Mùa xuân của người nghệ sĩ

Đăng lúc: Thứ ba - 17/01/2012 09:04
Minh Họa: DH

Minh Họa: DH

Đều đặn chu kì một vòng quay quanh mặt trời, bốn mùa tiếp nối theo nhau như đồ thị in dấu bước chân thời gian, như vệt đỏ dòng máu của vũ trụ. Chế Lan Viên gọi là “hái theo mùa”. Chẳng thể nào hái hoa sen giữa mùa thu, tìm mai vàng giữa hạ nắng chang chang? Mùa nào cũng có vẻ đẹp riêng của nó. Song phần đông con người yêu tha thiết mùa xuân. Trong chữ “xuân” của người Hán còn có nghĩa là “xanh”. Mùa xanh tươi rạo rực vạn vật bắt đầu trỗi dậy sau ba tháng “sống treo”, sau chín mươi ngày “ngủ đông”.

Nữ thần mặt trời xinh đẹp bước tới chào mời, liếc mắt đưa tình khiến vạn vật bừng tỉnh… Chiều qua cây vườn còn “Những luồng run rẩy rung rinh lá, đôi nhánh khô gầy xương mỏng manh” mà sáng nay đã nẩy nụ li ti biêng biếc. Và ta lơ đãng chút xíu thôi, mai đã vàng rực ngẩn ngơ… Bước chân du khách dùng dằng vì nàng xuân mời gọi…

Nhân gian ai cũng háo hức chào đón mùa xuân. Người mang tâm hồn nghệ sĩ càng say đắm khoảnh khắc xuân về! Cùng gió nắng mùa xuân, mai vàng ngẩn ngơ quyến rũ, pha thêm chút men nồng chưng cất từ đồng ruộng quê hương, người nghệ sĩ dễ cao hứng “đầu năm khai bút, bút khai hoa”. Nhất là dịp anh em nghệ sĩ trùng phùng giữa bình minh năm mới: “Cũng có lúc rượu ngon cùng nhắp, chén quỳnh tương ăm ắp bầu xuân” (Nguyễn Khuyến). Thơ văn dạt dào tuôn chảy, những đóa hoa tâm hồn bung nở đón chào xuân! Hài hòa nhịp sống của tự nhiên. Muôn đời vẫn thế.

Tôi phiêu dạt, bao năm chưa ăn Tết quê nhà. Chiều ba mươi, ngồi bên sông Tiền ngắm mặt trời chìm dần xuống dòng nước bạc bỗng nghe tiếng thơ Thôi Hiệu: “Nhật mộ hương quan hà xứ thị. Yên ba giang thượng sử nhân sầu” (Quê hương khuất bóng hoàng hôn. Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai?). Mùa xuân không người thân, thiên lí hương quan. Ngồi chung ghế đá với mấy bạn Tây ba-lô, tôi hát: “Sông Lô chiều cuối năm, ai tìm về bên ai? Tôi tìm về bên em…”. Anh ở sông Lô còn có em để tìm về. Còn tôi ở sông Tiền chẳng có ai thân thích mà hàn huyên… Khoảnh khắc đoàn tụ gia quyến thân thích vào bữa cơm chiều ba mươi càng làm tôi tủi phận, càng khiến mình cô đơn hơn bao giờ hết! Tôi không có mùa xuân từ ngày lưu tán. Bởi vậy chẳng viết được dòng thơ xuân nào. Mà có viết chỉ là tiếng buồn không thể hòa điệu cùng ai… Giờ mới biết rõ: mình chỉ ham viết chứ chưa phải là nghệ sĩ. Bản lĩnh sáng tạo của nghệ sĩ là càng khổ hận, càng bức xúc càng quăng quật gió mưa phong trần lại sáng tạo tuyệt vời! Như cây thông trên núi cao tán xanh tươi rì rào ca hát. Như hồng đào xứ Bắc “Càng sương giá lạnh càng ngời sắc xuân” (Tố Hữu)…

Thi thánh Đỗ Phủ, năm 766, chạy loạn lên thượng nguồn Trường Giang, ở Quỳ Châu, Tứ Xuyên (Trung Quốc), chỉ bốn năm cuối đời (766-770), trên con thuyền rách nát cô đơn bệnh tật, ông đã làm 400 bài thơ. Nó chiếm gần 1/3 tổng số thơ cả đời ông (1.500 bài). Thơ buồn, văn oán, nỗi niềm trắc ẩn kiếp người khi thấm vô con chữ có sức lay động lòng người ghê gớm lạ kì và sống lâu muôn thuở. Mà nghĩa của mùa xuân cũng là xanh tươi vạn đại thiên thu đấy thôi! Nước mắt cô đơn: “Tùng cúc lưỡng khai tha nhật lệ, cô chu nhất hệ cố viên tâm” lắng kết thành mùa xuân của thi thánh Đỗ Phủ hiến dâng đời. Qua 1.245 vòng quay vũ trụ rồi, mà tình xuân ấy vẫn hôi hổi đâu đây? Người ta kể rằng: Vương Bột làm thơ hay xuất thần rồi đoản mệnh. Lê Quý Đôn của ta cũng vì  “Tinh hoa phát tiết ra ngoài. Nghìn thu bạc mệnh một đời tài hoa” (Nguyễn Du).

Hàn Mạc Tử, Vũ Trọng Phụng tài hoa xuất chúng, sáng tác với khối lượng phi thường. Hai nghệ sĩ cùng ra đi ở tuổi 27- 28 (Hàn Mặc Tử mất 1940, Vũ Trọng Phụng mất 1939, cùng sinh năm sinh 1912). Năm 2004, Số đỏ của  Vũ Trọng Phụng được thế giới tôn vinh là cuốn sách hay nhất trong năm. Ai từng qua Ghềnh Ráng gặp Dzũ Kha chép thư pháp những vần thơ của Hàn? Trong làn nắng ửng khói mơ tan. Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng. Sột soạt gió trêu tà áo biếc. Trên giàn thiên lý bóng xuân sang. Mảnh đất trần gian người “tạm trú”, “ở trọ” thoáng chốc nhưng mùa xuân trong thơ Hàn là miên viễn, vĩnh hằng !

Tôi nhớ nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương sáng tác bài “Đêm đông” vào một đêm mùa đông Hà Nội, quê ông ở tận trong Nam. Nhạc sĩ Phạm Tuyên viết “Gửi nắng cho em” khi vô Sài Gòn “Anh ở trong này không có mùa đông, muốn gửi cho em một ít nắng hồng, xua cái rét của thợ cày thợ cấy…”. Mùa xuân đất trời mỗi năm chỉ một lần, ngắn ngủi “Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi” (Nguyễn Du), nhưng với nghệ sĩ xuân không chỉ khép lại cùng thời gian mà vĩnh viễn trường tồn.

Mùa xuân của nghệ sĩ phải chăng chính là cái tài cái tâm, là ý tưởng sáng tạo, là thông điệp nhân sinh sâu thẳm và rất riêng tư trong tác phẩm thi ca nhạc họa và cả lời bình văn thơ, cả công trình khoa học mà họ dâng tặng cõi người?

Trước năm 1945, thi sĩ Xuân Diệu đã sung sướng phát hiện ra “Xuân không mùa”. Với ông, mùa xuân của sáng tạo thi nhân không chỉ gói gọn trong 90 ngày mà hễ vui sướng tìm thấy cảm hứng yêu thương cõi đời là gặp MÙA XUÂN - XUÂN LÒNG, “Tình không tuổi và xuân không ngày tháng!”. Trước đó, Xuân Diệu từng cực đoan khẳng định: Chỉ có mùa xuân tuổi xuân mới đẹp nhất, đáng sống, nếu qua rồi là chấm hết!

Mỗi nghệ sĩ có thời phát tiết thăng hoa nhung tuyết khác nhau. Phần nhiều rơi vào tuổi trẻ sung sức, thậm chí lúc còn rất trẻ. Nhưng cũng có người “xuân muộn”… Gừng càng già càng cay. Ví như “Tây du kí” - đứa con tinh thần được sinh ở tuổi ngoài 70 của Ngô Thừa Ân. Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Công Trứ phải trên bốn mươi mới đậu đạt và phát tiết tài hoa. Trạng nguyên Nguyễn Hiền mới 12 tuổi. Trong khi Đoàn Tử Quang, người Hà Tĩnh 82 tuổi (1900) mới đậu đạt, làm quan 10 năm rồi hưu, thọ trên trăm tuổi. Thường thì mùa xuân thi nhân phát tiết sớm. Còn văn xuôi muộn vì cần tích lũy trải nghiệm
trường đời?

Mặt khác, tác phẩm hay - mùa xuân dâng tặng của nghệ sĩ phụ thuộc nhiều “hợp chất” và kể cả may mắn “nhặt được”, may mắn đồng điệu tri âm loan - phượng song phi. Hồi cuối tháng 10/2011, tôi gặp nhà thơ Lê Huy Mậu (tuổi Mậu Tí 1948) - tác giả của “Khúc hát sông quê”. Tác phẩm này viết 2006, lúc anh 58 tuổi, trong dịp Tết về thăm quê xứ Nghệ:

“Xin bắt đầu từ hạt phù sa

Ta cúi nhặt tình cờ

             bên bờ sông tháng chạp”.

Nếu không “Quá nửa đời phiêu dạt” nơi Vũng Tàu và không tri âm góp đôi cánh âm nhạc với Nguyễn Trọng Tạo thì mùa xuân - tâm huyết của Lê Huy Mậu coi chừng chìm khuất trong lớp lớp trùng trùng bài thơ khác? Ấy, vấn đề khó khăn của thời ngập lụt thông tin, dễ dàng xuất bản văn bản văn chương là đây! Giống như cây đại thụ tán rợp xum xuê, triệu triệu lá xanh chồng xếp nhau. Sao biết đâu “lá ngọc cành vàng”?

Nghệ sĩ lao tâm khổ trí một đời mong lắng đọng được tác phẩm, thậm chí một câu thôi sống được với đời. Đó là mùa xuân tâm hồn tài hoa của nghệ sĩ. Thế kỉ XVIII, thiên tài Nguyễn Du đã khao khát: “Bất tri tam bách dư niên hậu. Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như”. Tôi đồng ý với cách hiểu của nhà thơ Lê Ái Siêm là: Tố Như khát khao người đời sau tri âm tiếng thơ mình, đón nhận mùa xuân của mình, “Sống là thể phách, thác còn tinh anh”…

Nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn tâm sự: Mình không chịu già, chỉ đang sống ở tuổi 83 thôi ! Nữ thi sĩ Xuân Quỳnh xem mỗi ngày “lại bắt đầu” một mùa xuân sáng tạo ban đầu­­:

“Một con tàu

          chuyển bánh ngoài ga

Làn nước mới

          trời xanh và mây trắng

Ngô non mướt,

          bãi cát vàng đầy nắng

Như chưa hề

            có mùa lũ đi qua…

….

Những mùa sen,

                 mùa phượng đã xa

Trên khắp nẻo

              lại bắt đầu mùa cúc

Rồi hoa đào

           lại tươi hồng nô nức

Như chưa hề biết đến tàn phai”

(Lại bắt đầu- XQ).

Khao khát giữ mãi mùa xuân của chị cũng là khao khát của con người nói chung. Dù thân xác phôi phai vì tuổi tác. Nhưng tâm hồn vẫn mãi thanh xuân “tình không tuổi” !

Mùa xuân là mùa của hạnh phúc ái ân. Nữ sĩ Xuân Hương “Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại” bởi cái hồng nhan trơ trọi giữa mênh mang. Chữ XUÂN mang nhiều nghĩa lắm. Nó là ái ân tuổi trẻ, là hạnh phúc, là khao khát trần tục, là sức sống phơi phới tràn đầy...

Hồ Chí Minh mỗi năm T­ết đến đều làm thơ xuân. Trong tù ngục, Người ngậm ngùi: ở ngoài người ta vui Tết còn “Chẳng hay trong ngục kẻ ăn sầu?”. Nhưng niềm tin chắc chắn mùa xuân tự do sẽ đến trong giấc mơ : “Canh bốn canh năm vừa chợp mắt. Sao vàng năm cánh mộng hồn quanh”; đến trong phán đoán tỉnh táo của trí tuệ của Người: “Ví không có cảnh đông tàn, thì sao có cảnh huy hoàng ngày xuân?”, “Nhà lao mở cửa ắt rồng bay”. Rồi những năm đầu kháng Pháp gian khổ, giặc tiến lên căn cứ năm 1947, Bác có bài  “Đi thuyền trên sông Đáy”:

Dòng sông lặng ngắt như tờ

Sao đưa thuyền chạy,

               thuyền chờ trăng theo

Bốn bề phong cảnh vắng teo

Chỉ nghe kót két

              tiếng chèo thuyền nan

Lòng riêng

          riêng những bàng hoàng

Lo sao khôi phục

                giang sơn Tiên Rồng

Thuyền về trời đã rạng đông

Bao la

nhuốm một màu hồng đẹp tươi.

Ngày tháng hiểm nguy như thế mà Bác vẫn tin xuân sẽ đến. Xuân 1948, Người ngẫu hứng mùa xuân với “Nguyên tiêu”. Bây giờ được xem là bài “Nguyên soái” của thơ Việt Nam.

Kim dạ nguyên tiêu

                 nguyệt chính viên

Xuân giang, xuân thủy,

                        tiếp xuân thiên

Yên ba thâm xứ đàm quân sự

Dạ bán quy lai

                   nguyệt mãn thuyền.

(Rằm xuân lồng lộng trăng soi/ Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân/Giữa dòng bàn bạc việc quân/Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền/Xuân Thủy dịch). Câu tuyệt bút là câu thực có ba chữ “xuân” liên tiếp tạo nguồn cảm hứng tràn trề sức sống thiên nhiên dưới trăng rằm nguyên tiêu. Xuân ở đây là nhựa sống đất nước, là linh cảm chiến thắng sắp tới và niềm vui trào dâng trong tim Bác. Sau này, thơ chúc xuân của Bác mang nhuệ khí của thời đại, của dân tộc như dòng điện kì diệu lan truyền vào tâm huyết quân dân ta, giúp cả nước vượt qua chiến tranh khốc liệt. Cái tâm, cái chí và cái trí phi thường của Bác đã dệt nên mùa xuân trong thơ ca và mùa xuân của Tổ quốc ta. Hồ Chí Minh vừa là nhà khoa học chính trị- quân sự tính toán, tiên liệu chính xác, vừa là nghệ sĩ nhạy cảm sâu nặng ân tình. Người đã hiến dâng cho dân tộc và nhân loại một mùa xuân vĩnh hằng!

Ai chẳng muốn sống thọ, hưởng trọn lộc trời ban? Được như Nguyễn Bỉnh Khiêm xưa, như Đại tướng Võ Nguyên Giáp, GS Trần Văn Giàu, GS Vũ Khiêu, nhà văn Tô Hoài… nay, ai không tự hào, mong muốn? Nhưng quan trọng là người nghệ sĩ có sáng tạo được tác phẩm tốt, thổi ngọn lửa yêu thương, tin tưởng vào con người. Có thể đơn giản chỉ là cái lá thường xuân vẽ trên tường y như thật cho Giôn và Xiu chống chọi hết đông tàn đón nhận xuân tươi. Tuyệt tác của hoạ sĩ già Bơ-men (Chiếc lá cuối cùng - Ô-hen-ry). Hay khiêm nhường như “Mùa xuân nho nhỏ”, bài thơ cuối đời của Thanh Hải.

Khao khát mùa xuân như thế nhưng có “Một mùa xuân nho nhỏ lặng lẽ dâng cho đời” quả thật phải vượt bao ngăn trở. Điều bất biến để dệt nên mùa xuân của nghệ sĩ là sống thực sự cùng buồn đau với kiếp người, tự nguyện lấy thịt da mình đắp lên vết thương hồn người. Và dũng cảm chịu đày ải, dầm mưa dãi nắng nơi đầu sóng ngọn gió của đất nước. Những tổn thương, bức xúc, những vết sẹo đa đoan chính là “hợp chất” tự nhiên HƯƠNG. Càng sương giá lạnh càng ngời sắc xuân…

Có những lão mai hơn 300 tuổi. Mỗi độ xuân về, cội u nần rêu mốc lại nở hoa vàng. Ông Bành Tổ sống lâu nhất cũng ba trăm năm. Cụ Hồ có bài thơ rất hóm: Sáu mươi tuổi vẫn còn xuân chán, so với Ông Bành vẫn thiếu niên! Tuổi người chẳng đọ nổi cổ thụ nguyên sinh. Có loại cây lâu năm thì bộng chạch vô dụng. Còn tùng bách ngàn năm hấp thụ khí âm dương sinh hổ phách, phục linh quý giá vô ngần. Nếu đào về nhốt trong chậu với một dúm đất thì nó sống làm sao? Cây cổ thụ như hoàng đàn, lim sến, gõ, pơ-mu hát trong đại ngàn. Nghệ sĩ lớn tắm mình trong mảnh đất tình người. Càng sống càng thông tuệ. Gỗ quý làm rường cột tòa tháp nguy nga. Người tài hoa là trụ cột nước nhà. Cây nhờ sương giá khắc nghiệt thành hổ phách. Nghệ sĩ nhờ huyết lệ trần gian mà dâng trào nhựa nóng mùa xuân?

 Sáng xuân này, tôi nâng ly trà nóng chát, ngắm cánh hoa rung rinh trong gió, nghĩ mông lung.

Trang văn có mỏng manh như cánh hoa kia? Dù gió có cuốn đi thể phách, thì hương tình vẫn sống mãi. Mùa xuân của nghệ sĩ là tuyệt tác để đời… Văn chương vạn đại xanh tươi bởi nghệ sĩ dồn tinh huyết đúc từng con chữ.

Nhâm Thìn 2012

Nguyễ Ngự Bình
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin cũ hơn

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 422
  • Khách viếng thăm: 416
  • Máy chủ tìm kiếm: 6
  • Hôm nay: 99883
  • Tháng hiện tại: 1521541
  • Tổng lượt truy cập: 47895668