Sức sống của Chương trình "Vầng trăng tri âm"

Đăng lúc: Thứ hai - 26/05/2014 08:29
Đó là Chương trình giao lưu Đờn ca tài tử chủ đề “Vầng trăng tri âm”, do UBND xã Bình Phục Nhứt, huyện Chợ Gạo tổ chức.
Chương trình Đờn ca tài tử “Vầng trăng tri âm” tham dự Hội thi “Tổ chức hoạt động nhà văn hóa tỉnh Tiền Giang” năm 2012 và nhận Giải Xuất sắc.
Chương trình Đờn ca tài tử “Vầng trăng tri âm” tham dự Hội thi “Tổ chức hoạt động nhà văn hóa tỉnh Tiền Giang” năm 2012 và nhận Giải Xuất sắc.

Tính đến tháng 4-2014, chương trình đã qua 79 lần tổ chức và đang là một hoạt động văn hóa bổ ích, thu hút sự tham gia của đông đảo người dân trong xã và các xã lân cận.

Sau khi Bình Phục Nhứt được công nhận danh hiệu Xã văn hóa vào năm 2004, bộ mặt của xã có nhiều chuyển biến tích cực, nhất là trên lĩnh vực văn hóa.

Nhiều cán bộ xã rất tâm huyết với phong trào nên đã có nhiều giải pháp để xây dựng, duy trì và phát triển các hoạt động văn hóa - văn nghệ tại xã nhà.

Nhiều hoạt động tại Nhà văn hóa xã được duy trì tổ chức thường xuyên, đã góp phần nâng cao đời sống tinh thần của người dân xã nhà. Các hoạt động như thể dục dưỡng sinh, võ thuật, sinh vật cảnh, đờn ca tài tử, trò chơi dân gian… luôn thu hút sự tham gia của nhiều người, tạo nên bộ mặt văn hóa vô cùng sinh động tại Nhà văn hóa xã Bình Phục Nhứt.

Từ những tín hiệu vui ban đầu, Ban Chủ nhiệm Nhà văn hóa đã xây dựng kế hoạch tổ chức Chương trình giao lưu Đờn ca tài tử định kỳ, với chủ đề “Vầng trăng tri âm”. Tuy còn gặp nhiều khó khăn từ những lần đầu tổ chức, nhưng với tính chất “cây nhà lá vườn”, chương trình đã nhận được sự đồng cảm và ủng hộ của nhiều người.

Đến nay, nhiều hạt nhân nòng cốt vẫn thường xuyên cộng tác với chương trình như tài tử ca: Ngọc Thảnh, Minh Sơn, Anh Kiệt, Tấn Hưng, Ngọc Mến, Trúc Hào…; tài tử đờn: Thành Tại, Kim Nguyên, Hồng Vân… Nhiều giọng ca với chất giọng tốt đã được Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh và Sở VH-TT&DL mời tham gia các cuộc liên hoan, hội diễn cấp khu vực và toàn quốc. Cứ đến mỗi lần tổ chức Chương trình giao lưu Đờn ca tài tử “Vầng trăng tri âm” là không khí tại Nhà văn hóa xã lại rộn ràng bởi những lời ca, tiếng hát và những tiếng vỗ tay tán thưởng nhiệt tình của khán giả.

Để làm phong phú cho chương trình biểu diễn hàng tháng, Ban Chủ nhiệm Nhà văn hóa xã Bình Phục Nhứt đã đưa thêm các nội dung biểu diễn vào chương trình sinh hoạt bằng các tiết mục ca - múa - nhạc, múa lân, trích đoạn cải lương…

Chính vì thế, chất lượng chương trình luôn được đổi mới về nội dung, nâng cao về nghệ thuật và được đông đảo khán giả đón nhận. Thỉnh thoảng, Ban Chủ nhiệm Nhà văn hóa xã tổ chức cho các thành viên đi giao lưu biểu diễn với các đơn vị bạn trong và ngoài huyện nhằm học hỏi kinh nghiệm để nâng cao kỹ năng chuyên môn. Song song đó, Ban Chủ nhiệm Nhà văn hóa thường xuyên mời các câu lạc bộ bạn đến sinh hoạt giao lưu, phục vụ nhân dân. Chính vì thế chương trình luôn được đổi mới, tạo sự hấp dẫn cho người xem.

Tính đến tháng 4-2014, chương trình đã qua 79 lần tổ chức và đang là một “đặc sản văn hóa” được duy trì thường xuyên tại xã Bình Phục Nhứt. Sức sống của chương trình không chỉ xuất phát từ chất lượng các tiết mục, các giọng ca, mà quan trọng hơn là sự đồng cảm và ủng hộ của lãnh đạo xã, sự chung tay góp sức của các ban, ngành, đoàn thể xã và các nhà hảo tâm thân thiết.

Từ “thương hiệu” của chương trình này, năm 2012 UBND xã đã mạnh dạn chọn Chương trình giao lưu Đờn ca tài tử “Vầng trăng tri âm” tham gia Hội thi “Tổ chức hoạt động nhà văn hóa” cấp tỉnh. Chương trình đã được Hội đồng thẩm định đánh giá cao và vinh dự nhận Giải Xuất sắc. Trong số 20/49 chương trình đạt giải lần này, huyện Chợ Gạo có 4/5 đơn vị đạt giải gồm: Xã Bình Phục Nhứt, Thanh Bình, Lương Hòa Lạc và Phú Kiết.

Sau gần 10 năm với 79 lần tổ chức, chương trình đã thực sự khẳng định sức sống trong lòng khán giả xã nhà và đang có sức lan tỏa nhất định. Cứ mỗi lần tổ chức, bà con trong xã lại rủ nhau sắp xếp công việc gia đình đến xem và ủng hộ chương trình.

Nhiều tiếng cười mãn nguyện sau mỗi tiết mục đã góp phần làm vơi đi những mệt nhọc của cuộc sống ngày thường và đã tiếp thêm động lực cho những người tổ chức. Tuy với tính chất “cây nhà lá vườn” nhưng chương trình là một địa chỉ lý tưởng nhằm lưu giữ, bảo tồn và phát huy nghệ thuật Đờn ca tài tử - di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.


(Theo Ấp Bắc)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 193
  • Khách viếng thăm: 190
  • Máy chủ tìm kiếm: 3
  • Hôm nay: 51823
  • Tháng hiện tại: 2284373
  • Tổng lượt truy cập: 46251606