Chồng tôi

Đăng lúc: Thứ năm - 18/11/2010 15:09
Minh họa: Duy Hải

Minh họa: Duy Hải

Cơ quan có một suất học đại học chuyên ngành và tôi may mắn được chọn. Đây là điều tôi ao ước bấy lâu nay, nhưng bây giờ nó đến chỉ làm tôi buồn. Khi thủ trưởng gọi lên thông báo việc tuyển chọn của Ban Giám đốc, tâm trạng tôi rối bời. Không cần hỏi thì tôi cũng biết sẽ có nhiều lý do để chồng tôi không đồng ý. Công bằng mà nói, không phải anh ấy không thương tôi, không quan tâm đến sự tiến bộ của tôi, nhưng trong hoàn cảnh này mà tôi đi học xa và đi nhiều năm như vậy, chồng tôi khó lòng chấp nhận. Mà nếu như chồng tôi chấp nhận rồi thì còn mẹ chồng tôi nữa. Tôi là cô dâu mới, làm sao mở miệng nói với mẹ chồng chuyện này? Có thể vì không muốn thấy tôi buồn, không muốn mang tiếng hà khắc với con dâu, mẹ chồng tôi sẽ cho tôi đi học, nhưng liệu bà có vui? Còn không đi học thì sao? Thì coi như tôi tự lấp mất con đường thăng tiến của mình, tự xóa tên mình trong danh sách cơ cấu nhân sự của cơ quan. Không đi học lần này có lẽ vĩnh viễn tôi không còn cơ hội nữa, bởi rồi tôi sẽ có con, sẽ rối bù với bao công việc. Bây giờ ra đi đã khó, lúc có con thì còn hy vọng gì.

Với suy nghĩ đó, tôi quyết định nắm bắt cơ hội. Tôi âm thầm làm lý lịch, phô tô và công chứng các văn bằng cần thiết, điền nội dung vào mẫu đơn xin… Rồi đem giấu kín trong kệ sách. Chỉ còn mấy ngày nữa là hết hạn nộp hồ sơ, mà tôi cứ đắn đo, không biết có nên nói với chồng tôi hay không. Tôi biết, đã là phụ nữ có chồng thì khó mong đeo đuổi sự nghiệp; nhưng cũng không phải không có những phụ nữ thành đạt mà vẫn giữ được hạnh phúc gia đình. Tất cả còn tùy vào sự cố gắng của bản thân và sự ủng hộ của những người thân. Mẹ chồng tôi tuy ít nói, nhưng rất thương con. Cả đời bà chỉ sống vì con. Chồng tôi là con trai duy nhất, lớn lên trong sự thương yêu chiều chuộng của cả nhà, nên rất vô tâm. Chỉ sau khi cưới tôi mới nhận ra điều đó.

Sau ngày lên xe hoa tôi từ một cô gái thảnh thơi, nhàn hạ, trở thành một bà nội trợ thật sự. Tôi phải làm những việc mà hồi chưa lấy chồng tôi không bao giờ làm. Sáng, tôi phải dậy từ 4 giờ để lo ăn sáng cho cả nhà, rồi đi chợ. Đi chợ về tôi quăng thức ăn trưa vào tủ lạnh, tất tả thay đồ đi làm. Có khi tôi không còn thời gian ngó tới cái gương, đừng nói gì đến trang điểm. Chuyện mặc đồ bộ đi ra đường đối với tôi trước đây chưa từng có, nhưng bây giờ mặc đồ bộ đi chợ là chuyện thường. Trưa về, thay vội bộ đồ rồi lao vào bếp. Khi mọi người ăn uống xong, nghỉ ngơi, thì tôi còn phải dọn rửa. Xong mọi việc vừa kịp đi làm buổi chiều. Chiều về, dù mưa hay nắng tôi cũng phải đi chợ và ca bài ca muôn thuở: nấu ăn, dọn rửa, giặt giũ, lau nhà… Hồi sống với mẹ, cái gì cũng do mẹ và chị làm, tôi chỉ phụ hợ những chuyện lặt vặt, nên không giỏi chuyện bếp núc. Cũng may, mẹ chồng tôi rất dễ tính trong ăn uống, không xét nét chuyện vụn vặt, cứ để tôi vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Muốn sáng không bị đi làm trễ, thì chuyện gì làm được tôi phải làm cho xong trong buổi tối. Hết những chuyện trong kế hoạch hàng ngày rồi thì đến những chuyện ngoài kế hoạch, chuyện không tên. Bé Bi quấy khóc suốt ngày, mẹ chồng tôi không rời cháu được. Một cái chén dơ để trên thềm từ sáng tới chiều, nếu tôi không lấy rửa thì nó vẫn còn đó. Những cái áo dơ của chồng tôi, của Gia Bảo, Gia Thi - hai đứa em chồng, không khi nào nằm đúng vị trí. Nó thường bị vứt lung tung trong góc nhà, hoặc quăng vắt vẻo trên lan can. Rồi tôi còn phải ủi quần áo đi làm cho mình, cho chồng… Có khi đến 8, 9 giờ tối tôi mới được ngả lưng. Lúc ấy chồng tôi đang say sưa bên những bộ phim nhiều tập.

Nhà có 6 người, nhưng chỉ có tôi là “có điều kiện” lo việc nội trợ. Hồi tôi chưa về làm dâu thì những chuyện này do mẹ chồng tôi làm. Mới đây, chị chồng tôi hết thời gian nghỉ hậu sản, con còn nhỏ không gửi được, phải đưa về cho bà ngoại giữ giúp, thì mọi việc trong nhà sang hết qua tay tôi. Đi làm về, chồng tôi chỉ có việc ngồi đọc báo, hoặc xem tivi để chờ cơm. Anh ấy chỉ giỏi việc cơ quan, chứ việc nhà anh ấy dốt đặc. Thương vợ lắm thì thỉnh thoảng ảnh cầm tờ báo xuống bếp, để vừa đọc vừa nhìn tôi làm việc. Chồng tôi gia trưởng lắm, luôn coi chuyện bếp núc là chuyện của phụ nữ, không đáng cho ảnh phải bận tâm. Vì vậy mà chồng tôi không biết làm gì cả, kể cả việc lường nước khi nấu cơm, hay mở cái máy giặt. Tôi bực nhất là cái tính cẩu thả của chồng tôi. Đồ vật sử dụng xong bạ đâu ảnh bỏ đấy; chỗ này cái ly ảnh vừa uống cà phê, chỗ kia con dao ảnh vừa gọt trái cây. Thậm chí đọc báo xong ảnh cũng không có thói quen xếp lại. Hai đứa em chồng tôi thì còn ở tuổi ăn tuổi học, chúng biết tự lo cho mình là may rồi.

Tôi và anh ấy yêu nhau cũng 3 năm mới cưới; vậy mà vẫn chưa hiểu hết về nhau. Anh ấy làm ở bộ phận Marketing của một công ty hợp tác với nước ngoài, còn tôi làm ở một cơ quan văn hóa của tỉnh. Một tháng lương của chồng tôi bằng 4 tháng lương của tôi - Không thể chối cãi rằng điều đó cũng đã góp phần đưa tôi đến với ảnh. Mặt khác, tôi thích sự ga lăng, hào phóng của ảnh; bản lĩnh trong giao tế và đặc biệt là uy tín của ảnh trong cơ quan. Chồng tôi là một đồng nghiệp tốt, một cộng sự giỏi, nhiệt tình, xông xáo, lại có bề ngoài dễ coi; nên luôn có nhiều cô gái vây quanh. Nhưng anh ấy đã chọn tôi. Tôi thấy mình thật hạnh phúc. Bây giờ cưới nhau rồi có lúc tôi tự hỏi: Mình có thật sự hạnh phúc hay không? Có phải mình chỉ cần một người chồng như vậy? Giá mà cuộc sống có nghèo một chút, tôi có vất vả hơn một chút, nhưng được chồng chia ngọt sẻ bùi, chồng đồng cam cộng khổ, chắc tôi sẽ không có những phút tủi thân.

Cái bì thư đựng hồ sơ vẫn còn nguyên trên kệ sách. Tôi vẫn đi làm, vẫn chăm sóc gia đình, nhưng đầu óc tôi không tập trung được vào chuyện nào cả. Tôi luôn nghĩ đến việc có nên nói chuyện đi học với chồng và mẹ chồng hay không? Nếu mẹ chồng và chồng tôi không ủng hộ, thì nói ra chỉ làm cho nhau nặng lòng, khó xử; còn đồng ý để tôi đi học thì chuyện nhà ai gánh vác?

 Tôi đem chuyện ấy hỏi chị tôi, chị bảo cứ mạnh dạn xin đi học, rồi mọi chuyện cũng đâu vào đó. Tôi về nhà hỏi mẹ. Mẹ tôi im lặng hồi lâu, rồi khuyên tôi phải biết hy sinh sự nghiệp để giữ hạnh phúc gia đình. Mẹ nói, thời mẹ làm dâu cực khổ gấp trăm lần, tối ngày không dám ló mặt lên nhà trên, đừng nói gì đến chuyện được hoạt động xã hội như tôi. Nhớ nhà, nhớ mẹ cha, muốn về thăm cũng không dám xin. Tôi làm dâu trong một gia đình tử tế như vậy, phải ráng mà giữ gìn, vun quén tình cảm. Vả lại, mẹ nói đàn bà sanh nở có thì… Dần dần, mẹ tôi đã củng cố ý định từ bỏ chuyện đi học trong tôi; nhưng tôi rất buồn, cứ suy nghĩ vẩn vơ.

Tuy vô tâm, nhưng hình như chồng tôi cũng chú ý đến sự thay đổi của tôi. Có lần tưởng anh ấy đã ngủ say, tôi ngồi ghi nhật ký, đến khi quay lại thấy anh ấy đang nhìn mình, cái nhìn buồn buồn. Rồi anh ấy nhè nhẹ thở dài. Dạo này tôi lơ đễnh lắm, cắt rau thì cắt vào tay; châm nước, nước tràn ra không hay… Chồng tôi có vẻ lo lắng, anh ấy không ngừng dò hỏi. Nhớ lời mẹ dặn, tôi chỉ
lắc đầu.

Một hôm, đi làm về tôi đã thấy chồng tôi ở nhà. Anh ấy bảo hôm nay đi công tác, nên về sớm. Anh ấy ngồi xuống băng đá, rồi kéo tôi ngã xuống trên đùi mình. Không nói gì cả, anh ấy chỉ nhìn tôi bằng cái nhìn đau đáu, xót xa. Tôi biết chồng mình đang có tâm sự, anh ấy chưa muốn nói tôi cũng dằn lòng không hỏi. Có điều gì đó trong mắt anh ấy như là sự hoang mang, dao động.

Như con cua mới lột, chồng tôi nằm vật vựa suốt mấy ngày. Đi làm về là vào phòng nằm, không đọc báo, cũng không xem tivi. Chắc trong cơ quan có chuyện gì đây. Tôi gạn hỏi, anh ấy nói chỉ muốn nhõng nhẽo với tôi một chút. Dạo này chồng tôi hay thủ thỉ bên mẹ, chuyện mà từ trước đến nay tôi chưa bao giờ thấy. Có khi tôi thấy hai mẹ con ngồi bên nhau, cười rất tươi như vừa giải quyết xong một vấn đề. Lòng tôi tràn ngập thứ cảm xúc ấm áp của tình mẫu tử. Chồng tôi bỗng như chú mèo ngoan ngoãn, dễ thương trước sự dịu dàng chăm sóc của tôi và mẹ. Chính những lúc như vậy tôi lại thấy hạnh phúc, thấy khó lòng xa anh ấy và tôi đã đưa ra cái quyết định khó khăn nhất: Từ chối việc
đi học.

Cơ quan rất thất vọng về tôi, nhất là chú Bảy - trưởng Phòng Tổ chức. Chú Bảy vốn là bạn chiến đấu của ba chồng tôi, chú muốn đến gặp chồng tôi và gia đình, nhưng tôi đã xin chú đừng đến.

Lạ một điều là sau những ngày nằm vật vựa, chồng tôi bỗng trở thành con người khác. Anh ấy ý tứ hơn, chu đáo hơn và dậy sớm hơn. Tôi không tin vào mắt mình khi thấy anh ấy gom hết quần áo dơ bỏ vào máy giặt, rồi đi nấu nước, quét sân. Tôi đùa “chắc trời sắp có bão”; chồng tôi cười “chuyện nhỏ”.

Mấy ngày sau, cơ quan bảo tôi sắp xếp, bàn giao, còn 2 tuần nữa là phải ra Hà Nội tập trung ôn thi đầu vào. Tôi cười buồn, chắc có sự nhầm lẫn nào đây, tôi đâu có nộp hồ sơ mà thi. Tôi định đến gặp chú Bảy, nhưng lại thôi, rồi người ta cũng nhanh chóng phát hiện ra sự nhầm lẫn đó.

Cuối tuần, chị chồng tôi về, cả nhà quây quần bên Bé Bi. Chị vui mừng thông báo đã tìm được một nhà trẻ tư để gởi Bé Bi; bắt đầu từ tuần sau ngoại khỏi cực vì Bé Bi nữa. Chị đả đớt nói với con “Cậu Ba, dì Gia Bảo, Gia Thi cũng phải tập làm chuyện nhà cho ngoại đỡ vất vả, biết không? Mai mốt mợ Ba đã đi học rồi!”.

Nghe chị nói, tôi biết chắc chị đã nghe tin đồn từ cơ quan tôi. Tôi gượng cười giả lả: “Không có đâu chị ơi, mới chỉ là dự kiến thôi”. Chị ậm ừ ra vẻ bí mật. Chồng tôi bước đến mở tủ, lôi ra cái valy xám còn nguyên nhãn mác, kiểu có bánh xe, có cán đẩy, dành cho người đi du lịch dài ngày và một cái áo khoác lông màu da beo, thật đẹp. Tôi trố mắt ngạc nhiên, chưa kịp hỏi gì, thì mẹ chồng tôi đã ôn tồn bảo:

- Cả nhà bàn tính kỹ rồi, con cứ đi học đi; chuyện nhà để
mẹ lo.

- Con… đã từ chối rồi! – Tôi lí nhí.

- Từ chối, nhưng chú Bảy đâu có chấp nhận - Mẹ chồng tôi nói.

- Nhưng… con đâu có nộp hồ sơ. Bây giờ hết hạn lâu rồi, chú Bảy có muốn cho con đi học cũng không được.

- Hồ sơ gì? Em để đâu, lấy ra anh coi! - Chồng tôi chen vào.

Tôi chạy tới kệ sách vạch chồng tạp chí để tìm cái bì thư đựng hồ sơ. Lạ chưa, rõ ràng tôi để nó ở đây mà, sao bây giờ không thấy? Tôi bê nguyên chồng tạp chí xuống, lần giở từng quyển. Thấy tôi bối rối, cả nhà cùng cười. Chồng tôi bảo:

- Đừng tìm nữa, anh đã gởi nó cho chú Bảy lâu rồi!

Tôi hết nhìn chồng, lại nhìn mẹ, rồi nhìn chị… Phải mất mấy giây tôi mới cảm nhận được tất cả. Một thứ hạnh phúc ngọt ngào bất chợt kéo đến rồi oà vỡ trong tôi, đọng thành giọt lệ long lanh trên khóe mắt. Chồng tôi đặt tay lên vai tôi, thật dịu dàng anh ấy nói : “Xin lỗi em, lâu nay anh đã quá vô tâm”.

Ngọc Thủy
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 251
  • Khách viếng thăm: 249
  • Máy chủ tìm kiếm: 2
  • Hôm nay: 32104
  • Tháng hiện tại: 2264654
  • Tổng lượt truy cập: 46231887