Giữa hai làn nước

Đăng lúc: Thứ hai - 27/05/2013 08:36
1.
- Ba ơi, con tìm ra rồi! - Tiếng thằng Hưng reo lên dưới bếp làm chú Ba mỉm cười, ngưng tay đóng dở cây đinh để treo cái bằng “Gia đình vẻ vang” trong ngôi nhà mới dọn tới hồi chiều.

Sinh ra trong một gia đình nghèo bên vạt rừng tràm Đồng Tháp Mười, chú lớn lên trong cuộc sống hồn nhiên của một đứa bé giữa cái không gian vô cùng khốc liệt của cuộc chiến tranh mất còn, hoàn toàn không cân sức... Chú nhớ lại, ngày ấy chẳng biết sao mà một chú bé mới 10 tuổi như chú lại có thể thích nghi với môi trường chiến tranh đến vậy... Khi đang đặt lọp ngoài vàm sông cái, theo hướng gió có tiếng rè rè vọng về, chỉ cần một thoáng suy nghĩ là chú biết ngay đó là tàu tuần tiễu hay tàu đổ quân, 3 chiếc hay nhiều hơn nữa rồi vội vã bơi nhanh chiếc xuồng con vào cứ báo cho mấy cô chú giải phóng.

Thời chiến tranh khốc liệt ấy đã dạy chú bé chưa hề được hưởng cái hạnh phúc lớn lao và đương nhiên là ôm tập đến trường ấy cái ý chí tìm sống mãnh liệt, với trí óc non nớt và giản đơn. Chú nghĩ lẩn thẩn là chắc mình cũng giống như mấy con chồn, con chuột trong miếng rừng u tịch kia, khi kẻ thù đến phá tan cái tổ ấm, tước đoạt cái mạng sống thì dù nhỏ bé đến đâu, chúng cũng phải xù lông lên để mà chống lại...

Cha chú hy sinh trong đợt phản công đầu tiên của trận đánh tàu lẫy lừng, chỉ còn hai mẹ con, mẹ chú cần cù với mảnh lưới rách giăng ngang con kinh đào, bữa đói bữa no nuôi thằng con trai duy nhất, rồi thì như người ta thường nói “Cái khó ló cái khôn”, cảnh mồ côi cha nghèo khổ, trong cái khắc nghiệt của thời chiến tranh lửa đạn, cuộc tìm cái sống giữa đồng hoang cỏ cháy rừng tràm bạt ngàn đã dạy cho chú bé mồ côi cha nhiều bài học mà chẳng có trường nào có thể dạy. Đó là bài học mà học phí là cả mạng sống, có ai dạy đâu mà chú bé ấy vẫn nhẹ nhàng tay nắm chặt cần an toàn của trái lựu đạn M.26 bọn Mỹ gài ở bìa rừng... Đơn giản thôi, sức đề kháng để sinh tồn dễ làm cho người ta mau chóng trưởng thành...

 2. Năm 1970, tháng 4 Âm lịch.

 Chiến tranh ngày càng ác liệt, khu rừng tràm vẫn thản nhiên vững vàng trước bao đợt “tìm và diệt” của Bộ Tư  lệnh Sư đoàn 9 Hoa Kỳ. Hằng ngày, từ sáng sớm đoàn trực thăng vũ trang xuất phát từ căn cứ Đồng Tâm Mỹ Tho lại lùng sục như muốn dỡ tung cánh rừng tràm Mỹ Lợi với hàng triệu viên đạn vô tình mà đành hậm hực tức tối trước sự im lặng của những cây tràm thương yêu che chở những người chiến sĩ nông dân đang bám lấy mảnh đất huyền thoại biết bao bất khuất kiên cường.

... Nhưng rồi sáng ngày hôm ấy, một ngày mà chú mãi mãi chẳng bao giờ quên, trời mưa rả rích, tiếng ếch nhái bỗng im bặt, không tới 30 giây sau thì tiếng gào thét của động cơ phản lực đã rền vang, cả khu rừng như rung lên với hằng loạt bom bầy của chiến đấu cơ F.5 đang tiến hành “trải thảm”.

Giàn mướp với những nụ hoa vàng trước sân như biến mất, rồi tiếp theo là mái nhà tranh bay lên đổ ụp vào bụi tre già sau nhà, lúc ấy chú mới vừa chống xuồng từ rừng về tới...

Hình như cái đau khổ tột cùng đã đánh lui nỗi sợ hãi, chú đứng sững trên chiếc xuồng nhìn những miếng lá chằm âm ỉ vương vãi cháy...

Một miểng bom cay nghiệt ghim thẳng vào thái dương bà mẹ tội nghiệp, úp mặt vào miếng nắp hầm trú ẩn còn mở, trên tay vẫn ôm chặt con heo đất đựng chút tiền ít ỏi chắt mót để dành  cho con trai!

Từ ấy, cậu trai 15 tuổi đèo đẹt ốm nhom đã biết thế nào là nỗi đau mồ côi, lui cui ngoài vạt rừng một mình, đôi khi nhìn lên ngọn cây thấy chú sóc con được mẹ dạy chuyền cây, chú lại thở dài nhớ má biết bao...

Mấy hôm sau, các cô chú trong cứ ra cất lại cho chú căn chòi. Ngôi nhà lá nhỏ xíu ấy nay đã trở thành một trạm quan sát xuyên suốt con kinh đào thẳng tắp, Chú được đưa vào cứ, học quân sự và cả học cho biết chữ để nhanh chóng trở thành một người lính giải phóng, một người lính không chỉ chiến đấu cho Tổ quốc, mà còn là một cuộc báo thù cho người mẹ thân yêu của mình. Cái gan lì cao độ của người lính trẻ ấy luôn làm ngạc nhiên cho cả đơn vị...

Thế rồi, tháng ngày cũng qua mau. Một buổi sáng tháng tư rực rỡ nắng vàng, tiếng chim hót ngoài đầu ngàn bỗng như rộn rã, mặt trời đỏ vươn lên kiêu hãnh cuối dòng sông phía bìa rừng, cả đơn vị được lệnh bôn tập về giải phóng Mỹ Tho.

Theo đơn vị băng qua vòng xoay giếng nước mà chú như đang lơ lửng trong mơ, rừng cờ rừng hoa, những gương mặt rạng rỡ như tương phản với chốt cố thủ của giặc trơ trọi với cây đại liên gục nòng trên cao ốc dẫn vào thành phố. Cuối cùng ngày mong đợi của triệu triệu con tim đã đến như đoạn điệp khúc của bản hùng ca vô tận...

Một thế giới mới, hoàn toàn mới lạ  chú phải đối mặt, mà trước mắt là phải học từng bước rời xa chiến trường xưa. Bây giờ lại phải học nhiều điều. Chú đến lớp học tại chức với một tấm lòng non trẻ mà hoài bão quyết tâm đổi đời rực sáng trong tim, ngày nào ôm bộc phá lao vào xe thiết giáp địch có lẽ dễ dàng hơn các bài toán chằng chịt những con số... Rồi từ đơn vị này sang đoàn thể khác, Đảng đã dẫn dắt chú đi tìm một cuộc đổi đời...

Thấm thoát mà đã 30 năm miền Nam hoàn toàn giải phóng, chú đã lập gia đình với một cô giáo trẻ hiền diệu, đậm đà tình nghĩa Nam bộ, rồi có thêm thằng Hưng, con Lý. Nghỉ công tác ở ngành thương nghiệp, chú được ưu tiên mua hóa giá căn nhà, nguyên là căn phòng cũ của Sở Nhà đất, thằng Hưng vừa tốt nghiệp đại học, chờ gọi nhận việc làm ở Thành đoàn. Con Lý đang học năm cuối  đại học sư phạm quyết tâm bước theo con đường của mẹ.

Đôi lúc trầm ngâm bên bình trà tự pha một mình vào những buổi rạng đông, nghe tiếng chim hót trên sợi cáp điện đường, chú nhớ lại khoảnh khắc kỷ niệm của dòng sông tuổi thơ, nhớ cánh rừng tràm thầm lặng bạt ngàn, nhớ cái hố bom đầy cá sau nhà, nhớ giàn mướp hương hoa vàng rực rỡ, nhớ cả tiếng bìm bịp gọi nước của buổi chiều nhạt nhòa... Dòng đời mải mê đã biến chú trở thành một thị dân hoàn hảo. Nhưng trong tận cùng tâm trí, chú luôn nhớ về quá khứ nghèo khó của mình với biết bao hãnh diện về người mẹ một đời nghèo khổ cần kiệm, chân thật quá cố của mình. Có lẽ cái hình ảnh mẹ chết mà trên tay còn ôm con heo đất chắt chiu mấy chục đồng bạc đã là nguồn động lực lớn giúp chú vượt qua bao khó khăn thử thách để hoàn thành nghĩa vụ trụ cột của một gia đình công chức trong sạch liêm khiết, nuôi dạy con thành đạt bằng chính bàn tay cần kiệm của mình, như ngày xưa, má chú đã nuôi lớn chú bằng tấm lưới rách giăng ngang con kinh đào...

Từ anh bộ đội phục viên đến người cán bộ nông nghiệp, rồi chuyển sang làm cán bộ nông trường, lâm trường. Mấy mươi năm làm quen với những tờ giấy bạc thơm mùi giấy mới, có biết bao cơ hội để làm giàu phi pháp mà sao chú vẫn nghiêm khắc với bản thân. Nghĩ cho cùng, cái quá khứ trong sạch và ánh hào quang của chiến công đối với riêng chú đã là tài sản lớn nhất, không có gì thay đổi được. Chú cũng có lúc nghĩ đến cảnh đời cơ cực của Bác Hồ ở làng Sen xa tít, rồi những khước từ nếp sống giàu sang cũng là cái quyết tâm gìn giữ cái quá khứ chói lọi hào quang của mình. Vậy thì... Đánh đổi một khoảnh khắc giàu sang để xóa sạch đi cái quá khứ được đan bằng nước mắt, mồ hôi và cả máu nữa... sao mà đành lòng cho được? Có lẽ cuộc sống ở hang Pắc Pó hay ở Phủ Chủ tịch, Bác Hồ vẫn vậy, vẫn sống, làm việc, phục vụ cho Tổ quốc bằng cả cuộc đời thanh bạch và thánh thiện của một tâm hồn đơn sơ, trong sáng và giản dị. Một đời giản dị, chú lại nhớ câu nói đã đọc được đâu đó:  “Đừng hỏi Tổ quốc đã cho ta những gì  mà hãy hỏi, ta đã làm được gì cho Tổ quốc”.

3. Tiếng kêu thảng thốt của Hưng trong phòng tắm làm chú giật mình:

- Ba ơi, vô coi cái này nè, ngộ lắm.

Sát chân tường cái nhà tắm cũ kỹ, ngách hang chuột kết thúc khi một miếng gạch tàu bị dỡ lên dễ dàng, phía dưới cái ô vuông xây bằng xi măng lúc nhúc đám chuột con chưa mở mắt, nằm trên một đống giấy ố vàng nát vụn, chắc là do chuột mẹ cắn ra lót ổ!

Nhẹ nhàng chú bắt từng chú chuột con cho vào cái bao “ni lông”:

- Hay lắm, thôi đem bỏ vào thùng rác giùm tao.

Dẹp lớp giấy vụn phía trên, chú nhìn lại phía dưới hình như còn sâu... Chú lấy lên từng tấm ảnh ố vàng màu thời gian, Chú ngạc nhiên xem từng tấm một, trong ảnh là đôi vợ chồng mới cưới trẻ trung, rồi những tấm khác, vẫn nhân vật nam ấy trong bộ quân phục thiếu tá của quân đội Sài Gòn...

Chú đã hiểu, trước giải phóng, căn nhà này là của một sĩ quan chế độ cũ và cái hầm bí mật nhỏ xíu này chính là kho tàng kỷ niệm của gia đình họ... Lấy hết số giấy tờ và hình ảnh lên, tay chú sờ đúng một cái quay xách bằng sắt, chú nhẹ nhàng nắm lấy cái quay dỡ lên. A, một cái thùng bằng kim loại chống vô nước mà quân đội Mỹ vẫn dùng chứa đạn carbine.

Cái thùng còn mới nguyên, chú gạt cần khóa mở nắp, nghĩ sao, chú lại đậy lại, kín đáo mang vào phòng làm việc, đặt dưới đất, sát tường.

Cả nhà bận rộn với việc thu xếp cho từng người trong căn nhà mới, chú quên lửng cái thùng đạn ấy. Mãi đến mấy hôm sau, khi cúi xuống mở máy vi tính, chú chợt nhìn thấy nó. Lúc ấy, chú ở nhà một mình. Chú đặt cái thùng lên bàn, mở chốt... Những vật đựng trong thùng làm chú bàng hoàng, 6 cái hộp màu đỏ tròn phía trong đựng nhẫn bạch kim cẩn đá quý. Một chiếc hộp hình chữ nhật màu xanh lót nhung đựng hai cái đồng hồ mạ vàng hiệu Movado mới nguyên, tất cả được đặt trên một bằng tốt nghiệp mang tên của Trưởng Ty An ninh quân đội Định Tường, mãn khóa loại ưu của Trường Phản gián Okinawa năm 1962... Chú lẩm bẩm:

- Đúng là một tay tình báo do Mỹ huấn luyện.

Chú không thể không nhớ đến những đồng chí, đồng đội sa cơ vào tay giặc thời ấy. Những đòn tra tấn tàn độc tinh vi đến độ man rợ, những người con kiên trung của Tổ quốc đã bị thủ tiêu mất xác, những vầng khăn tang trắng của những người mẹ, người vợ cùng đám trẻ mồ côi tội nghiệp. Và có lẽ, từ nguồn tin tình báo nầy, các căn cứ của ta đã bị san bằng trong các cuộc không kích mà trận “trải thảm” tháng 4 năm 1970, chú đã mất đi người mẹ nghèo khổ. Người chỉ vì muốn dành dụm chút tiền nhỏ nhoi cho con mà đã liều mình quay trở vào nhà để lấy con heo đất, rồi mãi mãi đi vào cõi vĩnh hằng. Vật cuối cùng trong thùng đạn là một chiếc túi bằng nhung màu tím, loại dùng để đựng chai rượu cao cấp hiệu Martell, chú trút bao nhung ra bàn,

29 lượng vàng hiệu Đại Thành bọc cẩn thận trong các miếng giấy màu đỏ rơi ra.

Cả một sản nghiệp của một con người có nợ máu với nhân dân và phải chăng tạo hóa trớ trêu đã cố ý bồi thường cho chú về cái chết của mẹ, về những nỗi cơ cực trong chiến tranh, về cả một thời ấu thơ đội bom, đội đạn... Đó phải chăng là sự công bằng mà chú rất đáng nhận? Trong tư tưởng chú một cuộc xung đột mâu thuẫn đang quay cuồng, trước cả khối tài sản đang nằm trong tay chú. Mà thật lạ, không như lần đi làm thủy lợi đào được năm phân vàng mừng rỡ biết bao,  sao lần này, chú lại thấy mình như rơi vào tâm điểm của một cơn lốc xoáy quay cuồng. Chú thẫn thờ đặt tất cả trở vào cái thùng kim loại, rồi lại đặt vào sát tường.

Mấy ngày sau đó, chú như một con người hoàn toàn khác. Chú ăn không ngon, ngủ không yên, suốt ngày đắm chìm trong suy nghĩ.

Chú ray rứt với chính mình bằng biết bao câu hỏi với bản thân... Của rơi thì là của người có duyên nhặt được, có đúng vậy không? Mẹ mình đã mất vì bom đạn của kẻ thù thì tài sản của nó, mình cũng có quyền thụ hưởng chớ? Đúng không? Mình tìm được chớ nào có dùng thủ đoạn đê hèn để chiếm đoạt của ai đâu? Đúng không?

Bao nhiêu câu đúng không ấy bỗng trở nên một đáp án hoàn toàn ngược lại khi chú nhớ lại những mất mát tang thương mà cả đất nước nầy đã nhận chịu suốt 30 năm đắm chìm trong chiến tranh lửa đạn. Rồi những bà mẹ Việt Nam anh hùng, những đồng đội đã ngã xuống cho Tổ quốc quyết sinh và biết bao người nông dân không vũ khí đã hy sinh cho nền độc lập tự do...

Chú thở dài nhìn quanh căn nhà mới của mình và bỗng nhiên ánh mắt chú chạm phải cái nhìn nhân hậu của Hồ Chủ tịch trên bức di ảnh... Chú lại nhớ lời thề của mình trong ngày kết nạp Đảng... Như một dòng sông mênh mang, hồi ức trôi ngược về một quá khứ hào hùng, trong tim chú nhói đau khi nhớ lại cái chết của người mẹ một đời thương con, chú lại nhìn lên ảnh Bác Hồ. Bác cũng đã cả một đời bôn ba vì dân, vì nước, Bác Hồ có bao giờ dành cho mình đặc quyền, đặc lợi nào và có bao giờ nhân danh một người đã có công lớn mang lại độc lập tự do cho mọi người? Tại sao Bác lại khước từ mọi tiêu chuẩn dành cho một nguyên thủ, tại sao Bác không ở trong căn phòng đầy đủ tiện nghi dành cho lãnh tụ ở Phủ Chủ tịch, mà lại sống cuộc đời bình dị ung dung như một lão nông ở căn nhà sàn? Ngắm trăng, làm thơ, câu cá khi rảnh việc rồi lại miệt mài với việc công, việc nước... Bác đã sống thanh thản trong cái tư duy “chí công vô tư” mà Người đã đề ra như một nguyên lý sống của một người vĩ đại. Còn mình? Chú lại nghĩ đến hai từ “đổi đời”. Phải, có tiền có của thì đó không phải là việc không thể, nhưng chú còn đòi “đổi đời” gì nữa, công kháng chiến của chú đã được đền bù trong suốt mấy mươi năm lãnh lương nhà nước, từ một căn nhà lá tơi tả vì bom đạn bên dòng kinh Mỹ Lợi, gia đình chú được sống một đời công chức về hưu trong căn nhà hóa giá này, con cái chú đã thành đạt. Vậy thì không đổi đời rồi sao? Cái hạnh phúc hôm nay không phải là một sự công bằng liêm chính hay sao?

Đúng là không chỉ chú đã đổi đời mà cả đất nước này cũng đã đổi đời, từ thân nô lệ trở thành một công dân của một nước độc lập tự do, cái nghèo đã dần bị xóa sạch từ Nam chí Bắc, quyền dân chủ đã là hiện thực, đó há không là đổi đời hay sao?

Suốt mấy ngày nay, lần đầu tiên chú mỉm cười mãn nguyện sung sướng như ngày nào đó ở lớp học bổ túc, chú tìm ra được đáp án của một bài toán khó.

*

Buổi sáng mùa thu thật đẹp, trên con đường khang trang, những người đi tập thể dục về, đi ngang Văn phòng Tỉnh ủy đều mỉm cười với một người khách đến sớm, giản dị trong bộ đồ tập thể dục, ôm trong lòng chiếc thùng đạn của một thời xưa cũ, chờ đến giờ làm việc.

Thảo Bích
(Theo Văn nghệ Tiền Giang số 57)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 428
  • Khách viếng thăm: 424
  • Máy chủ tìm kiếm: 4
  • Hôm nay: 106228
  • Tháng hiện tại: 1855128
  • Tổng lượt truy cập: 48229255