! Cái ánh mắt của nó muôn đời muôn kiếp tôi không thể nào quên. Ôi! Cái ánh mắt đăm đắm thiết tha, van lơn khẩn thiết, như muốn hỏi tôi mai mốt số phận lạc loài của nó sẽ ra sao. Lần đầu tiên trong đời tôi thấy nao lòng đến vậy. Tôi ôm ghì nó vào lòng hôn lấy hôn để, nhỏ nhẻ từng lời:

- Cha là cha của con đây! Con ở đây với cha! Thương lắm, thương lắm nghe!

Không biết nó có hiểu được lời tôi không, bỗng huơ tay tát vào má tôi, cười tưng tửng. Lát sau hai cha con lên võng ôm nhau ngủ ngon lành, vợ tôi đi dạy về chẳng hay biết. Hôm ấy tôi cảm thấy mình vỡ vạc, cứng cáp, sẵn sàng dang rộng đôi tay gánh vác.

Từ ngày có thằng nhỏ, bếp nhà tôi luôn ấm lửa. Từ ba bốn giờ sáng, vợ chồng cứ bận bịu luôn tay, tối mịt vẫn chưa một lần được ngả lưng. Thằng nhỏ bú bình một đêm vài ba lần, có lúc bú rồi ham chơi không chịu ngủ, hai vợ chồng thức trắng, sáng ra bước thấp bước cao, mắt nhắm mắt mở. Đi chợ mua đồ quên trả tiền, lúc trả tiền thì quên lấy đồ. Có lúc tôi ra đường mặc áo trái, thắt lưng quên cài, ăn không kịp nhai, uống không kịp thở, không giờ không giấc, có lúc ngã dụi xuống võng mà ngủ không kịp giăng mùng muỗi cắn ê mình. Có lần phải ngủ ngồi canh nó suốt bốn ngày đêm khi nó bị tiêu chảy. Không hiểu sao sức lực và khả năng chịu đựng của mình lại kỳ diệu đến thế. Hai vợ chồng như hai cỗ máy bị bỏ quên lâu ngày rỉ sét, nay được tra dầu mỡ chạy ro ro. Bà con thường hay nói: “Trời khiến, mến tay mến chân, cực mà vui”.

Thấy tôi là đàn ông vắng vợ vẫn lo cho thằng nhỏ đàng hoàng, mấy bà phục sát đất, hỏi han tới tấp, ai đi ngang cũng ghé xem mặt thằng nhỏ. Thằng nhỏ mày tằm mắt phụng, mặt hoa da phấn, ai nhìn cũng xuýt xoa khen, vợ chồng tôi sướng ơi là sướng. Bạn bè có con cùng lứa đến chơi, suốt buổi cứ nói về bọn trẻ. Con lớn hơn của, người xưa nói thật xác đáng. Tôi có thằng bạn làm ăn tất bật, nhưng về đến nhà dù mệt phờ vẫn bò lăn ra lau nước đái cho con. Có khi tôi thấy nó còn ngậm nguyên con cu thằng nhỏ vừa cắn dứ vừa cười khùng khục. Nhờ bọn nhóc mà bà con, anh em, xóm giềng bầu bạn thân cận vui vầy. Sướng nhất là ai cũng đối xử với tôi như một ông bố, một người có trách nhiệm. Cách đây không lâu lão Toán, người Bắc, bán cà phê bên đường, gọi tôi là “cu Tâm”, giờ đã trịnh trọng gọi bằng anh Tâm.

***
Thằng nhỏ chạy lạch bạch mãi cũng chán, đòi xem hồ cá cảnh, thò chân vọc nước bắt cá. Sợ nó bị cảm lạnh tôi đưa nó vào phòng cho uống sữa. Nó lắc đầu. Tôi cố ép. Nó uống được vài ngụm lại nhè ra. Tự dưng nó nằm đờ đẫn không thèm chơi nữa. Tôi ẵm nó vào lòng ru ngủ. Nó vừa thiu thiu bỗng phẹt ra quần lênh láng, bệt sang tôi tận hông đến đùi. Bữa ấy tôi chỉ mặc bộ đồ dính da, giặt giũ xong, đành trưng cái bộ giò lông ra đến trơ trẽn. Lạ một điều là mấy bà mấy cô đều không thấy ngại, chỉ cười chút thôi. Vừa xong ngồi chưa kịp thở thằng nhỏ lại phẹt ra nữa. Nó làm cả thảy ba lần, tôi chạy tới chạy lui muốn điên đầu. Cuối cùng thằng nhỏ cũng chịu bú và ngủ yên. Định ngả lưng một chút bà bác sĩ gọi tôi lên văn phòng hỏi chuyện. Thấy tôi mặc quần áo ướt sũng, bà hỏi:

- Ăn mặc kỳ vậy? Vợ đâu để anh nuôi?

Tôi bảo bà xã phải dạy bù đợt nghỉ lũ, bà bác sĩ tỏ ra thông cảm:

- Tại sao sổ khám bệnh ghi tên cháu là Hòa, còn giấy bảo hiểm lại là Hùng?

Ấy là do khi mới nhận cháu về tôi đặt tên là Hòa, mãi một năm sau mới làm khai sinh, theo thủ tục mới cháu phải mang tên họ của mẹ đẻ, không được sửa đổi. Khi nhập viện, lúng túng tôi cứ khai tên thường gọi. Bác sĩ lắc đầu chắt lưỡi, bảo tôi phải đem khai sinh, giấy chứng nhận con nuôi và hộ khẩu để sửa lại cho khớp với hồ sơ bệnh án. Thật là rắc rối. Ngán quá tôi giao cho cô em dâu lo giùm.

Thằng nhỏ ngủ dậy khóc ngặt đòi đi chơi. Sáng giờ chưa một lần ngả lưng, lúc nãy định nằm một chút, nhưng thằng nhỏ ở giường bên lăn qua chiếm mất chỗ, tôi đành mặc bộ quần áo lạnh toát chạy lệt bệt theo con. Nó chạy một đỗi lại làm bộ té, cười ngặt nghẽo, lấy cớ để nằm xuống gạch. Tôi phải lau tay lau chân cho nó. Lạ thật, thằng nhỏ chỉ uống ít sữa cầm hơi, mặt mày chao vao, vậy mà nó dai sức kỳ lạ, chạy mãi không hề mệt mỏi. Tôi đuổi theo nó muốn hụt hơi. Hơi rượu đến giờ còn hành hạ tôi nóng rát tận tim gan, cột sống chỉ chực gãy gập, người nhẹ như giấy, mắt mờ nhập nhòe. Tự dưng thằng nhỏ biến mất. Tôi phát hoảng nháo nhào tìm kiếm, chạy đôn đáo một hồi toát cả mồ hôi, bỗng thấy nó từ trong cầu thang bò ra nhìn tôi cười lỏn lẻn. Nó lại chạy lon ton. Tôi lại đuổi theo sát gót.

Từ ngày có thằng nhỏ đến giờ, tôi chưa bao giờ được yên thân lấy một phút. Giữa đêm ngủ say như chết, nghe tiếng nó khóc bật dậy tức khắc. Có đêm chỉ chập chờn từng lúc. Hồi còn thanh niên ham ăn ham ngủ, đang đêm sét đánh ngang tai tôi cũng không thèm dậy. Còn bây giờ hễ nó gọi một tiếng là trình diện ngay tức khắc. Quả thật, uy lực của ông con còn hơn cả lệnh vua ban ra.

Từ ngày có nó bao nhiêu việc khó khăn, cơ cực, bức bách ngập đầu ngập cổ kéo đến. Có lúc đến xế trưa chưa ăn được hột cơm, đến khi và được một miếng cơm lạnh ngắt đã phải vội bỏ vì nó vừa tè ra quần.

Tôi thường tự hào về khả năng tiết kiệm của mình, chỉ cần vài ngàn đồng sống được cả ngày. Vậy mà từ ngày có con, tôi không hề tiếc thứ gì, bao nhiêu cũng được. Đồng lương dạy học của mẹ nó không đủ để nó mua đồ chơi và ăn bánh. Tôi dồn tất cả cho nó, hai vợ chồng đến bữa ăn qua loa cũng được, miễn no bụng. Tôi đã cắt hết mọi nhu cầu cần thiết của mình, kể cả sách vở, cái tôi quý nhất. Ngay cả việc viết lách, một thời tôi đã để hết tâm trí, bây giờ xem ra cũng vô nghĩa. Khi thằng con ị, có gì cần kíp hơn là việc phải lo rửa đít cho nó, một việc tầm thường quá đỗi, vậy mà sao tôi vẫn thấy khoái kỳ lạ.

Từ ngày có thằng con, tôi lâm vào tình trạng mệt mỏi rã rời, nơm nớp lo sợ, bởi có quá nhiều điều mới lạ chưa từng biết. Chỉ giọng khóc của nó thôi cũng có nhiều cấp biểu lộ khác nhau, phải hết sức chú ý mới hiểu nổi. Nó bực hực là đòi đi chơi, còn ré lên từng chập, mắt mũi tèm lem là đòi ngủ, còn nhảy dựng, vặn nài bẻ ống là đòi ăn đòi bú. Đang chơi mặt nó đực ra, mắt nhìn trân trân là sắp ị… Chỉ bấy nhiêu mà tôi phải chú ý học tập đến mấy tháng trời còn chưa thông thuộc. Có lúc nó đòi ẵm, tôi lại dỗ ngủ, có lúc đòi ngủ lại cho ăn, thật tức cười.

Ăn uống, ngủ, ị, giặt giũ phơi khô, trời mưa cuốn lại… ngày lại ngày vẫn từng việc ấy. Dần dần công việc cũng trôi chảy, tôi đã biết sắp xếp gọn gàng, tranh thủ nghỉ ngơi. Tôi bỗng nhận ra sức lực của mình dường như tăng lên gấp bội. Kiên nhẫn bao la, chịu đựng vô bờ bến. Tôi ngờ ngợ, thằng con cũng chính là ông thầy vĩ đại của mình. Không có nó tôi chẳng ra gì. Khi chưa có con tôi như cái xác không hồn, có con rồi, xác chẳng có, hồn cũng không, bởi có lúc nào nghĩ đến mình, hồn mình luôn luôn gởi bên con, quên nó một lúc là giật mình sợ hãi, như người mất hồn. Bây giờ tôi mới thấm thía cái câu “bất hiếu hữu tam, vô hậu vi đại”, có thể hiểu rộng ra bất hiếu với cả trời đất, trái nghịch với nhịp vận hành của cuộc sống, sự sống không được truyền thừa, tiếp nối vì thế hệ mai sau, chỉ là nỗi khổ hình, héo úa, quặt quẹo đến điên rồ. Bây giờ tôi mới hiểu vì sao mấy bà góa không con tính tình như có muối ớt xát trong đầu.

Chưa có con tôi như con ngựa hoang, đói chẳng thiết ăn, khát chẳng thèm uống, chạy rông giữa đồng cỏ vô phương hướng. Bây giờ không còn dụng công vô lối, đối với tôi mọi vấn đề đều nặng ký, tôi nhìn sự việc trong toàn bộ các mối liên hệ chằng chịt với nhau, đến nỗi chẳng cần nói một lời, chỉ biết gieo mình chứng nhận. Xưa kia, tôi chỉ phân biệt có hai màu trắng đen, rạch ròi thiện ác, đôi khi bạc đãi người và tàn nhẫn với chính mình. Bây giờ, nói có quá đáng không, tôi ví mình như cái tivi màu đa hệ, đài nào cũng thu được; hay như con sư tử già bắt đầu gặm cỏ, không còn tiệc máu, cung đàn hòa điệu đã trỗi lên khúc nhạc du dương, hát bài ca của lá, chắt chiu từng giọt nắng, uống từng ngụm mưa xuân, ấp ủ dòng nhựa sống cho hoa quả mùa sau. Then máy cuộc sống đã hiển lộ, thật là kỳ diệu, thật là nhiệm màu!

Tháng ngày êm ả trôi nhanh, thằng con tôi lớn dần, lúc nào cũng cân nặng ở kênh A. Mắt nó xanh biếc, môi mọng, má phính, ai nhìn cũng mềm lòng thương mến. Tôi cảm thấy hạnh phúc vô cùng, tự hào cho rằng giờ đây mình đã sống một cuộc đời đầy ý nghĩa. Những lúc đưa võng cho con ngủ, tôi ngắm nhìn chùm hoa ti-gôn viền quanh đà lan hiên nhà, cũng là hoa đấy, giờ sao nó rạng rỡ hơn xưa biết mấy. Giây phút bình an sao mà sung sướng đến rờn rợn thịt da. Nhưng tôi đã lầm, đường phía trước còn đầy dẫy chông gai, đi mãi có lẽ không dừng.

Một hôm có anh bạn vong niên đến thăm mừng quà cho cháu, lâu ngày gặp lại, hai anh em cụng ly rôm rốp, chuyện trò sôi nổi, bỏ mặc thằng con chơi dưới gạch suốt mấy tiếng đồng hồ. Trước khi nhậu tôi cũng đã cho nó ăn, nhưng nó chưa đói. Đến khi vợ tôi về, cho nó ăn, nó đói đến nỗi vừa ăn vừa ngủ, mắt nhắm nghiền nuốt vội nuốt vàng. Chuyện còn đáng trách hơn nữa. Ngày hôm sau nhừ rượu, tôi nằm ì, không chịu nấu nước nóng, rửa đít cho nó bằng nước lạnh, nó rùng mình nhiễm bệnh, phải nhập viện. Tôi bứt đầu bứt tóc, day dứt khôn nguôi mấy bữa liền. Hình ảnh nó vừa nhắm nghiền mắt vừa ngớp ngớp thức ăn ám ảnh tôi đau đớn không chịu nổi. Tôi những tưởng, nhờ thằng con, mình đã được cứu rỗi, đã được tẩy uế, thanh lọc tâm hồn. Té ra nó vẫn còn nhầy nhụa khẳm mùi đủ thứ mầm mống ích kỷ. Ý nghĩ ấy quật tôi chết đứ đừ. Ôi trời, thằng bố mê rượu, bỏ con! Thằng bố không ra gì!

***
Trái banh lăn đến chân bà bác sĩ, bà chặn lại ngắm nghía, nhoẻn miệng cười, hô “sút” một tiếng, đá thẳng về phía thằng con. Nó chụp dính, ngồi bệt xuống cười hưng hửng. Bà bác sĩ cười nói:

- Bệnh gì mà hai cha con cứ chạy vòng vòng hoài vậy?

Nghe bà bác sĩ trách yêu, không kịp trả lời, tôi đã phải vượt theo thằng nhỏ đang chạy vù vù ra phía hồ cá. Trời ơi, nó lẹ như tép! Vừa đến hồ nước, sắp chụp được nó, nó liền bẻ ngoặt sang khoa sản. Tôi đuổi theo, nó lại thẳng về phía căn tin, rồi đáo lại khoa nhi. Tôi chạy theo nó, chạy mãi, không còn cảm thấy gì nữa. Ngang qua chiếc băng đá, tôi ước gì được ngồi nghỉ chân một lát. Tôi chạy theo thằng con mãi đến xế chiều, chẳng thiết gì đói khát, đôi chân lúc nào cũng chực sụm xuống tại chỗ. Đầu óc mơ màng, bao nhiêu ý nghĩ day dứt vò xé tâm can. Tôi đã có quá nhiều mong cầu không chính đáng với thằng con. Tôi đã mong nuôi nó để được nương dựa lúc tuổi già. Tôi đã dồn hết tinh lực cho nó, mong nó trở thành một “cá nhân xuất sắc, bù đắp cho những khiếm khuyết, những thất bại, đắng cay đời mình”. Tôi đã “ăn theo” nó mà không hay biết. Tôi đã núp bóng nó để trốn tránh những cuộc đối đầu sinh tử cần phải có, bằng những bổn phận, bằng danh hiệu một ông bố mẫu mực hết lòng vì con. Tôi đã yêu nó vì tôi, khác nào một tình yêu mua bán đổi chác.

Tôi cứ chạy theo sau thằng con, như mê sảng, cứ thấy trước mắt một đốm lửa tròn, xoay kêu xè xè. Tôi cứ nương theo nó mà bước. Vậy ta nuôi thằng nhỏ vì động cơ gì? Không gì cả, nuôi cứ nuôi. Tự tôi hỏi tự tôi trả lời. Ý nghĩ ấy làm tôi nhẹ người, bước chân nhanh hẳn. Đốm lửa trước mắt đã thu nhỏ lại còn bằng đầu đũa, nét tròn rõ ràng. Có lúc nó biến mất. Bỗng một bộ ngực tròn trịa ẩn dưới làn áo lụa hiện ra rồi đốm lửa lại hiện ra nhập nhòe. Tôi cố tập trung làm cho nó nhỏ lại, tinh hơn, cháy sáng hơn. Vừa được một lúc, tà áo dài thướt tha lại hiện ra khêu gợi. Tôi lại gọi đến lửa. Cứ thế hai biểu tượng lửa và nhục dục cứ giằng co nhau mãi, đến khi mũi tàu vang rền khỏe khoắn. Tôi mừng hơn bắt được vàng. Mũi tàu lướt sóng khoẻ khoắn, đó là dấu hiệu báo trước sinh lực tôi sắp được phục hồi, luồng khí nóng bắt đầu tràn vào cột sống. Mạch đốc đã được khai thông, phục sinh.

Một cặp đùi lại hiện ra. Quỷ phá tôi chăng?! Tiếng thằng nhỏ reo lên. Nó nhào đến ôm lấy vợ tôi. Tôi thở phì nhẹ nhõm như một vận động viên vừa đến đích.

- Mệt không? Về nghỉ đi! Em có chừa tô cháo thịt trên bếp. Lát nữa đem cái mền ướt về, mai đổi cái khác cho em!

Mẹ đút cháo, thằng nhỏ ăn ngon lành, có lẽ nhờ nó chạy suốt ngày, tính ra dám có đủ bốn mươi hai cây số.

Tôi đứng dậy, nó la lên, dậm chân không cho về. Mẹ nó năn nỉ mãi nó mới xoè tay bái bai.

***
Thứ năm bác sĩ cho cu Hòa xuất viện, vợ chồng tôi ẵm nó đến văn phòng chào mọi người.

- Ạ cô Hoa, ạ cô Hương rồi về con!

Nó gọi cô Hoa là cô “ụi”, cô Hương là cô “ịn” khiến mọi người chưng hửng. Mãi trên đường về đến gần nhà, tôi mới nhớ ra, cô Hoa là y tá thường lụi đít nó, còn cô Hương là bác sĩ mỗi ngày ịn ống nghe trên lưng và ngực. Hóa ra “ịn” với “ụi” là vậy!

Cu Hòa nằm viện bảy ngày, nhà cửa bê bối hết sức, gạch lát sân đóng rêu xanh rờn, tôi phải bỏ ra cả buổi kỳ cọ toát mồ hôi. Phải năm ngày sau thằng cu mới dứt thuốc, mũi đã khô, ngực thở không còn khò khè. Nó ăn uống gấp bội lúc trước, tôi mừng còn hơn trúng số.

Trời xanh ngắt, mây trắng như bông bay lững lờ, gió se lạnh thật dễ chịu. Mới chín giờ sáng, nắng còn vàng rộm, mọi người đã ra đồng, im ắng, thanh bình. Vừa uống xong ly sữa, cu Hòa đã nhắm mắt thiu thiu. Tôi đưa võng nhè nhẹ. Con ong bầu lượn lờ quanh mấy chùm ti-gôn thắm hồng rạng rỡ. Ngoài đường có một đứa nhỏ đang đi, ai như con Năm Thủy, đầu đội thúng, trên úp chiếc nón lá. Xe chạy vụt qua, hất bay chiếc nón, nó cúi xuống lượm lên, miệng cười ngượng nghịu phô hàm răng cửa trống hốc trông rất tếu, rất tội nghiệp. Cái cảnh tầm thường ấy lại gây cho tôi một cảm xúc kỳ lạ, dường như cuộc sống được hiển lộ trong chớp nhoáng. Tôi có cảm giác mình vừa nắm được cuộc sống trong lòng bàn tay, xinh xinh, ngồ ngộ.

Dương Minh Tâm
(Theo Tuyển tập truyện ngắn TG (1975 - 2005))
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 406
  • Khách viếng thăm: 401
  • Máy chủ tìm kiếm: 5
  • Hôm nay: 53333
  • Tháng hiện tại: 1802233
  • Tổng lượt truy cập: 48176360