Đêm không yên tĩnh

Đăng lúc: Thứ ba - 02/10/2018 16:01
1. Đêm đầu tiên ông Khương vào thành phố thăm con, nằm trên chiếc giường sạch bóng, êm ái, có quạt máy, điện màu. Song, mắt ông cứ thao láo nhìn lên trần nhà rồi trăn qua trở lại. Ông muốn pha ấm trà uống dỗ đi giấc ngủ muộn mằn, nhưng ngại gây tiếng động sợ con cháu thức giấc. Chúng nó làm việc căng thẳng cả ngày, giấc ngủ như liều thuốc nhiệm mầu, ông không đành lòng quấy phá.
Minh họa: Thanh Tiên

Minh họa: Thanh Tiên

Cuộc đời biến thiên như một giấc mơ. Thằng con ông từ gốc rạ vụt lớn lên như Thánh Gióng, học hành, đỗ đạt làm tới giám đốc của một công ty ăn nên làm ra, lấy vợ đẹp, sanh con xinh, tậu nhà ở mặt phố sang như ông hoàng. Cứ mỗi lần về quê, vợ chồng nó van nài: “Ba má bán quách nhà cửa, vườn tược vào ở với chúng con để chúng con có điều kiện sớm hôm phụng dưỡng tuổi già”. Nghe thế lòng ông ấm áp, sợ mếch lòng con nên ấm ớ cho qua. Bà vợ ông không muốn xa nhà, vận động chồng đi vào thành phố: “Ở với các con, mình nhớ đi đứng cẩn thận, nhà lát gạch hoa trượt ngã thì nguy. Đêm ngủ tránh ho nhiều làm thức giấc cả nhà, chai dầu gió nhớ thủ luôn trong túi áo”. Bà còn căn dặn ông nhiều thứ lắm, ông chỉ biết gãi đầu, cười hom hem, xách gói bước lên xe. Vậy mà đêm nay ông không ho lấy một tiếng. Ông nằm nghĩ ngợi mông lung cho đến lúc trời gần sáng mới chợp mắt đi một lúc.

Câu đầu tiên của con dâu thật cảm động: “Lạ nhà, ngủ được không ba?”. Thằng con ông thì cười hì hì: “Cứ nhìn đôi mắt thâm quầng của ba thì hiểu, em còn phải hỏi. Chắc là ba nhớ má rồi phải hông?”. Đứa cháu nội cầm lấy tay ông thao thiết: “Tí nữa ở nhà nội tha hồ ngủ. Tối nay con đưa nội đi Đầm Sen có tượng Lạc Long Quân cao như quả núi. Người dựng tượng hoành tráng ấy là họa sỹ ở quê mình ngoài ấy”. Ông Khương chưa kịp đáp, con trai, con dâu và cháu nội đã tíu tít mời ông ăn sáng rồi quày quả ra đi như cơn lốc. Lúc chuẩn bị đi đóng cổng, con dâu sửa lại cổ áo cho ông: “Ba ở nhà cần thức ăn, thức uống cứ mở tủ lạnh, lúc nào thấy buồn thì dạo chơi trong vườn. Có ai gọi ba đừng ra mở cổng”.

Ông Khương làm chủ ngôi biệt thự xinh xắn như cung điện. Cái sự văn minh làm khó cho ông; lúc vào toilet, cái mông gầy rộp của ông lọt thỏm vào bồn cầu thật ngột ngạt, ngỡ ngàng, khó trôi chảy. Ông bỗng ao ước ngay lúc này đây được ở trong khu vườn nhà ông ở ngoài quê với chiếc cuốc mỗi lần đi đại tiện có gió ngàn phóng túng. Ở nhà một mình hết nằm lại ngồi uống trà chán chê, ông Khương thèm có một người bạn già hàng xóm tếu táo chuyện đời, thèm nghe giọng nói khàn đục của bà Khương biết nhường nào! Ông mở cửa lững thững bước ra vườn, con chó Nhật màu trắng lông xù, mặt choắt, mắt tròn như hai viên bi lóng lánh bật sủa khằn khặt cảnh giác. Ông Khương tỉ tê: “Mày làm sao bị xích như vầy hả thằng lùn tội nghiệp? Tao không hại mày đâu đừng sợ! Hãy lại đây với tao nào!”. Con chó nhìn ông Khương có phần dịu lại. Nó hếch hếch mũi đánh hơi tìm người quen. Thấy khách lạ từ từ tiến lại vuốt ve, con chó sung sướng kêu lên ư ử. Ông Khương cũng thấy vui vui trong lòng, bàn tay ông lần khần mở xích cho con chó. Một sự giải thoát tạm thời cho một sinh linh đang mất tự do. Con chó tuột khỏi xích chạy loắng quắng dưới chân ông già như mừng chủ đi xa lâu ngày mới về làm ông nhớ con Minô của ông ở ngoài quê đêm nào cũng nằm một bên ông dưới chiếc võng ở đầu hè. Sáng sáng nó đói bụng theo cạ đầu, duỗi tai vào chân ông để ông đi bưng xoong cơm nguội ra vốc vài vốc cho nó ăn mới thôi. Những lần ông đi đánh cá đồng, con Minô thường nhảy phóc lên xuồng ngồi phía trước mũi. Lúc ông giở lưới cá giãy rần rật, con Minô ngẩng đầu lên, mắt sáng như sao. Thi thoảng ông Khương ném cho nó con cá trắng. Nó ăn ngấu nghiến xong nhìn ông bằng cái nhìn hiền từ, hàm ơn. Dạo này ở quê ông bọn cướp cạn thường bắt chó giữa ban ngày. Ông không biết con chó ở nhà có được an toàn không. Nghĩ chuyện đời ông cứ thấy tréo ngoe. Ngày xưa người ta nuôi chó để giữ nhà, còn bây giờ người ta cất nhà để giữ chó. Hồi cách mạng tháng Tám thành công, quê ông đêm đêm người ta ngủ mở toạc cửa ra không bị mất trộm. Sao bây giờ cuộc sống văn minh, con người học cao hiểu rộng lại tham lam, cấn cá, thủ đoạn với nhau. Hễ ai bước ra khỏi nhà là đóng cửa im ỉm vậy mà có an toàn đâu.

Tiếng chim hót thanh tao trong khu vườn cắt ngang dòng suy tư của ông Khương. Ông đi về phía tiếng hót như một cái máy. Thoáng chốc trước mắt ông hiện ra hai cái lồng chim hình trụ với những song cây tròn như chiếc đũa quét vẹc-ni vàng óng. Chú họa my nhảy nhót khi phát hiện có người lạ, bất chợt cất lên tiếng hót véo von, rồi lắng đọng như tiếng suối reo. Còn chiếc lồng mắc bên cạnh là chú khướu thân hình bằng trái bắp chưa lột vỏ, bộ lông đen tuyền nhảy

rần rật, chờn vờn bắt đầu hót theo đồng loại. Tiếng hót của nó trầm hùng, âm vang rất sâu nghe hứng khởi lòng người. Thuở nhỏ, ông Khương rất mê nhử chim bằng rập (bẫy), bắn chim bằng ná. Không hiểu sao lúc về già ông rất yêu chim, nhất là lúc trời chưa bảnh mắt, lũ chim sẻ đã ríu rít trên cành mận đầu hè nghe rộn ràng, vui tai như bản hợp xướng không hề có nhạc trưởng điều khiển.

2. Ngày đầu tiên sống ở thành phố thật dài đối với ông Khương. Ông võng vãnh vào ra chẳng biết làm gì. Hơn 11 giờ trưa. Con dâu, con trai và cháu nội của ông lần lượt trở về. Thức ăn nấu sẵn được con dâu ông bày ra mâm bát. Chốc chốc điện thoại reo vang, cháu nội ông buông đũa nửa vời. Lúc nó ngồi vào bàn, tiếng chít chít lại ngân lên từ trong túi quần. Nó cười nói với ai đó một hồi rồi xin phép phóng xe máy ra cổng. Thức ăn được các con ông gắp bỏ ngồn ngộn vào chén ông đã nguội lạnh, ông Khương chợt thèm bát canh rau tập tàng ở quê. Cứ bưng nguyên bát canh đặt lên môi húp cái roạt nghe ngọt từng khúc ruột. Ông thèm ngồi trên chiếc giường bện tre đặt dưới gốc mận thi thoảng kêu lên kèn kẹt, uống nước chè xanh của bà Khương nấu từ chiếc ấm đất ám khói nghe đậm đà tình quê.

Ăn cơm xong, ông Khương ngồi xỉa răng bỗng nghe tiếng kêu thảng thốt của con dâu: “Nguy rồi anh ơi! Con Lina sổng mất!”. Ông Khương bật dậy đi ra vườn, vừa đi ông vừa nói lớn: “Ba mở xích cho con chó. Có ba ở nhà để nó chạy nhảy một chút đỡ tù túng”. Con dâu ngượng nghịu: “Vậy mà con cứ tưởng nó sổng mất. Chắc là cu cậu nấp sau hòn non bộ, để con bắt xích lại cho an toàn”. Ngay khi ấy con trai ông xúng xính trong bộ đồ ngủ cười khà: “Ba đừng mở xích cho nó dễ bị mất lắm! Năm ngoái con mua nó mất hai vé đấy”. Ông Khương ngơ ngác: “Sao lại hai vé hả con?”. Đến lúc này con trai ông mới bật cười hả hả: “Hai vé là hai trăm đô la Mỹ đó ba”. Ông cụ mắt tròn xoe, miệng há hốc: “Trời đất! Con chó lũn cũn vậy mà con mua tới hơn bốn triệu?”. Cậu con trai nhìn vợ cười tủm tỉm: “Vợ con đòi mua thêm một con chó nữa đắt gấp hai lần con Lina đó ba”. Ông già lắc đầu cười hiền: “Đúng là chó cảnh có khác, về nhà ba nói với má thế nào bà ấy cũng không tin”.

Buổi chiều. Con bé vẫn biệt tăm, ba má nó lăn ra ngủ, đến giờ đi làm choàng dậy hấp ta hấp tấp lên xe. Con dâu ông lặp lại lời căn dặn hồi ban sáng. Ông Khương thả bộ trong vườn cây nghe chim hót. Ông liên tưởng đến những cánh chim xa tít như những dấu chấm li ti trên bầu trời cao lồng lộng. Lúc đi ngang qua gốc cây, con chó Nhật lông xù giương mắt lên nhìn ông như cầu cứu. Ông xoa đầu nó: “Ơ, Lina! Tao không bảo lãnh được cho mày. Đừng giận tao nhé!”.

Sẩm tối. Đợi hoài, ông Khương mới nghe tiếng còi xe máy từ phía cổng. Con dâu ông dắt xe vào nhà, trước giỏ xe lùm đùm thức ăn nấu sẵn. Nó rửa ráy xong xuôi, dọn phở ra bàn, nói như thanh minh: “Hôm nay con học tiếng Anh nên về muộn. Ba con mình dùng bữa trước. Tối nay anh Tân bận tiếp khách bên đối tác, còn cháu gái của ba đi chơi với chúng bạn ở Vũng Tàu”.

Ông Khương thấy hụt hẫng trước cuộc sống ở phố quá xa lạ với nề nếp của người chân quê, tới bữa cơm bao giờ cũng đông đủ cả nhà, con gái ban đêm không đi xa nửa bước. Bát phở không đến nỗi nguội ngặm như bữa cơm buổi trưa, nhưng ông thấy nhạt phèo. Ông phải nói dối mỗi lần con dâu dừng đũa nhìn sang: “Phở ngon không ba?”. Ông cười hóm hém: “Ngon lắm con ạ!”. Ông nói thế để con dâu được vui lòng. Ông không muốn vì sự hiện diện của ông làm đảo lộn mọi sinh hoạt, sở thích của gia đình con cháu. Cha mẹ nào cũng mãn nguyện khi thấy con cháu mình thành đạt, hạnh phúc.

Con dâu ông gác đũa nghe điện thoại. Nó cười tươi rói, chồm về phía ông: “Con Vân gọi ba đó. Ba nói chuyện với cháu”. Chiếc máy nhỏ nhắn, bóng loáng khiến cho bàn tay nhăn nheo, khô khốc của ông Khương trở nên vụng về. Ông xoay trở mấy lần theo sự hướng dẫn của con dâu mới nghe được tiếng nói léo nhéo của đứa cháu nội. Nó xin lỗi ông tối nay không về được để đưa ông đi Đầm Sen như đã hứa.

Nửa đêm. Ông Khương trở mình nghe giọng nói nhừa nhựa hơi men của con trai: “Ba ngủ chưa em? Hồi chiều ba ăn có ngon miệng không cưng?”. Con dâu đáp giọng ngái ngủ: “Chắc ba ngủ rồi anh. Ba ăn phở cứ khen ngon hoài. Thôi anh đi tắm rồi ngủ”. Bát phở ăn từ hồi chiều đến giờ ông Khương mới thấy thiệt là ngon bởi sự vô tư trong trẻo của con dâu và lòng hiếu thảo của đứa con trai duy nhất.

Lúc trời gần sáng, ông Khương giật mình thức giấc bởi cú điện thoại như dao khoáy vào lỗ tai. Tiếng con dâu ông nhấm nhẳng khiến ông ái ngại: “Con làm sao thế? Con có biết bây giờ là mấy giờ rồi mà con còn gọi điện thoại đánh thức cả nhà. Con muốn về nhà hay tiếp tục đi đâu tùy thích. Ba má xem như không có con”. Qua tiếng gác máy hằn học, ông Khương biết con dâu ông tức giận đến cực độ.

3. Sang ngày thứ năm, ông Khương sống ở thành phố, cái quy trình sinh hoạt gia đình chẳng hề thay đổi. Sáng nào ông cũng ngồi vào bàn ăn vội một cái gì đó với con cháu. Chúng nó ăn xong lên xe máy phóng vù đi như cơn lốc, tiếng cửa sắt dập lại lạnh lùng. Ông ở nhà luẩn quẩn với chim và chó. Nhìn chúng bị nhốt trong chiếc lồng xinh xắn, con thì bị xích dưới gốc cây, ông Khương chợt rùng mình, ngao ngán khi nghĩ lại mình cũng mất tự do đâu khác gì các sinh linh bé nhỏ kia. Ông Khương nhận biết tấm lòng hiếu thảo của con cháu ông. Ông thầm cảm ơn ông trời đã ban cho ông con hiền dâu thảo, nhưng cái tuổi của ông đâu còn sức để hưởng thụ, dung nạp nhiều chất đạm, càng không cần cuộc sống xa hoa. Vật chất đối với ông không còn quan trọng như thời trai trẻ mới ra lập nghiệp. Cái ông cần chính là tinh thần, là niềm vui và sự thoải mái của tuổi già. Con cháu của ông cung phụng cho ông của ngon vật lạ, chăn ấm đệm êm. Song, chúng không thể nửa đêm thức giấc pha trà, ngồi nói chuyện đời với ông đến sáng, không thể hiểu được tâm tư, tình cảm của người già. Ông thấy cô đơn, lạc lõng giữa ngôi biệt thự tráng lệ. Ông nhớ quay nhớ quắt giọng nói tiếng cười, những bát canh rau, trả cá bống kho tộ bà Khương nấu còn ngon hơn các nhà hàng sang trọng trên thị trấn mà con cháu ông mỗi lần về thăm quê nài ép vợ chồng ông lên xe con chở đến ăn uống thỏa thuê. Những ngày ông xa nhà chắc là bà Khương buồn lắm. Con người ta quấn quít nhau lúc mới cưới và lúc về già, khi mà mọi sự lo toan, xô bồ của cuộc đời mới bắt đầu và đến hồi chấm dứt.

Sáng hôm sau nhân lúc có đủ mặt con cháu, ông Khương bắt đầu cái giọng điềm đạm, từng trải: “Ba biết các con hiếu thảo với ba má, muốn phụng dưỡng ba má cho đến cuối đời, nhưng...”. Ngay khi ấy điện thoại bàn reo lanh lảnh. Đứa cháu nội bắt máy, mặt nó buồn rười rượi: “Ba má ơi! Bà nội xin ba má để ông nội đi về ngoài ấy”.

Trần Quốc Cưỡng (Phú Yên)
(Theo Văn nghệ Tiền Giang số 87)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin cũ hơn

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 437
  • Khách viếng thăm: 436
  • Máy chủ tìm kiếm: 1
  • Hôm nay: 93860
  • Tháng hiện tại: 1959639
  • Tổng lượt truy cập: 48333766