Ngôn ngữ của màu da

Đăng lúc: Thứ hai - 25/06/2012 08:36

Ngồi gần chật cái ghế sa-lông cỡ “đại” bằng danh mộc, Hai Chùa, Việt kiều Mỹ nói với anh tổ trưởng bằng giọng nói vô cùng uể oải:

- Có lẽ… tôi không hề có quốc tịch ở Mỹ, định cư mười mấy năm nay mà chưa đủ chuẩn để nhập tịch, mấy lần dự cuộc phỏng vấn nhập tịch Hoa Kỳ… Ôi thôi, toàn những câu hỏi “trên trời dưới ruộng” loanh quanh ba cái con mẹ gì đó là… lịch sử nhân văn của nước Mỹ, ba lần bị nó đuổi về bằng cái từ “gết ao”… Vậy là tiếp tục đi làm mướn với cái giấy thông hành mỗi năm phải đổi một lần, khó kiếm việc làm lắm.

 

MH: Duy Hải

MH: Duy Hải

Tư Chùa lại cười chua chát:

- Còn về Việt Nam lại ghi trong sổ tạm trú là Việt kiều Mỹ, tui thiệt không biết mình thuộc quốc tịch gì nữa!

Quả thật cuộc đời của hắn là một vở “Ôpêra” đầy kịch tính.

Giấy khai sinh thấy ghi, tên họ mẹ là Trần Thị Lang, có lẽ là Lan mà “cha nội” hộ tịch chết tiệt thời đó do dốt chính tả đã ghi thêm một chữ G quá dư thừa sau chữ Lan, khoảng tên họ cha được ghi hai chữ “vô danh” lạnh lùng, phía dưới có chữ ký và con dấu của Hộ tịch quận 4 Sài Gòn, một cái quận được báo chí thời ấy mệnh danh là “khu vực đen” với cả một dãy phố ở đường Tôn Đản thành xóm “Sì Nách Ba” với cả một đội quân kỹ nữ son phấn lòe loẹt, “ăn theo” là các “đại ca giang hồ” gồm lính Thủy quân lục chiến, Biệt động quân mà chỉ “đụng nhẹ” một vài cuộc hành quân với mấy ông VC là đã “giã từ vũ khí” đào ngũ về làm ma cô cho nó an toàn… và ấm thân, mê chi cái bộ đồ rằn ri mà cuộc sống là cả một sự đọa đày tàn nhẫn của mấy ông sĩ quan chết nhát hở một chút là đá với đạp. Chán bỏ mẹ!

Tư Chùa đã có lần thắc mắc về cái tên Nguyễn Văn Chùa ngộ nghĩnh của mình, hắn cứ mơ màng về cái sự đạo hạnh tiềm ẩn trong cái tên linh thiêng ấy, mãi đến khi lên 8, nghe má hắn trong một lần say bí tỉ giải thích thì hắn mới hiểu ra…

- Mày biết tại sao tao đặt cho mày cái tên Chùa hay không?

Má hắn cười méo xệch mà nước mắt rưng rưng trên khuôn mặt son phấn nhòe nhoẹt, tiếp lời:

- Nói có trời, tao không hề biết thằng cha mầy là thằng nào… Trời đất, cả cái Sài Gòn này có biết bao nhiêu khách Mỹ đen? Cột nhà cháy thì thằng nào cũng như thằng nấy! Lỡ “dính bầu” thì đẻ… mày là con “chùa” thì đặt mẹ nó “Chùa” cho xong!

Hắn buồn bã nghĩ lẩn thẩn mãi về cái tên “Chùa” này… Vậy thì… cái gì thuộc về công cộng là người ta nói là chùa, đồ chùa, của chùa…, ngộ thiệt.

Lớn hơn một chút, hắn mới cảm nhận được cái cay đắng của tên gọi thằng Chùa Mỹ đen, gần như cái màu da đen bóng đặc trưng của hắn đã tạo nên một bức vạn lý trường thành trong giao tiếp xã hội, ôm cặp đi học thì lủi thủi như một cái bóng, chẳng thằng bạn học nào thèm chơi với hắn, đã vậy mà còn học dở, chuyên “đội sổ” điểm, thầy cô ghét bỏ ra mặt, buồn tủi về nhà thổ lộ với bà mẹ ít khi có mặt ở gia đình thì bị chửi:

- Đó là tại cái số mạng đen như mõm chó của mầy. Mầy da đen là do ông trời, cả trăm thằng đen có, trắng có sao ổng lại cho tao sinh ra mầy là thằng da đen? Tao đâu có lựa màu được mà mầy ọ ẹ?

Coi vậy chớ má hắn rất thương con dù là đứa con “tai nạn nghề nghiệp” ngoài ý muốn.

Cái xã hội Mỹ hóa của Sài Gòn 70 đã dạy hắn nhiều điều mới lạ, đã biết trốn học để đi chơi đá banh bàn, đã biết lục bóp mẹ để ăn cắp tiền…, và cuối cùng như bao nhiêu đứa trẻ lai khác, hắn bỏ hẳn cái trường học kỳ thị màu da để lăn xả vào cuộc đời khốn nạn “mạnh được yếu thua” tất yếu của  đường phố Sài Gòn trước năm 1975.

Từ một thằng nhải con chuyên ăn cắp vặt, Chùa đã trở nên một “ngôi sao mới” của làng giang hồ Tôn Đản, Khánh Hội, lầm lì sẵn sàng “ra tay” với cây mã tấu giấu dưới yên chiếc xe 67. Sau khi má hắn chết vì sử dụng ma túy quá liều, Chùa lại càng hận đời, cái cuộc đời mà màu da như là một ngôn ngữ không thành văn mà cũng chẳng thành lời đã lạnh lùng xếp hạng cho hắn một chỗ đứng mạt hạng trong cái gọi là vị trí xã hội. Từ đó, hắn chỉ có thể làm cho người ta sợ mà không thể làm cho người ta trọng. Do có tiếng là hung bạo, hắn cũng tìm cho mình một chỗ làm ở một quán bar mà thực chất là một động mại dâm dành cho lính Mỹ, những tên lính Mỹ đen đặc biệt ưu ái người bạn nhỏ đồng màu da, những đồng 20, 50 “cent” thi thoảng cũng được dúi vào tay hắn mỗi khi bưng cho khách ly “Whisky Coke” trong tiếng nhạc Jazz xập xình và ánh đèn màu dậm dật.

Thế rồi cái tên gọi mơ hồ “chiến tranh” đã thực sự đến gần kề với người Sài Gòn bằng những cuộc tấn công liều chết của Biệt động thành vào tòa Đại sứ Mỹ ở đường Hàm Nghi, rồi thì các chiếc xe Jeep của quân đội Mỹ ngày nào còn ngạo nghễ với hai cần “ăng ten” cao vút đã nổ tung trước quán bar và cuối cùng là cuộc ném bom vào dinh Độc Lập và cả sân bay Tân Sơn Nhất…

Thế rồi, buổi sáng hôm ấy có một màu nắng thật đẹp, cả thành phố bỗng bừng lên như một phép màu rực rỡ cờ đỏ sao vàng, phía bến Nhà Rồng mặt trời đỏ hình như cũng kiêu hãnh nhô lên… cùng với cả một sự rạo rực ngoạn mục, trên đường Hoàng Diệu, đường Tôn Đản, Khánh Hội tràn ngập quần áo, giầy vớ và cả vũ khí của những người đã một thời lầm lỡ, họ trút bỏ bộ đồ rằn ri còn khét nghẹt mùi thuốc súng như cố trút bỏ một quá khứ tồi tệ của kiếp đọa đày để hòa mình vào cuộc sống mới.

Người thanh niên Mỹ đen lạc loài ngơ ngác trước sự thay da đổi thịt của một Sài Gòn diệu kỳ. Hẻm 203 có cái “phông tên” công cộng từng là nơi thanh toán đẫm máu ngày nào đã có một trụ sở của Tổ Quân quản gồm các anh bộ đội miền Bắc, dịu dàng với dân lành mà lại là khắc tinh với loại đầu trộm đuôi cướp. Các “đại ca” lần lượt được mời tới “hỏi chuyện” và cũng lần lượt “lên đường” tới các trại cải tạo Tống Lê Chân, Bùi Gia Mập, Chùa Phật đá… Biết thân, Tư Chùa trốn biệt.

Đã đơn độc, Chùa lại càng cảm thấy mình hoàn toàn biệt lập trong cái kỷ cương mới, cái xã hội mới, rất mới đối với mình… Có lẽ, trong khoảnh khắc giao thời ấy, dòng suy nghĩ của không ít người Sài Gòn cũng không khỏi dao động… Những người trót quan hệ với bọn chính quyền ăn trên ngồi trước bị bỏ rơi đã tìm đường vượt biên, từ bến tàu Carie của Khánh Hội đã có những chiếc đò máy gọi là “taxi” chuyển khách vượt biên ra tàu lớn đậu ngoài phao số 0.

Vốn nhanh nhẹn, Chùa cũng chen chân vào một cuộc vượt biên do muốn bảo mật nên bọn tổ chức cũng đánh chậc lưỡi nhận thêm anh bạn nhỏ da màu… may ra mà tàu Mỹ có rước cũng dành cho người đồng bào của họ chút ưu ái…

Đến đảo, Chùa như vừa thoát khỏi cơn ác mộng nếu như khi còn ở Việt Nam hắn tủi hổ về cái màu da của mình thì ở “thiên đường Tự Do” này hắn lại cảm thấy hãnh diện. Nhưng rồi… cái sự thật đáng chán của cái xã hội Sài Gòn thời cũ lại tái hiện, bọn tướng tá sĩ quan chế độ cũ biết tiếng Anh đã làm chủ cái gọi là Trại Tị Nạn, cái gọi là tình người nếu có chỉ là một mỹ từ, còn trên thực tế người ta vẫn dành cho người công dân Mỹ tương lai có màu da đen tên Nguyễn Văn Chùa ở vào cái vị trí đã định sẵn là xếp hàng lãnh từng mâm cơm mà bọn thầu nhà bếp người Thái đã ăn chặn từ nguồn tiếp tế của cái gọi là tổ chức nhân đạo quốc tế…Cũng may, sau mấy tháng sàng lọc, Chùa cũng được đi định cư… Hắn ngơ ngác bước xuống chiếc vận tải cơ C130 vào một buổi tối mùa mưa lạnh giá để bắt đầu một cuộc sống mới, hình như không phải như hắn đã tưởng tượng…

Rồi… mọi điều cũng đã qua mau, cuộc sống máy móc công nghiệp cũng đã dạy cho hắn biết cách sống giữa cái thế giới mà mấy trăm năm qua từ thời tổng thống Linh Côn, người Mỹ da màu luôn luôn có một vị trí riêng biệt… Cũng phải sống thôi, hắn chua chát nghĩ tới câu “tránh vỏ dưa gặp
vỏ dừa”.

Tư Chùa châm điếu thuốc rồi đưa bao ba số cho anh tổ trưởng:

- Ông đừng tưởng “dễ ăn”, cái thứ dốt tiếng Anh như tui thì làm sao mà có chỗ làm, học được tiếng nói bản xứ rồi thì lại bị chê là da màu, trầy trật mãi mới tìm được chân giữ xe cho một Việt kiều gốc Hoa mở nhà hàng
Việt Nam.

Lịch sự và kiên nhẫn, anh tổ trưởng hỏi Tư Chùa:

- Thấy ông treo bảng bán nhà,
sao lại…

Tư Chùa ngắt ngang:

- Má tui chết, con em đi lấy chồng, nhà cho mướn riết muốn sập, bán chớ để làm gì?

Anh tổ trưởng lịch sự đẩy đưa câu chuyện:

- Nhà đất lúc này có giá lắm, nhà này lại ở vị trí đầu hẻm mặt tiền…

Tư Chùa nhìn ra màn mưa trắng xóa con đường Tôn Đản:

- Tui biết… nếu bán được, tui cho hết con em tui nó làm vốn… Còn tui thì chỉ mong muốn xây cho má tui cái mả thật đẹp… tội nghiệp… một đời…

Anh tổ trưởng lặng thinh suy nghĩ, đúng là một đời người thật quá ngắn ngủi, mà… thượng đế sao lại bày chi cái trò da trắng, da đỏ, da đen, da vàng cho nó… rộn chuyện?

Anh lại ái ngại nhìn anh công dân không quốc tịch tội nghiệp. Trời Sài Gòn vẫn còn mưa.

Trại sáng tác văn học tháng 4/2012

Thảo Bích
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 444
  • Khách viếng thăm: 400
  • Máy chủ tìm kiếm: 44
  • Hôm nay: 56274
  • Tháng hiện tại: 1805174
  • Tổng lượt truy cập: 48179301