Dân quê

Đăng lúc: Thứ hai - 04/07/2011 09:33
Minh họa: Duy Hải

Minh họa: Duy Hải

Chồng đi học ngoài Hà Nội. Sinh con bốn tháng, Thắm phải đi làm. Bé còn nhỏ nên cô nhờ mẹ mình lên trông chừng. Tám Mỹ gốc nông dân, tính tình chất phác “ăn to, nói lớn”. Căn nhà trọ chừng bốn chục mét vuông, lại chung vách nên Thắm thường nhắc mẹ giảm “âm thanh”. Trong nhà tù túng, Tám Mỹ thường bồng cháu đứng ngoài cửa.

Con hẻm rộng không đầy mét rưỡi, người, xe qua lại liên tục, nhất là những lúc cao điểm. Ai đi qua Tám Mỹ cũng cười, thăm hỏi, làm quen. Người lịch sự cười, đáp lại nhưng cũng có kẻ trố mắt mà nhìn. Và đặc biệt vào nhà là họ khép kín cửa, Thắm cũng khép cửa nhưng Tám Mỹ không chịu, chị bảo ngột ngạt lắm. Chẳng bao lâu, gần hết khu nhà trọ ai chị cũng biết. Mỗi chiều, nhà nhà tụ hợp về, cả khu ồn ào: Tiếng xe cộ, tiếng người lớn, tiếng trẻ con nhốn nháo. Vậy mà Thắm vẫn nghe giọng mẹ mình oang oang “tám” với mấy cô, mấy chị hết chuyện này, đến chuyện nọ. Cũng không biết từ bao giờ, chiều là họ đem lọn rau, mớ cải ra cửa vừa làm, vừa “tám” với chị. Nhà mình ăn gì, uống gì thiên hạ đều biết, Thắm cằn nhằn. Tám Mỹ giận lẫy cả ngày không nói chuyện, không ra ngoài. Mọi người hỏi nhau: “Bà ngoại bé An đâu rồi?”. Có người đáp: “Chắc về quê!”. Người cãi lại: “Không! Tôi nghe chỉ ru cháu hồi trưa”.

Biết mẹ giận, Thắm tìm cách giả lả. Được một ngày, Tám Mỹ lại hề hà bỏ qua. Rồi tiếp tục thời sự buổi chiều với chị, em.

Căn nhà trọ đối diện là chỗ ở của Phương, cô làm việc trái giờ với mọi người, đi làm lúc mười một giờ trưa nhưng quá nửa đêm, hoặc gần sáng mới nghe mở khóa. Tám Mỹ thắc mắc. Thắm cau mày:

- Ai làm gì kệ người ta. Má để ý làm chi, ở đây chứ không phải
dưới quê.

Tám Mỹ làm thinh không hỏi nữa. Bữa nọ khoảng chín giờ trưa, cháu An đã ngủ. Khu nhà trọ không tiếng người. Chị gọt khoai, chợt nghe có tiếng rên. Lúc đầu thì nhỏ nhưng lớn dần, Tám Mỹ bước ra, thấy chiếc SH màu bạc dựng ở cửa phòng của Phương và tiếng rên cũng từ đó vọng ra. Chắc cô ấy bệnh nặng nên rên lớn quá! Tám Mỹ nghĩ vậy. Không chút ngại ngần, chị gõ cửa. Tiếng rên như nén lại. Chị gọi tiếp:

- Cô Phương ơi! Cô Phương có sao không vậy?

Bên trong không tiếng trả lời, chị lo quá đập cửa mạnh hơn. Giây lâu, có tiếng bước chân. Cánh cửa hé mở. Một gương mặt đàn ông đỏ gay và đẫm mồ hôi ló ngay khe cửa:

- Gì vậy?

Tám Mỹ chưa kịp trả lời thì cánh cửa đóng sập. Chị chưng hửng, trở vô chuẩn bị cơm trưa nhưng tai vẫn dỏng qua bên đó. Một lúc sau người đàn ông đi ra, đặt mông lên  chiếc SH không quên liếc nhanh mắt vào phòng của Tám. Sau đó cô Phương đẩy Attila màu trắng ra cửa, gương mặt đã trang điểm kỹ càng, ánh mắt khó chịu khi thấy chị nhìn ra. Cô khóa nhanh cửa, nhảy lên xe. Mùi nước hoa ập vào mũi Tám.

Buổi chiều, Tám Mỹ đẩy xe bé An tới lui trước nhà. Miệng liên tục kể chuyện động đất ở Nhật, chuyện rớt máy bay, chuyện tai nạn giao thông… vừa xem trên truyền hình với mọi người. Thấy thằng Hồ bưng  tô cơm nguội chỉ có con khô cá nục nhỏ xíu nằm chổng chơ. Tám Mỹ mượn tô cơm của nó vào nhà mình bới thêm cơm, chan canh chua với khứa cá. Thằng Hồ bưng tô cơm nóng hổi từ tay chị, ngước mắt nhìn nhưng không nói gì, chị nhắc:

- Sao không cảm ơn bà Tám đi con!

Thằng Hồ đáp lí nhí trong họng rồi bưng tô cơm vô khoe với ba và húp soàn soạt. Mẹ thằng Hồ chết vì tai nạn giao thông. Ba nó chạy xe ôm, không dám để nó ở nhà một mình nên phải dẫn theo. Dang nắng tối ngày thằng Hồ đen thui. Tám Mỹ biết chuyện, nên kêu để nó ở nhà chị ngó chừng. Trưa đi làm về thấy thằng Hồ ngồi chồm hổm, đả đớt với bé An, rồi được Tám ân cần cho ăn, cho uống. Thắm bực mình cằn nhằn:

- Má lại biến căn nhà này thành nhà từ thiện rồi, con nói má hoài sao má cứ…

Tám Mỹ nổi “xung thiên”:

- Tao là má mày hay mày làm má tao? Sống cũng phải biết thương người!

Tám Mỹ giận bỏ đũa ngang. Thằng Hồ lấm lét về nhà. Đêm xuống chị trăn trở. Buồn! Chị nhớ giàn mướp hôm chị đi nó trổ bông vàng rượi, mấy tháng nay chắc cha con thằng Sơn đã hái xong trái, giật giàn. Rồi bầy vịt xiêm, dặn thúc lúa để tháng mười đám giỗ ông nội không biết nay bao lớn. Lo nhứt là bầy heo, dặn chăm sóc kỹ lưỡng, dịch lở­­ mồm long móng lan tràn. Điện thoại về hỏi, thằng Sơn nói không sao nhưng chị vẫn nơm nớp lo. Thương cháu, thương con chị bỏ hết việc nhà lên đây vậy mà… Đài phát thanh phát nhạc thể dục,  Tám Mỹ dậy, lục đục xách giỏ ra cửa chỉ nói một câu:

- Má về dưới!

 Cả đêm, thấy mẹ không ngủ, Thắm hiểu. Cô năn nỉ mẹ không được nên ôm con lặng lẽ khóc.

*

Mặt trời đứng bóng, Tám Mỹ bước vô nhà với túi đồ nặng và mấy ổ bánh mì. Chưa tới cửa ngõ, hai con chó đã ùa ra chồm lên người Tám. Gió sông lùa vào cùng mùi bắp đang trổ cờ mát rượi, thơm ngát. Cảm giác nhẹ nhàng, dễ chịu len vào từng thớ thịt. Thấy vợ về, mừng, nhưng anh Tám chép miệng:

- Thằng Lành học xong rồi hay sao mà má nó gồm hết đồ về vậy?

Tám đáp cho qua chuyện:

- Còn cả năm nữa lận!

Nghe tiếng Tám, bầy vịt xiêm vào nhà nằm “phẹc” đầy cửa sau, ba con heo nái gác mỏ lên thành chuồng, giương mắt nhìn xuống nhà. Anh Tám cười:

- Coi kìa, mấy con heo nó cũng nhớ mẹ thằng Sơn!

Thằng Sơn cười đầy ẩn ý:

- Đừng nói chi đến… người ta phải không ba!

 Tám Mỹ dọn dẹp nhà cửa, miệng ca cẩm:

- Cha con bây không dọn dẹp, nhà như bãi rác. Ngủ dậy rút ra như lươn, không vắt mùng, xếp mền gì hết. Coi kìa, ly tách đóng bợn mà để như vậy được!

Anh Tám cười hề hề, chở bao lúa Tài nguyên đi xay, chị hỏi:

- Chi vậy?

- Đặng má nó đem lên cho con gái chớ chi!

Nhắc tới con gái, Tám Mỹ thấy chạnh lòng, một nách con nhỏ, rồi việc cơ quan... bỏ nó sao đành. Thằng Sơn xách giỏ hái dưa leo cho em gái. Dọn dẹp nhà cửa toát mồ hôi, Tám xách nón ra ruộng. Thằng Sơn mất hút trong đám ruộng dưa, Tám Mỹ cất giọng oang oang:

- Mày hái nhiều nhiều để cho chòm xóm người vài trái.

Chị nhảy qua giồng, lặt một túi ni lông ớt. Sơn đùa:

- Bộ con Thắm nuôi cưỡng hả má? Ớt lúc rày có giá lắm!

Tám Mỹ cười:

- Cái phòng bằng bụm tay, nuôi cưỡng cho nó ỉa trên đầu, hái cho mấy cô ở gần em Thắm của mày, người ít trái. Mình ăn thì hết chớ người ta ăn thì còn.

Sáng sớm thứ hai, cha con thằng Sơn đưa chị ra lộ đón xe. Bao gạo, bao dưa leo nặng quá nên anh Tám lo lắng:

- Được không má nó?

Chị gật:

- Ông đừng lo, nay tôi rành đường rồi, xe buýt không chở tôi đi xe ôm.

Xuống bến xe miền Tây, chị nách bao gạo rồi trở lại ôm bao dưa qua xe buýt. Đến trạm xe ngừng, chị vừa ôm bao gạo ra cửa xe thì nghe tiếng thằng Hồ reo lên:

- Bà Tám kìa ba ơi!

Ba thằng Hồ nhanh nhẹn
chạy tới:

- Còn gì không cô?

Tám Mỹ vừa đặt bao gạo xuống, vừa đáp:

- Còn bao dưa leo!

Ba thằng Hồ nhảy lên rinh xuống, anh ta gởi bao gạo lại, chở Tám Mỹ và thằng Hồ về trước.

Sáng đầu tuần, Thắm báo cơ quan con bệnh để tìm người trông bé An nhưng chưa có. Về nhà mệt, đang ôm con rầu rĩ nghe thằng Hồ kêu cửa nói bà Tám lên, cứ tưởng nó đùa. Chiều hôm đó, hơn chục nhà lân cận đều có dưa leo và nhúm ớt tươi. Ai nấy tập trung ra cửa thăm hỏi và chọc Tám Mỹ về quê “thăm bẫy”. Thằng Hồ lại ăn cơm chực bà Tám vì ba nó chưa về.

Trưa hôm sau, cô Phương vừa mở cửa thì thằng Hồ chìa mấy trái dưa leo xanh mượt còn cả gai:

- Bà Tám cho cô để dành đắp mặt!

Phương ngoái nhìn qua, bắt gặp nụ cười Tám Mỹ, cô nao lòng “sao giống mẹ mình!”. Phương cầm mấy trái dưa bước qua cảm ơn Tám Mỹ. Đó là người đầu tiên trong khu nhà trọ này được Phương bước qua nhà nói chuyện.

*

Bé An được tròn năm, Thắm đành để mẹ về quê. Tám Mỹ giã từ mấy chị em lân cận. Ai cũng tỏ vẻ quyến luyến. Người gởi hộp bánh, kẻ tặng gói trà… ít nhiều ai cũng có quà. Thằng Hồ gãi đầu rồi nói với ba nó:

- Mình không có quà tặng bà Tám sao ba?

Ba nó thở dài:

- Thôi, sáng ba đưa bà Tám ra bến xe.

Quá nửa đêm, Phương mới ngừng chiếc Attila ở cửa. Thấy Tám Mỹ còn đi tới, đi lui, cô hỏi:

- Cô Tám chưa ngủ à?

 Tám Mỹ vội bước lại, nói khẽ:

- Tui thức chờ cô, mai tui về dưới, cô ráng giữ gìn sức “phẻ” nghe cô! Đi mần về “phia” cẩn thận!

Phương đứng tựa vào xe:

- Về chừng nào lên hả dì?

Tám Mỹ nghe có mùi rượu bia phảng phất:

- Chưa biết nữa, bé An được một tuổi, gởi nhà trẻ an tâm rồi. Ở dưới tui cũng bận lắm, vườn ruộng, heo gà không ai lo.

Bảo Tám Mỹ chờ chút, Phương vào trong xách túi nhựa có chai sữa tắm, dầu gội thơm phức cùng khúc vải:

- Con tặng dì!

Tám Mỹ ngại ngùng:

- Thôi cô à, con Thắm có tặng tui hôm 8 tháng 3 rồi!

- Quà đó là của Thắm, còn đây là của Phương, dì không nhận là Phương buồn đó!

Mùi bia, rượu, thuốc lá từ Phương chui vào mũi Tám. Giọng Phương ngàn ngạt:

- Lâu lâu, dì nhớ lên chơi. Thấy dì, Phương nhớ má! Lâu rồi không về quê!

Phương đẩy nhanh xe vào phòng và kéo cửa lại, Tám Mỹ chỉ kịp thấy cô gái lấy tay quẹt nước mắt. Đêm đã vào chiều sâu. Chỉ còn lẻ tẻ tiếng xe ngoài đường. Ngước nhìn bầu trời nhỏ hẹp bởi những ngôi nhà cao tầng, Tám Mỹ nghe sống mũi mình cay cay.

Ngọc Lệ
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 448
  • Khách viếng thăm: 446
  • Máy chủ tìm kiếm: 2
  • Hôm nay: 99948
  • Tháng hiện tại: 1965727
  • Tổng lượt truy cập: 48339854