Ngôi nhà cũ

Đăng lúc: Thứ năm - 12/02/2009 09:06
Ngôi nhà trước đây của Hội Văn học nghệ thuật Tiền Giang nằm ở góc đường Lê Lợi - Rạch Gầm. Đó là ngôi biệt thự xây từ thời Pháp, nhìn bên ngoài có vẻ cổ kính rêu phong nhưng khi bước vào trong thì không khí mát mẻ yên tĩnh. Xung quanh nhà có nhiều cây cổ thụ tỏa bóng mát và cho trái quanh năm.
Cạnh dãy nhà nghỉ của nhân viên ở phía sau có cây mận da xanh mà mỗi lần ra trái, bọn tôi thường trèo hái những trái mận tuy có sâu sia đôi chút nhưng ngọt lịm, ăn mát lòng những trưa hè. Cạnh cây mận có cây xoài cát, trái không lớn lắm nhưng rất sai, cây xoài ra trái vừa bằng nắm tay thì bọn tôi đã hái ăn dài dài cho tới lúc trái già thì trên cây đã thưa rỉnh thưa rảng. Chú Năm Văn Sinh (nguyên chủ tịch Hội lúc bấy giờ) cho rào rấp phía dưới thân cây bằng những nhánh chà tre để bảo quản số lượng trái nhưng ngăn chận kiểu nào cũng không thoát khỏi bàn tay nhám nhúa của bọn tôi. Phía trước ngôi nhà là những hàng me cổ thụ nghe nói được trồng lâu đời lắm, cành lá mượt mà xum xuê. Mỗi mùa lá rụng, đi trên con đường Lê Lợi, dưới bóng hai hàng me, cứ mỗi cơn gió thoảng qua, lá me bay lã tã, vương trên mái tóc, trên vai áo, lòng lại thấy lâng lâng xao xuyến...

Nhớ lần đầu tiên đến Hội, tôi gặp một phụ nữ trẻ có vóc dáng cao cao, đôi mắt to tròn và nụ cười luôn nở trên môi. Cô tiếp tôi thân tình, nói năng vui vẻ khiến tôi thấy thoải mái. Tôi đưa truyện ngắn mới viết còn nóng hổi cho báo, cô nhận bài của tôi, ân cần dặn dò đôi điều rồi lấy trái cây cô vừa mang lên từ quê Cái Bè ra mời. Chúng tôi vừa ăn vừa hỏi thăm nhau nhiều việc vì cô cùng quê với tôi. Mối tình “đồng hương” khiến chúng tôi trở nên thân thiết với nhau hơn.

Từ đó, tôi thường lui tới gặp Thu Trang, rồi gia nhập chi hội Văn và tham gia những sinh hoạt của Hội, khi thì dự những buổi họp mặt đầu năm hoặc cuối năm, khi thì dự những buổi biểu diễn thơ ca của hội viên, có khi rủ nhau đi thực tế các địa phương… Tôi là người tới Hội thường xuyên nhất, những lúc vui cũng như những khi buồn, tôi thường đến Hội để gặp bạn bè chuyện trò tâm sự. Thời kỳ khó khăn nhất, tôi phải vừa đi dạy vừa theo lớp Anh Văn tại chức ở trường Cao đẳng Tiền Giang, trưa không về nhà kịp tôi hay “đóng đô” ở nhà Thu Trang (cây viết trẻ mà cũng là người phụ nữ dễ mến tôi đã gặp đầu tiên), chúng tôi thường cùng nhau nấu nướng những món ăn đạm bạc và ăn uống vui vẻ, ngon lành. Những buổi chiều buồn, tôi lang thang ra Hội, cùng Thu Trang qua quán kem bên đường ăn yaourt, ăn kem hay uống cà phê, nói chuyện trên trời dưới đất, chuyện nọ xọ chuyện kia, không biết chuyện ở đâu mà nói hoài cũng không hết.

Bọn tôi có một cái lệ là sau khi họp hành ăn uống xong thì đi “tăng hai” là ghé phòng của Thu Trang tán dóc một hồi nữa mới về. Tôi thường bị bọn nhỏ (Hoàng Thu Dung, Giang Thu, Lệ Hằng...) bắt bói quẻ cho chúng nó. Cứ dựa vào tâm lý bọn trẻ kết hợp với những chuyện hóng được về chúng nó mà tán hươu tán vượn, vậy mà chúng tin sái cổ rồi đãi tôi nào kem, nào hủ tiếu... Những lúc như thế, căn phòng vang rộn tiếng cười đùa, đôi khi có thêm âm thanh lè nhè của “thi sĩ rượu” Nguyễn Chi và tiếng quát tháo của đám con gái vì thi sĩ nhà ta cứ theo đọc thơ chọc ghẹo. Căn phòng không đủ chỗ ngồi, đôi lúc chúng tôi phải ngồi bệt dưới nền xi măng hoặc bắc ghế ngồi tràn ra ngoài sân nhưng nơi đây lúc nào cũng có người tìm đến, khi thì trao đổi công việc, nhưng nhiều nhất vẫn là tụ tập trò chuyện linh tinh, tán gẫu.

Những đêm thơ được Hội tổ chức để giới thiệu tác giả tác phẩm cho hội viên, hoặc giao lưu với các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh khác thì ngôi biệt thự sáng đèn, mất hẳn vẽ tĩnh lặng ngày thường. Trong ánh đèn mờ ảo, cảnh vật trở nên lung linh, lãng mạn bởi tiếng hát, tiếng ngâm thơ và tiếng sáo, tiếng đàn tranh dặt dìu khoan nhặt. Đôi lúc, tôi cũng góp mặt vào chương trình thơ để thấy lòng mình cũng nao nao hứng khởi vì không khí thật trữ tình. Sau mỗi đêm thơ chúng tôi thường đi ăn cháo khuya hoặc đi dạo đâu đó. Có lần, nhà thơ Nguyễn Duy xuống giao lưu thơ, sau đó Hội đã thuê đò đưa anh đi quanh các cồn để ngắm trăng nước mênh mông, nhà thơ nằm dài trước mũi đò ngước mặt nhìn trời, lặng thinh không nói câu nào. Chắc có lẽ ông đang mải đắm mình trong không khí thoáng đãng mơ màng của một đêm trăng miền sông nước.

Từ ngôi nhà đó, nhiều văn nghệ sĩ tài năng của tỉnh tụ hội về, những văn nghệ sĩ trẻ đã được ươm mầm, trưởng thành và cống hiến tài năng của mình cho phong trào văn học nghệ thuật Tiền Giang cũng như cho cả nước. Chắc hẳn những người đang còn gắn bó với Hội hoặc những người đã đi nơi khác, mỗi khi nhớ về Hội không ai là không mang trong lòng những kỷ niệm khó quên.

Tôi rời khỏi quê hương Tiền Giang từ năm 1999, vì bận sinh kế ít khi trở lại ngôi nhà cũ. Mấy năm sau nầy có dịp về thăm, ngôi nhà cũ đã bị đập bỏ xây lại khang trang. Hàng me mát rượi phía trước đường giờ đây trống hoác, thay vào đó là mấy cây con mới trồng, tàn lá chưa đủ màu xanh mượt. Có lần về Hội, tôi ở lại qua đêm trong căn phòng rộng rãi ở tầng hai (trụ sở mới của Hội), buổi tối đứng một mình ngoài ban công, lặng ngắm phía căn nhà cũ chợt nghe ngậm ngùi... Tôi như còn nghe tiếng cười đùa văng vẳng của đám nhóc ngày nào vọng sang. Bây giờ Thu Trang, Huỳnh Mai đã có nhà riêng to đẹp, chú Trần Linh, anh Bảy Nhuận (lãnh đạo Hội ngày trước) đã nghỉ hưu, những người quen cũ đi tứ tán, người còn ở lại Hội thì tất bật bộn bề với bao nhiêu công việc (thời mở cửa hoạt động văn nghệ cũng sôi nổi hơn nhiều), không còn những ngày thư nhàn như xưa...

Dù sao thì cũng mừng, vì căn nhà mới khang trang, hiện đại hơn, lực lượng văn nghệ sĩ đông đảo hơn, sức cống hiến của văn nghệ sĩ Tiền Giang đa năng đa diện hơn. Mong ước sao, Hội mãi là mái nhà chung ấm áp cho những người đang sáng tác ở quê nhà cũng như những người đã tha hương, lìa xứ như tôi.
Kim Quyên
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 325
  • Hôm nay: 34584
  • Tháng hiện tại: 2403009
  • Tổng lượt truy cập: 48777136