Người đàn ông không thể đón con chiều nay

Đăng lúc: Thứ tư - 14/11/2018 09:32
Công trình xây dựng tòa nhà cao tầng trong thành phố đang thi công đến giai đoạn tô tường. Chiều lủng đủng sà xuống thành phố với gam màu xám xịt. Những khối mây đen kịt như những đụn khói nhả ra từ chiếc ống khói khổng lồ, lù lù trưng trổ lên từ phía chân trời. Những tia nắng cuối ngày yếu ớt tắt dần, tắt dần. Người đàn ông cố gắng tô cho hết vữa hồ rồi xin anh giám sát công trình cho nghỉ trước năm phút để đi đón con. Anh giám sát cằn nhằn, bảo làm gì mà ngày nào cũng xin về trước năm bảy phút vậy. Càm ràm vậy chứ anh cũng cho.

Người đàn ông lật đật trèo xuống qua hệ thống giàn giáo ken dày từ tầng tám của tòa nhà để đi đón hai đứa con. Thế nhưng… Chỉ thoáng chốc, mây đen ngùn ngụn từ phía cuối chân trời kéo đến phủ kín cả khoảng trời rộng lớn trước mặt. Mây đen sà xuống lừ lừ như muốn chạm nóc mấy tòa nhà cao tầng trong thành phố. Một khoảng không tối mịt bao trùm, nặng trình trịch như treo đá tảng trên đầu. Mây ống khói đèn thế này thì mưa lớn lắm đây. Phải chạy ngay thôi, chạy thật nhanh đến đón mấy đứa nhỏ, để tụi nó mắc mưa tội lắm, đau lòng lắm. Với anh, bây giờ mấy đứa nhỏ không chỉ là một phần đời, một phần máu thịt, mà hơn thế nữa, nó là lẽ sống, là hơi thở của anh. Bây giờ anh mới thấu hiểu, với cha mẹ, con cái chính là nguồn động lực mạnh mẽ hơn bất cứ nguồn động lực nào.

Nhưng không kịp nữa rồi. Trễ rồi. Trễ mất rồi. Người đàn ông có cảm giác như được nhấc bổng lên, hụt hẫng, chơi vơi, bềnh bồng trong cõi hư thực mơ màng. Rồi trời đất như tối sầm lại... Mưa trút xuống, xối xả, trắng xóa, lòa nhòa. Anh cuống cuồng đến phát khóc vì sợ không kịp đón con khi cơn mưa ập xuống. Mà không kịp thật rồi, mưa rồi còn gì. Không phát khóc sao được. Hồi năm ngoái, cũng một chiều mưa mà anh không thể nào quên. Hôm ấy trời mưa như giội nước. Chiếc xe mắc dịch mắc ôn chết máy dọc đường, mưa ràn rạt nên không có chỗ sửa, anh phải dẫn bộ hàng mấy cây số. Khi anh đến thì thằng bé đứng co ro ngay cổng trường, môi tím tái, mấy ngón tay móp xộp, trắng bệch vì lạnh. Anh buông vội chiếc xe máy cà tàng khiến nó ngã chỏng chơ, rồi sà đến ôm choàng thằng bé thật chặt:

- Trời ơi! Sao con không đến trạm chờ xe buýt đằng kia đục mưa chớ?

Thằng bé khóc sướt mướt:

- Ba dặn con tan học, nếu ba chưa đến đón kịp thì con phải đứng ở chỗ này, không được đi đâu, không được lên xe cho bất kỳ người nào chở. Nên con phải đứng đây chờ ba, đâu dám đi đâu. 

Anh siết chặt thằng bé vào lòng, nước mắt hòa trong nước mưa chảy thánh thót. Nước mắt của người đàn ông từng chịu nhiều va đập, sóng gió trong cuộc sống đâu phải dễ dàng muốn chảy ra là chảy. Thế mới biết những giọt nước mắt ấy nó thiêng liêng như thế nào. Lúc ấy, anh chợt nhận ra con là nguồn cảm xúc bất tận, khiến cho những người cha dù có mạnh mẽ đến đâu đôi khi cũng phải yếu lòng. Đêm ấy, anh ngồi nhìn thằng con, thương không ngủ được. Cũng vì thương con nên anh không đành để bà nội đưa hai đứa nhỏ về quê để bà trông coi, cho đi học để anh đỡ cực. Sung sướng tấm thân cũng có ý nghĩa gì đâu khi không có những đứa con bên cạnh. Thế mới hay, hạnh phúc đôi khi không phải là sự an nhàn, sung sướng cho bản thân, mà chính là nỗi vất vả cho những người mình yêu thương. Đêm đêm, giật mình thức giấc nhìn hai đứa nhỏ ngủ say là bao mệt nhọc trong anh dường như tan biến. Có thế mới biết điều kỳ diệu mà con cái mang đến cho cha mẹ, nó nhiệm màu lắm, thiêng liêng lắm. Hai đứa nhỏ đã không có tình thương của mẹ rồi, giờ không được gần cha nữa thì thiệt thòi cho chúng quá. Thương con nên anh phải

 ráng thôi!

***

Mưa trút nước xối xả. Người đàn ông không thể bình tĩnh được nữa. Anh gào lên, giọng tha thiết, khẩn cầu, hỏi có ai đi đón hai đứa con giùm anh không? Có ai không? Thằng con trai đã tan học nãy giờ rồi. Còn đứa em gái, anh gởi nhóm trẻ ở gần nhà chắc giờ này cũng đau đáu trông ba đến đón về. Nhưng anh không thể đến đón con được. Mưa. Anh đã mắc kẹt trong cơn mưa, trong ken dày giàn giáo, gạch đá, vữa hồ… Tại mưa làm anh luýnh qua luýnh quýnh. Tại mưa mà lẽ ra sớm nhưng đã hóa ra trễ tràng, muộn màng. Sao mưa làm chi mà ngay trân giờ anh đi đón con,

ác vậy?!

Anh nghe như có tiếng ai đó văng vẳng bên tai, hỏi mẹ thằng bé đâu, sao anh không điện thoại kêu đi đón con thay. Mẹ tụi nhỏ đâu hả? Đừng ai nhắc đến người phụ nữ ấy giùm được không. Đừng ai nhắc được không?! Từ lâu anh thầm van xin như thế. Anh sợ nhất là khi đưa hai đứa nhỏ đi học, cô giáo hay ai đó hỏi sao mẹ tụi nhỏ đâu hổng đưa mà thấy có mỗi mình anh đưa đón suốt vậy. Sợ lắm! Anh tổn thương còn có thể chịu được, chỉ sợ tụi nhỏ tổn thương, vì nhớ mẹ, tối về nằm khóc thút thít. Đau lắm, anh chịu không nổi. Vậy mà đưa con đi học, lâu lâu thế nào cũng có chị phụ huynh nhìn anh nở nụ cười thật tươi như là sự đồng cảm, sẻ chia, rồi hỏi, ủa mẹ mấy đứa nhỏ đâu mà thấy có mình anh đưa con đi học vậy? Câu hỏi khiến anh cảm thấy như có ai thốc mạnh vào ngực mình, đau nhói. Và anh cũng cố nở nụ cười, nói mẹ mấy đứa nhỏ phải vào ca sớm nên hổng có đưa được.

Minh họa: Thanh Sơn

Lúc đầu nghe anh nói vậy, thằng bé giẫy nẩy không chịu, nói đâu phải ba, mẹ bỏ cha con mình đi mà. Mẹ không thương cha con mình nữa nên bỏ đi mà, chứ đâu phải mẹ vào ca sớm. Tối về anh thỏ thẻ với con, bảo đừng nói vậy, mẹ nghe được sẽ buồn. Chắc mẹ có nỗi khổ tâm riêng nên mới bỏ đi như thế, chứ hổng phải không thương cha con mình. Vì vậy, cần thông cảm cho mẹ. Chị Thúy ở chung dãy nhà trọ nghe vậy thì bực mình, hỏi anh có khùng hôn, vợ anh bạc tình bạc nghĩa như vậy mà còn binh là sao? Anh nói kệ đi chị, nói cái gì tốt đẹp được cho cô ấy thì nói, còn không thì thôi chứ anh không muốn nghĩ xấu, nói xấu người đã từng đầu ấp, tay gối với mình. Chị Thúy lắc đầu thở dài, bảo chị sống hơn nửa đời người mà hổng thấy ai như anh. Có chồng như vậy mà bỏ được cũng lạ.

Mà cái thành phố này nổi tiếng hào hoa, lịch thiệp, nhưng sao nhiều khi người ta vô tâm đến mức cứ khoét vào nỗi đau của người khác. Như mới mấy hôm trước, cô giáo của thằng con trai anh kêu anh lại bảo về nói mẹ thằng bé tắm rửa cho nó sạch sẽ, chứ đầu cổ gì rít chịt, hôi quá, mấy đứa bạn không chịu ngồi gần. Anh sực nhớ nhà hết xà bông gội đầu mấy ngày nay mà chưa có tiền mua. Nghe cô giáo nói vậy, anh xấu hổ không biết úp mặt vào đâu. Rồi tháng trước, khi anh chở thằng con đến trường, đúng lúc đứa bạn học chung lớp với con trai anh cũng được mẹ chở đến. Thằng bé kia thấy con anh thì ríu rít:

- Ê bạn, hôm nay tui có đồ chơi mới nè, trưa nay tui với bạn chơi chung nghen!

Mẹ thằng bé vả tay con, gắt gỏng:

- Thằng đó không có mẹ, ở dơ, học dở lắm. Mẹ cấm con không được chơi chung với nó nghe chưa!

Anh nghe cổ mình đắng chát, khô khốc. Thương con, thương mình, thương cả những vết thương nhức buốt trong lòng. Nhưng cũng nhờ đó mà anh đã không ngừng cố gắng. Nhờ đó mà đôi chân anh mới đủ sức đứng vững trên giàn giáo để xây những tòa nhà cao rộng…

***

Người ta nói về cái thành phố này với nhiều mỹ từ, nào là vùng đất hứa, là nơi phồn hoa đô hội, nơi để đổi đời, nơi thay đổi số phận… Người thanh niên chân chất dưới miệt ruộng đồng, quần quật tay làm hàm nhai, gần ba chục tuổi đầu mà trong túi không có dư nổi một trăm ngàn đồng chứ nói chi đến bạc triệu. Nghe nói về thành phố như vậy nên anh rủ cô bạn gái cũng nhà dột cột xiêu lên thành phố lập nghiệp, may ra còn có cơ hội đổi đời. Nghe hai đứa trẻ bàn tính như vậy, gia đình hai bên ngồi lại bàn, nấu mâm cơm cúng ông bà để cho hai đứa gọi gia đình hai bên là ba má. Hôm sau hai đứa dắt tay nhau đi.

Không nghề nghiệp, không học vấn, nên đi làm công nhân lương cũng chỉ đắp đổi qua ngày. Tuy vậy tháng nào cũng có đồng ra đồng vô, tằn tiện cũng có dư năm bảy trăm ngàn mỗi tháng. Nhưng rồi hạnh phúc chỉ như giọt nước rớt trên lá môn, nhanh chóng trôi tuột đi khi hai đứa con lần lượt chào đời. Vợ anh phải nghỉ làm ở nhà chăm sóc hai đứa nhỏ, một con bươi mà đến ba, bốn con mổ nên cứ thiếu trước hụt sau là đương nhiên rồi. Có giật gấu vá vai đi nữa thì cũng không thể đậy đắp cho hết được những chỗ rách trên chiếc áo mục. Nên một ngày người vợ để lại hai đứa con cho anh rồi đi biệt dạng, không một lời từ biệt, không một câu giải thích lý do. Mà đôi khi không nói như thế lại tốt hơn. Dù không nói lý do anh cũng biết, nhưng thà không nói như thế đỡ đau lòng hơn. Đâu phải cái gì cũng cần phải rõ trắng đen, có những thứ thà cứ lờ mờ như thế, đôi khi lại hay hơn, đỡ tổn thương hơn. 

 Từ ngày vợ anh bỏ đi, cái xóm trọ của những người lao động nghèo từ dưới quê lên được dịp bàn tán xôn xao. Họ nói đàn bà gì mà bất nhân, con cái vậy mà bỏ đi được cũng hay thiệt! Anh bảo đừng nói vậy tội nghiệp cô ấy, chắc là cô ấy cũng khổ tâm lắm chứ có vui sướng gì đâu. Lỗi cũng tại anh! Tại anh làm lương ít quá, không đủ lo cho mấy mẹ con cô ấy như người ta. Tại anh nghèo. Tại anh tất cả chứ hổng phải tại cô ấy. Dõi đôi mắt ngân ngấn vào khoảng không trước mặt, nơi có mấy tòa nhà cao tầng vừa mới xây xong, giọng anh ứ nghẹn: Xóm trọ mình ai cũng dưới quê lên, đều mang theo ước mơ đổi đời mà, phải hôn? Cô ấy cũng vậy. Luôn khát khao đổi đời để còn ngẩng mặt lên nhìn đời, nhìn người, nhìn cha mẹ, họ hàng mà mỉm cười. Cuộc đời ngắn lắm. Thanh xuân càng ngắn ngủi. Ở với tui hoài biết chừng nào mới mong đổi đời. Nên cô ấy đi biết đâu gặp được người tốt hơn, có cơ hội đổi đời. Cầu mong cho cô ấy gặp được người tốt để tương lai sáng sủa, để mỗi đêm được ngủ thẳng giấc, khỏi phải lo ngày mai hổng biết lấy tiền đâu mua sữa cho con, rồi tiền đâu đóng tiền nhà, tiền điện, tiền nước? Ở với tui nghèo hoài, tội nghiệp cho cô ấy! Cả xóm trọ lắc đầu thở dài, cảm xúc đan xen, vừa thương vừa giận.

***

Mưa và gió trỗi lên một vũ khúc cuồng xoay dữ dội, nhưng buồn da diết. Người đàn ông mắc kẹt trong cơn mưa, trong ngổn ngang giàn giáo, sắt thép, cóp pha, vôi vữa… Nghĩ đến đứa con trai đang co ro đứng dưới mưa trước cổng trường, vừa lạnh, vừa sợ hãi, vừa tủi thân khi không thấy ba đến đón. Nghĩ đến đứa con gái chắc giờ này đang đói cồn cào và khắc khoải trông ba đến chìa ra cho hộp sữa tươi ngọt lịm, béo ngậy với khuôn mặt rạng rỡ, rồi rước về nhà. Trong cơn đói, chắc là nó sẽ khóc. Con bé có cái tính hễ đói bụng là khóc rấm rứt. Rồi trời ơi, chị bảo mẫu không biết có dỗ con bé không, hay là bực tức vì con bé khóc dai mà đánh nó.

Anh là người đàn ông không biết ăn sáng, chưa bao giờ ăn sáng từ khi hai đứa con có mặt. Bữa cơm tối của anh nhiều hôm cũng chỉ là phần ăn thừa của hai đứa con. Nhưng đói mà có nhầm nhò gì, anh chịu được hết. Và anh thấy hạnh phúc khi hai đứa con no. Anh sợ nhất là những giọt nước mắt vì cơn đói của con. Sợ lắm, nó như muối xát vào ruột gan vậy. Vì vậy, anh muốn chạy đi đón con ngay. Mưa gió gì cũng đi. Anh không đổi đời được ở mảnh đất thành phố này thì nhất định đến thế hệ con anh phải đổi đời cho bằng được. Anh có niềm tin như thế. Vì vậy, từ một phụ hồ cho người ta sai vặt, anh cố gắng vừa làm vừa học việc, không lâu sau thì lên thợ xây. Sau nhiều năm ở thành phố, chiêm nghiệm, anh nhận ra thành phố này có là vùng đất hứa hay không còn do cảm nhận và cách chọn lối đi của mỗi người nữa. Cái thành phố này rất sòng phẳng với tất cả mọi người, không phân biệt thành phần, xuất thân, nghề nghiệp. Đi trên con đường đẹp, với niềm tin đẹp, sẽ thấy thành phố rất đẹp.

Chỉ cần nghĩ các con đang chờ là anh không sợ gì cả, cứ đi thôi. Mưa gió, bão bùng gì cũng kệ. Cứ đi. Nhưng trời ơi, sao lại thế này? Sao anh không thể nhấc chân lên nổi vậy? Anh gào khóc. Ai đó làm ơn giúp tui, đi đón giùm hai đứa nhỏ với. Để tụi nhỏ chờ, tội lắm! Trời mưa gió ầm ầm thế này, thằng nhỏ đứng co ro một mình trong mưa với nỗi niềm khắc khoải, lo lắng chờ ba đến đón thì xót xa lắm. Thương lắm. Đau lòng lắm. Nhưng im lặng. Đáp lại lời anh là tiếng gió rít, tiếng mưa gào và những tia chớp ngoằn ngoèo xé toạc bầu trời mù mịt, cùng với những tiếng sấm gầm gừ như những tiếng nấc nghẹn trong một chiếc cổ khổng lồ…

***

Tiếng còi xe cấp cứu hòa trong tiếng mưa rơi, gió rít. Bác sĩ tiếp nhận người đàn ông té giàn giáo, rơi xuống đất từ tầng tám của tòa nhà đang xây. Sau khi thực hiện các thao tác cần thiết, vị bác sĩ lắc đầu: Người đàn ông này đã chết trước khi vào viện rồi!

Thiên An
(Theo Văn nghệ Tiền Giang số 88)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 356
  • Khách viếng thăm: 354
  • Máy chủ tìm kiếm: 2
  • Hôm nay: 33572
  • Tháng hiện tại: 1674985
  • Tổng lượt truy cập: 48049112