Nơi chiến tranh ở lại

Đăng lúc: Thứ hai - 16/05/2011 09:06
Gia đình ông Nguyễn Hữu Đức có ba suất trợ cấp nạn nhân chất độc da cam dioxin. Ông đã gần tới tuổi thượng thọ nhưng chưa bao giờ được thảnh thơi. Mặc dù là cán bộ nghỉ hưu có mức lương kha khá nhưng cuộc sống của ông vẫn chỉ vừa đủ đắp đổi qua ngày. Ông đã phải tính đến từng đồng trong mọi chi tiêu, nhưng mỗi khi trái nắng trở trời, cán cân tài chính của gia đình ông lại thâm thủng… Lý do là các con ông và cả ông nữa đều trở bệnh, mà toàn là bệnh đột xuất ở hầu hết các bộ phận cơ thể, chẳng lần nào giống lần nào, đến nỗi nhìn vào sổ y bạ của ông và các con ông, bác sĩ phải lắc đầu vì nó có quá nhiều bệnh ở các thời điểm khác nhau…

Ngày sức khỏe còn chịu đựng được ông đi làm, vợ ông gánh cho ông cái công việc chăm sóc đại gia đình, nên ông cũng chưa cảm nhận hết những khó khăn về vật chất, những tổn thương về tinh thần… Từ khi, vì quá sức chịu đựng của một con người liên tục suốt thời gian hơn hai chục năm trời, bà vợ ông ra đi vì căn bệnh ung thư gan mà nguồn gốc có lẽ cũng từ những lần phơi nhiễm chất độc da cam…, trút lại gánh nợ đời cho ông, ông mới thấm thía cái sự hành hạ thể xác và tinh thần; nó cực nhọc dằn vặt đến thế nào. Mà cái "gánh nợ đời" ấy có phải tự ông hay phước đức gia đình tạo ra  cho nó cam, đằng này nó hoàn toàn do khách quan mang lại mới tội chứ.

Hôm ấy trời trong xanh, mây bồng bềnh trắng nắng vàng mật ong… như mọi ngày thu trên quê hương Nam bộ, ông đang làm việc trong văn phòng Khu ủy ở căn cứ giữa Đồng Tháp Mười thì có tiếng máy bay ầm ì trên trời. Nghe tiếng quay dè dè ông biết đó là loại máy bay cánh quạt chứ không phải máy bay phản lực bỏ bom như mọi lần. Ai nấy chạy ra cửa hầm đứng nhìn thì thấy ba chiếc máy bay ào ạt bay qua và theo sau nó là làn bụi trắng như sương, như khói bao cả bầu trời rồi từ từ phủ xuống rừng cây, vườn, ruộng và nơi cơ quan ông đang đóng. Ông và đồng đội vội lấy áo mưa trùm kín đầu, vào trong hầm. Đến khi máy bay đi khỏi, các ông ra ngoài, thấy trên lá tràm, trên mặt đất, mặt nước, bám đầy những chất vàng vàng, tim tím, lấp lánh dưới ánh mặt trời… Chẳng ai biết nó là thứ bột gì… Máy bay đi xa mọi người trở lại phòng làm việc, thậm chí còn xuống đìa tắm rửa, giặt giũ bình thường.

Nhưng rồi hai hôm sau khi ngủ dậy, mọi người mới nhận ra sự lạ lùng là hàng hà cây cối trong khu vực, cây thì héo nhũn, cây thì lá ngả màu vàng như chuẩn bị thay hàng loạt… Và sau đó các ông cũng được thông báo của cấp trên là căn cứ đã bị rải chất rụng lá, diệt cỏ; phải sơ tán khẩn cấp cơ quan nếu không mấy ngày nữa nơi đây sẽ thành đồng không mông quạnh, máy bay tới ném bom…

Cái ngày 10 tháng 8 năm 1961 ấy có ai ngờ đó lại là ngày bắt đầu của một chuỗi thảm họa khôn lường cho hàng triệu người Việt Nam và hàng chục ngàn lính Mỹ cũng như đồng minh của Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam.

Theo thống kê được công bố, kể từ năm 1961 Mỹ đã bắt đầu thử nghiệm loại độc tố mà ngày nay chúng ta chính thức gọi là chất độc da cam dioxin và các loại thuốc diệt cỏ khác, chúng được sử dụng rộng rãi với hàm lượng cao trong các năm 1967 - 1968 và mãi đến năm 1971 mới chính thức ngưng sử dụng.

Trong 10 năm (1961 - 1971) quân đội Mỹ đã rải 76,9 triệu lít hóa chất này xuống núi rừng, đồng ruộng nước ta, trong đó 64% là chất độc màu da cam, 27% là chất màu trắng, 8,7% là chất màu xanh, 0,6% là chất màu tím. Các chất này được trộn với dầu diezel hoặc dầu hỏa trước khi dùng máy bay phun xuống, trong số các chất độc đã sử dụng có khoảng 370 kg dioxin (trong khi năm 1976 ở Seveso Ý chỉ với 30 kg dioxin bị thải ra môi trường mà tác hại của nó đã kéo dài hơn 20 năm, theo Nature tạp chí).

Theo thống kê ban đầu tổng số diện tích đất đai nước ta bị ảnh hưởng chất độc da cam dioxin là 2,63 triệu hécta, với 25,585 thôn ấp bị ảnh hưởng và số người bị phơi nhiễm gần 5 triệu. Có thể nói đây là chiến dịch dùng hóa chất lớn nhất trên thế giới từ trước đến nay, như tạp chí Nature công bố: Đã có trên 400.000 người chết vì chất độc da cam dioxin rải xuống Việt Nam từ năm 1961.

Nhìn bên ngoài ông Nguyễn Hữu Đức vẫn là một ông già tráng kiện với tuổi gần 80 ông còn đi lại, làm việc bình thường, nhưng tóc trên đầu ông gần như rụng hết, hai người con gái do vợ chồng ông sinh ra sau cái ngày Mỹ rải chất độc da cam dioxin lên cơ quan ông ba bốn năm thì đã biểu hiện tật nguyền sau khi sinh được tám, chín tháng.
Ông kể:

"Khi sinh ra, các cháu đều bình thường, nhưng sau tám, chín tháng đứa thì không biết nói, đứa không biết ngồi, mặt dần biến dạng, khi lớn lên đi được nhưng chân tay co, rút, phát triển bất bình thường, trí tuệ bị thiểu năng, có rất nhiều bệnh tật đặc biệt và bất ngờ, riêng con chị càng lớn bệnh thần kinh càng phát nặng, tôi cứu chữa động viên mãi cũng chỉ học dở lớp chín…". Cái chất dioxin ngấm vào người ông khi ông nằm trong vùng hủy diệt của chúng, cho đến nay tuy nó không đủ sức phá hủy đời ông (còn sau này chưa biết), nhưng nó đã trực diện tấn công vào thế hệ con cái do ông sinh ra.

Trong một chiều mùa xuân ấm nắng năm Canh Dần tại vườn thơ biệt thự Hoa Mai, ngồi nhấm nháp tách trà San tuyết tôi mời bên bàn đá, dưới tán cây si già bằng giọng trầm trầm, cặp mắt xa xăm ông Hữu Đức tâm sự với tôi "Tạm gác ý nghĩa mục đích của cuộc chiến tranh của ta với quân đội Mỹ trên đất nước ta; điều mà tôi muốn đặt vấn đề  ở đây là trong cuộc chiến giữa hai bên, anh triệt hạ tôi, tôi có quyền triệt hạ anh thế thì có thể dùng bất kỳ vũ khí gì để trực tiếp sát hại vào con người của nhau. Nhưng tại sao anh dùng chất độc, để hại đến tận cuộc đời con tôi? Chúng nó có tội gì? Lúc anh và tôi đánh nhau chúng đâu có trên cõi đời? Rõ ràng anh vô nhân đạo, anh vi phạm nhân quyền, còn nếu anh bảo anh không biết chất độc tác hại đến cơ thể con người như thế thì tại sao anh lại đem ra dùng?".

Trong thực tế thì cũng đã có hàng chục, hàng ngàn chiến binh quân đội Mỹ, Canada, Úc, Nam Triều Tiên và binh lính ngụy quân Sài Gòn cũng bị phơi nhiễm đến đời con cháu.

Đã có hàng ngàn, vạn người ở thế hệ cháu của người phơi nhiễm là quái thai, mang dị tật… Ông Trần Xuân Thu - Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam dioxin Việt Nam nói: "Hiện nay đã có nhiều người thế hệ thứ ba bị ảnh hưởng chất độc này, trở thành dị dạng, mắc bệnh kinh niên không thể có cuộc sống bình thường và đã có nhiều cảnh báo khoa học là có thể tới thế hệ thứ năm".

Người ta đã không loại trừ nếu bây giờ không xử lý triệt để vùng đất bị ô nhiễm nặng thì vẫn có người bị phơi nhiễm, khi sinh sống ở những nơi này.

Trong một lần đi trao nhà tình thương cho gia đình nạn nhân chất độc da cam với tôi, Anh hùng lực lượng vũ trang Hồ Bé - Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam dioxin tỉnh Tiền Giang nói với tôi:

- Chỉ nghe kể thôi chưa đủ, xem ảnh, xem phim về họ, những người phơi nhiễm di chứng  do chất độc dioxin đã để lại ấn tượng mạnh làm chảy nước mắt nhiều người. Nhưng nhà thơ hãy gặp trực tiếp họ, hãy nhìn những quái thai được lưu giữ lại trong các bình thủy tinh đã được ngâm tẩm phoọc môn… cảm xúc sẽ khác rất nhiều, nước mắt có thể không thể chảy ra ngoài mà nó chảy ngược vào trong. Nụ cười của họ, giọng nói của họ, động tác của họ là của con người hay không phải của con người? Con người ư? Đúng họ có tên tuổi, do con người sinh ra mà, nhưng họ không có tư chất của con người, không phải là da của con người, không phải tứ chi của con người, không phải mặt của con người… Với nhiều cấu trúc khác nhau ở mỗi nạn nhân biểu hiện những dạng khác nhau… Đó là quái thai của một sinh vật bị một loại hóa chất do chính con người nghĩ ra, tác động qua con người sinh ra họ… Và ông chỉ có thể nghẹn lời, chỉ có thể trào dâng cảm xúc đau thương, căm giận… Và nếu họ, những người trực tiếp hoặc gián tiếp gieo rắc, sự dã man này nhìn thấy, sờ thấy thì họ không chỉ  phải hối hận mà còn phải xám hối về tội lỗi của mình.

Hình như cứ mỗi lần gặp một gia đình nạn nhân là hội viên của mình thì ông lại thất thần và đêm đó tóc ông bị rụng thêm vài cọng… Cho nên dù mới dưới 70 tuổi sức khỏe còn tạm được nhưng trên đầu ông chỉ còn rất ít tóc, lưa thưa bạc trắng trỏng trơ. Có lần ông nói với tôi:

- Đỗ Liêm ơi, người ta bảo tiếp xúc nhiều sẽ quen nhưng tôi dù đã là người lính trực tiếp chiến đấu đối mặt với thương tích chết chóc nhưng mỗi khi đối mặt với nạn nhân bị phơi nhiễm,  cảm giác xót đau, giằng xé trong lòng tôi lại dâng trào nhiều hơn, không bao giờ chai lì trong ý thức hay tình cảm được. Còn với ông Hữu Đức thì: “Hơn 40 năm nay chưa bao giờ
trong lòng tôi được một giờ thanh thản!”.

Quả thật tôi quen và gần gũi ông kể cũng hơn chục năm nay, dù ông là người làm thơ, là chủ nhiệm Câu lạc bộ thơ Người cao tuổi của tỉnh, nhưng tôi chưa bao giờ được thấy một lần ông cười sảng khoái, dù rằng trong cuộc sống sinh hoạt văn thơ của ông cũng có lúc - tôi nghĩ ông có thể nở nụ cười như thế…

Làm sao ông có thể thanh thản được khi mà giờ đây ông luôn phải trực tiếp chăm sóc nuôi dưỡng hai người con gái áp út của ông đã ngoài bốn mươi, một người thì tổn thương thần kinh quá nặng một người thì dị dạng, thiểu năng trên mọi phương diện, không biết nghĩ, biết làm bất cứ việc gì cho bản thân vẫn được gọi là "con người của mình".

Dioxin là gì mà gớm ghê như vậy? Bách khoa toàn thư Wikipedia viết "Dioxin là tên gọi chung của một nhóm hàng trăm các hợp chất hóa học tồn tại bền vững trong môi trường cũng như trong cơ thể  con người".

Những bệnh có liên quan đến dioxin trên con người đã được tổng kết như: ung thư, nám da, đái tháo đường, ung thư trực trùng kháng hodgkim, thiểu năng sinh dục cho cả nam và nữ, sinh con quái thai, thiểu năng trí tuệ, đẻ trứng. Mức độ nhiễm dioxin trong sữa mẹ ở miền Nam Việt Nam cao gấp
50 lần sữa mẹ ở miền Bắc, nơi không bị sử dụng chất độc
da cam…

Ôi! Liệu có chất gì trong thiên nhiên và trong nhân tạo có thể độc hại hơn với con người đã được dùng từ khi có loài người đến giờ?

Bom nguyên tử liệu có bằng? Có lẽ 2 quả bom nguyên tử ném xuống nước Nhật trong thế chiến thứ hai cũng không để lại di chứng tai hại cho con người nhiều bằng 370kg dioxin Mỹ rải xuống Việt Nam trong thập niên 60 - 70 thế kỷ trước.

Đã từng và thường xuyên nhiều năm tham gia các chương trình xóa đói giảm nghèo, tình thương, tình nghĩa, cứu trợ, trao tặng học bổng, cung cấp vốn làm nhà… với nhiều đối tượng xã hội khác nhau, sau mỗi lần làm được một động tác như thế tôi thường cảm thấy yên lòng và tôi tin là những gia đình, những người nhận được sự giúp đỡ ấy họ có thể tự đứng dậy được, họ đổi đời được và thời gian cũng đã chứng minh suy nghĩ của tôi là đúng với khá nhiều đối tượng tôi trực tiếp giúp đỡ. Nhưng riêng với nạn nhân nhiễm chất độc da cam dioxin thì hoàn toàn ngược lại… Với họ, chúng ta không thể giao "cần câu" mà chỉ có thể cho họ "con cá" thậm chí con cá cũng có người không thể kho nấu để ăn được. Do đấy với số đối tượng này chúng ta giúp đỡ, chia sẻ với họ không chỉ là tặng quà, cứu trợ mà còn phải nuôi dưỡng lâu dài… Cách đây mấy ngày trong một buổi đàm đạo tại nhà, ông Hữu Đức đặt cho tôi câu hỏi: “Trong chiến tranh người chiễn sĩ bị vũ khí bom, đạn gây thương tích cho cơ thể thì được công nhận là "thương binh", trong khi những người chiến sĩ khác bị chất độc hóa học da cam dioxin cũng là một thứ vũ khí của địch thì lại gọi là "nạn nhân chất độc da cam" và hưởng chế độ thấp hơn không chín ngạch như vậy liệu có công bằng? Rồi con cái của họ sinh ra cũng chỉ là nạn nhân như con bao người khác không tham gia trực tiếp cuộc kháng chiến? Tôi đồng quan điểm với ông, rõ ràng đó là một bất công! 

Nếu một ngày nào đó chắc sẽ rất gần thôi, ông Hữu Đức ra đi (vì nay ông đã gần 80 tuổi) thì hai người con của ông (nay mới trên 40 tuổi) ai sẽ nuôi dưỡng hàng ngày? Trên đất nước ta hiện còn có hàng trăm ngàn gia đình có tương lai mờ ảo như và hơn gia đình ông Hữu Đức! Ở những mức độ phơi nhiễm khác nhau, các dị tật, bệnh tật khu trú ở những vùng khác nhau của cơ thể, do đó rất nhiều nạn nhân vẫn có nhu cầu và khả năng sinh lý và sinh con. Trong khi về mặt đạo đức và pháp luật không ai được phép cấm cản những nạn nhân xây dựng gia đình, sinh hoạt tình dục… Và như vậy thì chiến tranh còn ở lại trong nhiều gia đình trên đất nước ta có khi đến hết thế kỷ hai mươi mốt sang thế kỷ hai hai. Điều này cũng đã được giáo sư Rumax Vladimia xtepanovich  khẳng định "Nếu trẻ sống trong vùng phơi nhiễm cũng bị hậu quả tới 100 năm". Thống kê tại Bệnh viện Từ Dũ thập niên 1980, 1 ngày/1 trẻ dị tật sinh ra, cuối thập niên 90, đầu thế kỷ 21, 1 ngày/1,5 trẻ dị tật sinh ra…

Kết thúc chiến tranh, thống nhất nước nhà hầu hết liệt sĩ, thương binh, những người hy sinh cho cuộc chiến tranh ái quốc vĩ đại của dân tộc về cơ bản đã được nhà nước, nhân dân ghi nhận tôn vinh, được nhận chế độ, đền ơn đáp nghĩa. Với những người bị phơi nhiễm chất độc da cam trong cuộc chiến tranh và con cái họ, họ không chỉ là nạn nhân, mà theo tôi họ còn là người hy sinh vì sự nghiệp cao cả của dân tộc; họ cũng bị đau khổ, thiệt thòi không kém gì liệt sĩ, thương binh, nhưng vẫn chưa được hưởng một chính sách rõ ràng, lâu dài mang tính pháp lý!

Khi đặt ra vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Đức chỉ thở dài và đôi mắt dõi về một hướng xa xăm chờ đợi… còn Phó Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam - bà Nguyễn Thị Doan thì đã nói:  "Nạn nhân chất độc da cam dioxin Việt Nam là những người đau khổ nhất trong những người đau khổ".

Chiến tranh sẽ còn ở lại hàng triệu gia đình Việt Nam với thời gian khác nhau là một thực tế. Vì vậy nên chăng ngoài việc đi đòi công lý, đòi bồi thường của những người sản xuất, sử dụng, chúng ta nên có một chính sách được luật hóa, việc chăm sóc đối với những người bị thiệt thòi trong cuộc kháng chiến giành lại độc lập tự do, hạnh phúc, hòa bình cho Tổ quốc, cho dân tộc, mà
hiện nay chúng ta đang được thụ hưởng?

Tháng 9-10/2009
(Giải KK cuộc thi Ký ĐBSCL 2010)

Trần Đỗ Liêm
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin cũ hơn

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 430
  • Khách viếng thăm: 408
  • Máy chủ tìm kiếm: 22
  • Hôm nay: 69797
  • Tháng hiện tại: 1818697
  • Tổng lượt truy cập: 48192824