Hoàng hôn

Đăng lúc: Thứ tư - 24/10/2012 10:12
VNTG- Có tới hai năm trời ông Hoàn mới trở lại vườn hoa này. Ông thấy cái gì nó cũng khác. Những khóm hoa mẫu đơn trồng giữa những cây lá vàng, thấp chũn, dễ thương làm sao. Cái hòn non bộ nho nhỏ, nước chảy róc rách suốt ngày, tạo ra thứ âm thanh hoang dã, nghe hay hay.


 
Minh Họa: Lê Hồng Thái
 
Ông thích buổi sáng còn mờ sương. Mặt đất đã thức, nhưng chưa chịu tung tấm chăn se se hơi nước của mình. Dường như đêm qua, vườn hoa đã có một giấc mơ gì thật đẹp, nên cố nằm thêm mà nhớ lại những chi tiết đẹp của giấc mơ.
Ông Hoàn chạy dọc theo vườn hoa, hai vòng, ba vòng, rồi bốn vòng. Lưng ông bắt đầu đã nóng lên, bắp chân đã bắt đầu nhưng nhức. Sau cơn bạo bệnh, chạy thể dục được thế này là quý lắm rồi. Ông hiểu điều đó. Và để cho đôi chân không lười biếng, ông đi bộ về cuối vườn hoa, chợt nhận ra ở đây có một con hẻm lớn và đã mọc lên hai quán cà phê, lèo tèo vài người khách. Có thể kết thúc buổi tập tại đây, ông nghĩ thế, rồi sà vào quán. Cô chủ chừng bốn mươi tuổi, có giọng nói như con người cô, mềm mại, trắng trẻo và vui tươi.
- Thưa, bác dùng chi ạ!
Ông không trả lời ngay. Ngồi chống cằm và nhìn cô chủ quán. Hôm nay là ngày gì mà nhìn chi cũng thấy đẹp, thấy vui thế nhỉ? Lòng ông rộn lên. Cô chủ quán nở một nụ cười thật tươi, rồi lặp lại câu hỏi ban đầu. Ông vuốt mái tóc trắng xóa ra phía sau, một tay đút túi quần lửng rút ra tờ mười ngàn, buông giọng:
- Em thấy chừng nầy tiền thì qua uống được cái gì?
Cô chủ lại nở nụ cười:
- Bác vui tánh quá. Con bán bình dân mà. Ở đây không có thứ gì quá mười ngàn bạc.
- À… vậy cà phê sữa nóng là nhiêu?
- Dạ có năm ngàn thôi ạ! Bác mà đi chừng ba chục thước nữa, tới khách sạn Hoàng Gia thì ly này là hai chục ngàn đó bác.
Ông Hoàn ngửa mặt, cười:
- Qua bình dân mà, tới đó làm chi. Mà tới đó liệu có cô nào đẹp như em không? Em cười thấy đẹp nhất
xứ rồi.
Cô chủ bưng ly cà phê ra. Không gian sực nức mùi thơm. Bắp tay cô chủ trắng ngần. Ông ngồi ngây ra. Lạ thật. Người đẹp thế này. Cà phê thơm thế này mà quán lại vắng khách. Rồi ông tự trả lời: người giàu thì ngồi đây làm chi. Khách sạn thiếu gì em còn mơn mởn. Đám trẻ thì thích cà phê phim bạo lực hay cà phê phim sex. Đã có mấy quán bị dẹp rồi mà có hết được đâu. Cà phê chay thế này thì chỉ có ông già uống. Ông ngước mắt nhìn cô chủ rồi nhìn vào cổ tay cô. Người đâu lớn tuổi rồi mà đẹp quá vậy? ông nhắm mắt lại, uống một ngụm nhỏ, không nỡ nuốt liền. Phải để cái sắc đẹp ấy ngấm vào cà phê nữa. Uống liền, uổng lắm! Khi ly cà phê đã cạn, ông mới nhìn đồng hồ, 6 giờ 30 rồi. Nhìn ra, mặt trời đã lên khỏi đám bần bên kia sông. Ông vội vàng đứng dậy. Cô chủ quán nhanh chân đến đưa cho ông năm ngàn đồng. Ông xua tay:
- Qua gởi em năm ngàn, đặng mai chạy thể dục khỏi mang tiền theo.
Cô chủ cúi đầu đáp:
- Dạ, vậy cũng được. Con cám ơn bác!
Ông ra về với niềm vui lâng lâng khó tả.
Mười năm trước, vợ ông ra đi sau ba tháng phát hiện mang căn bệnh ung thư. Ông bị hụt hẫng một cách đột ngột. Nhưng sau đó ông có niềm an ủi lớn. Người con trai của ông mở được một cửa hàng vi tính. Thời đại tin học giúp con trai ông làm giàu  lên từng ngày. Anh ta mở luôn 2 trung tâm internet lớn nhất thị xã. Còn cô con gái, sau khi học xong đại học, được nhận vào làm việc tại một cơ quan nghiên cứu về nuôi trồng thủy hải sản. Trong chương trình hợp tác với nước  ngoài, cô bén duyên với một anh chàng Nhật Bản. Thế là khăn gói về quê chồng. Mỗi năm ba lần ông nhận được tiền con gái gởi về. Con trai con gái cho tiền, ông khỏi lo nghèo đói. Duy có cái ông thiếu là tiếng nói dịu dàng của người đàn bà lúc ông cảm thấy cô đơn, trong lúc tuổi của ông đã tràn ra ngoài bảy mươi rồi.
Sau buổi chạy thể dục đầu tiên đầy hứng thú, sáng nào ông cũng chạy ra vườn hoa. Trước khi chạy, ông đút vào túi quần mười ngàn đồng. Và thế, ông biết được sẽ có một niềm vui nho nhỏ từ quán cà phê lèo tèo ấy.
Có lẽ cô chủ quán đã tạo cho ông một thói quen uống cà phê sau khi tập thể dục, rồi tạo cho ông nỗi nhớ, tạo cả sự mong chờ và ghen tỵ, làm thay đổi cuộc sống bình lặng và buồn tẻ của ông.
Chừng sau một tuần ngồi uống cà phê, ông mới mạnh dạn bước vào chỗ pha cà phê của cô chủ, rút tờ mười ngàn đồng đặt vào bàn tay trắng hồng của cô. Cô toan rút hộc tủ lấy tiền thối, thì ông nắm lấy cổ tay của cô. Bàn tay khác xoa nhẹ lên cánh tay mềm mại, trắng muốt và mát lạnh của cô. Giọng ấm và run rẩy:
- Thôi, em khỏi thối cho qua. Qua uống cà phê rồi nắm cổ tay em là qua thấy đủ rồi. Em đừng ngại.
Cô chủ rụt rè:
- Bác cũng như ba con, bác đừng…
- Thì qua có làm gì em đâu. Qua nắm tay em để có sức mà chạy thể dục thôi mà.
Cô chủ ngước nhìn ông:
- Bác nắm tay để chạy thể dục thì được. Bác đừng nghĩ tới chuyện gì khác. Con như con gái của bác thôi.
Ông gật đầu lia lịa:
- Qua hứa, qua hứa, em yên tâm.
Rồi từ đó, sáng nào uống cà phê xong, ông cũng được nắm cổ tay cô chủ. Còn cô chủ thì bán được ly cà phê với giá đặc biệt, tới mười
ngàn đồng.
Có đêm nằm nhớ cô, ông đưa hai bàn tay lên mũi, hôn hít vào lòng bàn tay, nơi ấy là nơi được tiếp xúc với cổ tay trắng ngần của người đàn bà bốn mươi, rồi ông trằn trọc, nôn nao
chờ sáng.
Ông chạy thể dục khác với người cùng tuổi. Ông thức dậy súc miệng rửa mặt, dùng dầu xức tóc và chải bóng mượt, xỏ giày mới, vớ mới trắng tinh, xức dầu thơm vào chiếc áo ba lỗ, rồi chạy từ từ như chỉ để chạy câu giờ. Mỗi ngày ông như trẻ ra, đi đứng ăn nói hơi điệu điệu, đến nỗi con trai ông phải buông câu: “Ba làm con mắc cười, giống pêđê quá”. Ông tủm tỉm cười: “Già rồi, sống bao lăm nữa đâu, xí xọn một chút cho yêu đời”.
Cô chủ quán thì khác, cô chỉ gieo nhớ thương cho ông, cho con tim ông được rộn lên với những cung bậc khác thường, còn cô thì chẳng nhớ thương gì ông, chỉ thấy vui vui khi biết ông cho không năm ngàn đồng, tiền nắm tay. Nhưng, đến mùa xuân năm sau, nhận ra ở ông sự chân tình và đầm ấm, cô kéo ông ngồi nán lại và hỏi:
- Hiện giờ bác đang sống với ai?
Ông đang chờ câu hỏi ấy, đáp luôn một mạch:
- Qua sống với con trai. Con trai qua làm giám đốc công ty trách nhiệm hữu hạn. Nó có tiền. Qua ăn rồi chỉ xem ti-vi rồi tập thể dục mà thôi. Nó để qua ở cái lầu trệt, còn nó thì ở ba lầu trên. Vợ qua mất lâu rồi. Con gái qua ở Nhật, tết vừa rồi nó có đưa thằng chồng nó về thăm.
Cô chặc lưỡi:
- Bác sống sung sướng quá. Bác có số hậu vận, số nhờ con.
Ông hỏi:
- Vậy, cô chồng con gì chưa?
Cô thở dài:
- Con có chồng, có một con gái.
- Qua không thấy chồng cô?
- Dạ, chúng con thôi nhau lâu rồi. Con gởi con gái cho ông bà ngoại nuôi ở quê. Con lên đây làm ăn một mình.
- Sao cô không làm bạn với ai?
Cô chủ cười rất duyên:
- Có biết làm bạn với ai? Người lớn tuổi thì đã có vợ con đùm đề. Còn người ít tuổi thì họ lợi dụng như thể qua đường thôi.
Đến lượt ông thở dài:
- Ước chi…
- Bác nói ước chi là ước chi vậy?
- Thì qua nói giá như qua mới năm sáu chục, qua được mạnh dạn là qua… mến em.
Đến đây thì cô chủ nói:
- Bác ơi, bác về đi. Tự nhiên bây giờ con sợ.
Ông buồn bã ra về. Hôm sau cô chủ quán không thấy ông chạy thể dục nữa. Ông đã bị bệnh. Bệnh mỗi ngày mỗi nặng. Anh con trai mời bác sĩ về nhà, nhưng xem chừng bệnh ít được thuyên giảm. Dần dần, anh ngộ ra, ông đã bị cú sốc nào đó, đành
hỏi ông:
- Con thấy ba yếu rồi, ba cần gặp ai không?
Ông không còn úp mở:
- Con đưa xe đến cái quán cà phê cuối vườn hoa, có cô chủ chừng hơn bốn mươi tuổi, con đưa cô ấy về đây cho ba gặp.
Anh con trai vâng lời, đưa xe đến quán cà phê. Cô chủ tiếp anh rất niềm nở, nhưng lòng tự trọng đã không cho phép cô đến gặp ông. Cô bảo: “Em cứ về nói với bác, rằng cô Tư sẽ gặp bác qua điện thoại vào mỗi buổi sáng, lúc sáu giờ”. Không ngờ, câu nói đó thành liều thuốc thần. Ông tỉnh táo và cố gắng dậy sớm để nghe tiếng nói của cô. Và đúng như lời cô nói, 6 giờ sáng, chuông điện thoại reo lên. Từ giường ngủ, ông đi như bơi về máy điện thoại, rồi run rẩy cầm ống nghe:
- A lô… em đó à… qua nghe đây, em khỏe không… Ờ ờ… qua sẽ khỏe, qua sẽ chạy thể dục, ờ… mà em đừng đuổi qua nữa nghe, qua thương
em mà!
Suốt gần 3 tháng như vậy, cứ 6 giờ sáng ông nghe điện thoại, vẫn nội dung không thay đổi, đầu máy kia cứ những câu “Bác khỏe chưa, bác ráng ăn và uống thuốc cho mau khỏe, lúc nào khỏe hẳn bác ráng chạy thể dục…”. Ông nghe không nhàm, mỗi lần nghe, ông có cảm xúc riêng, tâm trạng riêng, nỗi háo hức chờ đợi riêng. Và rồi ông khỏe thật. Ông tập chạy thể dục trở lại, bên tai cứ văng vẳng những lời ngọt ngào của cô chủ quán. Ra tới vườn hoa, ông chỉ còn đủ sức đi bộ, khi nhìn đồng hồ đúng 6 giờ, ông tấp vào quán cà phê. Đứng giữa quán, ông cất tiếng gọi:
- Cô Tư ơi, có khách nè!
Từ trong góc chái sau, một cô gái chạy ra. Cô gái chừng hai mươi, có đôi mắt và nụ cười thật dễ thương. Ông sững người:
- Cô đây là…?
- Thưa, con tên Thúy, cô Tư là cô ruột.
- À, trách gì qua thấy giống. Mà cô Tư đâu rồi?
Cô gái quay người lại, giấu khóe mắt rưng buồn:
- Cô con … mất rồi…
Ông không tin vào tai mình nữa. Miệng ông lắp bắp:
- Cô… cô đang… đang nói gì?
Cô gái thút thít:
- Cô con bị xe đụng, nằm bệnh viện chỉ một ngày thì qua đời. Nay đã hai tháng rồi.
Ông ngồi bệt xuống nhà:
- Không, không phải. Hôm qua cô chủ còn điện thoại cho qua mà!
Cô gái dìu ông ngồi lên ghế, giọng buồn khổ;
- Bác ơi, con xin lỗi. Con điện thoại cho bác đó!
Ông lắc đầu nhìn cô:
- Sao cô lại làm vậy?
- Tại vì… cô Tư biểu con ngày nào cũng thay cô điện thoại cho bác, để bác mau lành bệnh, bác yêu đời, bác chạy thể dục được, bác sẽ sống lâu…
Ông gục đầu, đôi môi méo xệch:
- Qua cám ơn con. Qua sống được nhờ cô Tư và con. Bây giờ, qua xin con một tấm hình của cô Tư để qua đem về thờ cho cổ.
- Bác cho con hai ngày nữa, đặng con đem hình cô Tư ra tiệm phóng lớn, nha bác!
Ông gật đầu. Nhưng hai hôm sau ông không đến lấy được. Ông cảm thấy bị tức ngực, khó thở. Ông biểu anh con trai đến rước cô gái và tấm hình cô Tư. Khi có hai người, ông nói với anh con trai:
- Con lập cái nhà mồ cô Tư bên cạnh nhà mồ má con cho ba. Ba khỏe thì ba chạy thể dục tới đó. Chớ không có cô Tư, ba chạy thể dục làm gì. Còn cháu đây, có nhớ bác thì điện thoại cho bác, bác cám ơn!
Những ngày sau, cứ 6 giờ, chuông điện thoại lại reo. Và từ giường ngủ, ông đi như bơi về máy điện thoại để nghe giọng ngọt ngào của cô bé. Rồi sau đó, ông bắt đầu cuộc chạy thể dục. Ông không chạy ra vườn hoa mà chạy về nhà mồ cô Tư, để đưa hai bàn tay run rẩy của mình trước di ảnh người tình theo quan niệm của ông. Hàng tháng, con trai ông đều cử người đến thanh toán tiền điện thoại cho cô bé.
Mùa đông năm sau. Chuông điện thoại réo lên nhiều lần mà không ai nhấc máy. Ông Hoàn đã ngủ một giấc ngủ thật của mình. Thế là ông đến được cõi vĩnh hằng nhẹ nhàng như không có.
Anh con trai chạy vào phòng ông, thấy trên bàn một mảnh giấy mà ông đã viết từ lúc nào: “…Ba cám ơn cuộc đời này. Cám ơn những người đã cho ba sống vui đến ngày cuối. Ba là người hạnh phúc, nếu con thông cảm và tha thứ cho ba…”
Mỹ Tho, tháng 10 năm 2010.
 
Lê Ái Siêm
(Theo VNTG số 54)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 381
  • Khách viếng thăm: 377
  • Máy chủ tìm kiếm: 4
  • Hôm nay: 66039
  • Tháng hiện tại: 2347696
  • Tổng lượt truy cập: 48721823