Hai Lúa Giống

Đăng lúc: Thứ hai - 18/01/2016 10:31
(Tác phẩm đoạt giải ba cuộc thi truyện ngắn ĐBSCL lần thứ V - 21015)
 
Quá tám mươi rồi mà lão vẫn nhậu gần lít đế với nửa con gà luộc chấm muối ớt cay xé lưỡi. Người ta nói: già ăn nhiều thịt, muối mặn và dùng rượu rất nguy hiểm. Lại nói: lớn tuổi mà còn ăn được mặn, uống rượu cứng vậy là cơ địa ngon lành lắm. Chẳng biết đâu ở cái lưỡi thế gian uốn éo trắng đen?
Ảnh mang tính minh họa

Ảnh mang tính minh họa

Nhưng cái bao tử chịu mấy xị đế cao độ vẫn tỉnh queo chứng tỏ sức lực cỏn tốt. Hơn tám mươi năm vẫn chạy tốt - Như lời quảng cáo tủ lạnh Sony. Rượu mạnh là phép do sức khỏe đàn ông. Đang hút thuốc mà sợ hút, đang uống rượu mà sợ rượu là sắp đai rồi...Lão uống rượu nhưng thuốc thì không, vỗ vai tôi, lão bảo:

-Chú em xanh xao quá. Có bệnh gì không?

-Bệnh thì không. Nhưng ăn ít, ngủ kém ông Hai ơi! Có bí quyết gì chỉ em với?

-Bí quyết hả? Sáng sớm ra ruộng vườn thoát mồ hôi. Chiều tối làm sương sương rồi ngủ. Bữa nào “cày” được thì “cày”, không thì để dành. Sinh hoạt đều đều là khỏe. Chú ngồi phòng máy lạnh tối ngày lại bày đặt kiêng khem đủ thứ, xanh xao phải rồi. Nè, cứ cuối tuần vô ruộng nhậu chơi đi!

Hơn ba chục năm trước, tôi gặp lão. Lúc đó, tôi mới hơn hai mươi, hăng hái mà ngô nghê. Lão khoảng ngoài năm mươi, chín chắn khôn ngoan và tiếng tăm nổi như cồn. Khắp Miền Tây đều biết danh Hai lúa giống. Thời hoàng kim của lão kéo dài hơn chục năm khi cả nước thiếu gạo thiếu luôn thực phấm. Bồ lúa nhà ông luôn đầy. Gà vịt sẵn trong chuồng. Cá sẵn dưới ao. Thiếu gạo nên cấm nấu rượu. Nhà dư lương thực. Sao không nấu rượu? Lão nháy nháy con mắt ranh mãnh:

-Cấm rượu gạo chứ đâu cấm nếp? Anh Hai thích rượu nếp cứ nấu uống đều đều. Chiều chiều, đãi công mần bữa cơm chén đế để họ gắn bó với mình chứ? Bữa ăn không rượu nó lạt nhách. Dân Miền Tây đâu có chịu!

Tiếng oang oang rổn rảng, ngồi đâu biết đấy, chiếm “đài” người ta. Lão có tật uống vô nói nhiều nói to và hay vỗ đùi đánh cái “đét” rồi la:

-Đã quá đã!

Vỗ đùi mình thì đã sao. Nhưng vồ đùi ngồi cạnh cũng phiền. Mới đầu không biết, tôi bị vỗ đau bởi cao hứng của lão. Biết ý cho mấy ông vâm váp ngồi bên cho lão vỗ thoải mái. Nhậu suồng sả tí thêm vui chứ hại gì đâu? Tôi hỏi lão:

-Khi có người đẹp kế bên lỡ quên, vỗ cái, lấy chi đền hả ông?

-Chuyện đó chưa bao giờ chú em! Nhưng để qua kể cái này nghe đã lắm...

Chuyện dài, lão hay kể trong phấn khích. Đại khái là chuyến qua Philippin dự hội nghị nông dân sản xuất giỏi, đoàn được bà Maccop gặp gỡ chiêu đãi thân mật. Lão khoe bắt tay và ôm hôn bà Maccop láng lình thơm nức...Nghi thức ngoại giao thôi nhưng nông dân tay lấm chân bùn vậy là “quá đã”. Một lần tọa mạn thuyền rồng...Một dấu ấn trong đời Hai lúa giống. Khi đang vui đại tiệc, người ta mời lão lên diễn đàn phát biểu. Tiếng Việt còn dở nói chi tiếng Anh. Giáo sư Võ đi cùng nhắc:

-Lên đi anh Hai! Đến lượt mình rồi đó. Nói kinh nghiệm trồng lúa anh tích lũy được ấy! Nói thủng thẳng thôi cho phiên dịch theo kịp.

Bộ tướng cao to, ngăm đen, diện cà vạt com-lê phong độ như ngoại quốc, Hai Lúa Việt Nam chững chạc đăng đàn.

-Anh không nhớ hết mình nói gì lúc đó. Nhưng vẫn nhớ mấy ý thế này: nông dân Nam Bộ sống trên đất lúa mà chịu cảnh đói cơm, tôi dốt không hiểu sao, nhưng thấy kì quá! Hạt gạo là hạt ngọc trời sinh cho con người. Vì thiếu đói, vì quý hạt ngọc và lòng tự trọng nên tôi dốc tâm lực sản xuất giống mới kháng rầy, thay thế loại giống thoái hóa. Thành công nhờ giúp đỡ của giáo sư Võ, khoa nông nghiệp cần Thơ và thành phố Hồ Chí Minh. Đưa giống mới cho nông dân rất khó vì họ hay mần theo thói quen. Họ muốn ai thử trước mới tin. Chúng tôi chấp nhận trả giá cho giống mới. Không có người dám đi đầu chịu trận thì không tìm ra lối sản xuất mới...

Nói kinh nghiệm trồng lúa, lão ngần ngừ tưởng bí. Bỗng kinh nghiêm nhậu và mê chơi mấy bữa quên tắm ... gỡ bí cho lão. Rượu đổ vô bụng voi cũng lật nhào. Chỉ có né bớt quân nào quận đó. Người ta ngày nào cũng phải vệ sinh cơ thể mới sống khỏe thoải mái.. .Túy quyền hay túy ngôn đây? Thế là lão nói lưu loát như nhà khoa học chánh hiệu:

-Hạn chế dùng thuốc trừ sâu gây hại môi trường và côn trùng có ích bằng cách nuôi vịt thả vô ruộng cho ăn sâu rầy. Bón phân chuồng hạn chế phân hóa học. Gieo trồng đúng thời vụ cùng loại giống để né dịch rầy nâu. Sau vụ và chuẩn bị vụ lúa tiếp, tôi vệ sinh đồng ruộng rất chu đáo. Vì mầm bệnh, sâu rầy thường ẩn trong lúa chét hang hốc cỏ bờ.. .Dọn sách cỏ dại, đốt bỏ rơm rạ.. .là vệ sinh đồng ruộng!

Lão nói một hơi như ai lột lưỡi. MC dịch sang tiếng Anh, cả hội nghị vang rền tiếng vỗ tay tán thưởng. Giáo sư võ bắt tay:

-Anh làm tụi em sung sướng quá! Cứ sợ say khớp nói trớt thì chết cả đoàn. Giờ thì uống xả ga đi! Em thưởng anh một ly, nào dô!

Con người ta nổi danh tiếng phải có tướng số trời cho. Thứ hai là phải có thời thế, có quý phò. Mà công danh cũng chỉ một thời. Qua thời thì thôi. Vai diễn xong mà mê muội cứ đứng hoài trên sân khấu là thành con rối... Thế mới có câu: công thành thân thoái. Không rút, bị hạ thì quê một cục. Lão vốn là nông dân nên cứ ở ruộng vườn thôi. Hai cười ha ha: “Chú bảo anh còn thoái về đâu giờ? Cưỡi trâu và ngồi dưới cây rơm chắc chắn ấm êm lắm nha!”. Mảnh ruộng cây lúa là người tình đam mê của ông.

Hồi ấy tôi lang thang trong dân. Nhiều đêm nhà ông Hai nghe mẫu thân ông kể:

-Ba thằng Hai ham bài bạc bỏ đi chơi suốt hà. Ruộng vườn một tay qua chăm lo. Xong vụ lúa bán thu tiền năm này qua năm kia. Tiền từng bao cất lâu phải đem phơi kẻo mốc hay mối. Chơi hết tiền, ổng về hốt đi chơi tiếp. Lại còn học thói công tử Bạc Liêu: dùng tiền Đông Dương vấn thuốc chứng tỏ với bạn bè! Chế độ cũ thả ga, làm khổ đàn bà. Qua gửi giấy đất trên Sài Gòn. Còn tiền thì mua ruộng nhờ vậy mới giữ được hơn ba mẫu giờ có đế gieo trồng. Nhờ tiền xử khéo với chính quyền thằng Hai không bị bắt lính. Nó cũng ngoan nghe lời má chí thú mần ăn chứ giống ba nó chắc chết? Ba nó mê bài mê ăn chơi còn nó mê mần ruộng. Con trai nhờ đức mẹ ông bà nói không sai!

Bà già ít học nhưng khôn ngoan và có tầm nhìn xa. Gương mặt bà rộng, có cung nô bộc quý phái. Hai ương bướng với ai chứ với mẹ thì một phép, vâng lời răm rắp. Học tới lớp 5 là bỏ. Nài nỉ vẫn trốn. Thích mần ruộng, chăn trâu nhờ vậy mà không hư hỏng? Nhà ở vô vùng xôi đậu: ngày lính, đêm du kích. Làm được nhiêu đành cúng cho hai phía hết. Bà bảo:

-Mẹ góa con côi, con không cha như nhà không nóc. Một tay qua năm đứa con thơ dại. sống đến giờ là may lắm. Hòa bình rồi, nhà ruộng y nguyên. Chịu khó mần là giàu có mấy hồi? Đất đây dễ sống lắm cháu ơi!

Ngày thống nhất, lão ở cái tuổi sung sức và chín chắn, bên cạnh vị “quân sư” khôn ngoan hơn người, nên làm đâu trúng đó. Mạnh vì gạo bạo vì tiền, thiên hạ phải cậy nhờ nhà lão. Sinh viên nông nghiệp tới để thực tập canh tác, làm đề tài tốt nghiệp, được lo ăn uống sinh hoạt tử tế. Đổi lại, ông học kiến thức trực tiếp, ruộng nhà được chăm sóc tươi tốt. Giáo sư Võ chọn ông làm người nhân giống lúa. Đang lúc đói ăn khát giống. Một giạ giống bằng bảy giạ lúa thường. Biệt danh Hai lúa giống có từ đấy! Cả đồng bằng sông Cửu Long tới đây trao đổi giống. Trong khi dân đói, ở nhà lợp lá, lão có hai nhà ngói gồ căm xe gõ đỏ, hai bà vợ với đàn con hơn chục đứa học hành đoàng hoàng. Không nhờ lúa thì nhờ gì? Chủ tịch tỉnh sáu Bình nhờ những nông dân như lão mới dám hứa với nhà nước đóng thuế trên mức cho phép để góp phần cứu đói. Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Võ Văn kiệt đã ngủ lại uống rượu với cá lóc nướng trui, thưởng thức nước dừa xiêm và tắm gió đêm đồng bằng tại đây. Những dòng lưu niệm lão cho tôi xem dù các vị đã đi xa...Cánh đồng nhà lão gần bốn mẫu lúa chín vàng như tấm thảm khổng lồ. Ngày ấy chưa có máy suốt nói chi máy gặt đập liên hợp? Cắt và đập bằng cộ mấy chục công làm chọc ghẹo nhau cười vang ruộng. Lúa cắt vòng vòng chừa lại khoảnh dăm sào ở giữa. Chuột cơm, rắn ri cá, rắn nước, cá đồng, cà cuống dồn lại núp trong đám lúa đó. Người cắt cứ cắt. Còn hàng chục người có cả trẻ em vây quanh thu hoạch : “sản phẩm phụ” vui vô kế. Tiêng hò reo náo động. Mặt mày sình đất tèm lem. Đàn bà không ăn nhậu thì chia phần mang về. Còn mấy ông thì xáp lại chơi tới khuya. Toàn loại đặc sản: cà cuống nướng dằm mắm ớt, cháo rắn, cá nướng thơm lựng. Bây giờ xài thuốc trừ sâu nó gần như tuyệt chủng mất rồi...

Hai lúa chơi đẹp. Thời bao cấp, công chức thiếu hụt, lương xài mươi ngày đã hết. Tết lễ há miệng chờ thưởng chã có gì. Lão cho xe chở cặp heo gần hai tạ hoặc nguyên con bò đực tơ biếu mấy anh chút thịt lấy thảo vậy. Hai quý mấy trí thức tăng chứ không ban phát:

-Tui mần ruộng không có nhiêu tiền, có chi biếu nấy mấy anh đừng cười nha! Bán cũng khó mà nhà ai cũng cần thịt. Mần chia nhau, lấy thảo cây nhà lá vườn...

Hai ít học nên mong con học hành tấn tới, trọng thầy cô. Ngày tết nhà giáo, ông làm con bò cho thầy cô xơi thỏa thích. Kính thầy mới nên nghiệp. Bây giờ con cháu nghề ổn định. Đất còn nguyên, không chia chác. Khi làm thất bại, tụi nó hồ trợ Lão khỏe re hà! “Tui chủ trương là độc lập tự lo, một con bươi vài chục con lượm thì sao ngóc đầu nổi?”. Đúng là khôn như bà già! Nhất hay chữ, nhì giữ đất. Có chữ nghĩa mới giữ được đất chứ? Tài sản lắm về già tụi nhỏ dành giật cũng khổ. Nhà giàu cũng khổ cũng khóc.. .Hai giờ mua cái xe jeep tự lái đi chơi phong lưu phây phây. Hơn mấy cha hốt của dân giờ lo giấu diem, bể bạc ra yên không nối với đời! Mần đố mồ hôi sôi nước mắt. Của phù vân vơ vét ngủ giật mình thót tim chớ sướng chi? Tôi chọc lão: “Ông kiếm bà hai tài vậy. Cho một trang đi!”. Lão cười ha ha: “Mấy cô công cấy mặt bịt kín, da đen chân trắng, mông nở. Tai lá mít đít lồng bàn. Tui thích vậy! Theo hoài bả mới chịu. Má tui duyệt, thế là cưới. Lúa giống phải cấy. Đàn bà cấy nhanh tay hơn đực rựa tụi mình. Bà già tính kỹ: vừa thêm người nhà và giữ chân tui. Bà khéo thu xếp nếu không cũng phiền lắm! Anh phải “cày hai ruộng” bỏ không cày mấy bà đâu chịu. Chú thử cho biết?”. “Em có miếng bé tẹo mà cày không nổi kiếm thêm mà bỏ hoang a?”. Viên chức cán bộ thì sợ đủ thứ. Còn nông dân ai kỷ luật mà ngán? Hai lúa bực bội: “Coi vậy mà khó lắm em ơi! Lợi cho người ta khen. Mẻ đồng tiền thì họ chê bai đủ điều”. Hơn tám mươi năm, lão vui buồn đã trải. Tiếng thơm nhiều mà tai ương cũng lắm. Lão như xe ủi lu dám ăn dám làm dám chịu. Tôi như con rùa rụt cổ sợ đủ thứ. Học vấn không bằng từng trải nhất là chịu đựng tai tiếng sau mỗi lần thất bại...Đời lão cũng thăng trầm ngậm ngùi như số phận cây lúa. Dù thăng hay trầm vẫn mặn nồng chung thủy...

Thời cây lúa hạt gạo đã qua. Tứ Giác Long Xuyên cây lúa xanh đồng. Lúa giống giờ phổ biến, mua đâu cũng có. Làm lúa không lời vì phụ thuộc đâu ra. Danh Hai lúa giống nhạt nhòa. Như hoa hậu quá thì luyến tiếc sắc đẹp, lão cũng buồn tiếc nuối. Khởi xướng trông cây bông. Dân mần theo không bán được sản phẩm. Họ trút giận dữ vô ông Hai. Đắng mình mà chịu sao giờ? Người ta bảo:

-Hai nói dóc! Bỏ lúa trồng bông cho đói há miệng ra!

Chung làng xóm khó nhìn mặt nhau. Lão phải uống rượu đắng lặng im nuốt, không vỗ đùi “quá đã” nữa. Ông phần trần:

-Cây lúa mất giá, bí chưa biết sao. Cán bộ nông nghiệp bảo trồng bông vải. Vụ đầu thấy lời, làm tiếp. Bà con cũng làm. Bán không được “thu hoạch” toàn chửi bới. Nản quá chú à!

Lão chuyển qua chăn nuôi, sản xuất heo giống siêu nạc, bán tinh heo. Mấy ha đất cất chuồng hiện đại, hầm bioga hoành tráng. Mấy năm xôm tụ, thu lợi khủng. Danh heo giống của ông Hai nổi lên. Bà con mua con giống đã chích ngừa nuôi yên bụng. Khi xuất chuồng có thể bán lại cho nhà ông xuất lên Sài Gòn. Cả một huyện chuyển sang chăn nuôi. Nhưng ông trời chơi ác! Cúm gia cầm, heo tai xanh, lở mồm long móng làm tàn lụi tất. Lần này không ai trách ông. Ngậm ngùi, ông nói:

-Anh có ăn có chịu. Lời nhiều lần, lỗ một lần là chuyện nhỏ. Xót nhất mấy nhà dốc vốn vô chưa được gì đã trắng tay. Làm nông thiệt khổ!

Sau biến cố đó, mấy tay bợm nhậu chọc lão cái danh: “Giống ông hai” hoặc: “heo giống ông hai”, ừ giống gì cũng được! Miễn là tốt. Mà gọi là giống thì lai tạo, sinh sản ưu Việt. “Chê cười cũng thừa nhận. Đúng không em?”. Ông tự gãi ngứa nói thế chăng? Cầu tiến khoa học thì thử và sai, sai lại tìm cái khác. Yếu bóng vía, tiếc của chẳng tới đích được...

Năm sau, lão chuyển sang trồng mận An Phước. Chính xác: dùng gốc mận da xanh cấy mận An Phước lên. Vụ đầu, lão lời khủng. Phóng viên báo truyền hình ào tới đưa tin. sẵn phân chuồng, nước ao bơm lên cây xanh mướt trái mịt trời chẳng tốn nhiêu cả. Lão tháo bảng hiệu: “Bán tinh heo giống siêu nạc” xuống, gắn biển: “Vườn mận An Phước ông Hai” lên. Mấy người nghèo từ Mỹ Tho lên xin mận rụng về bán dạo, lão cho hết. Lượm nhiêu tùy sức! Nhưng giống loài ốc mượn hồn, mượn gốc cây này ghép cây nọ chẳng bền. Vài vụ cây lại giống. Sâu bệnh, rụng trái, quả xấu...Ông lại phải chuyến đôi cây dừa dứa. Cắt bớt cành mận, đặt dừa con vô. Sau đó mới cắt hẳn mận. Hai năm sau dừa cho trái. Bà con rút kinh nghiệm: phải tìm giống An Phước chính thức, không lai ghép! Lão im lặng rút lui. Tôi hiểu ý không chạm vào nồi đau của lão.

Lão nói chắc như đinh đóng cột:

-Chỉ cây lúa, cây dừa là ăn chắc nhất hợp thổ nhưỡng Miền Tây mình. Nhưng thị trường phải chuyển đổi kiếm lời. Ai đi đầu thì thắng. Ai theo đuôi thì bại. Bà con cứ chạy theo phong trào làm cung vượt cầu. Ế hàng đành đổ đi. Như dưa hấu, thanh long đó, chú đồng ý không? Hiện giờ, nhà anh trồng bưởi da xanh. Bến Tre trồng nhiều lắm. Hàng ra Hà Nội, bán ra nước ngoài. Nhưng đến lúc sẽ dội hàng do trồng quá mức hoặc bị trả hàng vì chất lượng do gian dối hay thoái giống do thời tiết thời gian.. .Anh mua thêm được hai ha với ba ha ông bà để lại. Nếu chia cho năm anh em ruột, chia cho con cháu thì một gia đình chỉ vài công. Rồi tranh chấp,tùm lum hết! Ruộng đất để nguyên khoảnh, thêm vô không bớt đi. Cho vàng không cho đất. Giống tổ hợp đại gia đình. Nhờ vậy mới canh tác xuôi thuận mấy chục năm nay. Anh già nhưng đất chưa già. Trồng cây này không lợi thì trồng cây khác, nuôi con này không lợi thì nuôi con khác sinh lợi hơn. Đất của mình mình tự quyết chứ! Có gan ăn muống có gan lội hồ. Thôi, lâu ngày gặp lại, mời chú em ở lại làm vài ly, chịu ha?

-Xin cặp bưởi da xanh về chưng lấy hên được rồi. Ăn nhậu giờ em dở ẹc à!

Phượng hoàng già thua gà trống choai. Anh hùng một thuở rồi cũng liêu xiêu. Hai lúa giống còn mạnh khỏe nhưng chèo chống được bao năm? Cũng có lúc háo thắng, phù phiếm như nhau thôi?

Vùng quê này, nhà lão xây trước tiên. Lúa giống, lão nhân tước thiên hạ. Cây ăn quả, vật nuôi, lão cũng đi trước. Chặt bỏ cũng chặt trước. Hai lúa có oai phong như vị tướng tiên phong. Tôi nháy nháy lão:

 

-Giống lúa, giống heo giống mận nhân được. Sao ông không nhân nhiều người dám đi đầu cho Miền Tây theo kịp Hàn quốc?

-Chú ghẹo hoài. Tầm giáo sư tiến sĩ chưa ăn ai, nông dân cỡ tui làm được chi? Thiên hạ cười thúi mũi!

>                                                                            >                                                        

Lão gãi tóc. Cái đâu hói phần đỉnh. Phần còn lại bạc gần hết.

Nhìn tướng kệch cởm, gương mặt như gỗ quý nhưng thợ khắc kém tay nghề, ai biết quý nhơn? Con cháu lão học hành tử tế. Chúng không chăm bẳm chia chác tài sản thừa kế. Đó là phúc hậu. Lão khoái câu tự chê:

-Độc lập tự do tự lo hạnh phúc!

Biết bao ông lớn học thức có thừa mà cho con cháu vô vị trí kiếm tiền để về hưu hưởng lộc? Lão với tôi có những cái chưa hoạt nhau. Hai còn những cố tật. Nhiều lần bị lão chửi như hắt nước vô mặt. Nếu tự ái thì giờ sao dám tới chơi. Tài thì tật, có nhượng có nhờ. Cứng nhắc và cố chấp thì không chơi được với lão này đâu!

Hai Thẹo, người mần công và thường nhậu với Hai lúa giống tủm tỉm kể:

-Ông thương lúa dữ lắm! Giờ còn dành hai công cấy. Tinh sương là ra ruộng rồi đó...

Một chiều trời tạnh ráo, tôi vô ngắm đám lúa đang thì đòng đất. Lúa con gái tỏa hương trinh nữ làm tôi ngơ ngẩn. Ông. Phải chăng hương lúa, màu xanh của lúa thấm thấu ngũ tạng giúp lão tráng kiện như thế?

Hoàng hôn trải trên thảm xanh, gió lùa lúa rung rinh, tóc bạc cũng bồng lên. Tiếng bê con gọi mẹ. Tiếng nam trầm gọi bước “Về quê”. Khi lòng ta nhồi chật phố phường, một mảng xanh cho mình tắm gội tinh tươm tâm hồn. Hai lúa đứng bờ kia vẫy vẫy. Hôm trước, ra tòa báo tỉnh chơi, mấy anh bầo:

-Anh Điền chơi thân với Hai lúa phải không? Bữa nào dẫn tụi tui vô thăm ông nha? Có thể làm phóng sự hay phim tư liệu với tựa đề: “Hành trình cây lúa Miền Tây và một đời người” được đó!

Ờ ờ mà lo lo. Lỡ lão nổi cục ương lên không buồn tiếp thì tôi quê cái mặt. Với còn sợ cái ly cụt chân rượu sủi tăm. Già rồi, chịu gì thấu?

 Nguyễn Thanh Xuân (Tiền Giang)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 214
  • Khách viếng thăm: 213
  • Máy chủ tìm kiếm: 1
  • Hôm nay: 43351
  • Tháng hiện tại: 2275901
  • Tổng lượt truy cập: 46243134