Bánh bông lan

Đăng lúc: Thứ hai - 07/05/2012 08:32
Bánh bông lan

Bánh bông lan

Từ đầu cầu quay Mỹ Tho thả xuống hết dốc một ngã ba rẽ sang trái, có một khu nhà tường rào cao bốn thước, trên gắn mảnh chai và trụ thép, trên các trụ thép căng ba đường dây điện sẵn sàng giật chết bất cứ sinh vật nào cố ý hay vô tình chạm phải nó. Khu nhà chiếm trọn một khu vực dài từ ngã ba đến ngã tư phía bên kia, giữa có một cổng sắt bít bùng, tấm bảng rộng hơn lối ra vào của xe tải lớn có viết dòng chữ “Prison Provincialede My Tho” (Khám đường tỉnh Mỹ Tho).

Vào cổng là nhà thầy chú làm việc đối diện với nhà thăm nuôi - trong nữa là khu giải tỏa, cột sắt lợp tôn nền tráng xi măng rộng gấp đôi sân quần vợt, không có vách. Chỗ này để tù ra ăn cơm, điểm danh hoặc khi tù vào quá đông các nhà giam được đưa bớt tù ra ngoài ngủ, nhưng tù phải xỏ chân vào còng.

Tôi quen thằng Long ở khu khám này vào năm 1946. Nó bị bắt trước tôi một ngày, nhốt ở nhà giam số 2. Trong nhà giam, tù nằm sắp lớp. Đầu chạm chân, chân đạp đầu vì chiều rộng ngôi nhà chỉ đủ bốn người nằm co con tôm. Căn giam giữ dài trên năm mươi thước, người phải nằm nghiêng, lưng đối ngực, ngực đối lưng, chen chúc như gài mắm. Mỗi khi có người buộc lòng phải đi lại là có tiếng gắt gỏng nhau vì người đi không thể chen chân đổi bước, hay giẫm phải người nằm dưới.

Trong tù không có luật, tuy nhiên vẫn có lệ: anh nào mới bị bắt vô bị phân nằm sát nhà tiêu, dòi bò nhung nhúc, chờ có tù mới đến hoặc có người ra tù, anh được đôn lên một nấc theo lưu lượng người ra vào và càng ở tù lâu anh càng được xê dịch ra cách xa nơi hôi hám.

Trong trại có một Cặp rằng, cũng là tù nhưng anh ta được giám thị trại chỉ định trông coi trong nhà giam. Chức tù nhưng dù sao cũng là chức, nên anh ta được quyền chọn cho mình một chỗ nằm ngon nhất, cả một chiếc chiếu trải ở đầu trại cạnh vách tường, xa nơi hôi hám, không ai được bước tới.

Ngay phút đầu tiên, thằng Long hỏi tôi:

- Ê! Vô đây mấy lần rồi?

Tôi đáp:

- Mới lần này, còn em?                                                                        

Thằng Long đưa ba ngón tay:

- Như ăn cơm bữa. Hai lần được thả ra. Một lần trốn.

- Tường cao quá, làm sao trốn?

- Cho tiền rồi chui vô thùng xe chở rác. Cu li đổ rác phủ lên, đẩy ra khỏi cổng là thoát.

Thằng Long có tài tẩm quất, hai bàn tay nó chập vào nhau, bằm đến đâu kêu rôm rốp đến đó, nó giật tóc, tóc kêu. Đặc biệt là giật tai, nó kê cái trán vào đầu người được xoa bóp, hai tay nắm tai kêu đánh "rặc" một tiếng. Cả cái đầu rần rật lên hết sức đã, cơn nhức đầu hạ ngay. Cặp rằng Ngộ trông thấy thằng Long tẩm quất nghe ngon tai quá bèn có nhã ý gọi nó đến làm thử - quen dần bắt nghiện, nhân có người bị đi đày, trống chỗ, anh ta bèn có sáng kiến bảo thằng Long ôm chiếu lên nằm cạnh anh ta. Thằng Long bảo phải cho tôi cùng chuyển lên thì nó mới chịu lên vì nó bảo xa tôi không có ai lấy ráy tai cho nó. Cặp rằng Ngộ có lẽ tai bị ngứa nên đồng ý cho tôi tháp tùng thằng Long vượt bậc lên để nằm gần anh ta. Xa nơi hôi hám tưởng cuộc đời tù tội đỡ khổ, ngờ đâu chúng tôi phải nằm bên một lão già khó tính, mình mẩy ghẻ ngứa chi chít như con tắc kè bông. Tây càn quét miệt Ông Văn, Chợ Gạo trói lão vất vào đây, lão khổ sở kêu oan vì 1à thường dân vô tội. Tuần nào lão cũng được gia đình thăm nuôi. Nhận được gì lão ký cóp nhét vào giỏ kê đầu nằm sợ người ta ăn mất. Một hôm giữa đêm mọi người nghe lão khóc rúc rích. Lão có mấy cái bánh ít. Nghe kiến cắn bụng, lão lần tay lấy một cái tí tách bóc lá để ăn, có ngờ đâu bên trong gói toàn giẻ rách. Đứa nào đã thừa lúc lão mê ngủ, cuỗm bánh của lão ăn còn nhét giẻ vào trong gói lại, trả vào giỏ xách như cũ.

- Tổ cha thằng Long! Mày ăn cắp bánh ít của tao.

Mặt thằng Long tỉnh bơ:

- Ông mất mấy cái?

- Tám cái.

- Tám nghĩa là số 8, mà số 8 là cái còng.

Lão già tức đến vỡ tim vì câu trả lời vừa đánh lạc hướng vừa trêu chọc ấy.

Hôm sau khi tù căn hai bị lùa ra nhà giải tỏa ăn cơm, lão già khép nép khoanh tay đến bên cai tù "sú vây dăng".

- Kính bẩm thầy, thằng Long nó ăn cắp bánh ít của tôi..

Cai tù Ba Hộ mặt trẹt, nước da ngăm ngăm, tím thâm lại mỗi khi giận dữ. Khi Pháp tới chiếm thị xã Mỹ Tho hắn sớm tình nguyện vào bát-ti-dăng (partisan). Không may khi hành quân lên Cai Lậy, đang đứng trên xe cam-nhông chở lính di chuyển, một phát súng du kích bắn tỉa đã trớ trêu trúng vào chỗ nhược của hắn, hai quả cà bị thủng, đưa vô nhà thương người ta cắt luôn, chỗ ấy chỉ còn cái thẹo. Oán hận ''tiệt nòi quan hoạn" ấy giờ đây hắn trút lên thân phận những người tù. "Ba Hộ này bữa nào không đánh người, ăn cơm không ngon...".

- Bẩm thầy, nó đó! Nó vào đây lần thứ ba vì tội móc túi.

- Ê, biểu mày! Lại gần đây! Biểu! Mày giỏi móc túi lắm hả mậy? Vào đây vẫn không chừa hả mậy? Giỏi móc túi, móc thử tao coi! Biểu!

Xuất kỳ bất ý, Ba Hộ thẳng tay tát. Thằng Long không vừa. Nó vừa lui vừa ngửa mặt ra tránh, chỉ nghe mát gió ở đầu sống mũi.

Cơn tức lồng lộn dồn xuống mũi giày, đôi giày săn đá đen bóng. Thầy Ba Hộ đá song phi, thằng Long tụt xuống tránh, điệu bộ như người cúi lạy.

- Em lạy thầy! Lạy thầy!

Không rõ vì lúc ngẩng lên thằng Long đỡ cái gót giày hay vì trượt chân vào cái rãnh thoát nước, Ba Hộ bị ngã. Cái quần trắng bị lấm. Hắn xông vào thằng Long đá tới tấp.

- Em lạy thầy! Em lạy thầy!

Mỗi cú đá, một tiếng "em lạy thầy'' giao đãi nhau đến lúc thầy Ba thấm mệt.

Thằng Long ôm vai nhăn nhó giả đau - Nó đứng xuýt xoa chờ lúc Ba Hộ ngoảnh mặt bỏ đi, nó bèn bước đến rút từ trong nách ra một vật dâng lên.

- Dạ thưa thầy, em trả lại thầy cái bóp - Ba Hộ sờ vào túi theo bản năng, nhìn cái ví trên tay thằng Long, không tin vào mắt mình. Trên nghìn con mắt tù cũng ngạc nhiên không hiểu thằng Long móc túi thầy Ba vào lúc nào.

Chẳng là vì lúc gọi nó đến, thầy Ba đã chạm nọc vào nghề nghiệp của nó ''có giỏi mày móc túi tao coi”. Luật giang hồ mà, có thách đố ắt có trả miếng.

Cơm xong trở vào khám, những người tù kháo nhau, người ta chửi lão già lớn tuổi mà tiểu nhân, kẻ nào mượn bàn tay của chính quyền để hãm hại người khác là hèn, họ biết tỏng thằng Long ăn mấy cái bánh ít nhưng chẳng ai nhắc đến, họ khoái chí vì thằng nhỏ đã chơi thầy Ba Thẹo một cú trên cơ - chuyện đáng ghi vào "sử''.

Duy có một người nằm gác tay lên trán chẳng nói gì - đó là anh Tư Tri bị bắt trên hai tháng nay đã qua được ba cửa ải nhừ đòn ở bót phú-lích đặc biệt (police spécial) chờ ngày ra tòa và đi đày. Khi yên ắng trở lại, thấy lão già ngồi thu lu trong góc, anh Tư Tri lân la đến với ông già:

- Anh là người cùng làng, tôi mới nói, chúng nó đã bỏ tù mình là nó muốn tước bỏ cái quyền làm người của mình, đáng lý mình phải căm giận, sao anh còn đi thưa gửi với nó...

Thằng Long nằm bên cạnh nghe đủ cả - Chờ anh Tư Tri về chỗ nằm nó thỏ thẻ với tôi:

- Tao đoán anh Tư này là người có đầu óc.

Có lần thằng Long hớt tóc cho anh Tư Tri - không có dao kéo, nó đi làm trong trại Lê dương lượm được một lưỡi lam cạo râu, nó chẻ chiếc đũa cặp lưỡi lam vào giữa, đỡ tóc bằng ngón tay cắt ít một từ trên xuống, phẳng phiu như cắt bằng tông-đơ.

- Cậu nhiều tài lắm, nhưng thời buổi này người khôn phải biết dùng cái tài của mình để cứu nước...

Mồ côi từ lúc nhỏ, chẳng biết tên cha mẹ là ai, bị vứt ra dòng đời sống lang bạt, có lẽ đây là lần đầu tiên thằng Long được nghe một lời nói phải.

Lệnh thầy chú truyền xuống chọn ba mươi tù đi làm cỏ vê. Cặp rằng Ngộ cho thằng Long và tôi đi. Tù phải ra cầu tàu lục tỉnh bốc hàng quân sự từ dưới tàu nhà binh. Tù phải vác những thùng hàng thật nặng đi theo bốn đoàn dài lên bờ. Vác được nửa buổi, thằng Long bị trượt ngã, kéo theo ba người tù và các kiện hàng xuống nước, chìm nghỉm. Thầy chú chửi mắng nhặng lên. Để tránh đòn thằng Long ra điều nhanh nhảu lặn hụp vớt các thùng chuyền tay lên bờ. Riêng cái thùng rơi từ trên vai nó, thằng Long nhận luôn xuống bùn.

Hết giờ thầy chú cho tù xuống sông tắm - thằng Long lợi dụng thời cơ, lặn xuống, cạy nắp thùng, dúi cho mỗi người vài hộp bọc trong áo ướt. Lúc sắp hàng, anh nào anh nấy co ro như gà ướt, lúp xúp nối nhau, cặp nách của trời cho.

Ông Sáu Phú ở trại không được đi làm cỏ vê, thằng Long về mơn trớn:

- Này ông già, cái này cho ông, coi như sòng phẳng tám cái bánh ít, cả vốn lẫn lời. Ăn đi! Cá mòi Sardine ngon lắm. Đừng có để dành mai mất nữa đó!

***

Giữa nhà giam treo một bóng đèn đỏ mù mờ. Hơi người nóng hầm hập, tù nhân quá mòn mỏi chợp mắt, nên thức rất khuya.

Cặp rằng Ngộ hay tổ chức biểu diễn, ngâm thơ, ca hát, hò vè, hát sơn đông, xây khỉ, lên đồng... nội dung không câu nệ, miễn tạm quên đi khổ ải, nhọc nhằn. Mọi người dồn ép lại, chừa một khoảng trống dưới ánh sáng đèn làm sàn diễn...

Vào một buổi trưa nghe tiếng xích sắt. Tiếng rổn rẻng cánh cửa nhà lao nghe rợn lắm: Ai đi ai ở, ai không về nữa, thân xác chìm nổi trên bến sông nào tự tiếng xích sắt này mà ra (hồi ấy xử tử không cần pháp trường, bắn bỏ trôi sông).

Cánh cửa bật mở, tên cai tù né mặt ẩn sau cánh cửa tránh mùi xú uế bên trong đột ngột xông ra làm ngạt thở đột ngột.

Hắn đẩy vào một người đầu còn láng, complet trắng, giày cũng trắng. Xã hội trần truồng nhìn người có ăn mặc lạ lẫm như người ở thế giới khác.

Ai đó kêu lớn:

- Lê Thương, tác giả “Hòn vọng phu”.

Thì ra, Hòn Vọng Phu bị đem đi nhốt.

Nước mất rồi, còn ai được tự do? Thử hỏi.

Tất nhiên, nhập gia tùy tục, nghệ sĩ cũng phải vào nằm ở cuối phòng hôi hám để nếm mùi tân khổ.

Nhưng văn minh nhà tù không để lâu, cặp rằng Ngộ thể theo nguyện vọng chúng dân, “Chúng tôi sao cũng được! Không thể để mai một người nghệ sĩ” bèn cất nhắc Lê Thương nằm cạnh mình, dưới chức tổng thống có một nấc, cho dù bộ đồ Tây phải cởi ra, bọc hai chiếc giày làm gối kê đầu, tú-nu (tout nue).

Trở lại sân diễn ánh đèn đỏ. Đang vui, mọi người đồng loạt vỗ tay theo nhịp, đồng thanh gọi mời:

- Lê Thương! Lê Thương! Lê Thương!... - nhã ý mời nghệ sĩ ra trình diễn. Phút giây mến mộ, đúng nghĩa là rất thiêng liêng, hiếm ai tài danh được đón nhận trong bối cảnh địa ngục trần gian.

Nghệ sĩ đứng lên nắm hai tay xá mọi người.

- Xin anh em cho phép tôi năm phút.

Ông xỏ áo thắt nơ con bướm, thắng bộ complet, vuốt lại mái tóc, mồ hôi tù làm mượt tóc hơn sáp thơm bội phần. Ông chỉnh tề bước ra chào bốn phía rồi cất giọng trầm ấm:

- Lệnh vua! Hành quân.

Trống kêu dồn.

Ôi! Khán giả tù nhân trần truồng như nhộng xao xuyến đến trong tim "NGHE ĐÂY LỜI NON NƯỚC".

Bài hát Hòn Vọng Phu theo chân tác giả vào tù, hồn nhạc như cũng bị nhốt, bị cùm cùng với người sáng tác ra nó, nghe sao lâm ly ai oán: anh em tù chính trị nhớ nghĩa non sông hai vai còn gánh nặng, nhớ tiếng súng của đồng đội ngoài kia còn mình ở đây tấm thân bị kềm kẹp, anh em thường phạm thì nhớ vợ con gia đình giờ này ấm lạnh ra sao, ruộng vườn lấy ai chăm sóc...

Người đi ngoài vạn lý quan san.

Người trông chờ đang đứng ôm con...''

Ở đâu có được sự đồng cảm giữa người nghe và tác giả như ở đây. Tôi thấy mắt ông Lê Thương nhuốm lệ.

Thằng Long nghe ông Tư Tri nói với nó:

- Em có biết tại sao ông Lê Thương mặc quần áo, thắt cà vạt rồi mới hát bài hát của mình không? Ông giải đáp luôn, tiếng nhạc là tiếng lòng, là tâm hồn của con người, phải biết trân trọng tiếng lòng của mình cũng như con người phải biết giữ mình cho trong sạch mới là quý, mới là biết tự trọng.

Thằng Long biết ông Tư Tri có ý muốn nhắc nhở để nó trở nên người tốt. Nó muốn khóc; cuộc sống điên đảo quay cuồng, nghèo đói hoặc đam mê có khi làm cho kẻ nhiều người ít lờ đi để tự buông thả, để cho nhân cách trong ta phải hổ thẹn mà trốn đi, nhưng lúc nào đó nhớ lại người bạn đời không thể thiếu ấy, tự lòng ta sao khỏi đau đớn xót xa.

Còn tôi, tôi đánh bạo hỏi ông Lê Thương:

- Ai cũng trần truồng như nhau, bác mặc quần áo làm gì cho nóng?

Người nghệ sĩ lặng đi một lúc:

- Đối diện với nghệ thuật lúc nào cũng phải nghiêm túc, em à!

“Đối diện với nghệ thuật phải nghiêm túc”, câu nói của người nghệ sĩ lớn như lời nói thánh hiền, tôi mang theo suốt đời tôi trên đường vạn dặm.

Đêm đó, ông Tư Tri trở hướng nằm giao đầu với thằng Long. Ông trăn trở không ngủ được. Ông lay gọi thằng Long dậy nói thầm:

- Trước nghe nói em có trốn tù một lần phải không?

- Có

- Bằng cách nào?

Chui vào trong xe rác - nhưng bây giờ không trốn cách ấy được, thầy chú nó biết rồi...

***

Mưa tháng sáu làm cho sân vận động Mỹ Tho lúc đó gọi là Stade Bourdais cỏ mọc rất cao. Thầy chú đưa tù ra phát cỏ. Đi qua cổng nhà thương thí, có tiếng trẻ con reo lên:

- Thằng Long, thằng Long tụi bây ơi!...

Bốn năm đứa trẻ mười tuổi có, mười lăm mười sáu có đuổi theo, đi cặp theo đoàn tù. Nó muốn ôm chầm lấy thằng Long nhưng sợ thầy chú đánh.

Một đứa lớn nhất chạy vội đến gánh quà của dì Ba Rổ trả tiền, trút luôn cả thùng kiếng đựng bánh bông lan bọc vào cái áo thun lá.

                             

Cai Ngộ, sau ngày bị thằng Long móc túi có phần dễ dãi với thằng Long. Trò đời vẫn thế, gà thua thì chạy mặt, người lớn thua cờ trẻ con thì tỏ ra không cố chấp. Hắn cho thằng Long nhận bánh. Trên hai mươi cái bánh bông lan vàng nghĩnh, mùi trứng thơm lừng khêu gợi làm kiến bò trong bụng. Tay nào đó buột miệng:

- Đố ai ăn hết một lúc năm cái mà không uống nước.

- Nhằm nhò gì, tao ăn một lúc mười cái.

Đó là ý kiến của Tài Xồi, một tay mập ú, nếu đứng nghiêm thẳng người nhìn xuống sẽ không thấy ngón chân cái vì vướng cái bụng.

Tù làm cỏ hai tiếng được nghỉ giải lao 15 phút kéo vào khán đài. Sân Bourdais là sân vận động có tầm cỡ so với các tỉnh. Vòng quanh tường xây cao đến hai mét, ngoài cổng lớn, còn có một cửa ngách bên hông khán đài trông ra phía sau, chỉ có dân đi lấy cỏ ngựa sử dụng. Quanh sân bóng có một vòng ''bít" để thi chạy mỗi vòng 400m.

Thằng Long khoanh tay lễ phép đến thưa với thầy Ba Thẹo:

- Bẩm thầy! Thằng Tài Xồi mập với thằng Chín Còm khích nhau.

- Cái gì?

- Thằng Chín Còm khích thằng Tài Xồi ăn hết mười cái bánh bông lan mà không được uống, phải ăn xong trước khi thằng Chín Còm chạy hai vòng “bít” tám trăm thước. Dạ, đứa nào thua trả tiền bánh và phải đấm lưng cho đứa kia một tuần lễ.

Hiếm khi thấy thầy Ba Hộ cười, nhưng lần này thầy nhếch mép, thầy xách súng đi ra sát vòng chạy. Anh em tù cũng kéo theo, chỉ riêng ông Tư Tri kêu say nắng nằm lăn ra trên nền gạch.

- Thưa thầy, thầy thị thiềng, xin thầy phất tay ra lệnh cho chúng bắt đầu thi.

Thầy Ba Hộ không phất tay mà hô tiếng Pháp:

- Bờ-rê... bạt-tê!!! (Prêt! Partez).

Thằng Chín Còm chấm tay xuống đất, nhỏng đít lên và phóng. Thằng Tài Xồi nhét luôn cả cái bánh vào miệng nhai trệu trạo mấy cái rồi nuốt luôn khi Chín Còm chưa vượt qua một nửa đường đua tốc độ một trăm mét. Tù nhân ra sức cổ vũ, đau khổ trong khoảnh khắc được quên đi chỉ riêng thằng Tài Xồi phải quần thảo với mấy cái bánh. Chiếc bánh thứ hai dù phải nhai nhiều lần hơn nhưng vẫn nuốt trọn được mặc dầu có cong lưng rút cổ cho trôi. Nó ngước lên thấy thằng Chín Còm đã chạy quá phần tư vòng sân. Nó vội vã ăn tiếp cái thứ ba nhưng lần này phải bẻ đôi. Người Việt Nam xưa chỉ làm bánh hấp, bánh luộc, từ khi người ngoại bang đến mới du nhập các kiểu bánh nướng khô không khốc, vừa ăn vừa uống nước mới nuốt trôi. Loại bánh bông lan này xốp xộp, khô cháy, háo nước như bông gòn. Mới ăn đến cái thứ ba, bao nhiêu nước bọt của thằng Tài Xồi rút hết vào bánh, trôi luôn vô bụng. Đến cái thứ tư, nó bẻ bánh làm bốn, nuốt tới đâu cần cổ nghe nham nhám tới đó, mắt trợn dọc đến cái thứ năm, ai hỏi gì trọng Tài Xồi chỉ ư ử trong cổ, không nói được - Chín Còm ra cái vẻ cua-rơ khi bước vào lối rẽ kết thúc vòng một - Nó ưỡn ngực, tay nâng lên ngang vú, chân duỗi thẳng, chạy bằng mũi chân như tay đua chính cống. Thằng Tài Xồi không vừa, nó vuốt từ cần cổ xuống ngực, cố vuốt thật lực, bánh xuống tới đâu cổ phồng lên tới đó. Nó đút thêm cái bánh nữa vào miệng.

 

- Hoan nghênh được sáu cái rồi, chỉ còn bốn. Nó còn một vòng nữa, thế nào mày cũng thắng.!

Chín Còm hỏi, có người ra bộ xòe cá bàn tay và một ngón. Nó lại cắm đầu tăng tốc.

Tôi đang mải mê, một cái nón lá chụp lên đầu tôi, nhìn lại tôi thấy thằng Long, nó đẩy tôi đến đứng sau lưng Ba Hộ. Sau này tôi mới hiểu là nó muốn lấy cái thân cao kều của tôi để che mắt thằng cai tù.

Đến cái thứ bảy, thằng Tài Xồi vuốt cổ liên tục, nó cảm thấy chẳng những nghẹn họng mà nghẹn thở nữa. Mắt không còn trợn dọc mà là trợn trắng, Ba Hộ đến lúc ấy quên luôn cương vị thầy chú, hỏi:

- Liệu kham không đó mậy?

- Ư… ức (dư sức).

Đến cái thứ chín, tôi thấy tội nghiệp thằng Tài Xồi, nó bắt đầu chống tay xuống đất, dài cổ như mắc xương, nuốt vô, nước mắt lại trào ra. Nhìn lên, cái bóng lỏng khỏng của thằng Chín Còm lúp xúp càng lúc càng rút ngắn khoảng cách - nhưng tinh thần "thượng võ" buộc thằng Tài Xồi không thể nhường bước. Nó tấp cái bánh thứ mười vào miệng, nhưng cái bánh bông lan chỉ vào được một phần còn ba phần nằm ngoài, yên vị tại chỗ không nhúc nhích, trông giống y chang như người nhổ răng bị ngậm bông gòn vậy. Nó ngậm mà nghe khi thằng Chín Còm đã vượt mức ghi vôi. Thằng Tài Xồi uể oải móc họng ra:

- Làm ơn cho tôi xin miếng nước.

***

Buổi chiều hôm đó, ba tù nhân, Long, Tài Xồi, Chín Còm bị điệu lên phòng giám thị:

- Ai bày trò để cho tù nhân Nguyễn Văn Tư trốn?

- Dạ chúng con chỉ chơi vui cho đỡ buồn. Đâu ngờ nó cố ý lợi dụng cái cửa hông đào tẩu.

- Chúng bây có biết nó là thằng chính trị nguy hiểm không?

- Dạ!...

- Tên Long là đứa nào? Tội gì vào tù?

- Dạ con móc túi.

- Còn tên Chín Còm?

- Dạ con ăn trộm gà.

- Còn tên Tài Xồi?

- Dạ con núp kẹt vách rình coi con gái thầy Bang biện tắm.

Thường phạm cả, nên không lý do nào buộc tội, nhưng để đề phòng phải cho bảy ngày ngủ cát-xô (xà lim).

***

Sau khi ra tù, tôi đi kháng chiến. Năm 1950, đi qua vùng đóng quân của tiểu đoàn Ba trăm lẻ chín, chủ lực tỉnh Mỹ Tho, tôi tình cờ gặp anh Tư Tri. Anh là cán bộ thuộc Ba lẻ chín. Mừng quá, anh kéo tôi vào văn phòng hàn thuyên.

Tôi nhắc tới chuyện ăn bánh bông lan và thằng Long. Anh Tư vui vẻ nói:

- Bây giờ cậu ấy ở đây, lính tiểu đoàn này.

- Làm gì?

- Trinh sát đặc công...

Trần Kim Trắc
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 212
  • Khách viếng thăm: 211
  • Máy chủ tìm kiếm: 1
  • Hôm nay: 50903
  • Tháng hiện tại: 2283453
  • Tổng lượt truy cập: 46250686