NHÀ

Đăng lúc: Thứ ba - 21/01/2020 11:41
Lần đầu xuống thăm nhà Thưn tôi không khỏi ngỡ ngàng về cách bài trí rất độc đáo, đầy sáng tạo nghệ thuật. Khi cửa nhà được mở ra, chậu trúc cao nghều treo đầy lồng đèn Hội An lung linh trong không gian mờ mờ vào buổi tinh mơ làm tôi giật mình. Trời ơi, Cà Mau mà trang trí nhà đẹp hơn cả Sài Gòn nữa. Chưa khỏi bàng hoàng về cách bài trí không thể đẹp hơn, cậu bạn mang ra cho tôi tách trà đen thượng hạng kiểu Nhật làm tôi ngỡ mình là khách VIP của toa Bussiness của hãng hàng không nào đó. Mẹ Thưn đi bộ thể dục về tới, thấy tôi, cô tươi cười, rồi chiên trứng ốp la cho tôi và Thưn ăn sáng với bánh mì cô mang về. Tôi như được về nhà.
 
Ăn sáng xong, Thưn đưa tôi vào phòng mở máy lạnh kêu ngủ đi cho khỏe. Câu bạn thật tâm lý. Cậu biết là ngồi đoạn đường dài tầm 6 tiếng đồng hồ từ Sài Gòn về Cà Mau thì giấc ngủ là cách nạp năng lượng ngon và bổ nhất, vì vậy cậu chuẩn bị sẵn chiếc giường ấm áp, mở máy lạnh cho tôi dỗ giấc trưa ngon lành.

Tôi cũng dân miền Tây, nên chẳng cần khách sáo, đặt lưng xuống thì ngủ đánh ót đến tận 2 giờ chiều. Mẹ biểu Thưn cũng để cho tôi ngủ thẳng giấc, khi nào muốn thức thì thức. Nếu bụng mà không réo chắc gì tôi đã dậy. Mùi thơm của bún nước lèo vẳng lên từ căn bếp sát phòng tôi. Nước dãi từ miệng của tôi tiết ào ào làm tôi phải đánh ực mấy lần.

Thưn vẫn ngồi bên chiếc laptop tay hí hoáy chuột vẽ các hình ảnh thiết kế cho khách hàng. Thưn đã ngồi đó từ lúc tôi ngủ cho đến lúc tôi dậy. Cậu ta cần cù, siêng năng và cẩn trọng tỉ mỉ trong từng nét vẽ. Tôi rón rén đứng sau lưng cậu nhìn vào laptop. Thấy bóng tôi phản chiếu trong laptop cậu quay lại cười với tôi:

- Ủa? Chị dậy rồi hả? Sao không ngủ thêm cho khỏe người?

- Hì, đói bụng rồi nên phải chui ra khỏi giường, em ăn cơm chưa?

- Em đợi chị dậy rồi em dọn cơm ăn với chị cho vui.

Minh hoạ: Thanh Tiên

Tôi đi vào phòng vệ sinh xong quay ra đã thấy hai tô bún nước lèo thơm lừng đặt trên bàn, rổ rau gồm bông súng, lá hẹ, các loại xà lách trộn với bông chuối xắt nhuyễn và rau muống bào. Tôi nhúng rau vào tô bún thơm nứt mũi. Bún nước lèo nhà Thưn ăn rất lạ và khác so với các loại bún tôi từng ăn ở Sài Gòn và các nơi. Thưn nói, mẹ cậu nấu theo công thức gia truyền nên không ngọt đường như bún nước lèo ở chợ, vị mắm mặn đúng chất bún nước lèo truyền thống vì mắm được mua đúng nơi và gia truyền, các loại thực phẩm cho vào nồi nước lèo cũng chỉ gồm cá, tép chứ không có thịt heo quay hay mực. Tôi ăn hết một tô vẫn thòm thèm nên ăn thêm tô nữa cho đã. Ăn xong, tôi đi lòng vòng nhà ngắm nghía các đồ vật trưng bày rất đẹp mắt bởi bàn tay tài hoa khéo léo của Thưn. Góc cửa là chiếc tủ kính thấp, trên tủ có chiếc đèn bàn rất tinh xảo bằng gốm và vài chiếc chậu xương rồng cũng bằng gốm, mọi thứ hòa quyện với nhau rất độc đáo. Cạnh bên là chiếc trường kỹ bằng gỗ mun đen nhánh, nằm trên chiếc giường nghe gió thổi mơn man trên da mát dịu mùi quê, ngọt thanh vị yên bình. Đối diện trường kỉ là chiếc ghế papasan sang trọng và quý phái, nằm trên đó đọc sách thấy đời sao mà đáng sống, đáng yêu. Sát góc ghế là chiếc kệ sách màu trắng tinh do chính tay Thưn mua gỗ về đóng, sau đó gắn thêm cành cây khô treo đèn bên trên rất nghệ thuật. Kệ sách ngập nhiều sách hay Thưn mua để dành, sờ cuốn nào cũng thấy “tinh hoa của nhân loại”. Kế bên kệ sách là chiếc bàn thấp trưng bày các món đồ yêu thích của Thưn như chiếc đèn thủy tinh tạo tuyết từ bên trong khi chạm vào, chậu hoa tươi hái từ vườn nhà, chiếc gương không chỉ để soi mà còn để làm vật trang trí góc nhà. Tôi đi hết bất ngờ này đến bất ngờ khác, không ngờ người bạn học chung đại học của mình lắm tài như vậy. Trước đây, Thưn học xã hội học, rồi học thêm truyền thông với tôi, nhưng trúc trắc giai đoạn cuối và cậu bỏ luôn không lấy bằng tốt nghiệp. Trong lúc học đại học thì Thưn mày mò tự học thiết kế và cậu vẽ bìa sách cho các nhà xuất bản danh tiếng khắp thành phố. Lần mò, cậu trở thành người thiết kế logo, thương hiệu, nhãn dán cho rất nhiều nhãn hàng khắp cả nước, có khi ra khỏi nước luôn. Nghề tự do, cậu dọn hẳn về quê làm việc vì dù sao cũng liên hệ với khách hàng qua email và điện thoại là chính. Thiết kế thì ngồi tại nhà làm cũng tiện hơn là bon chen ở đất Sài Gòn, công việc cuốn Thưn đi hết ngày đến đêm, có hôm cậu thức đến 2 giờ sáng khi có nhiều đơn đặt hàng gấp. Giấc ngủ của Thưn đến tận 10 giờ sáng, có khi ngủ luôn tới tận chiều, bỏ cả bữa sáng, bữa trưa. Thưn có tố chất nghệ thuật sáng tạo từ nhỏ, các vật dụng cậu làm ra đều rất đẹp và đầy tính sáng tạo. Những bức vẽ mặt nạ tuồng treo trên tường ngay cạnh bàn ăn nhà bếp, hay dàn đèn tỏa xuống bàn ăn cũng do cậu mua từ Hội An đem về thiết kế cho gian bếp ấm áp. Tư duy nghệ thuật ăn sâu vào tâm trí Thưn nên mỗi khi thiết kế bìa sách nào đó thì ý tưởng của cậu rất đặc biệt. Có lần, Thưn khoe với tôi bìa sách tác phẩm “Trà Hoa Nữ” do nhà xuất bản đặt hàng. Tôi đã vỡ òa lên vì đẹp quá sức tưởng tượng, những cánh hoa Trà như thực đung đưa trên bìa sách. Thưn đã xếp giấy thành hoa Trà, sau đó chụp cắt lớp và đưa vào thiết kế thêm chi tiết khiến bìa sách nhìn như kiểu 3D mà đầy sáng tạo nghệ thuật. Vừa có ý tưởng tốt mà còn có tâm nên mọi thiết kế của Thưn đều khiến khách hàng trầm trồ và ưng cái bụng. Khách hàng mỗi ngày tìm đến Thưn càng nhiều, việc làm không bao giờ hết. Nhưng khi tôi xuống chơi nhà, Thưn vẫn lấy xe máy chở tôi rong ruổi khắp các địa danh của Cà Mau từ đất Mũi đến gành Đá Bạc, Đầm Dơi và loanh quanh các tụ điểm ăn uống của thành phố. Món ăn ngon nào của Cà Mau thì nhất định Thưn đưa tôi đi nếm cho biết vị ngon. Món bánh tằm cà ri cay của Cà Mau làm tôi nhớ mãi vị cay ngon rất đặc trưng của vùng đất cuối cùng  của Tổ quốc. Hôm ấy, có Diễn đi cùng với tôi và Thưn. Diễn là bác sĩ đa khoa của bệnh viện tỉnh, học chung với Thưn từ cấp 3, nhà gần nhau thân nhau như chí cốt. Cả Thưn và Diễn có nét tương đồng mà khi gặp cả hai tôi cứ ngờ ngợ nhưng không tiện phán xét. Tối hôm đó, Thưn bày làm tiệc ngoài trời và khui vang đỏ đãi tôi, Diễn và thêm vài bạn cùng xóm từ Sài Gòn về. Món tôm nướng đậm đà vị đặc sản Cà Mau, nướng tôm trên than củi thơm lừng, vừa nướng vừa đập muỗi chan chát. Cả nhóm cười ha hả suốt buổi nướng tôm vì đứa nào cũng sợ muỗi to như  gà mái của xứ này, dù cho xịt thuốc chống muỗi liên tục cũng chẳng ăn thua gì. Hai chai vang đỏ được khui ra đổ vào cốc thủy tinh sóng sánh, tôm vừa chín bưng lên giữa bàn, xà lách trộn dầu giấm chua chua ngọt ngọt, khai tiệc Tây giữa vùng đất chín rồng cuối cùng của Tổ quốc trong tiết trời se se lạnh của mùa cận Tết. Khi cả nhóm đã ngà ngà say, Viên - cô bạn gái cùng xóm với Thưn, bày trò tâm sự theo kiểu điều tra xã hội học. Mỗi người sẽ đặt một câu hỏi phỏng vấn một người theo chiều xoay vòng kim đồng hồ. Người được phỏng vấn phải trả lời thành thật, nội dung câu hỏi xoay quanh quá khứ, hiện tại và ước mơ tương lai. Cả nhóm đều hăng hái tham gia trò chơi hỏi xoáy đáp xoay. Viên cũng tốt nghiệp ngành xã hội học nên các câu hỏi đều hốc búa và có phần trần trụi về tình yêu, tình dục và ước mơ. Tiếng cười rộn rã đến tận 12 giờ đêm, tiếng nhạc mừng năm mới của Tết Tây vang vang trong đêm thanh vắng. Mặt ai cũng ửng đỏ nên các câu trả lời không biết vì thẹn hay vì rượu mà có phần thành thật. Có bạn Tiên đã khóc khi kể về việc để con mèo của mình nuôi bị xe cán chết, và hối tiếc vì chưa mua được cho con mèo món đồ chơi mà đã hứa mua cho nó. Có những ước vọng sâu thẳm trong tim như Diễn là mở phòng mạch để chữa bệnh cho bà con trong xóm được khỏe mạnh. Từng nỗi niềm của những người bạn mới quen mà chân thật và giản dị như đã biết nhau từ lâu lắm. Người miền Tây chân chất, mộc mạc gặp nhau giữa vùng trời nước mênh mông của Cà Mau đậm tình người nên gắn kết như người thân. Đến lượt Thưn bị khảo về giới tính, Viên đặt câu hỏi xoáy sâu vào vấn đề cảm xúc khi Thưn và Diễn gặp nhau, sờ vào nhau có rung cảm hay không? Thưn có vẻ lảng tránh câu trả lời của Viên, sự thành thật bao biện bởi vỏ bọc của sự che giấu thành ra Thưn đáp gọn lỏn: “Trời ơi, hỏi gì hổng hiểu gì hết trơn, hại não quá”. Tôi đã bóc trần được chân tướng của Thưn với câu trả lời thiếu thành thật của mình dành cho câu hỏi trần trụi của Viên: Liệu Thưn có hạnh phúc khi che đậy giới tính của mình, nhất là sống giữa miền quê đầy định kiến, cổ hủ như thế này? Thưn có trốn chạy điều gì khi về quê sống và làm việc? Nhiều thắc mắc tôi đeo vào người mà không dám hỏi trực tiếp với Thưn. Đêm đó, Thưn trải chiếu ngủ dưới sàn nhà, cả đám con gái bọn tôi ngủ trên giường chung phòng. Thưn ngủ say giấc, còn tôi cứ bâng khuâng lật qua lật lại không ngủ được, chốc chốc lại nhìn xem Thưn ngủ thế nào? Rồi tự tát nhẹ vào má mình vì tính tò mò kỳ cục.

Sáng hôm sau mẹ Thưn đi chợ sớm mua nguyên liệu đổ bánh xèo đãi tôi trước khi về Sài Gòn. Một rổ rau quê bự chảng mà có loại không biết tên được đem ra cho tôi và các bạn cùng lặt. Món bánh xèo miền Tây ngon là do các loại rau cuộn chung tạo nên hương vị đặc trưng. Có rau chua chua, có loại rau hăng hăng, có loại rau ngòn ngọt,... vậy là ai cũng nôn nao chờ bánh xèo chín để cuộc thử loại rau lạ này xem ngon tới mức độ nào. Rau, nước mắm, dĩa cùng những bàn tay được rửa sạch bằng xà phòng ngồi chực sẵn trên bàn chờ đợi mẹ Thưn chiên bánh chín. Ngoài vườn những trái xoài non đung đưa theo gió, hoa mướp lặng lẽ dâng mật ngọt cho bầy ong ruồi mon men trên giàn, những chú cá lòng tong nhảy búng nước tanh tách. Quê thật thanh bình và trong lành. Tự nhiên, tôi lại nghĩ đến giấc ngủ trưa trên chiếc võng sau vườn nhà Thưn mát lành. Ăn xong, có lẽ mỗi đứa sẽ đặt lưng một góc ngoài hè nhà Thưn để đánh giấc trưa và mơ giấc mơ sạch thơm về miền quê yên ả. Thưn hứa là ngủ trưa dậy sẽ đãi tôi món cà phê nước cốt dừa do Thưn tự chế biến. Nghe là biết béo ngậy và thơm tho kiểu miền Tây rồi. Người miền Tây thích ăn béo nên món nào cũng thêm nước cốt dừa béo ngậy vào cho ngon vị. Tiếng xèo vang lên khi mẹ Thưn đổ bột vào chảo dầu sôi, tiếng xèo vang lên lần nữa khi bánh được lật úp lại cho vàng giòn. Từng chiếc bánh vàng rộm, thơm phức được bưng đến bàn phục vụ cho các miệng ăn thòm thèm. Kiểu ăn bóc miền Tây được trưng dụng ngay trong món ăn này. Không đứa nào chịu ăn đũa, bóc tay cho nó ngon. Thoắt cái, rổ rau vơi đi một nửa, bánh chiên không kịp ăn, phải ngồi đợi. Bụng tôi căng cứng vì no, mà miệng vẫn chưa hết thèm. Tôi đành rửa tay gác kiếm, ra vườn kiếm võng đu đưa giấc trưa.

Thưn chở tôi ôm hành lý khệ nệ ra bến xe để về lại Sài Gòn. Trước khi đi, mẹ Thưn bắt tôi ăn thêm tô bún nước lèo kẻo đói khi lên xe. Mẹ Thưn chăm sóc tôi như con cái trong nhà, quần áo gom bỏ máy giặt và phơi khô. Cơm nước đầy đủ ngày 3 bữa, còn nấu thêm món ăn vặt đãi tôi giữa trưa và buổi tối. Tình yêu thương của cô dành cho tôi ngọt ngào như người mẹ dành cho con gái, luôn hỏi han ân cần, luôn chăm lo cho giấc ngủ, miếng ăn của tôi trong suốt những ngày ở cùng gia đình. Cảm xúc của tôi trọn vẹn như trở về nhà trong tình yêu thương của mẹ và em trai là Thưn.

Thưn chờ tôi lên xe rồi mới quay xe về, cánh tay nhỏ nhắn của Thưn vẫy vẫy tạm biệt tôi xa dần xa dần. Tim tôi se thắt lại, tôi không hiểu vì sao?

 

Trại Sáng tác Truyện ngắn TG 2019


Trần Thị Thùy Trang
(Theo Văn nghệ Tiền Giang số 95)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin cũ hơn

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 384
  • Khách viếng thăm: 379
  • Máy chủ tìm kiếm: 5
  • Hôm nay: 102690
  • Tháng hiện tại: 1744103
  • Tổng lượt truy cập: 48118230