Sân khấu Việt Nam – hội nhập và phát triển

Đăng lúc: Thứ năm - 25/04/2013 10:19
Trong công cuộc đổi mới, hội nhập toàn cầu hiện nay, cùng với những chuyển biến mạnh mẽ về chính trị, kinh tế, xã hội… thì các loại hình nghệ thuật, trong đó có nghệ thuật sân khấu, đã góp phần không nhỏ vào việc nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân - vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam, vừa cố gắng bắt kịp những tinh hoa của các nền nghệ thuật tiên tiến, hiện đại thế giới. Suốt trên nửa thế kỷ qua, sân khấu Việt Nam đã đóng một dấu son, làm thành một cột mốc lớn trên cả chặng đường văn hóa, văn nghệ của đất nước.  
Cũng thời gian qua, ngoài những thành tựu to lớn mà sân khấu nước nhà đã gặt hái được, nếu tự nhìn lại mình một cách công bằng và khách quan; chúng ta vẫn nhận rõ không ít tồn tại cả khách quan và chủ quan của nó - trong quá trình tìm tòi, sáng tạo để làm nên những tác phẩm thật sự mang lại hiệu quả nghệ thuật và tính thẩm mỹ cao - đáp ứng được sự đón nhận của công chúng. Đó cũng là lẽ thường tình, bởi nghệ thuật là một dòng chảy không ngừng của cuộc sống, đòi hỏi sự tìm tòi liên tục, bền bỉ, dẻo dai của nhiều thế hệ để làm phong phú, đa dạng thêm các khuynh hướng sáng tạo cá nhân của mỗi người nghệ sĩ… Trong cơ chế thị trường hôm nay, các loại hình nghệ thuật đều nằm trong một cơn khủng hoảng tất yếu, trước sự tấn công ồ ạt của phim ảnh, ca nhạc ngoại, băng hình sex, video, vũ trường, mạng internet… và cả sự bùng nổ các loại “sốp”, “mếch”, nhà hàng lan tràn, đông đúc và không kém phần cuốn hút, nhất là với thế hệ trẻ. Tuy nhiên, nghệ thuật sân khấu đương đại Việt Nam, từ Tuồng, Chèo, Kịch Dân ca, Cải lương, Múa rối, cho đến Kịch nói, Xiếc… vẫn tồn tại, hoạt động một cách hiệu quả, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, để tìm đến với đông đảo công chúng yêu sân khấu.    

Hình ảnh trong vở diễn Ngàn năm tình sử của nhà hát kịch Hà Nội                  

Cũng suốt trên nửa thế kỷ qua, ngoài những thành tựu nghệ thuật mà nền sân khấu cách mạng Việt Nam đã gặt hái được để phục vụ quần chúng, nhân dân trong công cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà và xây dựng chủ nghĩa xã hội, thì trên trường quốc tế, sân khấu dân tộc Việt Nam đã khẳng định được vị thế xứng đáng của mình. Các loại hình nghệ thuật sân khấu Việt Nam đã xuất ngoại và biểu diễn thành công trên nhiều nước, từ châu Á, châu Âu, châu Mỹ, châu Phi, châu Úc được bè bạn quốc tế đón nhận, khen ngợi và yêu mến, bởi tài năng của các nghệ sĩ biểu diễn và một nền nghệ thuật đậm đặc bản sắc Phương Đông mượt mà, thâm trầm, nền nã… với phong cách ước lệ, cách điệu, tượng trưng, tả ý, tả thần của sân khấu dân gian Việt Nam, kết hợp với phương pháp hiện thực của sân khấu thế giới.     

Chính bằng những thành tựu nghệ thuật đó, và nhất là sau thành công của 2 cuộc “Liên hoan Sân khấu thử nghiệm Quốc tế” tại Việt Nam từ năm 2004, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam đã trở thành thành viên chính thức của “Hiệp hội Sân khấu Quốc tế” (ITI) với tên gọi chính thức: “Trung tâm Hiệp hội Sân khấu quốc tế Việt Nam” (Trung tâm ITI Việt Nam).        

Như chúng ta đã biết, cứ hai năm một lần, ITI tổ chức Hội nghị tại một Quốc gia thành viên. Cố Nghệ sĩ Nhân dân Trọng Khôi đã dự Hội nghị ITI tại Mếchxíchcô ( 2004), Nghệ sĩ Nhân dân Lê Tiến Thọ tham dự Hội nghị ITI lần thứ 33 tại Hạ Môn- Vũ Hán, Trung Quốc ( 2011) và sắp tới sẽ tham dự tại Cu Ba. Tại các Hội nghị quốc tế để trao đổi, thảo luận các vấn đề về sân khấu trong xu thế tìm tòi, đổi mới, sáng tạo về nghệ thuật sân khấu của mỗi quốc gia, nhằm gìn giữ và phát huy bản sắc sân khấu dân tộc, đồng thời cố gắng bắt nhịp và hòa nhập vào sân khấu hiện đại thế giới-Với thông điệp vì hòa bình, hữu nghị giữa các dân tộc.         

Trong lịch sử hình thành và phát triển nền văn hóa của nhân loại, Nghệ thuật Sân khấu đã ra đời, tồn tại, phát triển hàng ngàn năm qua, đó chính là tấm gương phản ánh hiện thực cuộc sống và hình ảnh con người sinh ra, lớn lên, đấu tranh với thiên nhiên để tồn tại và lớn mạnh, từ thời tiền sử đến hôm nay, với một mục đích cao cả nhất: vì hòa bình và hữu nghị giữa các dân tộc. Chính vì bắt nguồn từ mục đích thúc đẩy và tôn vinh Nghệ thuật Sân khấu trên toàn cầu, từ năm 1962, “Hiệp hội Sân khấu quốc tế” đã sáng lập ra “Ngày Sân khấu Thế giới”, và lấy ngày 27 tháng 3 hàng năm, là ngày Kỷ niệm chính thức, trên tất cả các quốc gia và vùng lãnh thổ, là Hội viên của “Hiệp hội Sân khấu Quốc tế “ ITI. Như thông điệp của ông Tobias Biancone (Tổng Giám đốc ITI) gửi tới các Trung tâm ITI thành viên: “Để chuẩn bị cho Lễ kỷ niệm “Ngày Sân khấu Thế giới” năm nay, ITI đã mời nhà hoạt động sân khấu nổi bật, nhà viết kịch người Ý, người đoạt Giải Nobel Văn học - ông Dario Fo - viết thông điệp. Để tôn vinh sự nghiệp và Thông điệp của Dario Fo, chúng tôi trân trọng đề nghị các cá nhân nổi bật trong cộng đồng giới sân khấu đọc và ghi âm lại Thông điệp của ông Dario Fo, dịch bản thông điệp ra ngôn ngữ của quý vị. Ý tưởng này là để chúng ta có thật nhiều bản ghi hình nhất có thể, nhằm làm cho Thông điệp mang tính toàn cầu. Trong sự đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế đang ảnh hưởng đến sự tài trợ cho văn hóa nghệ thuật trên khắp thế giới, hơn bao giờ hết, chúng ta cần phải nhấn mạnh tầm quan trọng của sự tiếp nối Sân khấu trong bối cảnh hôm nay, và đó cũng là sự cống hiến quan trọng cho xã hội nói chung”.                    

Kể từ khi Việt Nam trở thành thành viên chính thức của “Hiệp hội Sân khấu quốc tế” ITI đến nay (2004-2013), thời gian như một chớp mắt với 9 năm hoạt động hết sức ngắn ngủi. Nhưng Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam đang dần khẳng định vị trí của mình trong mối quan hệ đối ngoại vì sự nghiệp phát triển chung của sân khấu. Bằng tất cả những cố gắng, nỗ lực cao nhất, bằng tất cả tấm lòng, tình cảm trân trọng đối với các nền sân khấu đa sắc của các quốc gia trên thế giới, chúng ta đã thu được những thành tựu bước đầu, để góp phần xây dựng nên lâu đài chung của nghệ thuật sân khấu, với mục đích cao cả là vì sự nghiệp Hòa bình, Hữu nghị trên toàn thế giới.                

Tuy nhiên, tất cả vẫn đang còn ở phía trước. Tất cả vẫn đang chờ đợi, vẫy gọi chúng ta - những nghệ sĩ sân khấu chân chính - với những thuận lợi và thách thức, trên con đường Đổi mới-Hội nhập, để khẳng định với bạn bè quốc tế một diện mạo sân khấu tiên tiến, hiện đại nhưng đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam!

NSND Lê Huy Quang
(Theo VanVN.Net )
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 447
  • Khách viếng thăm: 435
  • Máy chủ tìm kiếm: 12
  • Hôm nay: 50987
  • Tháng hiện tại: 1916766
  • Tổng lượt truy cập: 48290893