Cây đòn gánh

Đăng lúc: Thứ tư - 13/05/2009 15:00
Minh họa: Duy Hải

Minh họa: Duy Hải

Không biết tự bao giờ và từ lúc nào, cây đòn gánh đã có mặt trong nhịp sống của tất cả mọi người từ thành thị đến nông thôn. Từ Bắc vào Nam, đâu đâu cũng có thể thấy cây đòn gánh tre, oằn nặng trên vai những người dân Việt cần lao, chịu thương chịu khó…
Từ một cây tre già, người ta đã làm ra cây đòn gánh, với chiều dài trên dưới một mét (tùy địa phương làm ra nó), hai đầu có hai cái “mấu” để giữ hai chiếc “gióng” làm bằng tre hoặc mây già, có bọc da trâu cho bền, đòn gánh làm cứng quá thì gánh mau đau vai, mềm quá thì dễ gãy, thế nên chế tạo ra cây đòn gánh bền chắc, vừa với sức người gánh cũng là một nghệ thuật đấy! Đòn gánh với độ cong, độ cứng phù hợp sẽ “kẽo cà, kẽo kẹt”, nhún nhảy trên vai những người lao động, giúp cho họ đỡ đau vai và ít mất sức hơn.

Khi tôi nhận thức được thế giới xung quanh mình, thì tôi đã biết tới sự hiện diện của cây đòn gánh. Nó đã đi vào cuộc đời tôi qua thời tuổi thơ sống nơi quê ngoại, mỗi lần tản cư là ngoại tôi lại bỏ tôi vào một đầu gióng, đầu kia là vật dụng cần thiết cho gia đình trong lúc tản cư. Cứ thế, tôi ngồi trong thúng, thúng đặt trong gióng và móc vào cây đòn gánh, trĩu nặng trên vai ngoại tôi trong những lúc tản cư, hay những phiên chợ chiều. Ngày xưa, tôi hay đi theo bà ngoại mỗi lần bà gánh các thứ nông sản đi bán trên chợ huyện, bận về bà hay mua những thứ cần thiết bỏ vào thúng và gánh về, cứ thế một đầu gióng là hàng hoá, một đầu gióng là tôi - đứa cháu ngoại côi cút của bà - và đôi gióng gánh hình như đã đè nặng trên vai ngoại tôi, mẹ tôi và cả trên vai chị em tôi nữa!

Còn nhớ, lúc nhỏ theo mẹ về thị xã để ăn học khoảng những năm 60-70 của thế kỷ trước. Nhà nghèo, mẹ tôi phải đi buôn bán thêm con cá, mớ rau giúp thêm vào đồng lương ít ỏi của ba tôi, hầu nuôi sống cả cái gia đình có bốn chiếc “tàu há mồm” đều đang sức ăn, sức lớn. Cây đòn gánh và đôi quang gánh (gióng) kĩu kịt trên vai mẹ tôi từ sáng tinh mơ cho tới lúc lên đèn. Vào thời kỳ đó, nước máy là một thứ xa xỉ nên ít có nhà gắn đồng hồ nước để có nước sinh hoạt, mọi thứ nước đều hứng từ cái “phông-tên” công cộng gần nhà tôi. Mẹ tôi phải làm thêm cái “dịch vụ” gánh nước thuê cho người ta, mỗi đôi nước được trả công từ năm cắc tới một đồng tuỳ theo nhà xa hay gần. Đôi vai gầy của mẹ tôi chai sần theo năm tháng dưới sức nặng của những đôi nước, đổi lấy bát cơm cho cả nhà… Lớn lên một chút, chị em tôi lại đi gánh nước mướn để cho mẹ tôi được nghỉ ngơi, hai chị em đứa nào, đứa nấy ốm nhom, lùn tè gánh đôi nước đâu có nổi. Nên chị em tôi nghĩ ra sáng kiến, thay vì dùng đôi móc sắt để gánh nước, chị em tôi dùng dây thừng, buộc vào thùng với độ dài vừa phải, để khi gánh đi không bị đụng đít thùng xuống đất là được. Nhưng một người thì không gánh nổi đôi thùng nước mỗi thùng 20 lít (làm bằng thùng dầu hôi “con sò”) nên hai chị em gánh chung một thùng, tôi gánh đầu phía trước, chị tôi đầu phía sau cũng bằng cây đòn gánh đã “lên nước”. Mà ngày đó, muốn gánh nước cũng đâu có dễ, cả hàng thùng xếp dài chờ tới phiên hứng nước của những người lao động nghèo khổ, gánh nước mướn như chị em tôi. Phải chờ tới phiên mình mới được hứng, hứng ít hay hứng nhiều tùy theo số thùng đem theo và đã được “xếp hàng” chờ tới phiên. Hồi đó, có nhiều người sức khoẻ đem ra “phông-tên” nước một lần tới… tám cái thùng, tức là bốn đôi nước. Chưa kể tới những người ngang ngược, chen ngang vào hứng khi chưa tới lượt, thế là chửi nhau, thậm chí đánh nhau vì một đôi nước. Lớn lên một chút, khi đã đủ sức vóc chị em tôi thay phiên nhau gánh nước mướn cho cả xóm, để đổi lấy đồng tiền lo cho việc ăn, học. Chị gánh cho xóm trên thì tôi gánh cho xóm dưới… cứ thế, tôi và chị tôi trở thành những “Ma-ri-sến-phông-tên” - theo cách gọi vui của dân gánh nước mướn - từ lúc nào không biết. Những ngày cơ cực của tuổi nhỏ, tôi học cách sống theo kiểu “xã hội đen”, đối với những người ngang ngược, chen lấn xí phần thì chỉ còn có cách đánh nhau. Lúc này, cây đòn gánh lại trở thành một thứ “côn”, lợi hại để người ta quật vào nhau vì giành miếng cơm, manh áo!

Còn nhớ, những năm địch đàn áp, bắt bớ những người lao động mà chúng cho là “cộng sản nằm vùng”, thì cây đòn gánh lại là thứ vũ khí của những người lao động yêu tự do. Họ sẵn sàng quật đòn gánh vào đám cảnh sát, quân cảnh khi mà người thân, con, cháu của họ bị bắt. Chị em tôi cũng có tham gia, yếu sức thì đập thùng thiếc, la làng lên cho bà con chung quanh tới tiếp ứng. Những “trận chiến” kiểu như vậy chỉ kết thúc khi mà bọn lính chịu không nổi, tự động rút quân. Hoặc tăng cường thêm quân và “hốt sạch” những người tham gia ẩu đả với lính! Sau này, khi tham gia vào đoàn NTTH.TG mỗi dịp lễ kỷ niệm ngày giải phóng 30/4, nghệ sĩ ưu tú Chí Thiện dàn dựng sân khấu hoá cảnh bà con buôn gánh, bán bưng dùng đòn gánh làm vũ khí chiến đấu với “cảnh sát dã chiến” trong nền nhạc bài “Xuống đường”, tôi đều có một vai và rất hào hứng tham gia, khi nhớ lại những ngày dùng đòn gánh làm vũ khí tấn công cảnh sát ngụy, và lần nào cũng vậy, tôi cũng xúc động rợn người khi tham gia tiết mục này vì nhớ lại những ngày xưa ấy.

Cây đòn gánh từ bao đời, hình như là một thứ không thể thiếu trong đời sống của người dân lao động từ thành thị tới nông thôn. Những cây đòn gánh với đôi quang gánh kĩu cà, kĩu kịt trên vai những người phụ nữ chịu thương, chịu khó, tần tảo sớm hôm lo cho cuộc sống gia đình trong số kiếp “hàng rong”. Những cây đòn gánh và gánh hàng rong trong cuộc sống nhọc nhằn, gian khó của những bà mẹ, người chị đã và đang góp phần thầm lặng “đào tạo” nên những tiến sĩ, cử nhân cho quê hương, đất nước.
Phạm Hoàng Đức
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 219
  • Khách viếng thăm: 218
  • Máy chủ tìm kiếm: 1
  • Hôm nay: 34234
  • Tháng hiện tại: 2266784
  • Tổng lượt truy cập: 46234017