Cho một niềm tin

Đăng lúc: Thứ hai - 12/03/2012 07:49
Minh họa: Duy Hải

Minh họa: Duy Hải

Nghiêm vất chiếc áo khoác lên giường rồi nằm dài ra bên cạnh. Đường từ thành phố về quê không phải quá xa, Nghiêm đi về nhiều lần không lần nào thấy mệt như lần này. Là do An đã không đưa Nghiêm ra bến xe!

Nhà đi vắng cả, không gian yên tĩnh. Mọi thứ trong nhà vẫn y nguyên như cũ, không có gì thay đổi, trừ chiếc tủ đặt kế chiếc giường, chắc má mua cho bé Nghi, em Nghiêm. Từ ngày lên thành phố học, thỉnh thoảng về nhà Nghiêm đều ghi nhận rất nhanh những thay đổi trong nhà

Cách đây hai năm, ba đập ngôi nhà cũ xây nhà mới khang trang hơn. Lúc xây nhà Nghiêm đang học ở thành phố. Lần đầu trở về nhìn ngôi nhà mới Nghiêm thấy bỡ ngỡ, lạ lẫm như không phải nhà mình, cảm giác hụt hẫng như có vật gì đó vừa đánh mất. Nhưng chỉ mấy ngày sau Nghiêm thấy ngôi nhà trở nên gần gũi, ấm áp, cuối cùng xóa sạch hình ảnh ngôi nhà đã hơn 10 năm gắn bó. Ngôi nhà mới, một năm Nghiêm ở chẳng được mấy ngày nhưng luôn là nỗi nhớ mỗi mỗi khi cô nghĩ về gia đình. Đôi lúc Nghiêm cố lục tìm hình ảnh ngôi nhà cũ, nhưng chẳng thấy gì ngoài màu đỏ của nền gạch Tàu, nơi chị em Nghiêm hay nằm lăn ra đó. Nghiêm giận, nghĩ bụng con người ta là động vật dễ thích nghi nhất, do đó cũng dễ thay đổi nhất. Nghiêm đem chuyện đó kể cho An nghe, hỏi theo kiểu lý sự:

- Có gì tồn tại mãi với thời gian không hả anh?

- Có, mà cũng không - An đáp.

- Là sao?

- Mọi thứ trên đời không có tuyệt đối, chỉ có tương đối mà thôi.Vấn đề là cách nhìn của chúng ta.

- Em không hiểu.

- Em biết anh yêu em là đủ rồi! - An cười xòa nói.

- Nhưng liệu tình yêu có tồn tại mãi? - Nghiêm vẫn cương quyết.

- Anh cũng không chắc nữa. Nhưng anh tin vào bản thân mình. Em cũng tin như vậy đi!

Tin An thì Nghiêm vẫn tin, yêu mà không tin nhau thì yêu làm gì? Nhưng Nghiêm vẫn không tin tình yêu sẽ bền vững. An học nghề thủy thủ, cuộc sống của anh sẽ gắn liền với biển cả mênh mông. Nghiêm sợ những chuyến ra khơi sẽ mang An đi mãi không về, sóng gió sẽ nhận chìm lời hứa. Càng nghĩ, Nghiêm càng thấy bị ám ảnh, dao động mông lung.

- Nghiêm mới về hả cưng?

Tiếng chị Hai làm Nghiêm giật mình, cô quay lại “dạ” một tiếng thật lớn vui mừng. Chị Hai xách giỏ đi chợ vào nhà, đồ đạc lỉnh kỉnh. Nghiêm vội ngồi dậy thay đồ, xuống bếp phụ chị một tay.

- Hủ tiếu hả chị? - Nghiêm ngồi xuống cạnh chị.

- Ừ! Hôm qua Nghiêm gọi điện thoại bảo sáng về, má bắt chị đi chợ mua hủ tiếu về nấu cho Nghiêm ăn, nhân tiện nhà đổi món cho đỡ ngán.

Nghiêm vờ làm nũng:

- Vậy mà nói cưng em!

Chị Hai cũng cười:

- Má nói chứ tao đâu nói đâu.

Sài Gòn cũng có hủ tiếu, nhưng Nghiêm thích ăn hủ tiếu quê nhà hơn. “Hủ tíu trên đó nước lèo không thơm gì hết, nhạt nhạt ngán chết”. Mỗi lần về Nghiêm đều than với má như vậy, rồi xin tiền đi ăn hủ tiếu với mấy đứa bạn thời phổ thông. Hôm nay thì Nghiêm hết có cớ để đi chơi rồi.

Nghi đi học về nhìn thấy Nghiêm “ủa” lên một tiếng lớn rồi chạy lại ôm Nghiêm đến ngạt thở:

- Ai cho về mà về? Đi đi, nhà của em mà!

Nghiêm ngồi yên trong vòng tay đứa em, lòng ấm áp. Nghiêm thích về nhà vì thèm cảm giác như thế này đây. Nghiêm muốn Nghi ôm cô thật chặt vào, chặt hơn nữa cơ nhưng miệng thì cứ giả vờ than đau. Chưa chịu để yên, Nghi ẵm Nghiêm lên rồi quay mấy vòng làm cô chóng mặt. Con bé tuy nhỏ tuổi nhưng mạnh và rắn rỏi hơn Nghiêm nhiều. Nghiêm vẫn hay đùa: “Mày trâu bò quá!”. Nghi cười, bóp mạnh tay làm Nghiêm đau điếng. Nghi là người Nghiêm nhớ nhất mỗi khi xa nhà, đến nỗi làm An phải ganh tị. Hai chị em cứ quấn nhau hoài, chị Hai thấy vậy bảo hai chị em lên nhà trên giỡn cho đã. Nghi cười “khà khà” thành tiếng kéo tay Nghiêm chạy đi. Nghiêm với tay lấy hai con khô mực mới nướng, thè lưỡi với chị Hai: “Cho em nha!”, rồi chạy theo Nghi. Hai chị em lên giường vừa ăn, vừa cù nhau, ôm nhau cười nắc nẻ. Má vẫn gọi hai chị em Nghiêm là “chìa vôi, lắc nước”.

“Cho tô hủ tiếu đi!” - Nghi giả giọng người mua, xách muỗng, đũa lên nhà. Nghiêm đang ngồi nói chuyện với ba má. Chị Hai múc ra năm tô, đặt lên mâm cho giống người ta bán bưng lên cho cả nhà. Tô hủ tiếu nóng bốc khói thơm lừng, thấy thèm. Hủ tiếu Mỹ Tho nổi tiếng!

- Tô em ít thịt hơn chị Nghiêm - Nghi nhõng nhẽo.

- Má! Nó phân bì với con kìa! - Nghiêm vờ giận dỗi.

Má cười theo kiểu của người già:

-Giờ chê ít với nhiều, hồi trước không có mà ăn.

Chị Hai thêm vào:

- Hồi đó mình chỉ mua nước lèo về chan cơm phải không má?

Ừ, hồi đó Nghiêm hay đi mua nước lèo nhất. Vì Nghiêm nhỏ, bà Năm thương nên bán nhiều hơn, còn vớt cho thêm phần thịt vụn dưới đáy soong. Nghiêm nhớ, chỉ một lần duy nhất, nhà Nghiêm mua được một tô hủ tiếu “sang trọng”: có thịt, bánh hủ tiếu, rau, giá và nước lèo. Má ngồi chính giữa, ba chị em ngồi vòng tròn. Má quấn hủ tiếu thành từng đũa đút cho từng đứa, từ nhỏ đến lớn. Má nói đừng có giành, để từ từ má đút. Nghiêm không dám nuốt vội mà nhai từ từ, chờ cho đến lượt mình mới nuốt. Được mấy đũa tô hủ tiếu đã vơi đi. Nghiêm ngước nhìn ông Phật trên bàn thờ mà cầu nguyện ông Phật làm sao cho hủ tiếu đừng hết. Hồi nhỏ Nghiêm hay làm như vậy. Má dạy phải biết khấn vái trời đất!

Chợt Nghiêm thấy ngôi nhà cũ hiện ra trước mắt. Đây là chỗ má ngồi đút hủ tiếu, đối diện là cái bàn thờ. Phía trước là cửa sổ Nghiêm hay thò đầu ra ngoài mỗi khi nói dối ba không ngủ trưa. Rồi cái giường ngủ cứ kêu cọt kẹt mỗi khi day trở, đến nằm chẳng dám lăn. Phía sau nhà có cây dừa say trái. Nghiêm hay leo lên hồ nước cạnh cây dừa ngồi dựa thân cây, hát nghêu ngao mỗi khi giận ai đó.

“Nghiêm sao ăn chậm vậy con?”. Tiếng má nhắc làm Nghiêm giật mình. Cô giả vờ quay sang Nghi bảo đưa miệng Nghiêm đút hủ tiếu cho, thấy vui với ký ức cũ hiện về. Chính những ký ức như thế này giúp cô cô lạc quan hơn khi đi vào với cuộc sống bon chen trắc trở. An nói đúng, không cần phải cố tìm. Nếu muốn giữ thì tất cả sẽ ở mãi bên mình. Nghiêm hiểu tại sao cô không thấy hụt hẫng khi lần đầu đặt chân về ngôi nhà mới, cũng như việc mau quên ngôi nhà cũ. Tất cả đều do tình cảm trong lòng mình thôi. Chẳng phải Nghiêm yêu ngôi nhà mà đúng hơn cô yêu những kỷ niệm chứa đựng trong nó. Làm sao có thể hụt hẫng khi ngôi nhà vẫn ấm áp không khí gia đình. Nghiêm tiếc sao ký ức không về sớm hơn để Nghiêm không phải day dứt mãi về một điều không thực. Nghiêm biết mình giận An vô cớ.

Tối thứ bảy, Mỹ Tho nhộn nhịp hơn bởi dòng người nối nhau chạy vòng quanh thành phố. Nghiêm cùng nhóm bạn hòa lẫn vào dòng người. Gió từ sông Tiền thổi mát cả một quãng đường dài. Nghiêm ngửa cổ, đón gió, hít thật sâu vào để nghe nhịp thở của sông. Lâu lắm rồi Nghiêm mới có cảm giác này. Hình như gió vừa nói gì đó với Nghiêm. Nghiêm mỉm cười, thấy nhớ An da diết.

 

 

Trần Hà Lý Thái Bạch
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 228
  • Khách viếng thăm: 227
  • Máy chủ tìm kiếm: 1
  • Hôm nay: 51634
  • Tháng hiện tại: 2284184
  • Tổng lượt truy cập: 46251417