Ra mắt website Văn Nghệ Tiền Giang: Thêm một kênh quảng bá tác phẩm văn học nghệ thuật

Đăng lúc: Thứ ba - 05/01/2010 14:32
Trang chủ Văn nghệ Tiền Giang online

Trang chủ Văn nghệ Tiền Giang online

Sau gần 1 năm hoạt động thử nghiệm, sáng 3/11/2009, Website Văn nghệ Tiền Giang đã chính thức ra mắt bạn đọc tại địa chỉ http://www.vannghetiengiang.vn/. Website hiện có các chuyên mục chính như: Tin tức, Văn học, Âm nhạc, Sân khấu, Mỹ thuật, Nhiếp ảnh, Sáng tác trẻ, Nghiên cứu - Lý luận phê bình, Đất và người TG, Xem - Nghe - Đọc… Đây là tiếng nói chính thức của Hội VHNT Tiền Giang, đồng thời là nhịp cầu để bạn đọc tiếp cận với phong trào sáng tác văn học nghệ thuật tỉnh nhà, mở ra một kênh mới để quảng bá tác phẩm văn học nghệ thuật của văn nghệ sĩ trong tỉnh đến với độc giả khắp nơi trên thế giới. Cùng với website vannghesongcuulong.org.vn, Văn nghệ Tiền Giang online trở thành một trong những tiên phong ở ĐBSCL và cũng là hiếm hoi trên cả nước trong việc giới thiệu tác phẩm văn học nghệ thuật của các văn nghệ sĩ trong khu vực lên mạng Internet.

Theo mô hình chung từ trước đến nay, ở mỗi tỉnh, thành đều có một tờ văn nghệ địa phương. Đó là nơi tập hợp lực lượng văn nghệ sĩ, nơi thông tin kịp thời những chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về văn học nghệ thuật, là diễn đàn chung nơi phản ánh chân thực và sâu sắc về những hoạt động văn học nghệ thuật của địa phương; nơi giới thiệu, công bố tác phẩm văn học nghệ thuật địa phương, đồng thời góp phần hình thành phát hiện và bồi dưỡng đội ngũ sáng tác văn học nghệ thuật. Tuy nhiên, phần lớn các tờ báo văn nghệ địa phương trong cả nước hiện nay có lượng phát hành tương đối thấp, chủ yếu là trong tỉnh. Trong khi đó, định kỳ phát hành lại khá dài, có nơi cả quý mới ra một số tạp chí mới nên thông tin thiếu cập nhật và không có sức lan tỏa. Các loại hình văn học nghệ thuật luôn rất cần sự quảng bá tác phẩm rộng khắp để đến được với công chúng trong khi nguồn kinh phí cho việc xuất bản và tổ chức triển lãm, biểu diễn lại hết sức hạn chế.

Từ khi Văn nghệ Tiền Giang online ra đời, những vấn đề nêu trên phần nào đã được giải quyết. Do sức chứa thông tin trên internet dường như là vô tận, chỉ trong khoảng 1 năm hoạt động hàng ngàn tác phẩm của văn nghệ sĩ Tiền Giang đã được đưa lên mạng, nhiều số tạp chí trước đây cũng đã được đăng tải lại để thuận tiện cho việc tra cứu. Bên cạnh đó còn có nhiều sáng tác mới mà trước đó chưa hề có mặt trên sách báo in. Nếu như với kiểu in ấn truyền thống, quy trình để một tác phẩm văn học từ khi nộp bản thảo đến khi thành ấn phẩm hoàn chỉnh mất khá nhiều thời gian, thì trên mạng điều này lại trở nên cực kỳ đơn giản, nhanh chóng.

Theo Trung tâm Internet Việt Nam, đến tháng 3/2009, nước ta có trên 21 triệu thuê bao Internet, đạt tỷ lệ 24.7% dân số. Việt Nam hiện là một trong 10 nước có tốc độ phát triển công nghệ thông tin nhanh nhất thế giới. Đặc biệt trong khoảng ba bốn năm trở lại đây, khi phong trào viết blog phát triển rầm rộ, cũng là lúc nhiều nhà văn, nhà thơ từ bỏ giấy bút truyền thống và trở nên thuần thục với việc sáng tác trên bàn phím máy vi tính. Và rồi chuyện một bài thơ, một truyện ngắn, một ca khúc vừa viết xong, một bức ảnh vừa chụp, một bức tranh vừa hoàn thành lập tức được gửi lên mạng cho độc giả ở khắp nơi trên thế giới vào xem và bình luận đã trở thành bình thường. Độc giả, khán giả cũng đã quen với chuyện lên mạng hằng ngày để thưởng thức các tác phẩm văn học nghệ thuật. Tìm kiếm trên Google, có đến 130.000 ngàn trang web có nhắc đến từ “văn học mạng”, 2.350.000 trang với từ “nghe nhạc online”, 1.250.000 trang với từ khóa “ảnh nghệ thuật”. Đây chính là điều kiện và cũng là cơ hội để giới thiệu, quảng bá văn học nghệ thuật địa phương trên mạng Internet, nhất là đối với những văn nghệ sĩ sống ở tỉnh lẻ, điều kiện công bố tác phẩm còn rất hạn chế so với những đồng nghiệp đang sinh sống tại các thành phố lớn.

Phát biểu tại buổi lễ ra mắt, nhà văn Thu Trang, tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Tiền Giang phấn khởi cho biết: “Hiện nay, bạn đọc trong và ngoài nước có thể dễ dàng vào website Văn nghệ Tiền Giang  để tìm hiểu những thông tin văn học nghệ thuật của tỉnh nhà. Với khả năng truyền thông đa phương tiện, các tác phẩm văn học nghệ thuật được đưa lên mạng hết sức trực quan sinh động. Truy cập vào website Văn nghệ Tiền Giang bạn đọc có thể xem tranh ảnh nghệ thuật, nghe các bài vọng cổ, các ca khúc, nghe ngâm thơ, đọc truyện… một cách dễ dàng và nhanh chóng”.

Từ khi có Văn nghệ Tiền Giang online, các hoạt động của Hội được cập nhật lên mạng Internet hầu như tức thời và rộng khắp. Song song với hoạt động xuất bản, biểu diễn, triển lãm Hội đã tổ chức, trang web đã góp phần giới thiệu tác phẩm của anh em văn nghệ sĩ tỉnh nhà nhiều hơn trước đây hàng chục lần. Độc giả không còn khu biệt trong địa giới một tỉnh mà nhờ Internet nên bất kỳ ở đâu có máy tính nối mạng đều có thể đọc được tác phẩm của văn nghệ sĩ Tiền Giang. Thế nên mặc dù mới ra đời chỉ hơn một năm nhưng trang web đã nhận được trên 30.000 lượt truy cập, không chỉ riêng ở Tiền Giang mà còn từ nhiều địa phương trong và ngoài nước. Thời gian qua Ban biên tập cũng đã nhận được rất nhiều bài vở cộng tác cũng như những phản hồi tích cực từ phía độc giả. Độc giả Phạm Hoàng Đức (linhgiavuive1959@...) email chia sẻ: “Thật lòng, tôi rất bất ngờ và vui lắm khi biết Hội có trang web này! Hy vọng đây sẽ là nơi “quần anh tụ hội” để những văn, nghệ sĩ của Tiền Giang và tỉnh bạn có thể gửi gắm tâm tư, tình cảm của

mình, thông qua từng trang viết…”. Độc giả Phạm Thanh Dũng, một Việt kiều Pháp ở địa chỉ email: manhanh007@... cho biết: “Cháu ở nước ngoài đã nhiều năm nên không biết nhiều thông tin về quê nhà. Hôm nay tình cờ vào website Văn nghệ Tiền Giang cháu rất vui, vui như được gặp lại một người quen cũ. Cháu mong các cô chú trong ban biên tập đăng tải nhiều thông tin về văn hóa du lịch của Mỹ Tho để bạn bè trên thế giới có thể hiểu thêm về vùng sông nước Tiền Giang quê mình”. Nhạc sĩ Nguyễn Tiến Nghĩa (hiện là hội viên Hội Âm nhạc TP.HCM) ở địa chỉ nhacsitiennghia@... email cho biết: “Tôi là người con Cái Bè, Tiền Giang xa quê. Tôi muốn tham gia với các anh trong lĩnh vực sáng tác ca khúc, không biết có được không? Tôi có viết một bài về Tiền Giang muốn gửi các anh nghe thử. Rất mong được đóng góp một chút gì cho quê hương”. Và còn nhiều, còn nhiều những email của độc giả khắp nơi với những tình cảm chân thành và những góp ý sâu sắc cho Văn nghệ Tiền Giang online đã gửi về hộp thư của tòa soạn trong thời gian qua.

Có thể nói việc xây dựng trang Văn nghệ Tiền Giang điện tử là hết sức kịp thời và cần thiết, vừa phù hợp với xu thế phát triển chung của lĩnh vực báo chí truyền thông cả nước, vừa đáp ứng yêu cầu phát triển ngày càng nhanh của nền kinh tế - xã hội tỉnh nhà, nhất là tại thời điểm khi mà cuộc cách mạng thông tin đã phát triển mạnh mẽ như hiện nay. Trong điều kiện ấy, hoạt động của các Hội VHNT địa phương ngày càng phong phú và đa dạng, nhưng nguồn kinh phí hoạt động lại có hạn, việc thành lập trang web đã giải quyết một phần rất lớn ở “đầu ra”, ở công đoạn quảng bá hoạt động của Hội và các tác phẩm của hội viên. Đây vốn là nỗi ưu tư của nhiều văn nghệ sĩ cũng như lãnh đạo các Hội VHNT địa phương từ trước đến nay. Sự ra đời của website sẽ mở rộng không gian giao lưu, tạo thêm một diễn đàn nghiêm túc và chuyên nghiệp, đáp ứng kịp thời những mong đợi của những người yêu thích lĩnh vực văn học nghệ thuật, bên cạnh đó đây còn là một kênh thông tin bổ ích về quê hương, con người Tiền Giang trên mạng internet.

Lê Văn
(Theo Văn nghệ Tiền Giang số 37)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 426
  • Khách viếng thăm: 422
  • Máy chủ tìm kiếm: 4
  • Hôm nay: 5678
  • Tháng hiện tại: 1871457
  • Tổng lượt truy cập: 48245584