Cội nguồn

Đăng lúc: Thứ năm - 24/02/2011 08:39
Minh họa: Duy Hải

Minh họa: Duy Hải

Mấy ngày nay ông Hai cứ đi lang thang khắp đồng trên xóm dưới để tìm con Luốc. Con chó đực có màu lông rất lạ, như chiếc áo trắng bị người ta rắc lên nắm tro đen. Từ ngày con Kim, đứa con duy nhất đi lấy chồng, ông sống một mình với con Luốc trong ngôi nhà ở khu tái định cư này.

Nói là khu tái định cư, nhưng người ta chỉ ở xóm ngoài, còn xóm trong của ông nhà cửa lưa thưa, cách nhau bởi trùng điệp lau sậy và cỏ ống. Con Luốc đã theo ông từ cái thời ông còn sống trong căn nhà lá bên bờ kênh Tù Mù, cạnh vuông rừng tràm nhỏ. Tuy không thể nói tiếng người, nhưng qua cử chỉ, điệu bộ, ông biết nó rất thương ông, hiểu ông; hay ít nhất nó cũng không bỏ ông khi ông cần nó, không coi ông là người lỗi thời, người "hoài cổ". Mỗi khi buồn ông lại quay về vuông rừng tràm, một mình ngồi bên ngôi mộ của bà, nói với bà những điều mà ông không thể nói với ai. Những lúc ấy con Luốc luôn theo sát bên ông, nằm nghe ông lâm râm khấn vái. Khi trái gió trở trời, nhức đầu, nóng lạnh; ông nằm thiêm thiếp trên võng, con Luốc nằm cạnh bên nhìn ông bằng ánh mắt buồn buồn. Thỉnh thoảng nó lại cọ cái mõm thon thon vào người ông, đưa chân trước khều nhẹ tay ông và kêu ư ử. Hình như nó muốn san sẻ với ông nỗi cô đơn.

Ông tên là Hoài, Hai Hoài. Cái tên ấy gắn liền với những năm tháng chiến tranh, gắn liền với ngôi nhà lá bên bờ kênh Tù Mù. Từ ngày nghe con Kim bán hết ruộng vườn về đây, thì cái tên Hai Hoài đã bị đổi thành "Hai Hoài Cổ". Ông già rồi, nên hay nhớ chuyện xưa; nhớ từng con người trên cái vùng đất đã cưu mang ông trong những ngày bom rơi đạn nổ, gà trống nuôi con. Ông thấy chóng mặt với những đổi thay, thấy xã hội bây giờ sao giống như một cái cối xay và mọi người đua nhau chạy theo vòng quay của nó. Con gái ông cũng đang chạy theo, nhưng lại chạy bằng đôi chân của người khác. Ông Hai thì như văng ra khỏi cái guồng quay ấy; ông ở lại với quá khứ, với những hoài niệm và thấy mình sao mà lạc lõng, cô đơn. Ông không chịu nổi tiếng nhạc xập xình đinh tai nhức óc, không chịu nổi sự xô bồ, ồn ào, náo nhiệt của phố thị. Mỗi lần con Kim đổi xe, đổi điện thoại di động, hay lôi về nhà thêm một phương tiện hiện đại nào đó, ông lại chép miệng thở dài. Thấy con sơn móng tay sọc đen sọc trắng, tập tành theo đám dân chơi, ăn mặc hở hang, nói năng theo kiểu dân chợ, ông buồn lắm mà không dám nói. Nỗi nhớ ruộng đồng, nhớ màu mạ non, nhớ mùi rơm rạ; nhớ cái cảm giác đắm mình dưới dòng kênh mỗi chiều… cứ se thắt trái tim ông.

Rồi con Kim lấy chồng, hai vợ chồng nó thuê một ngôi nhà ngay trung tâm phố thị để mở quán bia. Số tiền bán đất còn lại được vài chục triệu, nó bảo ông cho nó mượn để đầu tư, hàng tháng nó sẽ chu cấp cho ông đủ sống. Những phương tiện trong nhà nó "mượn" hết, chỉ để lại cho ông cái tivi cũ, chiếc xe đạp tàn, chiếc quạt bàn và một số vật dụng cần thiết. Ông không buồn về điều đó, vì nó có để lại ông cũng không đụng đến.

Lúc đầu, mỗi tuần nó về thăm ông một lần, đưa cho ông vài chục ngàn và năm ba lạng thịt, cái bắp cải; có khi là nhúm cá chà bông, nải chuối chín, ít gói mì… Đâu được nửa năm rồi thưa dần. Có khi cả tháng nó mới về, để lại cái túi nilon với vài thứ rau cải trên bàn rồi đi ngay. Có lúc ông bệnh, đã mấy ngày không ăn nổi cơm, vậy mà nó cũng không nhận ra. Ông tủi thân, nước mắt lăn dài.

Hôm kia là ngày giỗ má nó, ông một mình lội ra chợ Chồm Hổm ở đầu đường mua cặp vịt, ít thịt cá, rau củ; rồi một mình lụi hụi nấu nướng. Họ hàng tứ xứ, láng giềng thân thiết thì ở tận kinh Tù Mù; những người trong xóm ông không dám mời, vì không có chi đáng đãi khách. Trưa một chút thì có chú Lành đạp xích lô ghé qua, mấy chú công nhân ở nhà trọ kế bên về quây quần cùng ông cũng ấm cúng. Ai cũng hỏi sao vợ chồng con Kim không về. Ông nén buồn cười giả lả: "Ôi, thấy tụi nó lu bu quá, nên tui không nhắc. Chắc nó quên! Giỗ thôi mà, năm nay không về được thì năm tới về chứ gì…". Ông nói vậy cho qua thôi, chứ mấy hôm trước ông đã ra điện thoại công cộng điện nhắc con Kim rồi. Nó bảo hôm đó vợ chồng nó bận việc gì đó, nếu sắp xếp được thì xế nó mới về, còn không thì "chế!". Ông kêu nó cho hai đứa cháu ngoại về chơi, ông sẽ nhờ chú Lành đem xích lô tới chở, nhưng nó không cho. Nó bảo nhà cửa chật chội, nóng bức; xung quanh toàn bờ bụi có gì mà chơi. Nhớ tới điều này ông lại nghe nghèn nghẹn ở cổ. Ông có chứng viêm phế quản mạn, cứ trời lạnh là ho; có khi ho không ngủ được. Thằng chồng con Kim thấy vậy cho là ông bị bệnh lao, nói xa nói gần, không cho ông ẵm bồng con nó. Chắc con Kim nghe lời chồng, nên cả năm nay về thăm ông nó chỉ đi một mình. Hai đứa nhỏ lâu ngày không gặp ông ngoại, cũng quên. Còn ông, nỗi nhớ cháu cứ khắc khoải trong lòng.

Hôm đó, cúng xong ông để dành một mâm. Xế chiều vợ chồng con Kim mới về. Hình như nó đi đâu đó rồi tạt qua, chứ không phải từ nhà tới, vì chúng ăn mặc sang lắm. Thấy chồng con Kim ôm theo con gà trống nòi, tưởng nó đem gà về làm thịt cúng má vợ; ông vui lắm. Không phải vì ông được ăn thịt gà, mà vì thấy con cái còn nhớ tới cha mẹ. Ông cười thật tươi, vừa đưa tay đỡ con gà từ thằng rể, vừa nói: "Cúng xong hết rồi, thôi để ba nuôi nó cho vui cửa vui nhà". Thằng chồng con Kim dằn lại con gà, còn con Kim trợn mắt: "Gà đá của người ta, mới mua hơn triệu bạc đó ông nội! Gà đâu mà cho ông nuôi?". Ông Hai gãi đầu cười hiền.

Chồng con Kim ôm con gà trên tay, ngó dáo dác. Một lúc lâu nó mới quyết định cột con gà dưới gốc cây mai, ngay hiên nhà. Vừa được thả xuống con gà lập tức vỗ cánh phành phạch, rồi cất tiếng gáy lảnh lót.

Trên cái chõng tre, ông Hai ngồi nhâm nhi ly rượu thuốc. Nhìn con gái và chàng rể ăn coi bộ rất ngon miệng, ông vui như mở cờ trong bụng. Thỉnh thoảng ông lại hỏi chúng nó một câu. Mặc dù chúng chỉ trả lời nhát gừng, ông cũng thấy ấm áp, thấy mình còn có người thân trên đời. Trong tâm trạng ngập tràn hạnh phúc đó, ông không để ý tới tiếng gầm gừ của con Luốc. Mãi đến khi con gà kêu cái ché và đập cánh đành đạch, vợ chồng con Kim quăng chén đũa, phóng ra hiên, ông mới nhận biết sự tình. Con Luốc dùng đôi chân trước to khoẻ của nó kềm chặt con gà, miệng vừa sủa, vừa ngoạm từng đám lông trên lưng con gà. Ông chưa kịp phản ứng gì, thì chồng con Kim đã dùng hết sức lực, đá mũi giày bốt vào bụng con Luốc. Con Luốc văng ra, kêu ăng ẳng và lết ra phía sau lưng ông. Nhìn gốc mai bị bới tung, cành lá rơi rụng lả tả, ông đã hiểu sự tình. Xưa nay con Luốc rất hiền, nếu con gà không phá cây mai của ông thì nó sẽ không làm thế. Con nít trong xóm tới chơi cũng vậy, nếu không tự ý lấy đồ đạc trong nhà, thì nó cũng không làm gì. Đứa nào táy máy tay chân, hái ổi, hay ăn cắp thứ gì đó là nó rượt theo đến cùng.

Ôm con gà nòi lên, vạch từng sợi lông xem xét, thấy con gà chỉ mất mấy chùm lông, vậy mà vợ chồng con Kim cũng không tha cho con Luốc. Chồng con Kim ngước đôi mắt đỏ dằn, hằn hộc quát: "Đập chết nó đi!". Sau khẩu lệnh đó, con Kim chộp cây gậy ông Hai dựng ở hiên nhà, vụt tới tấp vào con Luốc. Con Luốc vừa chạy xoay quanh ông, vừa la căng cẳng, nghe thật đau đớn. Đôi mắt nó nhìn ông như chờ đợi một sự chở che. Ông Hai bủn rủn, chết lặng nhìn con Luốc. Ông sợ cơn thịnh nộ của thằng rể và con gái, hay quá bất ngờ nên không kịp có một phản ứng nào? Đến khi con Luốc không còn hy vọng vào sự che chở của ông nữa, hay nói đúng hơn là nó không chịu nổi cơn mưa gậy nữa, nó lết vào sàn cũi chén bằng ba cái chân, rồi thoát ra cửa sau, biến vào vùng lau sậy, để lại dưới nền nhà một lằn nước. Quăng cây gậy ra sân, con Kim kết thúc mọi chuyện bằng tiếng "Về!".

Hai vợ chồng con Kim về rồi, ông Hai đóng cửa đi tìm con Luốc. Ông băng qua những lùm bụi rậm rạp nhất; chui vào những đám ô rô, cóc kèn… đến tối mịt mới về. Đêm đó ông không ngủ được, cứ thao thức lắng nghe, hy vọng con Luốc sẽ quay về. Trời lại mưa. Cơn mưa dai dẳng, những hạt mưa như rơi vào lòng ông buốt giá. Không biết giờ này con Luốc ở đâu? Trận đòn hồi chiều khiến nó ra sao rồi?

Bầu trời xám xịt, đã hơn 6 giờ chiều rồi mà mưa vẫn chưa dứt. Ông Hai ăn vội chén cơm rồi lại đi tìm con Luốc. Mỗi lần chui vào một bụi rậm là ông lại sợ, sợ thấy con Luốc nằm chết trong đó; chứ nếu còn sống, nghe tiếng ông nó đã chạy tới rồi. Ông cứ vừa đi vừa kêu "Luốc, Luốc! Luốc Luốc!...". Có lúc ông gọi "Luốc ơi!" nghe thê thiết, xót xa như người ta gọi đứa con bị thất lạc. Ông đi, đi mãi, ra khỏi khu tái định cư, đến tận ngôi miếu hoang đầu làng bên. Ngôi miếu nhỏ lâu rồi không ai nhang khói, cỏ bò vào tới bệ thờ, tơ nhện giăng chằng chịt. Ông khom người nhìn vào trong và gọi "Luốc, Luốc!". Đáp lại ông là tiếng gió rít trên ngọn cây, tiếng mưa ào ào từng đợt. Ông thấy sống lưng ớn lạnh, rồi người nóng bừng bừng. Biết là không thể đi được nữa, ông mới chịu quay về.

Ông Hai nằm liệt giường từ hôm đó. Mấy ngày đầu ông còn gắng gượng ngồi dậy, tới nhà người hàng xóm nhờ mua thuốc, mua thịt về nấu cháo và tự nấu xông cho mình. Những ngày sau ông chỉ đủ sức nấu ấm nước sôi, pha bịch cháo ăn liền để húp. Mấy chú công nhân bên nhà trọ có gọi điện thoại báo cho vợ chồng con Kim biết, nhưng nó chỉ sai thằng Khánh, đứa con trai 13 tuổi đem lên cho ông bịch hủ tíu. Thằng Khánh đẩy cửa vào nhà, đổ bịch hủ tíu ra cái tô để trên bàn rồi về mất. Ông không kịp nhờ nó rót cho ông ly nước. Thấy ông sốt li bì, sợ ông chết, người hàng xóm lại điện thoại gọi con Kim. Ban đầu nó còn trả lời, sau thì không thấy bắt máy nữa.

Trong cơn mê, ông Hai thấy mình trở về vuông rừng tràm, trở về căn nhà lá bên kênh Tù Mù. Ông mừng quá vì thấy bà Hai và con Luốc đang ở đó. Rồi ông thấy mình đang nhổ mạ, quăng ra cho bà Hai cấy; còn con Kim chạy lon ton theo chú chuồn chuồn đỏ trên bờ. Ông lại thấy con Kim bị bệnh, nửa đêm ông cõng nó băng đồng, ra chợ tìm thầy thuốc. Ông ngồi canh nó, lau mát cho nó suốt đêm… Ai đốt đồng mà khói ngộp quá, nóng quá. Ông thấy khó thở, ông muốn chạy khỏi vùng khói nhưng không nhấc chân lên được. Có ai đó đập vào cửa ầm ầm và gọi ông giật giọng…

Trong lúc ông Hai nằm một mình chờ cái chết đến, thì chú Lành xích lô đã ghé qua. Gần nửa tháng, nhờ chú Lành tới lui săn sóc và chở đi chích thuốc ông Hai mới thoát chết. Thoát chết nhưng tâm trạng ông lúc nào cũng nặng nề, u uất. Sự bạc bẽo, vô tình của con Kim như viên đá chẹn trong ngực ông. Giá mà hôm ấy chú Lành đừng tới để ông được theo ông theo bà.

Khỏe lại mấy ngày thì ông Hai theo xuồng mấy người đi lấy mật ong về kinh Tù Mù thăm mộ vợ. Hôm thanh minh ông đã đắp thêm cho bà lớp đất, nên mộ vẫn còn cao ráo, sạch sẽ. Có cái gì dưới chân mộ bà Hai mà không rõ hình thù? Ông Hai đến gần và rụng rời khi phát hiện ra đó là một bộ xương. Xương của con Luốc! Đúng là con Luốc rồi, sợi dây xích ông đeo cho nó vẫn còn đây. Ông Hai cúi xuống, nghẹn ngào: "Luốc ơi! Đến lúc chết mà mày vẫn còn nhớ tới cội nguồn!".

Ngọc Thủy
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 234
  • Khách viếng thăm: 231
  • Máy chủ tìm kiếm: 3
  • Hôm nay: 47981
  • Tháng hiện tại: 2280531
  • Tổng lượt truy cập: 46247764