Con cút đất

Đăng lúc: Thứ sáu - 08/02/2013 16:17
Không rõ con vật nhỏ bé ẩn núp trong lớp bụi cát ấy được các nhà khoa học định danh là gì. Có lần tôi đã nhìn thấy hình vẽ chúng nhưng không thể nhớ tên. Nhưng năm xưa trong ký ức xa lắc, con vật ấy thường được bọn trẻ chúng tôi đùa nghịch thú vị với cái tên “con cút đất”.

Hàng ngày mỗi con cút đất nằm ẩn mình chờ mồi dưới đáy của một chiếc phễu nhỏ bé bằng cát mịn do chúng tạo được trên nền nhà bằng đất nện. Nhiều nơi cũng có sự hiện diện của chúng nhưng chẳng ai thèm chú ý trừ phi bọn trẻ khuấy động đôi chút vào cuộc sống riêng tư ẩn dật thầm lặng ấy bằng những trò chơi đơn giản. Nhưng đó lại là điều mà chị Chín rất thích ở mỗi lần ghé nhà chơi với chị Hai và chị Ba của tôi.
Chị Chín bằng tuổi với chị Ba, lớn hơn tôi gần năm sáu tuổi, cũng là người trong họ hàng xa, nên chị thường gọi tôi thân mật là “Nhỏ”.
- Bây giờ mình nấu chè ăn đi.
Lời đề xuất của chị Chín được chấp thuận ngay.
 Hễ người lớn vắng và mấy chị em mọc liền “đuôi tôm”. Nồi chè đã giúp hâm nóng sự tương đắc, xúm xít bên nhau để tán gẫu đủ mọi chuyện từ việc họ hàng thân tộc đến chuyện đường phố, láng giềng… Bầu không khí luôn bao trùm trong niềm vui và tiếng nói cười rộn ràng không dứt. Phần tôi lúc ấy chỉ lắng nghe và “cười hùn” cho được việc.
“Tiệc tùng” xong, mấy chị thu dọn vén khéo để khỏi phải bị người lớn quở mắng rồi bày chuyện đi câu cá hay dạo vườn hái quả một cách hăng hái… Nhưng không bao giờ chị Chín bỏ qua được trò đùa với lũ cút đất trên nền nhà.
- Nè, “nhỏ” có cần sợi tóc không lại đây chị cho…
Một đoạn tóc ngắn được se lại và cái đầu sợi dùng làm vũ khí chọc phá họ hàng nhà cút đất. Xoay xoay tóc vào trong phễu cát sẽ nhận ra ngay hiệu quả bởi bọn cút đất khi ấy đang giấu mình im lìm tưởng phen nầy vớ bẫm một con kiến to, vội quơ càng chụp lấy chụp để. Rồi chỉ trong khoảnh khắc hắn bị lôi văng ra khỏi tổ để lộ cái thân hình kỳ dị với chiếc bụng to kềnh và đầu thì bé tí giữa tràng cười thích thú của mọi người.
“Câu cút” hồi ấy còn là việc thi đua đầy ngẫu hứng, trong lúc câu cút mấy chị tiếp nối những mẩu chuyện thú vị còn dang dở, khiến chẳng ai  cảm thấy rằng đó là một trò vô bổ.
Riêng những con cút đất, sau khi lâm vào hoàn cảnh “kinh thiên động địa” kia lại được trả về với cuộc sống riêng, ẩn cư trong làn cát bụi, mặc thời gian và chuyện đời vần xoay dời đổi.
Còn nhớ là sau giai đoạn dài ghé thăm thường xuyên vui vẻ ấy, chị Chín lại thình lình bặt tăm, biệt dạng.
Mãi mấy năm sau, đến ngày chị Hai lấy chồng mới lại thấy chị Chín xuất hiện, vui vẻ trong chiếc áo dài màu hồng, chị còn ra tay làm món mắm chua, gỏi tôm đãi khách.
Rồi tiếp theo những năm sau nữa, đến lượt chị Ba lên xe hoa, chị Chín cũng có mặt, nhưng diện mạo sa sút, vẻ kém vui hiện trên khuôn mặt, ít cười ít nói. Khi có người thân quan tâm han hỏi, hầu như chị chỉ đáp lại một cách thẫn thờ. Lần ấy tiệc cưới chưa xong chị đã vội kiếu từ ra về.
Bẳng đi khá lâu, chị Chín mới ghé nhà chơi. Người vui mừng đón chị giờ đây chỉ mỗi một mình “nhỏ”.
Như lệ thường chị dựng xe đạp bên hiên rồi rảo bước vào trong nhà :
- Ồ, Nhỏ nay lớn quá rồi, không còn là nhỏ nữa... Hai chị đi đâu cả? 
Như chợt nhớ ra mình “lẩn thẩn”, chị cười chữa thẹn:
À! …không... chị quên…
Rồi chị hạ giọng như mọi khi:
- Ba mẹ chưa về sao “nhỏ”? 
Nhìn chị, tôi chợt giật mình nhận ra nét cằn cỗi hằn trên khuôn mặt trẻ trung ngày nào.
Tôi bối rối giấu tiếng thở dài, trong lúc chị trù trừ nhìn quanh gian nhà vắng vẻ như để tìm lại chút ấn tượng thân mật rồi bước vào gian bếp:
- Thôi… mình nấu chè …nhỏ.
Gian bếp bây giờ đã khác hẳn cùng với mọi đồ vật linh tinh, lỉnh kỉnh bày biện xa lạ,  khiến chị tần ngần:
- Thôi..  không nấu nữa…. buồn quá hén?
Chị lại ngó mông cảnh vật bên ngoài qua khung cửa sổ, rồi rủ:
- Chị em mình đi dạo vườn…
Khu vườn còn khá nguyên vẹn hình dáng xưa. Chị bước đi quanh quẩn đến từng gốc cây, dạo quanh bờ những con mương từng là nơi thi đua câu cá bống trong những tràng cười thích thú, nhìn ngắm hồi lâu cây hồng điều rồi buông lời nhận xét:
- Cây nầy lớn nhanh quá chứ!
Nhưng cảnh vườn đã chẳng thể đem lại niềm vui nên chị lại quay vào:
- Mình chơi trò câu cút đất đi… nhỏ.
Tự dưng tôi “oải” quá, thầm nghĩ:
- Ôi... chị Chín. Bây giờ là khi nào rồi mà còn định chơi trò bắt cút?
Loài cút đất vẫn đang tồn tại, chẳng biết chúng đã truyền đến đời thứ bao nhiêu rồi. Chị Chín ngồi trước những chiếc phễu cát xinh xinh nở trên mặt đất, yên lặng ngắm bọn chúng rất lâu  rồi lặng lẽ thở dài. Dường như lũ cút đất cũng chẳng còn có sức hấp dẫn nào nữa trong chuyến tìm về quá khứ, để sau cùng chị uể oải đứng lên:
- Buồn quá…
Chị đong đưa trên võng, lật xem vài trang sách bắt gặp bên cạnh nhưng có lẽ chẳng đọc chữ nào.
Chị lại một mình chẫm rãi tản bộ ngoài sân, lặng lẽ ngắm thật lâu từng khóm hoa, chiếc lá, từng chậu cảnh…
Tôi biết lòng chị đang trăn trở chập chờn với nhiều kỷ niệm. Có lẽ ở giây phút nào đó trong tâm thức, bóng dáng ngày qua chợt trỗi dậy, ùa về, khiến chị nhớ quá, khao khát đi tìm nhưng tất cả bây giờ đã vĩnh viễn trôi xa. Điều duy nhất có chăng chỉ là sự tồn tại vô duyên một nỗi buồn cô đơn ẩn chứa sâu thẳm trong lòng người phụ nữ mà tuổi xuân đã phôi pha…
Buổi chiều cuối năm hôm ấy, tôi dõi mắt trông theo mãi bóng dáng người chị đơn độc đi xa dần, xa dần rồi khuất hẳn trong ánh nắng hoàng hôn.
 
Lê Tư
(Theo VNTG số 56 - xUÂN 2013)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 449
  • Khách viếng thăm: 419
  • Máy chủ tìm kiếm: 30
  • Hôm nay: 47047
  • Tháng hiện tại: 2211707
  • Tổng lượt truy cập: 46178940