Tấm gương sáng ngời của Chủ tịch Tôn Đức Thắng về đạo đức cách mạng

Đăng lúc: Thứ hai - 19/08/2013 09:48
Chủ tịch Tôn Đức Thắng (1888 - 1980), người chiến sĩ cộng sản kiên cường, mẫu mực, cống hiến trọn đời cho cách mạng, cho dân tộc; người bạn chiến đấu thân thiết của Chủ tịch Hồ Chí Minh; đồng thời là một trong những nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng, Nhà nước và Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam.
Đại diện thanh niên Năm xung phong quây quần bên Bác Tôn.

Đại diện thanh niên Năm xung phong quây quần bên Bác Tôn.

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, ở bất cứ hoàn cảnh nào, dù khó khăn, gian khổ, Chủ tịch Tôn Đức Thắng luôn trung thành, tận tụy đối với Đảng, nhân dân, luôn nêu cao tinh thần anh dũng, bất khuất, phẩm chất đạo đức: cần, kiệm, liêm chính, chí công, vô tư.

Chủ tịch Tôn Đức Thắng sinh ngày 20-8-1888 trong một gia đình nông dân tại Cù lao Ông Hổ, tổng Bình Thành, tỉnh Long Xuyên (nay là xã Mỹ Hòa Hưng, TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang). Năm 1910, sau khi tốt nghiệp Trường Bách nghệ Sài Gòn với điểm tối ưu (20/20), ông gia nhập hàng ngũ giai cấp công nhân Việt Nam và làm việc tại xưởng sửa chữa tàu thủy Ba Son của thực dân Pháp tại Sài Gòn.

Năm 1912, khi ông 24 tuổi, ông đã tổ chức và lãnh đạo cuộc bãi công của công nhân nhà máy sửa chữa tàu thủy Ba Son, mở đầu cho cuộc đời hoạt động cách mạng đầy gian lao nhưng cũng rất vinh quang của mình.

Bị thực dân Pháp lùng bắt, cuối năm 1912, ông sang Pháp làm thủy thủ trên các tàu viễn dương. Năm 1919, ông tham gia cuộc binh biến của hải quân Pháp ở Hắc Hải chống cuộc chiến can thiệp của đế quốc Pháp, góp phần bảo vệ Nhà nước Xô viết, nhà nước vô sản đầu tiên trên thế giới.

Năm 1920, do tham gia cuộc binh biến đó, ông buộc phải rời Pháp. Trở về Sài Gòn, ông cùng với các bạn chiến đấu, xây dựng những cơ sở Công hội bí mật đầu tiên tại Sài Gòn - Chợ Lớn nhằm tập hợp đoàn kết, bảo vệ quyền lợi giai cấp công nhân và người lao động, làm nòng cốt cho cuộc đấu tranh của nhân dân ta chống sự áp bức, bóc lột của bọn đế quốc và bè lũ tay sai.

Năm 1926, ông tham gia Việt Nam Cách mạng Thanh niên - một tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam do đồng chí Nguyễn Ái Quốc sáng lập. Cuối năm 1929, do hoạt động cách mạng, ông bị thực dân Pháp bắt giam tại Khám lớn Sài Gòn, sau đó bị đày ra Côn Đảo suốt 17 năm và trở thành người tù có thâm niên lâu nhất ở đây.

Cách mạng Tháng Tám thành công, Bác Tôn được chính quyền cách mạng đón về đất liền và tham gia ngay vào cuộc chiến đấu mới chống thực dân Pháp xâm lược. Giữa năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng đón Bác Tôn ra Hà Nội. Từ đó, Bác Tôn và Bác Hồ luôn luôn sát cánh bên nhau - một hình ảnh tiêu biểu cho đoàn kết Bắc - Nam, để cùng Trung ương Đảng, Chính phủ lo việc nước.

Với uy tín lớn trong Đảng, trong nhân dân và phẩm chất cách mạng, đạo đức trong sáng, Bác Tôn đã được giao nhiều trọng trách: Tổng Thanh tra của Chính phủ, Quyền Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng ban Thi đua ái quốc Trung ương, Chủ tịch danh dự Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Chủ tịch Uỷ ban Liên Việt toàn quốc, Hội trưởng Hội hữu nghị Việt Nam - Liên Xô... liên tục là Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam từ khóa II đến lúc ra đi (1980).

Hơn nửa thế kỷ hoạt động cách mạng đầy gian lao và nguy hiểm, trong đó có 27 năm liên tục làm Chủ tịch Mặt trận Liên Việt và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và hơn 10 năm làm Chủ tịch nước, Bác Tôn đã để lại cho Đảng ta, Nhà nước ta nhiều bài học sâu sắc, cho nhân dân ta một tấm gương sáng về chuẩn mực sống của một công dân yêu nước…

Với những công lao to lớn của Bác Tôn đối với cách mạng và sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc, tháng 8-1958 nhân dịp tròn 70 tuổi, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa quyết định tặng Bác Tôn Huân chương Sao Vàng - Huân chương cao quý nhất của Nhà nước ta.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Đảng, Nhà nước trao tặng huân chương cho Bác và phát biểu: “Thay mặt nhân dân và Chính phủ, tôi trân trọng trao tặng đồng chí Tôn Đức Thắng Huân chương Sao Vàng là huân chương cao nhất của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mà đồng chí Tôn Đức Thắng là người đầu tiên và người rất xứng đáng được tặng huân chương ấy”.

Nét nổi bật ở Bác Tôn mà mọi người dễ nhận thấy là đức tính khiêm nhường và lối sống giản dị. Chính phẩm chất cao quý ấy cùng với lòng trung thành vô hạn với Tổ quốc và ý chí chiến đấu kiên cường, bất khuất trước kẻ thù của dân tộc đã in đậm trong trái tim mỗi người Việt Nam yêu nước sự ngưỡng mộ và kính phục.

Hồng Lê
(Theo Báo Ấp Bắc)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Từ khóa:

Tôn Đức Thắng

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 384
  • Khách viếng thăm: 376
  • Máy chủ tìm kiếm: 8
  • Hôm nay: 67570
  • Tháng hiện tại: 1489228
  • Tổng lượt truy cập: 47863355