Tiến sĩ Mai Mỹ Duyên một đời trăn trở với văn hóa dân gian

Đăng lúc: Thứ ba - 12/11/2013 22:01
Lẽ ra chị có tên là Phạm Hữu Mỹ Duyên, nhưng vì là con thứ thất nên mang họ mẹ. Sinh ra ở thị trấn Cai Lậy, 4 tuổi đã lên sân khấu ca bài Lưu thuỷ hành vân, Tam pháp nhập môn; 5 tuổi ca được Ngựa Ô Nam, Ngựa Ô Bắc, Lý Tâm thất, Lý Giao duyên; 6 tuổi biết ca bản Vọng cổ nhịp 32, 12 câu Phụng hoàng; 8 tuổi ca được 3 bản Nam, Giang Nam, Bình sa lạc nhạn,... qua ngón đờn kìm của cha là nghệ nhân Ba Thế, còn gọi là soạn giả Thế Hữu hay Bầu Thế.
Mai Mỹ Duyên nhận bằng tiến sĩ văn hóa.

Mai Mỹ Duyên nhận bằng tiến sĩ văn hóa.

ÔngThế đã bán hàng chục mẫu đất thừa kế để lập gánh cải lương Sống chung (ông tên thật là Phạm Hữu Thế, cháu nội ông Phạm Hữu Hằng tức Bộ Ninh - người nổi tiếng về tài ăn nói). Cuộc đời ông tuy có bao sự thăng trầm nhưng cây đờn kìm vẫn trên tay ông cho đến lúc nhắm mắt. Năm 2006, Mai Mỹ Duyên đã tặng cây đờn 150 tuổi ấy cho Viện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam.

Biết cha mẹ không muốn con nối nghiệp cầm ca, chị đã cố gắng học tập. Năm 1982, chị tốt nghiệp Đại học Văn hóa (ngành Văn hóa quần chúng ở Hà Nội; năm 1997 bảo vệ thành công luận văn Thạc sĩ văn hóa với đề tài "Đờn ca tài tử ở Tiền Giang". Năm 2007, chị bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ văn hóa với đề tài "Đờn ca tài tử trong đời sống văn hoá của dân cư miền Tây Nam Bộ". Hiện nay, chị là Phó khoa Sau đại học của Trường Đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh.

Hành trình đi tìm tri thức

Mùa lũ năm 1978, Mai Mỹ Duyên giã biệt quê nghèo trong cơn mưa tầm tã, trên đầu đội mấy quyển tập và hai cuốn sách "Giương cao ngọn cờ CNXH" của chú Tư Thông - Phó Phòng Văn hóa thông tin Cai Lậy cho. Trên đầu mưa như trút nước, dưới chân nước lũ dâng cao quá ngực, bì bõm bên cạnh chị là người mẹ sớm già trước tuổi, bởi tần tảo sớm khuya. Má đội cái túi sờn, đựng chiếc mền cũ vá ba chỗ, hai bộ đồ bà ba và mười hai đồng bạc. Đó là tất cả " tài sản" má có được để cho con gái lên đường vào đại học.

Hà Nội năm ấy rét như cắt da, áo quần đem theo không đủ ấm, Duyên quấn luôn chiếc mền cũ lên giảng đường. Má biết được, bán hai công đất ruộng trả nợ, dành lại ít tiền gửi cho con gái bộ đồ và một gói chuối ngào đường. Nghèo thế mà bọn trộm cũng chẳng buông tha! Đồ đạt, áo quần bị chúng dọn sạch. Bạn học sáng cho mượn áo mặc, tối cho đắp chung mền. Nhưng chẳng lẽ cứ mặc "đồ khính" bạn hoài, nghĩ vậy Duyên nhờ các anh xin bao đựng đồ tiếp tế nhu yếu phẩm cho bộ đội Tiền Giang chiến đấu ở biên giới phía Bắc (thứ vải dày như bao bồng bột, được ngành Thương nghiệp thời bao cấp duyệt mua 8m mỗi khi gia đình nào có đám tang, vậy là chị thức liền mấy đêm tháo ra, tự cắt quần áo rồi may tay để mặc. Thuốc nhuộm xanh lè, mỗi lần giặt dính đầy tay rửa không ra. Thấy chị không đủ áo ấm, anh Nguyễn Đắc Hỷ (nguyên Phó Giám đốc Nhà Văn hóa Tiền Giang, lúc đó đang học Đại học Văn hóa Hà Nội trên chị một khóa) cho biết: "Anh có cái áo ruột bông của anh bạn học chung, ảnh về Nam bị bệnh chết rồi. Duyên dám mặc anh đưa!". Chị đem chiếc áo cáu bẩn về giặt sạch (đó là chiếc lỏi áo bông thô dùng mặc lót bên trong áo khoác cho ấm), nhờ chiếc áo ấy mà qua được 4 mùa đông giá lạnh.

Nhờ vào biên chế trước khi đi học, Duyên được lãnh học bổng mỗi tháng là 36 đồng. Mặc dù hết sức tiện tặn, nhưng vẫn không đủ trang trải, chị và người bạn cùng phòng cùng ăn chung một suất lương thực, còn một suất đem bán, chia nhau mua đồ dùng học tập. Lúc ấy, một tô phở cũng là món xa xỉ của đời sinh viên.

Những ngày chủ nhật, Duyên rủ bạn đi khiêng gạch mướn,...nhưng chỉ khi thiếu công nhân Duyên mới có việc làm. Những năm đó ở quê lũ, lụt mất mùa, nhà lại nghèo, má không có tiền gởi cho chị. Mỗi năm sinh viên miền Nam chỉ được thanh toán tiền về quê nghỉ hè, về ăn tết thì xe tỉnh rước. Có năm xe không rước, các bạn miền Bắc, bàn nhau đưa Duyên về nhà mình ăn tết. Duyên khăn gói theo bạn về bản Mường ở Sông Thao - Vĩnh Phú. Tủi thân trước cảnh sum họp gia đình của bạn, chị lặn lội về ký túc xá ở một mình. Sống trong cảnh da diết nhớ nhà và thiếu thốn mọi bề, nhưng năm học nào Duyên cũng vượt qua, là tấm gương vượt khó học tập của các bạn. Lớp học có 63 sinh viên, Duyên là một trong 13 người được chọn làm luận văn tốt nghiệp. Bài luận văn tốt nghiệp đại học với đề tài "Bàn về chức năng, nhiệm vụ nhà văn hoá thiếu nhi cấp thành phố", do thầy Đoàn Văn Chúc hướng dẫn, đã mở ra cho chị một cánh cửa để bước vào con đường nghiên cứu khoa học sau này.

Nặng tình với văn hóa dân gian

Khi hỏi, vì sao chị lại nặng tình với nghệ thuật văn hóa dân gian? Chị nói rằng vì tuổi thơ của chị may mắn được sống gần với người mẹ hết mực thương chồng con và người cha luôn xem nghệ thuật như là lẽ sống. Ông đã cho chị vốn hiểu biết và lòng đam mê nhạc tài tử, cải lương. Những lần theo cha đờn cho bà bóng múa, rồi những đám cúng đình, những đám giỗ, đám cưới,... ở quê, tất cả đã ăn sâu trong tiềm thức của chị. Nó lớn dần trong chị và chị yêu nó như yêu chính bản thân mình.

Sau này, khi có cơ hội tìm hiểu sâu về nghệ thuật dân gian, càng thấy giá trị của nó thì càng thôi thúc trong lòng chị phải tìm cách khôi phục và lưu giữ". Nghĩ là làm! Chị tổ chức các cuộc liên hoan "Giai điệu quê hương" (hát dân ca, ru con Nam bộ), Hò cấy, Nhạc Lễ tang, lễ hội "cô Tấm"..., các trò chơi dân gian, liên hoan ẩm thực dân gian, liên hoan nghệ thuật múa bóng rỗi, liên hoan đờn ca tài tử ,...để văn hóa dân gian được tôn vinh và trân trọng.

Mai Mỹ Duyên và GSTS Trần Văn Khê trong hội thảo Quốc tế Nghệ thuật đờn ca tài tử.

Năm 1997, được sự chỉ đạo của Ban Giám đốc Sở Văn hoá - Thông tin (nay là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch), chị với tư cách quản lý nghiệp vụ và nhà nghiên cứu đã kết hợp với Viện Văn hóa - Nghệ thuật Việt Nam thực hiện và hoàn thành nhiều công trình nghiên cứu văn hóa dân gian như: Lễ giỗ các họ người Việt ở Tiền Giang, Hò cấy Gò Công, lễ hội Kỳ yên, Nghệ thuật đờn ca tài tử, Các món bánh dân gian Nam bộ, Kiểng cổ Tiền Giang, Mắm còng lột Phú Thạnh,... Say mê nghiên cứu, chị đã dành thời gian, kể cả ngày nghỉ, cùng với những đồng nghiệp của mình miệt mài đi xuống tận xã - ấp để thực hiện những chuyến điền dã, khảo sát, điều tra và sưu tầm. Có cụ Trương Văn Nghĩa 90 tuổi - nghệ nhân hò cấy nổi tiếng của Tân Tây - Gò Công nghe tin chị xuống thăm, cụ đã chống gậy đi từ nhà ra Ủy ban xã gần 5 cây số để hò cho chị nghe. Ông cảm động rơi nước mắt khi biết có người còn quan tâm đến câu hò, mà từ lâu, nó đã không còn hiện diện trên đồng ruộng quê hương!

Mỗi lần xuống cơ sở, chị thường tìm đến các nghệ nhân, thăm hỏi sức khoẻ, lắng nghe nghệ nhân tâm tình, kể lể, chia sẻ với họ những nỗi buồn lo trước xu thế xa rời nguồn cội văn hóa và những khát vọng về một tương lai phục hồi giá trị cổ truyền. Chị yêu tiếng đàn, lời ca chân quê của nghệ nhân đờn ca tài tử, mê tay nghề khéo léo của những nghệ nhân làm bánh, chưng nghi, múa bóng rỗi,... Chị sợ tất cả sẽ bị mai một, mất đi, cho nên chị đã làm những việc gì mình có thể làm, để bảo tồn và phát huy, chớ không chỉ vì trách nhiệm. Việc làm của chị đã được Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam phối hợp hỗ trợ và chính quyền địa phương cũng như tất cả nghệ nhân trong tỉnh đồng lòng ủng hộ.

Người Tiền Giang còn biết chị qua nhiều chương trình lễ hội đại chúng. Với giọng dẫn chương trình rành mạch, truyền cảm, với những kịch bản sân khấu hóa giàu hình tượng, như: Đường ta đi tới (kỷ niệm 30 năm ngày 30/4/2005); Hào khí Sông Tiền (220 năm Chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút - 2005); Gò Công hồng trang sử (40 năm Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 2008); Con cháu Rồng Tiên (Lễ giỗ Quốc tổ Hùng Vương 2008);Mỹ Tho khát vọng vươn lên (330 năm Mỹ Tho Đại phố - 2009); Những trang sử vẻ vang (65 năm thành lập ngành Công an nhân dân - 2010)...

Khán giả truyền hình trong và ngoài nước còn biết chị qua các chương trình giới thiệu về văn hóa Nam bộ và quê hương Tiền Giang mà chị đã cùng với những cán bộ biên tập, quay phim tâm huyết của Đài VTV, HTV thực hiện. Lúc đó dù bận bịu cách mấy, chị cũng gác công việc lại để cùng nhà Đài lặn lội qua cù lao, ra cửa biển, lội ruộng sâu, ... để tìm cho được một câu hò mái trường, mái đoản còn lẫn khuất trong những cánh đồng; những khuôn mặt đầy vết chân chim đã qua thời xuân sắc mà giọng hò, giọng ca tài tử vẫn còn da diết nỗi niềm chân quê; những mái đầu như mây trắng và đôi tay run run nắn nót trên phím đàn để nhả những sợi tơ cuối mùa nghệ thuật,... Khi hỏi vì sao chị lại làm như vậy? Chị cười bỏ lửng câu : "Mỗi người phải mê một thứ gì đó..."

Chị như anh nông dân cần mẫn không thể đếm được mồ hôi cho những đường cày trên mảnh đất quê hương. 31 năm với ngành Văn hóa Tiền Giang, bạn bè đồng nghiệp quen thấy chị làm việc không phân biệt thứ bảy hay chủ nhật. Suốt ngần ấy thời gian, từ một cán bộ bình thường đến khi trở thành Trưởng phòng Nghiệp vụ văn hóa, chị chưa hề đòi hỏi phải có một sự biệt đãi nào về vật chất hay cương vị xã hội.

Người yêu nhạc Trịnh không thể quên câu hát: "Sống trong đời sống cần có một tấm lòng...", nói theo kiểu Việt Nam là sống cho tử tế. Sống cho tử tế thật không dễ dàng! Nhưng chị đã làm được những điều tử tế cho cuộc đời, cho nghệ thuật, cho những người mà chị luôn yêu mến, kính trọng và cho quê hương Tiền Giang - nơi mà tuổi thơ của chị đã đắm mình trong nghệ thuật dân gian, nơi mà tình yêu văn hóa dân gian của chị đã truyền được cảm xúc cho nghệ nhân, cho các cộng tác viên, cho những học trò thân yêu của chị!

Ngọc Lệ
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 17 trong 4 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 159
  • Khách viếng thăm: 156
  • Máy chủ tìm kiếm: 3
  • Hôm nay: 3858
  • Tháng hiện tại: 2236408
  • Tổng lượt truy cập: 46203641