Ghi nhận từ trại sáng tác thơ Tiền Giang năm 2009

Đăng lúc: Thứ ba - 24/11/2009 09:15
Trại viên chụp ảnh lưu niệm với nhà thơ Hữu Thỉnh

Trại viên chụp ảnh lưu niệm với nhà thơ Hữu Thỉnh

Trại sáng tác Thơ Tiền Giang khai mạc ngày 15/9/2009 với sự tham dự của 22 cây bút là hội viên Chi hội văn, cộng tác viên tạp chí VN, CLB Sáng tác trẻ. Từ ngày thông báo phát động (đầu tháng 4), đến trước ngày khai mạc nửa tháng, BTC đã nhận được 1 trường ca và trên 80 bài thơ của 22 tác giả đăng ký tham gia trại. Các bản thảo đã được gửi đến nhà thơ Hữu Thỉnh (Chủ tịch Hội Nhà Văn Việt Nam) đọc, thẩm định trước khi trại tập trung khai mạc.

Điểm đặc biệt so với trại sáng tác Thơ được tổ chức cách đây ba năm (2006), ngay trong buổi khai mạc, các tác giả tham gia trại cùng đông đảo công chúng yêu thơ đã được nghe nhà thơ Hữu Thỉnh giới thiệu những nét tiêu biểu về tình hình văn học và thực trạng thơ Việt Nam hiện nay. Các tác giả và người yêu thơ đã có được cái nhìn chung về diên mạo văn học, những khuynh hướng phổ quát của thơ Việt Nam trong điều kiện hội nhập, tiếp biến văn hóa…, từ đó thấy được “chỗ đứng” của thơ Tiền Giang trong dòng chảy chung của thơ ca và văn học cả nước. Cũng trong ngày khai mạc, Nhà thơ Hữu Thỉnh đã có buổi trao đổi những vấn đề về lý luận thơ ca, sự cách tân nhưng vẫn giữ được cái hồn, bản sắc dân tộc, đi đến tận cùng dân tộc để gặp nhân loại, cùng những trải nghiệm, kinh nghiệm của ông trong quá trình lao động sáng tạo để có những câu, những bài thơ tâm đắc. 

Trao đổi về các tác phẩm tham dự trại, theo nhà thơ Hữu Thỉnh, điều đáng quí là các tác giả tham gia trại thơ Tiền Giang năm 2009 đã không đi theo lối mòn, từ đề tài, cấu tứ, cách thể hiện đều có sự chuyển đổi và cách tân, đưa đến sự đa dạng về bút pháp, xúc cảm thẩm mỹ… Điều nầy cho thấy việc tham dự trại sáng tác thơ là dịp để các tác giả tự đánh giá về phong cách nghệ thuật của mình và khám phá, tạo dựng, định hình một phong cách thơ ca mới lạ, độc đáo.

Nhà thơ Lê Ái Siêm đã mở rộng biên độ cảm xúc với trường ca Những giòng sông mở đất, tạo được âm hưởng vang mạnh của sự vạm vỡ, đằm thắm, bên cạnh đó, những bài thơ rất ngắn của anh thể hiện sự dồn nén, đa dạng và sâu lắng. Tác giả Lá Me được đánh giá là rất có công trong việc tìm tòi, mở rộng đề tài mang đến những câu thơ giàu hình tượng, nhạc điệu nhưng lại biến đổi, co duỗi linh hoạt theo kiểu thơ tự do và kết cấu của bài thơ, tạo ấn tượng bất ngờ, độc đáo. Thơ Võ Tấn Cường, Vũ tuấn, Vương Huy đa thanh, hàm chứa sự tìm tòi, gợi mở… Chùm thơ lục bát ngắn của Nguyễn Thị Ngàn Thương khá chặt chẽ về cấu tứ tuy đề tài quê nhà mà tác giả chọn nhiều người đã viết…  Đặc biệt, tác giả văn xuôi Trạc Tuyền, lần đầu tham gia trại thơ, với bài thơ Bé quê đêm khuya đi mua rượu, theo phong cách tự sự đã tạo sự bất ngờ ở thông điệp kết thúc, mang đến độ vang ngân, sức lay động của bài thơ.

Những bài thơ tham dự trại của các tác giả Phạm Chí, Nguyễn Kim, Bình Nguyên Xanh, Phạm Huy Ngữ… bên cạnh cảm xúc thơ hồn hậu, chân chất, đã dung nạp thêm chất suy tưởng sâu lắng của trí tuệ. Thơ Trần Công Tùng, Nguyễn Thanh Xuân, Lê Hồng Thái giàu tính ẩn dụ, gợi mở. Các tác giả trẻ: Minh Châu, Trương Trọng Nghĩa, Nhật Linh, Thùy Trang có sự tìm tòi, suy gẫm, nhưng vẫn giữ  được những cảm xúc  trong trẻo, hồn nhiên.

Tham dự trại sáng tác thơ, nhà thơ Hữu Thỉnh trao đổi cùng các tác giả những trăn trở, suy tư về việc đổi mới thơ. Theo ông, thơ hay phải hàm chứa sự đa nghĩa. Bài thơ hay phải độc đáo về cấu tứ. Nhà thơ phải là người dự cảm về tương lai, và điều quan trọng là thơ phải hàm chứa tầm tư tưởng của thời đại.

Một trong những nhược điểm của thơ Tiền Giang, mà cũng là tình trạng khá phổ biến của thơ  ca cả nước nói chung là rơi vào sự kể lể dông dài. Nhiều bài thể hiện chất lượng đời sống chân thật, mộc mạc nhưng thiếu sự thăng hoa hình tượng. Ngôn ngữ sử dụng bình dị nhưng lại khuất lấp tài năng bút pháp…

Tham dự trại sáng tác thơ, các tác giả thơ Tiền Giang có điều kiện gặp gỡ, trao đổi cùng nhau và trao đổi cùng nhà thơ Hữu Thỉnh về mối quan hệ giữa văn học và chính trị, mối tương quan giữa thơ ca và hiện thực, đặc trưng của thi ca, tính thời đại và tính hiện đại của thơ ca, làm thế nào sáng tác được bài thơ hay, thiên chức và trách nhiệm công dân của nhà thơ…

Nhìn chung, các nhà thơ và các tác giả thơ đã cùng đối thoại, trao đổi nhằm hướng đến việc khám phá, nhận thức nhiều vấn đề bức xúc liên quan đến đặc trưng của thi ca và công việc sáng tác của nhà thơ. Đây là cơ sở để các tác giả tự chiêm nghiệm, dung nạp cho mình những quan điểm lý luận về thơ ca, để tự đánh giá về bút pháp nghệ thuật của mình, đồng thời tìm một hướng đi cho việc sáng tác sau này.

Trại sáng tác thơ Tiền Giang khép lại, nhưng lại mở ra một chặng đường, một hướng sáng tạo mới cho các tác giả thơ. Sáng tạo thơ ca luôn luôn là sự bắt đầu và là sự đổi mới liên tục không ngừng nghỉ. Hy vọng, thời gian tới, người yêu thơ sẽ được thưởng thức những bài thơ hay của các tác giả Tiền Giang và chúng ta có thể lạc quan về một mùa hoa trái thơ ca bắt đầu nở rộ.
Cỏ May
(Theo Văn nghệ Tiền Giang số 36)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 213
  • Khách viếng thăm: 211
  • Máy chủ tìm kiếm: 2
  • Hôm nay: 40435
  • Tháng hiện tại: 2272985
  • Tổng lượt truy cập: 46240218