Một đêm nhà trọ

Đăng lúc: Thứ năm - 27/05/2010 08:41
Minh họa: Duy Hải

Minh họa: Duy Hải

Có một việc khá cấp bách buộc tôi phải qua đêm ở thành phố này để sớm mai còn kịp đón chuyến xe tốc hành về miền Tây. Đành vậy, đây cũng là thời gian thư giãn hiếm hoi sau những ngày tất bật. Đường phố lên đèn, tôi ngồi quán cà phê bờ sông nhìn sang bên kia cù lao, một điểm du lịch khá nổi tiếng của Tiền Giang. Ánh đèn lấp loáng mặt nước, ghe đò xuôi ngược đông vui. Tôi không vội tìm thuê chỗ nghỉ vì khi nghe hỏi thăm, chị chủ quán đã trấn an tôi bằng một câu thật dễ chịu:

- Anh đừng lo! Cuối dãy phố ăn uống của người Hoa có căn nhà ngăn phòng cho thuê, dân ở đây thường gọi là phòng ngủ "năm mươi" vì giá bình dân, chỉ tốn năm chục ngàn là… thoải mái! Có điều sợ anh lạ chỗ…

Chị ngó tôi định nói thêm điều chi đó nhưng rồi chỉ  cười, nét cười như đắn đo mà phải qua đêm ấy tôi mới loáng thoáng hiểu ý nghĩa. Xem đồng hồ đã gần chín giờ tối, tôi thả bộ đi theo lời chỉ dẫn lúc nãy. Một căn nhà khá rộng, xây cất kiểu xưa, vòm mái cầu kỳ, nay được tân trang lại coi khá kệch cỡm, lạ mắt. Trụ đèn phía trước tỏa ánh sáng nhạt nhòa dọi vào cánh cửa sắt kéo đóng kín. Tôi e dè gọi mấy tiếng rồi đứng đợi. Hút gần nửa điếu thuốc mới có người ra tiếp. Một bà cụ già, dáng thấp bé gầy gò, mặt trắng bệch, tóc xõa trắng lù lù xuất hiện, khẽ đưa tay ra hiệu mời vào khiến tôi chợt có cảm giác như hoảng hốt. Bà cụ rất ít lời, làm thủ tục xong, ho vài tiếng rồi khào khào dặn:

- Lên gác, phòng bên trái… Nhà vệ sinh dùng chung, tối ngủ nhớ khóa cửa, mất đồ đây không chịu!

Đi được vài bước, tôi quay lại:

- Chừng năm giờ bà mở cửa giúp cho cháu đi…

Bà cụ chỉ nhìn tôi, không trả lời. Đường lên cầu thang tối om, ngõ ngách lung tung, đột ngột tôi nhận ra một bàn thờ với di ảnh phóng to một người lớn tuổi, lông mày rậm, má hóp; chắc là ông cụ nhà. Ngọn đèn bóng nhỏ hiu hiu, cây nhang điện cùng màu đỏ tươi, vài tấm giản tang chế treo xập xệ bên trên. Tôi như giật mình chao đảo, nhìn hoài đôi mắt người quá cố lạnh lùng, nghiêm khắc. Tiếng bà cụ từ đâu vọng lại làm tôi giật mình:

- Sao không đi còn đứng đó làm gì?

Đi được nửa thang gác, tôi lại tò mò quan sát phía hành lang sau. Bóng đèn tròn vàng oạch cho thấy một chiếc ghế bố thấp tè, mùng giăng trắng toát xập xòa. Mấy con chuột cống chạy khua lạch cạch chén dĩa ngổn ngang dưới chân ghế. Từ mớ hỗn độn ấy, giọng người mê ngủ ú ớ nói sảng, đậm đặc trong cổ họng vang lên ồm ồm. Bà cụ lê dép lệt sệt, đay nghiến:

- Thằng khùng báo đời! Mày chết theo cha mày luôn cho tao yên thân… Đồ oan gia nghiệp báo!

Tôi thoáng sợ hãi bước nhanh lên phòng, bật đèn ngó quanh cho quen chỗ rồi tắt. Có lẽ nghĩ trong bóng tối không ai thấy mình nên tôi an tâm hơn. Cái không khí ngột ngạt, lạ lẫm, âm u pha chút gì như ám ảnh, lẩn khuất bao trùm khiến tôi không sao ngủ được; chỉ mong trời mau sáng. Giường nhỏ lót tấm nệm mỏng nhàu nhè, hai gối, một chăn bốc mùi, không mùng, muỗi kêu vo ve. Nhà trọ này im ắng, ít khách hay người ta vào là ngủ ngay, không như tôi. Ánh trăng hạ tuần nhờ nhờ bên ngoài cánh cửa kính trông ra ban-công thôi thúc tôi ra ngoài hút điếu thuốc. Nhưng cánh cửa gài chốt, bóp bằng ổ khóa nặng trịch làm tôi thất vọng. Nghĩ dại, nếu nhà dưới xảy ra hỏa hoạn, tôi chỉ còn nước cam chịu cảnh bị thiêu sống mà thôi. Trần nhà chẳng đóng la-phông, những thanh sắt tròn đen kịt làm sườn có lẽ từ thời Tây thì phải. Nhà trọ kiểu gì mà khách ở chẳng khác tù nhân! Tôi nằm trằn trọc nghe tắc kè tặc lưỡi buồn nản, đếm thử ba lần toàn là số lẻ. Hình như tôi mơ màng khá lâu, xem đồng hồ mới hơn hai giờ sáng. Nghe tiếng công nhân vệ sinh làm việc dưới đường, tiếng xe rú ga ầm ĩ… tôi thèm được hít thở khí trời trong lành như họ quá. Phía dưới cầu thang bật lên giọng ê a đọc kinh cầu siêu phát bằng máy, âm thanh đều đều vô cảm hòa tiếng mõ lốc cốc trầm buồn, u linh xa thẳm. Bà cụ thức suốt đêm chắc? Gã nằm ghế bố chợt cười sằng sặc, cười nghẹn ngào rồi ho sù sụ, giữa khuya nghe nổi gai ốc. Con trai bà có thật khùng như lời bà mắng? Lạy trời hắn đừng nổi… cơn điên bất chợt! Tôi lò mò xem lại chốt cửa, chèn thêm cái ghế sắt rồi nằm sát mép tường. Đầu óc tôi cố bận bịu suy nghĩ về những khó khăn, phức tạp trong công việc của mình để quên đi chuyện nhìn cây kim đồng hồ di chuyển è ạch. Sau một lúc tự trách mình để sa vào hoàn cảnh không thoải mái này, tôi nảy ra một ý dung hòa là cái thực tại, cái trước mắt mới là đáng quan tâm nhất. Qua khe hở, tôi thấy quán cà phê xéo nhà trọ lục tục dọn bàn ghế, đun nước. Thở phào nhẹ nhõm, tôi mang túi xách lên vai, mở cửa, nhìn lần cuối gian phòng tù túng và thề rằng không bao giờ trở lại. Bước xuống nhà, bất giác tôi sững người nhìn bàn thờ leo lét đèn, nhang, ánh mắt ông cụ khiến tôi rùng mình. Không hiểu sao tôi lùi chỗ hành lang nhà sau xem kỹ hơn. Một cái đầu bù xù thòi ra khỏi mép mùng ngó tôi, hai con mắt trô trố, miệng nhe răng như cười cợt kẻ yếu bóng vía. Sợi dây xích khóa chân hắn ta kéo căng, nối liền với cột nhà, thật khiếp! Đèn phòng ngoài bật sáng, giọng bà cụ gắt gỏng:

- Cậu dặn năm giờ, mới bốn rưỡi mà đi đâu? Bộ gấp lắm sao?

- Dạ… bà thông cảm, cháu không ngủ được nên…

Mở hai lần khóa, bà kéo cửa sắt vừa đủ cho tôi lách ra rồi lúi húi bóp khóa, tắt đèn ngay. Tôi còn đứng chỗ cột đèn để tận hưởng sự mát mẻ, thông thoáng của buổi sớm đầu ngày một lúc mới bước sang quán cà phê đã có vài ba người khách…

Ngồi cùng bàn với hai ông già ngoài bảy mươi, tôi hớp ngụm cà phê thơm nóng và tỉnh táo tức thì. Rút điếu thuốc tôi mời, một ông gợi chuyện, hỏi thăm này nọ. Ông kề bên góp lời:

- Chú em đây mới ngủ đêm ở nhà trọ "năm mươi" hả? Anh Tư thấy đó…

Tôi còn đang ngạc nhiên vì câu hỏi sau thì ông già kia chậm rãi nói:

- Có chỗ ngả lưng là tốt rồi… Chuyện xưa giờ mấy người biết…

Lại tính tò mò thôi thúc tôi hỏi tới cho bằng được. Nhìn ông bạn gật gật đầu, bác Tư ngó hướng nhà trọ, miệng lầm rầm như độc thoại…

- … Hồi trước tôi sống ở xã Đồng Lợi, gốc gác cơ ngơi của ông bà Xồi, cha mẹ bà Bang Chót, chủ nhà trọ "năm mươi" bây giờ. Hai ông bà chuyên nghề cho vay, thế đồ lấy lãi suốt mấy chục năm, giàu lớn trong vùng. Họ cầm thế đủ thứ, vòng vàng, đất đai, bằng khoán… tiền lãi cao mà khắc nghiệt lắm. Tất nhiên thời đó phải cấu kết hương chức làng xã đỡ đầu mới đè nén, triệt hạ được đám dân nghèo túng hụt mà ngang ngạnh. Thiếu nợ tới hạn chưa có tiền trả, bả mà giận thì tủ thờ, lư hương, bộ ngựa… cũng thị thiềng cho tụi lưu manh em út tới dọn sạch, làng nước giả bộ ngó lơ. Suốt một thời gian dài, ông bà Xồi thao túng, dân tình kiệt quệ vì nợ nần. Nói nào ngay, bọn cầm quyền thả lỏng cờ bạc, đá gà, hút xách… cho dân mình sa đà, hư hỏng, vừa bớt chống báng vừa dễ cai trị. Nghe tía tôi kể lại, hồi đầu năm bốn lăm, vợ tên Cai tổng đi thu lúa ruộng và chỉ điểm cho một toán lính Lê dương vô xóm Chủ cướp bóc, giết chóc hơn bốn chục người dân. Sau đó, tên Cai tổng bị tổ chức hội kín lên án tử hình, bắt đem xử chém tại xóm Chủ, vợ hắn trốn thoát. Đám hội tề, địa chủ… sợ khiếp vía, không dám hống hách như trước nữa. Từ sự kiện trên, cha mẹ bà Bang Chót biết thân gom góp của cải về phố chợ cất lên cái nhà lớn, giờ làm nhà trọ như chú em biết. Hồi đó chuyên chở vật liệu rất khó khăn nên hơn một năm nhà mới xây xong. Trước bữa ăn tân gia, hai ông bà dẫn nhau đi lên lầu coi thử. Rồi hổng biết ma xô quỉ giục sao mà cùng nhào đầu từ ban công xuống đất, chết tươi… Chú Sáu chắc biết…

Bác Sáu ngẩng lên, móm mém trả lời:

- Sao mà quên được? Đám ma lớn lắm, chuyện kỳ lạ là có bầy quạ đen từ đâu bay về đậu kín mấy cây bàng trước mặt đường, dáo dác kêu la inh ỏi suốt ngày đêm, tới chừng hạ huyệt thì tản mất. Mấy ông làm nhựt trình ở Sài Gòn có xuống chụp hình đăng báo…

Vân vê chòm râu bạc ngắn ngủn, bác Tư ngước nhìn tôi:

- Có nhân quả báo ứng hay không, tôi chưa biết, nhưng chuyện lạ lùng còn nhiều lắm… Bà Bang Chót cũng theo nghề cha mẹ, có phần tàn nhẫn, gian giảo hơn. Tôi nhớ chuyện một ông nông dân nghèo ở xóm Rạch Cùng, vợ chết để lại đứa con gái chừng mười tuổi, tới năn nỉ bà cầm rẻ đôi bông tai mù u vợ để lại lấy tiến chữa bệnh thương hàn cho đứa nhỏ. Không may nó vắn số, mấy tháng sau đó ông ta chạy tiền tới chuộc đồ thì bị bà trưng bằng chứng, kêu làng lính tới bắt trói rồi lập biên bản buộc con người khốn khổ nọ phải ký tên lãnh nợ, bằng không sẽ vô tù. Kêu oan chẳng thấu trời, lại buồn nỗi mất con, ông nông dân uất ức thét gào rồi mặc hai tay bị trói thúc ké mà lao đầu vô cột đèn sắt chết tức thì, máu me lênh láng. Cây cột đèn đó từ thời Tây, còn nằm xế cửa nhà trọ "năm mươi". Chuyện đó rồi cũng dàn xếp êm, thời thế kẻ có tiền là có quyền mà! Bà Bang Chót thừa hưởng tài sản cha mẹ, có ông chồng ăn chơi, hút xách, trác táng cho tới già cũng vậy, phá của lần hồi mà trời khiến bà sợ lão ta một nước. Đi nhậu về chưa đã, lôi vợ ra đánh, hút chưa đủ cữ, xô bàn đập ghế… Ai sống đây lâu năm đều biết tính hắn, ít ai dám giao du… Chú Sáu nói tiếp cho chú em đây nghe biết chuyện đời vay trả…

Trời rạng sáng, người xe ngoài đường khá nhộn nhịp, quán thêm mấy người khách tập thể dục ghé vào. Bác Sáu kéo ghế xích lại gần tôi, giọng vừa đủ nghe:

- Hôm kia mới cúng bốn mươi chín ngày cho Bang Chót… Lão đi đám giỗ về, uống say nhừ tử rồi lao chiếc xe đạp điện vô thẳng cột đèn, ngay chỗ ông nông dân ngày xưa tự vận. Chết không một lời trăng trối, kể như dòng họ tuyệt tự. Để lại thằng con trai duy nhất năm nay chắc cũng ba mươi mấy tuổi, khùng khịu ngày càng nặng. Nửa năm nay nó bị xích chân cho khỏi quậy phá, ăn uống, vệ sinh tại chỗ, một tay bà Bang Chót lo liệu. Ngẫm nghĩ cũng thấy tội, thấy thương xót cho họ!

Trầm ngâm nhịp ngón tay lên bàn, bác Tư thở dài:

- Con người sống thì phải tranh đấu cho cái ăn, cái mặc, nhưng quá tham lam đến nỗi chèn ép, chà đạp đồng loại để thu lợi về mình thì thời nào cũng không nên. Hậu quả tương xứng sẽ đến, không sớm thì muộn, tôi nghĩ vậy thôi. Sáng rồi, mình về chú Sáu ơi… Chú em lát đi mạnh giỏi nghen!

Hai ông khách già đi rồi, tôi cũng đứng lên bước ra nhìn qua nhà trọ "năm mươi". Vừa lúc bà già đang đốt mớ giấy vàng bạc ngay cột đèn, ánh lửa chập chờn gợi nhớ câu "Diêm Vương không nhận lễ, không có nghĩa tiểu quỉ không cần tiền". Những mái vòm sắt màu đen hình bán nguyệt xưa cũ trên gác chợt khiến tôi hình dung ra những con mắt trợn trừng, oan khuất qua mấy thế hệ, nhân quả cuộc đời…
Nguyễn Kim
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 235
  • Khách viếng thăm: 232
  • Máy chủ tìm kiếm: 3
  • Hôm nay: 33916
  • Tháng hiện tại: 2266466
  • Tổng lượt truy cập: 46233699