Chỉ một lần bước khỏi

Đăng lúc: Thứ ba - 24/01/2017 09:42
Đám cưới của Tư Mạnh được tổ chức vô cùng gọn nhẹ. Thời này mà mấy ông hàng xóm còn phụ góp công: người đi đốn chuối cây, chặt đủng đỉnh để dựng trại, kết hình trái tim; kẻ cho mượn bàn, ghế với khăn trải; đàn bà thì qua nấu đồ ăn, làm heo, mần gà, vịt, xôm tụ không khí cung hỷ. Dịch vụ cho thuê  rạp trọn gói đầy ra như mắc cỡ mọc dại bên đường nhưng anh nói:“Phải để dành tiền cho vợ, cho con. Mót đồng nào hay đồng đó”. Cái bảng Tân Hôn chắc là mượn của ai, nhìn như được lôi ra từ cái kho đóng bụi mười năm hồi trước; hai con chim phụng chu cái mỏ vào nhau, nhìn dễ cưng
quá đỗi.

Trước giờ, từ đám giỗ, cưới hỏi, đám đầy tháng, thôi nôi cho tới đám mừng con thi đậu đại học, ai mời Tư Mạnh cũng ráng dành dụm mà đi.  Bởi vậy, đám cưới của anh, coi vậy mà đông đúc, cười nói rần trời. Nếu nói là xôm tụ nhất huyện Chợ Gạo thì có hơi quá nhưng cả xã An Thạnh Thủy trước giờ thì chưa có đám nào vui bằng. Có khi không đủ bàn, thôi thì đứng cụng ly rượu tình, thay đũa riêng mà gắp đồ ăn, vừa đứng vừa nhai.  Nói không theo thời thì cũng không đúng vì Tư Mạnh cũng bỏ ít tiền ra thuê dàn karaoke di động với mấy cái thùng loa bự như cái lu chứa nước mưa bên hiên nhà. Màn hình kiểu như máy chiếu cỡ nhỏ, chữ xanh chữ đỏ chạy ngược chạy xuôi theo điệu mấy bài bolero lúc bùi ngùi, lúc mê đắm. Người ta ca mừng hạnh phúc của anh. Âu cũng là dứt bỏ một mối lo: cuối cùng Tư Mạnh cũng đã cưới được vợ, mà lại là một cô tươi nheo nhẻo. Đã hơn bốn mươi, cái tuổi mà tầm như anh, người ta đã bắt đầu có cháu thì anh mới chịu cưới. Ông bà già mất đi, chị lại được đưa đến, tự nghĩ, anh thấy mình may mắn.

- Nói nào cũng hên khi được ông trời bù trừ. Có một ai đó để thương, âu cũng là bớt chút cô đơn hơn là một mình sớm tối.

Từ lúc việc vác lúa được cơ giới hóa với máy kéo và dịch vụ thu mua tận ruộng của mấy chủ nhà máy xay, Tư Mạnh chuyển hẳn sang làm vác gạo. Nhà máy Sáu Quay riết rồi thành ngôi nhà thứ hai của anh. Hết mùa gạo thì anh qua làm trại gỗ Lý Vinh gần đó. Chung quy thì đôi vai và cái lưng cũng còng ra, chỉ là thay đổi vật cõng. Quanh năm suốt tháng, gánh vác riết thành ra quen. Hôm nào nghỉ, lúc đi đứng, anh cứ tưởng mình đang trên mây vì thấy sao người nhẹ hửng. Mùa đồng trống ở xã nhà thì anh  lên miệt Mộc Hóa mà nằm ruộng dãi dầm. Lội bùn nhiều đến nỗi hàm răng trong miệng hình như cũng theo làn da nước tóc mà chuyển thành đen nhánh. Rượu bia ráng lắm cũng uống vài chung cho có gọi là mà làm ấm cái bụng lúc gió lạnh đêm khuya. Miếng ruộng chưa rộng đến  một sào, anh cho thuê lại, đi mần mướn quanh năm coi vậy mà kiếm nhiều tiền hơn. “Sắp có vợ, phải sửa lại cái nhà. Dột vợ mình, xót cái ruột lắm”. Ai cũng nói chị có phước. Anh chỉ cười. “Phước đức gì? Cái số hết”.

Người ta hay than phận bạc bẽo khi cảnh cơ hàn cứ ập xuống như một bầu trời chung hiển nhiên mà đầu ai cũng phải đội nhưng Tư Mạnh thì hầu như chưa phải buồn vì những chuyện như vậy. Chưa một lần anh trách việc ngày xưa không được cho đi học đến nơi đến chốn để bây giờ có thể thư thả làm cán bộ công chức viên chức mà móng tay không đụng miếng bùn. Nếu nói không một lần ước mình có thể khác đi thì quả thật hơi xạo sự nhưng ý nghĩ giả sử mình  khát khao khác đi so với quá khứ và hiện tại hầu như không thể làm bạn lâu dài với anh, chỉ như một người khách vãng lai nghìn trùng kiếp mới lai sinh trong một vài khoảnh khắc. Bởi vậy, chị được mang đến như thế này, âu cũng do sự sắp đặt đã an bài. Đôi khi, anh cũng mông lung nghĩ ngợi, nếu mến tay chân và quen hơi như vậy, sau này lỡ một người nào đó ra đi trước, nỗi quạnh hiu không biết sẽ vô tận đến nhường nào.

Năm gốc nguyệt quế Tư Mạnh xin ở xã Thạnh Kiết để trồng trước hiên nhà cũng là vì cùng tên với chị. Mấy nụ hoa li ti màu trắng thơm một cách bẽn lẽn ấy làm anh vỡ lẽ: thì ra cũng có những loại cảm xúc lạ lùng từ những thứ không đâu. Tưởng chừng như cơn gió, bay qua rồi bay đi luôn nhưng mùi hương lại có thể bám rễ trong trí nhớ con người lâu như thế. Rốt cuộc thì đầu óc con người là bị con tim chi phối hay chính những hối thúc trong lòng mới điều khiển lý trí của anh đây? Những cây nguyệt quế đó có thể chỉ cần trồng một lần nhưng một khi đã bám rễ, như những loại cây khác, chúng sẽ không bật gốc mà bước đi, cứ thế mà ở lại mãi. Chao ôi, nếu những tháng ngày yên ả này cũng có từng khóm rễ chùm, rễ cọc mà ăn sâu như vậy thì hay biết bao nhiêu.

Chị cũng một đời chồng, ly dị mãi mới xong vì không chịu nổi cảnh đánh đập. Nghe đâu chị cũng từng bỏ trốn lên Sài Gòn một thời gian nhưng rồi cũng quay về. “Cái tình xứ sở, phèn, nước phông tên rửa hoài không hết nên thôi”. Nghe người đàn bà nói vậy, cái nết đó, Tư Mạnh nào phải cây cỏ vô tình mà không biết lung lay. Cách anh cũng gần ba mươi cây số, miệt sâu của huyện Châu Thành, hai người quen biết qua giới thiệu, gặp vài lần, thương cái lứa lỡ thì của nhau rồi góp gạo thổi chung. Nỗi ám ảnh về sự tàn phá của thời gian đôi khi không thể làm người ta rộng rãi và chần chừ trong tính toán nữa. Sự trốn chạy của chị, nhiều người đã cảnh báo, không hẳn đơn giản là thế. Người đàn bà bỏ chồng đôi khi phải xem lại bản tính. Nghe những lời bỏ nhỏ vậy kia, Tư Mạnh chỉ cười  phì ra đằng mũi. Nếu một người đã muốn bỏ đi thì sao còn cố giữ? Đã bạc bẽo với nhau thì cớ gì phải giữ mãi một miếng lòng trắng hếu màu tang?

Một tuần sau khi cưới, ai cũng chọc khi thấy mặt mày Tư Mạnh cứ tươi như đọt lá lúa mỗi sáng sau đêm mưa.

- Ăn cơm canh có hơi đàn bà nên có khác hén.

Anh lại chỉ hề hề. Thì ra, đàn ông và đàn bà khác nhau là vậy nhưng lại có thể trộn lẫn vào nhau một cách vừa khít như thế. Đã từng nghe nói nhưng phải đến bây giờ Tư Mạnh mới cảm nhận được. Đồ ăn chị nấu, lúc nào Tư Mạnh cũng thấy ngon. Mà cũng không biết có thật sự ngon không nữa nhưng cứ lần nào mà về nhà, thấy cơm nước dọn sẵn tinh tươm, tự dưng anh thấy nhẹ nhàng quá đỗi. Đỡ mất công nấu và dọn rửa thì cho dù phải đánh lừa cái vị lưỡi cũng chỉ là một việc quá ư là cỏn con. Cơm của má với cơm của vợ, rõ ràng không giống nhau tí nào. Bước thêm một bước như thế này Tư Mạnh thấy thật cũng chẳng bõ công.

Người thương thì mong anh mau có con. Kẻ ganh tỵ thì mòm mèm sau lưng, coi chừng giữ chân không được chị. Chị trước giờ không làm ruộng, chỉ buôn bán hàng lạc xoong. “Ruộng nhà, bả trật quần đái một vòng cũng đã hết. Bả mà biết làm ruộng thì cũng chỉ làm mướn như nhau, buôn bán có đồng vô đồng ra biết đâu có ngày cũng phất”. Mấy lần chị đi lên Sài Gòn, nói là liên lạc người quen, sau này sẽ lấy mối hàng tạp hóa về bán lại kiếm cơm. Nghe đâu cái kiểu mấy người trong siêu thị lớn hay cửa hàng sản xuất tuồn ra hay xén lại mấy phần quà khuyến mãi, thay vì đưa cho khách thì ém luôn, bán lại kiếm lời. Lượm bạc cắc từng món trong thời buổi này tính ra lại ăn chắc, mặc bền, không cần to tát chi. Tiền cưới lúc trước còn dư gom lại mua ít vàng, chị gom đem lên làm vốn. Tư Mạnh dọn sạch cái chòi nhà dưới để chừa chỗ trống làm cái kho cho chị chứa hàng. Nghĩ tới cảnh mấy ngày quởn không có chuyện làm, ngồi cái ghế nhựa lùn gần sát đất, rao “quẹo lựa, quẹo lựa” bên cạnh chị, anh nghĩ chắc cũng không đến nỗi nào quê mặt.

Một dạo vài ngày không ai thấy bóng chị đâu. Người ta hỏi thì anh chỉ nói qua loa, nói là về bà ngoại rồi. Cũng có  hôm anh lén lên thăm ông bà già vợ:

- Con Quế đâu mà bây về một mình?

Nghe họ hỏi ngược lại như vậy Tư Mạnh đã tự hiểu rằng chắc họ cũng không biết gì nên anh trả lời  cho qua với ông bà già, tự nghĩ cũng không cần nói ra làm gì cho thêm rối. Trông đợi mỏi mòn mới đôi ngày vậy mà tự dưng quen dần. Ly nước để không, cho dù không uống cũng vô tình bị bốc hơi mà lưng đi đôi chút huống chi là tâm tư con người. Gió nào thổi hoài qua cây mà không làm rụng chút lá? Riết rồi người ta cũng không hỏi. Có những sự im lặng đáng sợ mà đôi khi người ta phải đồng lõa.

Tư Mạnh rủ tôi nhậu, một điều thật chẳng chút bình thường. Dĩa mồi có  đâu mấy lát chuối chát, khế, rau răm ăn với con cá cửng nướng trui. Mặn, chua, chát, cay hay nồng, vị nào cũng có. Hóa ra, sự cám dỗ của những cơn say lại vẫn còn lảng vảng đâu đó quanh anh, chứ không phải kiểu tiệt tự như trước giờ anh luôn khước từ một cách chủ động.

- Không ngờ rượu cay như vậy. Uống thử vầy thôi, chứ nhậu hoài sao nổi.

Anh than dạo này cái lưng đã bắt đầu yếu hơn, vác gạo không còn khỏe như trước. Trước đây, nếu ai hỏi Tư Mạnh hối tiếc điều gì trong đời này, thì y như là nhận được câu trả lời: “Chưa thấy tiếc vì chưa tới lúc sắp chết mà kết luận. Cái ưng nhất là trời cho cái lưng và hai cái chân chắc như cột đình này”. Một đời gánh thuê vác mướn như vậy chưa lần nào đau nhức. Cứ như ông già câu cá, qua ngần ấy năm với biết bao nhiêu đụt cá đã được bán mà lưỡi câu và nhợ câu chưa bao giờ phải thay. Cái nghèo khổ không phải là sự thiếu thốn cơm ăn áo mặc mà chính là ta không có sức để chịu được những đoạn trường khổ sở như vậy trong cuộc đời. Vậy mà bây giờ, cả hai cái điều mà Tư Mạnh từng cho là may mắn ấy lại bỏ anh mà đi.

Cảm quý nhau thì không thể làm ngơ, tôi tự thấy mình không thể không hỏi:

- Sao anh không tìm chị Quế?

Đưa chung rượu lên môi, anh rít một hơi rồi “khà” một tiếng; đầu gần gật mà thấy đến cả trái tim trong lồng ngực lại đong đưa như muốn nhảy bổ ra ngoài.

- Nếu đã đoạn tình như vậy…

- Biết đâu chỉ bị gì thì sao? Bắt cóc lấy nội tạng hay tai nạn xe hơi chẳng hạn.

- Con chó khôn còn biết tìm đường về, người thân thích, nếu có chầu âm phủ không lẽ đến mộng cũng không báo?

Anh tự nhận bản tính trước giờ vốn không phải có quá nhiều dũng khí. Cái gì thấy thuận cho bản thân thì theo, thấy tréo ngoe thì cố tránh, bực mình cách mấy cũng nên ngó lơ. Tránh được phiền phức coi như cái bụng dạ bình an.

- Chuyện vui kể nhiều lần cũng không cười nổi thì chuyện buồn cớ sao phải nhớ lâu?

Sự dang dở này, đã không lành thì cũng không cần phải cưu mang, tuyệt tình với bản thân để khỏi suy nghĩ thêm. Trái bí đỏ ngoài vỏ sần cứng như vậy chứ bên trong ruột mà thúi rửa, chẳng bao lâu cũng ăn mòn ra đến lớp vỏ ngoài. Cảm giác đục khoét từ bên trong còn ác liệt hơn miểng bom từ ngoài đắp lên da thịt.

Tôi lấy ra chai dầu nóng hiệu Hàn Quốc vốn rất công dụng cho việc đau nhức cơ, tự nghĩ không biết cách an ủi dịu lòng thì cũng đỡ đau xương thịt cho anh. Dù gì đàn ông cũng cần sự xoa nắn như đàn bà vì tấm lòng thi ai cũng mỏng manh như nhau mà thôi.

- Dù ngắn ngủi cũng không thể nói không vui phải không?

Thấy một người đàn ông ít nói  như anh mà cứ trầm ngâm, tự lòng tôi cũng khó tránh khỏi ái ngại. Tấm lưng be bé mà sừng sững nhất xã miệt vườn kia xem ra cũng đến lúc phải gào thét lại những gánh nặng mà cuộc đời chất lên. Anh cầm chai dầu nóng đưa lên ngang tầm mắt rồi lật xuôi lật ngược.

- Tao nặng lưng cả đời muốn còng. Vác nhiều bao nhiêu, đau bao nhiêu cũng không ngán. Nhưng thêm gánh tình, tao không kham nổi.

Thì ra, anh cũng nào có vô tri. Hay là sức tàn phá của đàn bà mà anh cảm nhận lúc trước, đến bây giờ mới gọi là hấp thụ hết?

- Mấy thằng cha làm ra mấy chai dầu này, phải chi biết cách chữa đau cái dạ thì đỡ biết mấy. Thôi, khỏi đi…

- Như anh nói, nếu tệ bạc như vậy, cớ gì phải nhớ mà buồn nữa. Người đời oán hết miệng kẻ này thì đến người khác, có sống cũng không toàn vẹn được đâu.

Mắt anh đã bắt đầu ngấn nước.

- Đừng trù bả mang tội. Tại tao hết… Tại tao mà bả mang tiếng. Hổng lẽ bây giờ tao gõ cửa từng nhà mà phân trần.

Sau khi cưới không lâu thì Tư Mạnh cảm thấy đau nhức khắp người nhất là các khớp ngón tay, chân. Rồi hết lại bị sưng rồi thêm phần chuyển màu đỏ thẫm. Có những đêm, gió không trái, trời không trở nhưng anh vẫn cảm thấy không tài nào ngủ được. Nhiều hôm chị gác chân lên người anh, nhẹ nhàng như những ngày đầu nhưng lỡ trúng khớp chút xíu là anh lại nhói lên. Nén lắm thì cũng thở dài một tiếng để chị không giật mình dậy. Những lúc ấy tự dưng không thể nghĩ về cách giải quyết cơn đau kia mà Tư Mạnh lại băn khoăn về người đàn bà như đang muốn rúc đầu vào nách mình.

Hiểu được cảnh này tôi thật chẳng biết phải thốt lên lời nào cho phải. Rót thêm một ly nữa, tôi bắt anh đưa lên miệng.

 Nếu biết trước có thể buồn thế này thì thà chẳng đuổi bả đi. Tao chỉ nói lẫy, nghĩ cho bả không phải chịu khổ vì bệnh tình. Ai dè bả đi thiệt. Càng không biết nói sao với mọi người. Im lặng như vậy thành ra gieo tiếng xấu cho bả. Đáng tao lắm mà…

Anh cứ lầm bầm như thế cho đến khi vật xuống giường mà ngáy. Một giấc dài chẳng thể nhớ là bao lâu, chỉ thấy lúc hai má nong nóng ánh nắng mặt trời anh mới nhổm ngồi dậy. Trong cơn chập chờn, anh thấy chị đang lui cui dưới bếp, tay cầm cái vá đưa lên miệng thổi vài hơi rồi nếm, chép chép cái miệng. Anh ước cơn mơ này không bao giờ tỉnh. Có lẽ không phải chị không về ngay cả trong mơ như anh đã trách mà vả chăng là do anh chưa nhớ chị đến mức lẫn lộn thực và mơ thế này. Chân như muốn vùng chạy lại ôm chị nhưng bụng lại thôi, sợ bóng chị rồi sẽ tan như làn khói mỏng trên cái vá múc cháo kia.

Chị bưng chén cháo lại gần. Đầu anh như muốn nổ tung. Không phải vì nó đang đau nhức đơn thuần thể xác mà là anh đang cảm thấy cái gì đó đang quá đỗi cuộn trào trong lồng ngực. Anh nắm tay chị.

- Anh xin lỗi. Anh sai rồi…

Sao đến bây giờ anh mới thấy tay chị mềm mịn thế này. Chai thì có chai ngay đốt cuối mấy ngón tay nhưng mềm thì tuyệt đối vẫn mềm. Hay có lẽ là do tay anh đã quá cứng?

Thì chị thấy tay anh cứng thật đấy. Những mụn sần sùi đó lúc vuốt tấm lưng của chị. Nào đâu phải lúc còn con gái mà lần đầu tiên run lẩy bẩy khi có hơi hám đàn ông nhưng tuyệt nhiên có những thứ mà trong máu nó đã đang âm thầm ẩn mình, chỉ đợi một cái gì đó khơi lên thế là phát nổ. Cứ như một lời thốt “tôi thề tôi chẳng yêu ai” nhưng mà sau đó thấy sao mình hấp tấp mà độc miệng như vậy. Con tim dẫn lối, linh hồn xúi giục. Những kẻ mù quáng thình lình như anh và chị đôi khi cứ mò mẫm từng bước mà phát giác ra tận đáy lòng mình đang trỗi dậy niềm vui như trẻ thơ được ăn ngon tức bụng.

Chị đợi anh húp xong vài muỗng rồi thở ra.

- Bệnh gout của anh có gì mà phải lo. Em hỏi lòng vòng mấy ngày nay rồi, không phải không có cách. Thuốc nam, thuốc tây, kiểu nào cũng có bài mà trừ... Người gì mà khờ quá.

Nỗi thẹn thùng như nhảy ra khỏi người anh và ngồi chễm chệ kế bên mà cười mỉa mai vào mặt thân chủ của nó. Người ta hay nói anh hiền chứ chẳng ai nói anh khờ bao giờ. Đó là một biểu hiện của một sự vô điều kiện trong tình cảm chứ nào phải bản tính vốn sinh đã có của anh.

- Người ta nói không giấu người chết được cái gì, quả là không sai.

- Ăn mấy muỗng cháo rồi vẫn còn nói sảng sao?

Chị đưa tay giựt mấy sợi tóc mai bên mép tai của anh. Đau như muốn té đái nhưng anh vẫn không dám chớp mắt, sợ rằng như chị sẽ bị mang đi, tắt ngúm như cái màn hình tivi bị nhấn nút “tắt”.  Nhưng chị vẫn còn ngồi trước mặt.

- Anh đau nhức thế nào, em lẽ nào không biết sao? Nghĩ quẫn nói càn, là anh nợ em một lời xin lỗi, xem như lúc nãy đã trả rồi. Lúc trước bị quýnh hoài, da thịt đã chai nhưng không đến nỗi em không nhận ra ai thật lòng mà không lo gìn giữ.

Cái dáng ngồi sờ sờ trước mặt anh bỗng dưng lay động đôi bờ vai. Bị đuổi đi một cách bất thường như vậy, chị thật đã chẳng cam tâm. Nhưng nếu lòng anh lúc đó đã quyết, nếu không xuôi, chắc cũng sẽ càng thêm những phát sinh khiến đau lòng. Thế là chị cứ đi; đi cho hả dạ người mình thương; đi cho biết đêm dài đằng đẵng thế nào. Có đôi khi, xa nhau để biết thế nào là gần nhau thì cũng có cái hay với cái rủi của riêng nó.

Từng bước chân của chị hôm ấy cứ bị quấn chặt bởi một mối dè chừng rằng có thể sự từ bỏ lần này lại là một cánh cửa khác chăng? Chị cứ thế mà bước đi. Qua khỏi cái cổng ấp văn hóa Thạnh An, ra con đường nhựa lớn để đi thêm một quãng nữa là tới quốc lộ, bỗng dưng nước mắt chị chảy hai dòng. Chẳng có chút nghẹn ngào nào mà chỉ có nước chảy xuống từ khóe mắt. Lúc trước, chị tự thấy mình như chong đèn hết dầu, leo loét chực chầu tắt ngúm. Bây giờ, dầu đã đổ đầy thì tự dưng tim đèn lại khô quắt, lửa vừa bén chưa bao lâu thì giờ đã lụi. Người ta nói, mình không thương mình thì cũng chẳng ai đỡ nỗi cho tấm thân bọt bèo kia cả. Nhưng khi tĩnh tâm một chút, chị mới thấy thật không thể để một chiếc xuồng lao theo dòng nước xoáy trong khi chị đang có một sợi dây chắc nịch để cột vào cọc. Tất cả chị cần làm là ra sức kéo. Anh đã buông thì chị không thể không níu. Cái nón lá rách chị đội trên đầu, cho dù có lủng vài chỗ cũng chẳng sao vì dù gì cũng có chút bóng râm mà che đầu tóc.

Chén cháo được chị đặt xuống giường. Nắm lấy tay anh, lồng ngực chị phập phồng thở ra theo làn hơi nói:

- Mình còn trẻ nữa đâu. Hai đứa già, bệnh mà có nhau, có chết…

Anh đưa tay bịt miệng chị lại, không biết nói sao cho nên lời đành ghì hai tay thật chặt mà ôm chị vào lòng.

- Về rồi thì đừng có đi nữa. Rồi còn con, còn cái sau này…

Nói có mấy lời như vậy mà tự dưng anh thấy sống mũi mình lại ươn ướt. Trời đất quỷ thần ơi! Rốt lại, cuộc đời này sao cứ toàn là cái vị mằn mặn không vậy? Chưa kịp nếm lại vị đắng từ khóe mắt kia thì mùi nguyệt quế đầu ngõ đã bay vào: dìu dịu, ngòn ngọt và cũng quá đỗi nồng nàn. 

Tim
(Theo Văn nghệ Tiền Giang số 77)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 426
  • Khách viếng thăm: 421
  • Máy chủ tìm kiếm: 5
  • Hôm nay: 55818
  • Tháng hiện tại: 2220478
  • Tổng lượt truy cập: 46187711