Khí tiết thời mở cửa

Đăng lúc: Thứ tư - 05/09/2012 14:59
Ông Bảy Đường viết rồi lại xé bản tự kiểm gởi đảng ủy xã. Ông thấy nếu nói vì hoàn cảnh bức bách ông mới làm liều, là không đúng. Nếu tất cả những người nghèo khó đều không từ chuyện sai quấy nào miễn có tiền, thì xã hội này sẽ ra sao?

Không, ông không thể đổ lỗi cho cái gì hết, mà chính tại ông đã không giữ được khí tiết. Ông đã thua, đã để thế lực đồng tiền thao túng. Ông thấy nhục quá, nhục như mình vừa đầu hàng giặc sau một trận đòn, để chịu làm một tên chiêu hồi chỉ điểm. Không phải sao? Ông đã cho một kẻ không chút công trạng gì , một kẻ rời bỏ làng quê khi bà con mình đang chiến đấu một mất một còn với giặc trở thành đồng đội của ông, xếp nó ngang với những người đã hy sinh cả đời vì tự do độc lập.

Ba Toàn con Chín Khéo, một gia đình làm nghề lái heo truyền đời. Thời ấy, trong khi những nhà khác sắm được chiếc xuồng máy đuôi tôm đi đây đi đó đã ngon lắm rồi, thì gia đình hắn ghe lớn ghe nhỏ đến mấy chiếc. Ngôi nhà ngói rộng thênh thang, với những cây cột tròn, to bóng và vách ván đỏ au của hắn nằm cạnh bờ sông; ba bên bốn phía có hàng rào bao bọc. Gia đình hắn gần như  biệt lập với bà con, trừ những người đến kêu bán heo, vay tiền, bán lúa non… thì chỉ có bọn làng lính lui tới ăn nhậu. Có tiền, có thế nên Ba Toàn xấc lắm. Chiều chiều hắn mặc áo chim cò bó chẽn và cái quần ống loa rộng bết bát diễu qua diễu lại trước nhà con Lụa thợ may. Nghe hàng xóm phong phanh là gia đình ông Chín Khéo định đến hỏi Lụa cho Ba Toàn, ba má Lụa hoảng hồn đưa con về quê ngoại để tránh. Không ai lạ gì cái kiểu mất mặt cắn càn của gia đình hắn. Nếu gia đình Lụa từ chối lời dạm hỏi của hắn thì thế nào cũng bị tai vạ.

Minh họa: Duy Hải

Lụa đi được mấy tháng thì Ba Toàn bỏ làng chạy ra thành. Có người nói hắn lo tiền để làm “lính kiểng”, có người nói hắn làm tài xế cho chủ hãng buôn ở xóm vựa. Lúc đó khoảng năm 1970, ông Bảy Đường đang là Bí thư Đảng ủy xã. Nhà ở vùng xôi đậu nên ông cứ đi đi về về, nhờ vậy mà nắm được sự thay đổi của từng gia đình trong xóm ấp. Có lẽ con người có số thật. Hồi chiến tranh, ai cực khổ gian nan, hy sinh chết chóc chứ gia đình Ba Toàn vẫn sống trong sung sướng đủ đầy; không biết cây chông ra sao, cái công sự thế nào, cả đời chân không vấy bùn. Bây giờ hoà bình, nhiều người dân một thời bám đất đấu tranh, chịu nghèo, chịu đủ thứ khổ, bây giờ vẫn còn nghèo. Còn Ba Toàn là ông chủ của hai cửa tiệm lớn nhất ngoài chợ xã: vợ bán tạp hoá, chồng  bán vật tư nông nghiệp. Chưa hết, vợ hắn còn kiêm thêm nghề cầm đồ “chui”. Nói cầm đồ “chui” vì không có đăng ký, không có bảng hiệu và tất nhiên là khỏi đóng thuế. Cũng như hồi xưa, bây giờ gia đình Ba Toàn cũng rất “có uy tín” với chính quyền địa phương. Từ Chủ tịch, Bí thư xã, đến Trưởng Công an, cán bộ thuế vụ, địa chính… đều một anh ba, hai cũng anh ba. Ông Bảy Đường ghét cái bọn nắng bề nào che bề nấy, rồi giận lây cả chính quyền địa phương. Mấy lần ông đã lên tiếng nhắc nhở số đảng viên, cán bộ trẻ đừng quên nguồn cội; hãy phân rõ thật giả, trắng đen để không bị người ta lợi dụng. Vậy mà ông… Phải, chính ông đã không phân biệt trắng đen, chính ông đã quên nguồn cội, lẫn lộn vàng thau. Tất cả chỉ vì tiền.

Cả gia đình 5 người sống nhờ vào 4 công ruộng, quanh năm suốt tháng chẳng có đồng dư, nên ông mới bàn với vợ vay ngân hàng 3 triệu đồng làm vốn nuôi heo. Bầy heo 8 con đang lớn nhanh như thổi thì đùng một cái lăn ra bệnh. Một con, rồi hai con bỏ ăn, tiền thuốc đã lên đến mấy trăm ngàn mà vẫn không khỏi. Ông đành phải bán đổ bán tháo, vớt vát được hơn 2 triệu đồng. Dành một nửa trả nợ tiền thức ăn, còn một nửa ông định trả bớt cho ngân hàng, thì bất ngờ vợ ông trở bệnh. Cái chứng đau khớp nó không làm người ta chết ngay, mà cứ hành hạ quanh năm suốt tháng. Biết gia đình không có tiền để đi bệnh viện nên bả cắn răng chịu đau, không dám rên than. Cứ ở nhà ra quầy thuốc tây ngoài chợ mua thuốc uống. Còn uống thì còn đi lại được, hết thuốc thì bả lại lê từng bước. Nghe nói chứng đau khớp để lâu ngày nó sẽ qua đau tim, ông sợ quá nên đưa vợ vô bệnh viện tỉnh nằm.

Mỗi ngày tiền thuốc, tiền viện phí hơn trăm ngàn, chưa kể cơm nước cho bả. Tội nghiệp con Út, vì không có tiền nên nó xuống bếp phụ những việc lặt vặt, rồi xin cơm từ thiện ăn qua ngày. Để có tiền lo cho bà Bảy, ông mượn đôi bông tai và sợi dây chuyền cưới của con dâu đem cầm cho vợ Ba Toàn để lấy 1,5 triệu đồng. Nhưng đâu có đủ, mới được một tuần con Út nhắn về nói bả bị thêm chứng cao huyết áp, phải nằm viện cả tuần nữa, nhưng tiền thì hết rồi. Ông tìm đến bà con, bạn bè để mượn, để vay, nhưng ai cũng thở dài; vài trăm ngàn có khi còn không có, lấy đâu ra tiền triệu. Mà có mượn được rồi ông cũng không biết làm gì có tiền để trả người ta.

Giữa lúc đó Ba Toàn cầm tờ khai và đơn xin giải quyết chế độ chính sách theo Quyết định 290 đến tìm ông. Lúc đầu ông Bảy ngỡ hắn làm giùm ai, không ngờ lại là của hắn. Hắn khai, năm 1970 - 1971 hắn làm giao liên hợp pháp của xã; năm 1972 - 1974 hắn là du kích mật, hoạt động vùng này. Người phân công, giao việc cho hắn là Lê Văn Đường (tức Bảy Đường) Bí thư xã; người từng quan hệ công tác với hắn là Võ Văn Đông, xã đội trưởng và Trần Văn Sang (tức Ba Cà Nhỏng)… Bịa! Bịa trắng trợn, bịa 100%. Thật khốn nạn!  khốn nạn hết chỗ nói. Ông Bảy cảm thấy máu dồn hết lên đầu, lên mặt; tai ông lùng bùng. Ông Bảy đứng lên đập mạnh tờ giấy xuống bàn, quắc mắt nhìn Ba Toàn:

- Các người coi thường bà con ở đây quá! Tôi đâu có khùng đến nỗi giao việc cho chú mà không nhớ? Chú mầy mà là du kích mật thì cả huyện này, cả tỉnh này, tất tần tật ai cũng là du kích mật được cả.

Ba Toàn thản nhiên trước sự giận dữ của ông Bảy, hắn còn đặt tay lên vai ông, dịu dàng dìu ông ngồi xuống ghế. Hớp một tách trà, chờ ông Bảy nguôi cơn thịnh nộ, rồi hắn bắt đầu nói bằng cái giọng thủ thỉ của kẻ sám hối. Hắn nói những lời đúng y như ông Bảy đang nghĩ, kể cả những câu ông Bảy đang chửi thầm hắn. Hắn làm như hắn bị bức vào đường cùng mới đi ăn cắp, một kiểu ăn cắp công trạng, ăn cắp chỗ đứng; không phải cho hắn, mà cho con cái hắn rộng đường tiến thân. Hắn nói, hắn không cần tiền, mà ông Bảy thì rất cần. Nếu được hưởng chế độ 290 hắn sẽ cho ông Bảy hết số tiền đó, trả lại đôi bông tai và sợi dây chuyền cho con dâu ông mà không lấy đồng bạc nào. Nếu ông cần, hắn sẽ cho ông vay thêm vài triệu để lo cho bà Bảy. Hắn được xác nhận là du kích mật bất quá Nhà nước chỉ mất vài triệu đồng, đâu có thấm tháp gì so với tiền tỷ bị các ông, các bà trên cao tham nhũng. Ông Bảy cũng không sợ ảnh hưởng đến uy tín, bởi dàn lãnh đạo địa phương ngày nay toàn lớp con cháu mới ra đời sau 75, chúng đâu có biết gì. Những người cùng thời với ông, hiểu được công việc của ông ngày đó có mấy ai. Nếu họ còn sống thì cũng tứ tán hết rồi. Sợ nhất là ông Hai Đông, ổng bám trụ vùng này, nhưng ổng chết rồi. Anh Ba Cà Nhỏng cũng thông cảm cho cháu, ký rồi...

Ba Cà Nhỏng là ai chứ? Chỉ là kẻ vô tích sự thôi. Nó vào du kích chưa ăn hết giề cơm cháy, tối ngày vác cây Cacbin đi xuống đi lên, chưa làm được chuyện gì thì “són”. Sau Mậu Thân hắn tạt ngang, Hai Đông thấy mòi không được, nên đã lấy súng lại. Từ đó nó mới có cái tên “Ba Cà Nhỏng”. Vậy mà bây giờ nó dám đứng ra xác nhận người ta là du kích mật. Mới có mấy mươi năm mà vàng thau lẫn lộn hết rồi!...

Ba Toàn còn nói nhiều lắm, toàn những lời rất bùi tai, êm ái; nhưng hắn càng nói ông Bảy càng thấy mình bị xúc phạm. Có phải đã đến lúc nhà sập nên bìm bìm mới dám leo? Nếu ông không lâm vào cảnh túng quẫn, nợ nần chồng chất thì Ba Toàn đâu có dám đề nghị ông làm chuyện đó. Ông ngó đăm đăm ra sân, bây giờ ông không còn giận, mà chỉ thấy buồn; buồn cho tình đời, buồn cho tình người, buồn cho cái số của ông. Ông bảo Ba Toàn về. Trước khi ra cửa Ba Toàn còn nói: “Nghe nói thím Bảy còn phải nằm viện lâu, nếu chú cần tiền thì cứ đến nhà cháu”.

Ba Toàn về lâu rồi mà ông Bảy vẫn chưa đứng lên. Lòng ông ngổn ngang, nặng trĩu với bao nỗi buồn lo. Cả đêm đó ông Bảy không sao chợp mắt. Sáng sớm ông đã ra bến sông sang nhà em trai định mượn đỡ ít tiền. Vừa đến cửa, cô cháu gái bước ra đon đả: “Sao bác biết ba cháu bệnh mà qua thăm”. Vô nhà, vừa đặt đít xuống ghế ông đã nghe cô em dâu than như cháy ruột, đành ngậm tăm ra về. Vừa tới nhà lại nghe con dâu báo cáo : “Chị Hạnh mới tới. Chỉ nói cô Út điện về nói má mệt, cả đêm qua không ngủ được. Cô Út nói… hết tiền rồi!”. Dù khi nói ba tiếng “hết tiền rồi” con dâu ông cúi đầu thật thấp, nói thật nhỏ, nhưng nó vẫn xoáy vào tim ông đau nhói. Ông Bảy đổ xuống ghế như tàu lá héo.

Người ta nói “bần cùng sinh đạo tặc”, ông Bảy không làm đạo tặc, nhưng không giữ được sự chính trực phân minh. Giữa hai con đường ông phải chọn một, để bà Bảy chết vì không tiền chạy thuốc, hay ký tên cho một kẻ chưa một ngày làm cách mạng trở thành giao liên, thành du kích mật? Một kẻ ăn trắng mặc trơn, chân không lấm bùn, tai không nghe tiếng súng - trong khi đồng bào mình ngày đêm đấu tranh, sống chết với giặc - trở thành đồng đội của ông?. .. Không, ông không thể làm như vậy. Nhưng vợ ông, người vợ cả đời hy sinh, thay chồng nuôi con, nuôi cả cha mẹ chồng suốt những năm chiến tranh loạn lạc, lẽ nào bây giờ vì bảo vệ khí tiết của mình ông lại để vợ hy sinh lần nữa. Mà lần này có lẽ ông không còn cơ hội để bù đắp cho bả nữa. Ông bảy không khóc, nhưng hai hàng nước mắt âm thầm lăn dài trên đôi má nhăn nheo của ông. Ông thua rồi. Hồi xưa bị bắt, bị bao cực hình tra tấn ông vẫn không đầu hàng, vậy mà bây giờ phải chịu thua chỉ vì vài triệu bạc.

Rồi ông đã ký tên để bán danh dự của mình lấy 2 triệu đồng lo cho bà Bảy. Hơn 10 ngày sau thì bà Bảy về, khoẻ mạnh, tươi tắn; còn ông bị bệnh, một thứ bệnh không thuốc nào trị được. Cả ngày ông nằm dàu dàu, tay gác lên trán, mắt ngó đăm đăm lên trần nhà, không thiết gì đến chuyện nhà cửa, ruộng vườn. Bà Bảy biết ông đang gặp chuyện gì đó còn lớn hơn chuyện nợ nần, tiền bạc, nhưng hỏi tới thì ông gạt đi. Bà hết to nhỏ nằn nì, đến giả bộ giận bỏ cơm, sợ bà lại sanh bệnh ông mới chịu nói. Hiểu chuyện, bà Bảy thấy thật tội nghiệp chồng. Bà không phải là đảng viên, chưa từng vào sanh ra tử, chiến đấu một mất một còn với giặc như ông mà còn buồn, còn thấy tủi hổ, huống gì ông. Hồi trước bà cũng từng bị tụi làng lính o ép, quát nạt; bị liệt vào thành phần “thân cộng” nên bọn theo đóm ăn tàn như nhà Chín Khéo gặp bà cứ ngó lên trời. Bà còn nhớ, hồi đó thằng Ba Toàn có giọng nói eo éo như đàn bà; người mỏng, tay chân  dài như vượn; tóc uốn dợn, chảy dầu láng bóng; chiều chiều lạng lên lạng xuống xóm này như bù cắt săn gà. Ngữ đó mà du kích nỗi gì. Bây giờ sống dưới chế độ ta, “nắng bề nào nó che bề nấy”, chớ bản chất thì vẫn là tư sản lưu manh thôi. Để nó vào hàng ngũ những người du kích là có tội với cách mạng, có tội với những người đã hy sinh.

Bà bàn với ông bán bớt công ruộng giáp ranh với Bảy Cuộc. Bảy Cuộc khá giả, có lần hắn nói xa nói gần cho bà Bảy biết là hắn rất thích mấy công ruộng nhà bà. Vừa nghe bà Bảy nói bán đất, Bảy Cuộc mừng ra mặt. Bà Bảy nói  giá 4 cây vàng, hắn làm bộ chê mắc; nhưng chỉ hôm sau vợ hắn đã tới nhà giao tiền cọc.

Số tiền bán đất đủ để gia đình ông Bảy trang trải hết nợ nần, chuộc số vàng cưới về cho con dâu và chuộc lại lòng tự trọng mà ông đã bán. Hôm ông Bảy đến trả tiền, Ba Toàn trố mắt ngạc nhiên. Hắn ngạc nhiên vì không biết một người đang thất cơ lỡ vận như ông Bảy lấy đâu ra nhiều tiền như vậy. Hắn còn ngạc nhiên vì có người tiền đã đến tay còn đem trả lại. Với cái đầu toàn những tính toán tiền bạc, lợi danh của hắn thì làm sao hiểu nổi một người như ông Bảy. Ba Toàn không chịu trả lại giấy xác nhận. Hắn xuống nước năn nỉ ông Bảy. Hắn nói hắn đã nộp hồ sơ cho xã và xã đã nộp về huyện rồi. Mọi chuyện đâu đã vào đó, ông Bảy bới xới ra không chỉ tổn thất cho hắn mà ông cũng không tránh khỏi bị kỷ luật… Ừ, hắn nói cũng đúng , ông phải bị kỷ luật thôi. Nhưng cái kỷ luật này giống như nhát dao mổ lấy đi khối u trong người ông, đau một chút rồi khỏi, rồi nhẹ đi, còn hơn gánh chịu cả đời.

Bây giờ ông ngồi viết đơn tố giác sự khai man của Ba Toàn và làm bản tự kiểm điểm gởi cho Đảng ủy xã. Ông viết thật kỹ, chọn từng câu, từng từ; không phải cho hay, mà là cho thật đúng với tâm trạng của ông, đúng với suy nghĩ trong lòng ông. Ông nói : “Vì bần cùng mà tôi không giữ được khí tiết. Dù tôi đã kịp dừng lại nhưng vẫn thấy mình không xứng đáng là người đảng viên Cộng sản”. Ông Bảy không biết rằng những người như ông là vốn quí của Đảng. Nếu ông không xứng đáng thì còn được mấy người xứng đáng?

Ngọc Thủy
(Theo VNTG số 30)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 185
  • Khách viếng thăm: 183
  • Máy chủ tìm kiếm: 2
  • Hôm nay: 5568
  • Tháng hiện tại: 2238118
  • Tổng lượt truy cập: 46205351