Mùa hoa vạn thọ đã về

Đăng lúc: Thứ sáu - 13/02/2009 14:58
Mùa hoa vạn thọ đã về

Mùa hoa vạn thọ đã về

Khi tiết trời se se lạnh cũng là lúc nhà vườn chộn rộn lo làm đất gieo vạn thọ. Ngày mồng mười tháng mười âm lịch, theo kinh nghiệm của nội tôi, là lúc gieo vạn thọ cho hoa đúng ngay dịp Tết Nguyên đán.
Hơn mười năm trước, lúc còn đi học, tôi hay tỉ mẩn phụ nội làm đất, dọn cỏ trên mảnh sân trước nhà để trồng hoa vạn thọ đón Tết. Nội nói hoa nào cũng đẹp, cũng xinh, nhưng mấy ngày Tết ở miền Nam mà không có hoa mai, hoa vạn thọ xem như Tết không có ý nghĩa gì. Ngay cái tên của loài hoa cũng đã nói lên được điều đó, loài hoa đơn giản, mộc mạc nhưng đem đến cho người ta nhiều niềm tin trong cuộc sống. "Vạn thọ vô cương", hoa vạn thọ còn tượng trưng cho sự thành thật, nó sẽ đem đến cho chúng ta may mắn và hạnh phúc. Hoa thơm để cúng ông bà, bứng cả cây cho vào chậu để làm hoa kiểng trang trí trước hành lang hay trong phòng khách, trong lời chúc tụng khi xuân về ngoài bánh trà, câu đối đỏ còn có hương thơm vạn thọ tỏa lan.

Người nhà quê thì hay có lối suy nghĩ chân chất như thế, song tôi lại nhiễm cái triết lý sâu xa ấy hồi nào không hay. Cứ hễ bước qua tháng mười âm lịch là trong lòng bỗng nhiên khấp khởi vụ hoa xuân.

Nội tôi trồng hoa vạn thọ chủ yếu theo kinh nghiệm được tích lũy từ thời ông cố tôi còn sống. Trong mỗi vụ hoa Tết, trên sân nhà phải chừa lại một vài cây có hoa đẹp để làm giống cho mùa này năm sau. Nội tôi chọn những hoa to nhất, cánh hoa nở tròn vun lên như mâm xôi, thường gọi là hoa cái. Để nó không lẫn lộn với các hoa khác gọi là hoa đực khi khô lại, nội tôi dùng sợi bàng thắt gút dưới cuống hoa làm dấu. Đợi đến khi hoa trên cây khô hẳn thì hái xuống, đem phơi thêm vài nắng rồi cột chùm lại treo trên mái hiên trước nhà. Người ở quê hầu như nhà nào cũng làm y như vậy, riết rồi tôi thuộc lòng luôn cái cách làm truyền thống đó. Chứ thật ra hiện nay trên thị trường có nhiều giống hoa vạn thọ của Pháp, Thái Lan, có thể chọn 2 giống chủ yếu là vạn thọ lùn và vạn thọ cao. Vạn thọ lùn có thể trồng quanh năm, thích nghi rộng, cây cao 40-45cm, thời gian từ khi gieo hạt đến lúc nở hoa hoàn toàn là 60-65 ngày. Vạn thọ cao rất thích hợp trong Tết Nguyên đán, có thể trồng quanh năm, cây cao 65-70cm, thời gian từ lúc gieo đến nở hoa hoàn toàn là 65-70 ngày.

Có thể trồng hoa vạn thọ quanh năm, nhưng vụ chính là vào dịp Tết Nguyên đán. Đối với vạn thọ lùn thì gieo trồng trễ nhất là vào 5/11 (âm lịch), vạn thọ cao thì gieo trồng trễ nhất là 25/10 (âm lịch).

Điều thú vị nhất ở người trồng hoa là được chính tay mình chăm sóc nó và thấy nó trưởng thành qua từng giờ, từng ngày. Bởi thế cho nên tôi nguyện làm con ong thợ mò mẫm xới từng viên đất, qua nhà hàng xóm xin thúng phân trâu, khoanh một ô khoảng 5 tấc vuông trước sân nhà để bắt đầu cho công đoạn ươm mầm vạn thọ. Rồi cứ thế thấp thỏm lo âu, chờ đợi, vài ba ngày sau chúng nứt nanh, nhú mầm thì mới yên tâm thở phào nhẹ nhõm. Khi cây vạn thọ cao chừng nửa tấc (tức khoảng 15-17 ngày sau khi gieo) là bứng ra trồng ở những nơi định sẵn trên mặt đất, hoặc trồng trong giỏ tre. Khi cây được 35 ngày tuổi đã có 6-7 cặp lá, đồng thời các chồi nách ở lá 1, 2, 3 cũng vươn lên theo. Nội tôi dạy nên bấm đọt vào giai đoạn này để cây không vượt quá mức và giúp các chồi nách phát triển để tạo hoa sau này sẽ đều mặt và đẹp, chỉ nên chừa 5-6 cặp chồi nách sẽ tốt hơn. Khi cây được 45 ngày tuổi thì tất cả các ngọn đã có nụ, tôi phải tranh thủ dành chút thời gian tỉa bỏ tất cả các chồi nhỏ trong các nhánh chỉ chừa một bông chính thì hoa mới lớn và đẹp. Lúc hoa bắt đầu nở thì lượng phân bón và thuốc giảm tránh để lạm phân và thuốc làm cho cây chết héo, hoa nở không lớn và không vun tròn. Đến lúc này chỉ cần bõ công ra chăm sóc đầy đủ hàng ngày, trong lòng ta cảm thấy ngày xuân đến với làng quê thật nhanh, thật êm đềm và ấm áp làm sao.

Mỗi buổi sáng thức dậy tưới nước cho cây, tôi thích nhất là mùi hương nhè nhẹ tỏa ra từ những chiếc lá xanh nõn nà, một mùi hương thanh tao đến lạ kỳ. Cây vạn thọ càng lớn thì mùi hương của nó càng đậm đà, và không thể tả được khi chúng ra hoa. Vào đêm trăng tròn cuối cùng của năm cũng là lúc vạn thọ hé nụ cười xuân. Trên con đường đê cuối xóm người ta cũng nô nức đi tảo mộ ông bà. Nhìn những nụ hoa rung rinh trong giọt sương sớm, trong mỗi con người lòng xuân như trỗi dậy.

Tôi cũng vác cuốc theo ba tôi đi tảo mộ, nhưng tôi không thích dọn cỏ mà lẻn vào những đám vạn thọ người ta trồng dưới ruộng để hái rau đắng. Cái thứ rau "mọc sau hè" ấy vào mùa này sinh sôi nảy nở với tốc độ chóng mặt. Chúng mọc dày đặc dưới chân những đám rẫy nhờ "ăn ké" phân bón, nước tưới cho hoa màu còn đọng lại. Cho nên năm nào đi tảo mộ về, nhà tôi cũng có một tiệc cháo cá lóc rau đắng, mẹ tôi còn bày ra đĩa thịt gà xé phay trộn lá vạn thọ non thơm nức nở để ba tôi cùng với mấy bác nhấm rượu.

Ở nhà vườn, hoa vạn thọ bán Tết rất chạy, bởi vì chòm xóm với nhau nên giá cả lúc nào cũng vừa phải. Vả lại, hoa vạn thọ mua tại vườn thì muốn bứng đi lúc nào cũng được, nếu nhà cửa dọn dẹp chưa xong, người ta có thể đặt cọc chủ vườn, làm dấu để đó khi nào chưng sẽ đến bứng. Cho nên muốn kiếm tiền mua thịt heo ngày Tết chỉ cần một mảnh sân vườn nho nhỏ, trồng vài trăm cây vạn thọ là cũng đã thấy dư dả.

Những năm trước, do trình độ khoa học kỹ thuật chưa phát triển, những giống vạn thọ lai ghép chưa có, nên vạn thọ nhà vườn mặc dù hoa không to và sặc sỡ nhưng bán rất được giá. Mấy năm gần đây, nhà vườn nào không theo kịp những tiến bộ khoa học kỹ thuật trong khâu chọn giống và chăm sóc, trồng ra những cây hoa không đẹp, hoa không to, không ưng ý người mua thì coi như đem công bỏ chợ. Ở đây nó còn liên quan đến kinh nghiệm nhà vườn, nhất là xử lý thế nào cho ra hoa ngay Tết, bởi không phải lúc nào tự nhiên cây vạn thọ cũng cho hoa đúng dịp, mà còn nhiều yếu tố môi trường, thổ nhưỡng tác động. Nếu hoa có khả năng nở sớm hơn dự định, cần hãm tốc độ nở hoa bằng cách pha loãng phân urê theo tỷ lệ 10gram/ 10 lít nước để tưới, tưới ngày 2 lần (sáng, chiều) để kéo dài thời gian sinh trưởng của cây, công việc này thực hiện lúc cây 50 ngày tuổi. Nếu thấy hoa có khả năng nở muộn hơn dự định thì có thể xử lý bằng cách ngưng tưới nước 1-2 ngày để cây có triệu chứng thiếu nước nặng, khi lá vừa héo rũ thì nên tưới nước lại vừa đủ ướt đất trong giỏ, những ngày tiếp theo tưới nước đậm pha với bánh dầu (6 lít nước bánh dầu với 400 lít nước) để cây chuyển sang sinh trưởng sinh thực. Có thể sử dụng Nitrat Kali (KNO3) theo nồng độ khuyến cáo để kích thích ra hoa sớm. Quả thật cũng rắc rối cho những nhà vườn thiếu kinh nghiệm, phải không các bạn?

Xin mở ngoặc nói nhỏ, các bạn đừng cười, có một cái Tết tôi cùng nội tôi đem vạn thọ ra bán chợ đêm. Vì hoa không được bắt mắt, nên người ta cứ săm soi rồi bỏ đi, từ đầu đến cuối buổi chợ gần trăm cây vạn thọ tơi bời hoa lá, mà hoa không trồng trong giỏ tre nên rất mau héo trông não nề lắm. Nhìn quanh nhìn quất thấy không có cán bộ quản lý chợ, tôi và nội tôi bỏ "chốt" chuồn lẹ, kẻo không sáng ra mất công dọn, đem về nhà không biết chưng ở đâu cho hết.

Bây giờ đi chợ đêm tôi lại thích săm soi hoa vạn thọ bày bán, cũng có lúc trả giá khá hời, nếu thiệt rẻ thì mua cho vui, thế nhưng trong lòng lại cảm thấy nao nao. Nhà vườn một nắng, hai sương, bao nhiêu tâm huyết bỏ ra chỉ mong Tết bán được giá để sắm sửa mấy ngày xuân. Đằng sau những nụ hoa vạn thọ xinh tươi dâng hiến cho mùa xuân vẻ rực rỡ, niềm vui, là cả công sức, mồ hôi của người trồng hoa đã đổ ra trong suốt tháng rộng ngày dài…
Nhật Linh
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 421
  • Khách viếng thăm: 416
  • Máy chủ tìm kiếm: 5
  • Hôm nay: 40711
  • Tháng hiện tại: 2205371
  • Tổng lượt truy cập: 46172604