Lãng đãng mây trời

Đăng lúc: Thứ năm - 14/05/2009 07:49
Minh họa: Duy Hải

Minh họa: Duy Hải

Loan mở cửa, dợm bước ra thì trước mặt xuất hiện một người đàn ông lạ mặt. Ông ta chừng ngoài bốn mươi, tóc nhuộm đen nhánh, chải ngược ra đằng sau gáy. Quần áo phẳng nếp ly. Đôi giày đen bóng loáng.
Loan giật mình, miệng ấp úng:

- Ớ… ông… muốn gặp ai ở phòng này?

Ông ta mỉm cười, đôi hàng ria nhếch lên, nhìn Loan và lắc đầu:

- Tôi nhầm phòng. Xin lỗi!

Loan nhắc lại trong sự nghi ngờ:

- Nhầm phòng?

Ông ta gật đầu. Lại mỉm cười. Tay rút chùm chìa khóa trong túi quần ra, rồi nhìn lên tấm mê-ca khắc số phòng được gắn lên khung cửa:

- Ba mười hai. Còn phòng này là ba hai sáu.

Loan chỉ sang phòng bên cạnh:

- Phòng ba mười hai kìa, ông thấy chưa?

- Vâng! Thấy rồi. Chào cô gái xinh đẹp nhé!

Loan khép cửa phòng, không ra ngoài để hóng mát nữa. Nàng gieo người xuống nệm trắng. Kê đầu lên hai bàn tay, ngửa mặt nhìn chùm đèn và cười một mình: “Hóa ra mình vẫn còn là cô gái! Mình vẫn còn xinh đẹp!”. Nàng sung sướng nhảy lên, rồi úp mặt vào tấm gương soi được gắn trên cánh tủ. “Mầy đẹp nghe Loan! Mầy không biết điều đó sao?”. Loan cố tìm những nét dễ thương trên gương mặt mình, trên cơ thể mình. “Mà dễ thương thật”, Loan lẩm bẩm. Sau hai lần tắm trắng, Loan thấy mình đẹp hẳn ra. Đẹp mà ru rú ở nhà thì vô nghĩa lắm. Thời buổi cái gì đẹp cũng phải biết khoe. Hàng kém chất lượng vẫn phải quảng cáo “tuyệt vời”, “không thể thiếu” ì đùng trên truyền hình, trên báo chí. Gái chân dài thì “tút lại”, mặt gãy không sao, không người mẫu quốc gia, thì người mẫu của thành phố, biết đâu thành diễn viên điện ảnh hay ca sĩ. Từ ngày ông chồng xách va ly lên máy bay, đến làm chuyên gia cho một nước ở Nam Phi, Loan nghĩ ngay đến việc phải đi nghỉ mát ở Nha Trang. Nàng thích vùng biển này vì từ thời còn đi học, nàng có hát bài “Nha Trang ngày về” được bạn bè trong lớp tán thưởng. Và nàng tìm đến khách sạn này, trong một căn phòng được nhìn ra bãi tắm và biển cả bao la điểm những hòn đảo nhỏ.

Chiều qua, ra biển tắm, Loan cảm thấy buồn. Không ai nhìn Loan cả. Người ta tắm có đôi, có ba. Loan chỉ một mình. Tẻ nhạt quá. Loan lững thững về khách sạn. Cảm giác bị thừa ra giữa chốn đông người cứ xâm chiếm lấy Loan. Ở nhà, Loan cũng có cảm giác bị thừa ra. Từ ngày cưới nhau, chẳng bao giờ anh Triết khen Loan đẹp. Có lúc trang điểm xong, Loan hỏi:

- Anh thấy em đẹp không?

Anh Triết cứ “ờ, ờ” trong họng làm Loan bực mình. Không hiểu cái bằng tiến sĩ khoa học đã dạy cho ông ta những gì mà lạnh nhạt với vợ đến như thế. Không cần! Dù gì thì Loan cũng là con gái cưng của một vị tướng quân đội. Người ta có thể bỏ tiền mua bằng để trở thành tiến sĩ mà không thể bỏ tiền để trở thành con cưng của thiếu tướng. Loan tự an ủi mình và tự đặt mình ở thế thượng phong. Triết đi công tác một tháng ở nước ngoài thì Loan cũng phải đi chơi. Loan đi vừa để trốn cái không khí lạnh lẽo của ngôi nhà sang trọng và buồn bã kia, vừa để trốn cái cô đơn mà nàng rất sợ phải đối mặt. Nhưng đến Nha Trang, nàng thấy mình như bị thừa ra. Đến nỗi, chỉ cần một lời khen xã giao của người đàn ông cũng làm nàng mất ngủ.

- Sao người đẹp ngồi uống nước một mình vậy?

Loan giật mình. Mặt đỏ rựng. Lại người đàn ông kia. Hôm nay ông ta mặc một bộ đồ hoa hoét như đàn bà. Đôi kiếng cận và mái tóc nhuộm đen bóng mượt. Loan đứng dậy, ấp úng:

- Mời ông… ngồi uống nước.

Ông ta lưỡng lự một lúc rồi kéo ghế ngồi xuống.

Lúc đó, phía biển, bầu trời đã sẫm màu. Gió thật nhẹ và biển lặng lẽ khép dần phòng the đơn chiếc của mình. Trong sân vườn nhỏ của khách sạn, những chùm đèn màu như trốn tìm trong các vòm lá. Loan thấy ông ta vừa như một nghệ sĩ, vừa như một doanh gia.

Cô gái mặc chiếc juýp rất ngắn bưng lại một tách cà phê và gói thuốc 3 số (555), mỉm cười chào ông ta. Loan thấy mình già hẳn. Cái tuổi trẻ được bay nhảy, được xí xọn của mình đâu nhỉ? Loan buông một tiếng thở dài. Ba mươi sáu tuổi rồi còn gì? Sao mình lại lấy cái ông tối ngày gật gù như ông sư vậy? Ông ấy tỏa sáng ở đâu, còn mình thì chỉ thấy đó là bóng tối. Cô gái đi rồi. Loan nhìn ông ta:

- Thưa, ông đến khách sạn này lâu chưa ạ?

Vẫn nụ cười điệu đàng:

- Đến trước lúc tôi gặp người đẹp bốn tiếng đồng hồ.

Loan giật mình một cách sung sướng khi nghe ông gọi hai từ “người đẹp”.

- Chắc ông đi du lịch?

- Đúng một nửa. Tôi ra đây còn để sáng tác.

- Ông là nhà văn, hay họa sĩ, hay nhạc sĩ?

- Người đẹp không nghe tiếng đàn từ phòng tôi ư?

- Thưa, không nghe. Em về phòng là đóng kín cửa.

- Lúc nào người đẹp có thời gian rỗi, tôi mời người đẹp sang phòng tôi nghe một bản nhạc tôi mới sáng tác.

Loan ngoan ngoãn:

- Dạ! Nhưng em không rành nhạc.

- Chẳng sao cả. Âm nhạc có cách đi riêng của nó. Người đẹp thấy sao trên trời không? Mỗi ngôi sao phát ra một thứ ánh sáng riêng.

- Dạ, em hiểu.

Lại thêm một đêm mất ngủ. Loan không hiểu được. Ông ta là ai, sao bất ngờ gieo vào lòng Loan một nỗi nhớ khó tả đến vậy. Chỉ có cách một bức tường thôi. Thế mà bên kia là một vũ trụ. Một vũ trụ mà Loan không thể khám phá. Ông ta khen Loan đẹp, không hiểu đó là câu xã giao hay thật lòng? Rồi cuộc sống riêng tư của ông ta? Loan không biết. Loan thèm được ngồi bên ông, nói những chuyện vu vơ để được nghe hai từ vàng ngọc từ miệng ông ta thốt ra: “Người đẹp”.

Loan mở cửa. Hành lang không một bóng người, chỉ có tiếng đàn organ từ phòng 312 vọng ra, nghe như có sóng, có gió, có chim ca. Loan bước nhẹ từng bước một. Tim nàng tự nhiên đập rộn lên. Ông ta ngồi trước đàn, hai tay múa trên bàn phím. Một không gian lạ lùng. Nàng thấy như có màu sắc đang pha trộn vào nhau, và chiếc đàn kia có nhiệm vụ phả ra. Cả con người có mái tóc chải ngược cũng bị pha trộn các màu, rồi ánh lên, phả vào không trung một cách huyền diệu.

Khi hết bản nhạc, Loan định chạy trốn, nhưng ông ta đã nhìn thấy:

- Kìa người đẹp, sao không vào phòng?

Nàng ríu lưỡi:

- Em… em ngại.

- Ngại gì chứ? Nào, mời người đẹp nghe một bản nhạc khác.

Nàng rón rén ngồi lên giường nệm, rồi nhìn như thôi miên vào chiếc đàn.

- Người đẹp uống nước yến nhé!

- Dạ.

- Đã quen nhau mấy ngày rồi mà tôi vẫn chưa biết tên người đẹp.

- Dạ, em tên Loan, Trần Bích Loan.

- Tên em hay đấy, vừa có màu sắc, vừa có âm thanh.

- Em không biết. Đây là lần đầu tiên em nghe nói tới điều này.

- Thế à? Người nghệ sĩ dễ dàng nhận ra điều đó. Lúc nào ra biển người đẹp sẽ hiểu thôi mà.

Loan nghe thêm một bản nhạc khác. Đôi tay âm thanh của người nhạc sĩ đã hút hồn Loan. Thì ra, ở cái biệt thự của Loan, dù sang trọng thật, nhưng nó thiếu nhiều quá. Thiếu những thứ để làm nên sự thanh cao, hồn vía. Toàn là những thứ chẳng ở đâu bán cả. Nghe xong, Loan thở dài:

- Thưa ông, em xin về.

Ông ta ngạc nhiên:

- Âm nhạc đã làm người đẹp nhức đầu?

- Thưa, không! Em thấy buồn!

- À… Đấy là bài “Khúc mơ”, hơi sâu lắng. Thôi thế này nhé. Ta ra biển dạo một chút, em sẽ thấy thoải mái. Biển vốn có nhạc em ạ!

Loan nghĩ một chút rồi đáp:

- Dạ!

Nha Trang có một hoàng hôn đặc biệt, Loan nghĩ thế, ở ngoài kia, biển rực lên một màu vàng như được chạm cẩn. Những đám mây hứng nắng như thể thép được tôi đỏ một phần, để bầu trời như một bức tranh lạ. Và gió, gió vừa đủ kéo một tà áo của Loan lên, để thỉnh thoảng Loan thấy ông ta nhìn vào một phần ít ỏi da thịt của mình.

- Biển đẹp phải không em?

Loan gật đầu. Ông lại nói:

- Cách đây mười năm. Lúc ấy chắc Bích Loan còn quá trẻ, phải không? Tôi có ra đây, đứng nhìn ra biển kia, lúc ấy trời mưa bay. Tôi thấy có một nỗi buồn lan nhẹ vào hồn. Về Sài Gòn, tôi viết bài “Ru biển mồ côi”, em thử nghe nhé.

Rồi ông khe khẽ hát. Loan nhìn ông như nhìn một thiên thần. Ông tài quá! Giá như trong ngôi biệt thự của Loan, những giai điệu kia được sinh nở, thì đó không chỉ là một ngôi biệt thự nữa, mà là một thiên đường.

- Ông hát hay quá. Ông là một nghệ sĩ lớn mà em được biết. Em rất vui khi được gặp ông.

Ông cười:

- Em đừng tự hạ mình như thế. Tôi chỉ là một nhạc sĩ. Trời bắt tôi gom nhặt những âm thanh kỳ diệu của cuộc đời để kết lại thành những ca khúc. Số tôi là vậy.

- Vậy là ông có số hơn người. Em không có đủ từ để diễn tả niềm vui của em.

Loan vừa nói xong thì một nụ hôn ập đến. Loan không kịp chống đỡ. Mà thực ra, Loan không có thời gian chuẩn bị để đón nhận. Và rồi đêm tối trùm lên tất cả.

Về phòng, Loan ngủ thiếp đi lúc nào không hay. Khi tỉnh giấc, Loan gọi: “Ông nhạc sĩ, em… em mệt quá”, rồi trằn trọc cho tới sáng.

Mấy hôm sau, căn phòng của Loan có thêm ông nhạc sĩ. Ông nhạc sĩ đã trả phòng 312 để ở chung với Loan. Loan không còn cô đơn khi chiều chiều ra hóng gió biển. Nha Trang tự nhiên đẹp hơn. Đường Trần Phú có bóng hai người, vì thế mà thời gian trôi đi rất nhanh.

Họ sống chung với nhau được bốn ngày thì Loan phải nói lời chia tay với ông nhạc sĩ. Nàng giật mình, khi nghĩ rằng Triết đang chuẩn bị về nước. Lúc chia tay, ông nhạc sĩ tiễn Loan ra bến xe. Ông nói:

- Bích Loan, em có nghe tiếng sóng biển không?

Loan lắc đầu:

- Ở đây ồn quá, em không nghe được.

Ông mỉm cười bí hiểm:

- Em không nghe sao? Ở trong lòng em đấy!

Loan không hiểu. Khi lên xe, tín hiệu tin nhắn phát ra từ điện thoại di động. Loan mở xem:

Anh muốn em quay lại. Khi chia tay, mình chưa hôn nhau

Xe vẫn chạy. Loan nhắm mắt lại. Ruột nóng bừng bừng. Ông ấy nói đúng. Sóng đang gầm gào trong lòng Loan. Chừng mười phút sau, Loan không chịu nổi nữa, đứng dậy, la lớn:

- Bác tài, bác tài, cho xuống!

Thế là Loan đứng lại giữa đường. “Chắc Triết cũng đang trên đường về nước”. Loan nghĩ vậy và nhắm mắt lại. Nước mắt tự nhiên trào ra. Về Sài Gòn hay trở lại Nha Trang? Nàng tự lặp đi lặp lại nhiều lần câu hỏi đó mà không tìm nổi câu trả lời. Trên tuyến Bắc-Nam, xe chạy vào và chạy ra không đếm nổi, vậy mà Loan lại đứng như trời trồng dưới cái nắng của vùng cực nam Trung Bộ.

Lại một tin nhắn. Loan mở ra xem: “Anh đang đứng chờ em tại bến xe”. Loan khóc òa như một đứa trẻ.

Vậy là Loan trở lại Nha Trang. Ông nhạc sĩ còn ngồi trong quán nước. Thấy Loan, ông mỉm cười:

- Anh biết em trở lại.

Loan lau nước mắt:

- Anh ác lắm. Anh không cho em về…

Ông nhẹ giọng:

- Cái nhớ bắt anh làm
điều đó.

Rồi giữa chỗ đông người, ông ta ôm Loan và hôn.

Loan thấy người nhẹ hẳn. Nàng theo ông nhạc sĩ đến ở một khách sạn khác. Tiếng đàn không vang lên nữa. Trước khi ngủ, ông hát thầm cho nàng nghe những bài không đầu không đuôi, để rồi nàng ngủ quên trong những câu hát ấy.

Đêm sau, nàng đang ngủ ngon trên cánh tay ông thì điện thoại reo lên. Ông ta bấm máy nghe. Chợt nàng tỉnh giấc, giật lại. Miệng rối rít:

- A lô, em nghe… Dạ… em đang ở nhà chị bạn. Dạ, sáng em về liền. Dạ… Sao? Kẻ trộm phá két sắt hả. Anh yên tâm, vợ anh rất khôn. Vợ anh đã chuyển số vàng đó đến nơi an toàn rồi… Dạ…

Loan nhảy ra khỏi giường, mặc quần áo, động tác trở nên hốt hoảng.

- Anh đã làm khổ em. Anh tham lam quá. Em phải về trong đêm.

Ông nhạc sĩ kéo tay nàng lại, cho nàng ngồi lên đùi rồi vỗ về:

- Có gì phải vội, Bích Loan. Anh sẽ đưa em về. Sáng mai em sẽ có mặt ở nhà.

- Đi bằng gì?

- Tắc-xi, từ bây giờ.

Ngày hôm sau, Loan về nhà lúc 8 giờ. Không ai mở cửa. Con bé làm Ô-sin đã trốn đi. Điện thoại có tin nhắn: “Mai mình gặp nhau”. Loan gọi cổng:

- Anh Triết! Mở cửa cho em vào!

Không có tiếng đáp lại. Loan xách va-ly đi lững thững trên đường. Nàng điện thoại cho chồng. Chồng bảo trên đường về nhà. Chưa bao giờ nàng thấy lạc lõng giữa thành phố hoa lệ như thế. Mấy ngày trước vui bao nhiêu thì hôm nay buồn bấy nhiêu. Chiếc va-ly mỗi lúc mỗi nặng thêm. Loan tự hỏi, phải chăng đây là quả báo? Triết bỏ nhà đi rồi sao? Ông nhạc sĩ kia đâu rồi, sao lúc cô đơn này ông không có mặt? Loan lấy máy điện thoại bấm nút. Giọng một bé gái chừng mười lăm tuổi rụt rè đáp: “Ba con mới vào bệnh viện. Ba con đi du lịch Nha Trang bị bịnh”. Loan thở dài. Thấy một xích-lô chạy không, Loan gọi:

- Xích-lô, cho tôi tới một ông sửa chìa khóa.

Ông đạp xe xích-lô chạy vòng vèo một lúc mới kiếm được một người sửa chìa khóa ở bên lề đường. Ông thợ cũng nhảy lên xích-lô về biệt thự của Loan. Hì hục cả tiếng đồng hồ mới mở được cánh cổng. Mười một ngày xa nhà, Loan cảm thấy như ngôi nhà đã cũ đi một thế kỷ. Nàng vào nhà, những giường nệm xông lên mùi ẩm mốc. Cánh tủ sắt bị đục một lỗ lớn. Hoảng hốt, nàng lấy hết sức kéo một nắp hầm, thò tay lần sờ vào một nắp hũ vàng may sao còn nguyên. Trút một hơi thở dài, nàng gieo người xuống nệm, rồi hai hàng mi mệt mỏi khép lại.

Tối hôm ấy, Loan nghe tiếng chuông cổng, giật mình nhìn ra. Bên chiếc tắc-xi, anh Triết một tay ôm bó hoa, một tay xách va-ly đứng chờ mở cổng. Loan bước từng bước sợ sệt. Khi cánh cổng mở ra, anh Triết dúi bó hoa vào tay Loan và quàng qua cổ. Anh đeo cho Loan sợi dây chuyền bằng sừng tê giác gắn vàng đã mua từ Nam Phi, rồi hôn Loan một cách mạnh bạo. Loan không dám nói một tiếng nào, nàng nén một tiếng thở dài rồi ôm bó hoa vào nhà. Sau hơn một tháng xa nhau, cả hai cứ như lạ lẫm. Cái lạ bắt nguồn từ những năm tháng sống bên chồng, giờ lại lạ lẫm và lạnh nhạt hơn. Anh Triết lại nhận ra điều đó. Sáng hôm sau, anh dậy sớm, thay quần áo, hôn Loan rồi xách cặp ra cổng gọi tắc-xi. Loan không dám hỏi anh đi đâu, mặc dù biết anh đang hờ hững với mình.

Một tháng sau, ông nhạc sĩ điện thoại cho Loan, ông nói ông đã ra viện, đang nhớ Loan cháy ruột cháy gan. Ông hỏi Loan có dám ra Nha Trang một lần nữa không? Loan không dám trả lời. Nàng mím môi lại cho nước mắt trào ra. Rồi hôm sau, lại một cú điện thoại của ông nhạc sĩ. Loan khóc. Nhưng cái nhớ những ngày êm đềm ở Nha Trang đã bắt Loan một mình ra Nha Trang.

Xứ biển với những ngày nắng mưa chắp vá. Loan đi tìm phòng ông nhạc sĩ. Một phụ nữ chừng ba mươi, có nước da trắng hồng, miệng luôn nở một nụ cười, trên cổ đeo một dây chuyền làm bằng sừng tê giác gắn vàng giống hệt sợi dây chuyền của Loan. Loan cảm thấy tim mình thắt lại. Nàng sững người một lúc rồi hỏi một cách vô thức:

- Có phải phòng này của nhạc sĩ…

Cô ta nhìn Loan, nhìn trân trối sợi dây chuyền trên cổ Loan một lúc lâu, rồi nhỏ giọng trả lời:

- Vâng! Nhạc sĩ Hồng Phương, chồng tôi. Anh ấy ra đây, lại bị bịnh, mới đi nhà thương.

Loan cúi đầu, nói lí nhí: “Xin lỗi chị”, rồi lại một mình lững thững ra bãi tắm. Nàng không tắm, không hóng gió, đôi mắt buồn nhìn ra khơi xa, phía ấy, lãng đãng những đám mây đang trôi về nơi xa thẳm.
Lê Ái Siêm
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 295
  • Khách viếng thăm: 292
  • Máy chủ tìm kiếm: 3
  • Hôm nay: 73971
  • Tháng hiện tại: 2355628
  • Tổng lượt truy cập: 48729755