Áp lực tiêu thụ lúa gạo vẫn còn rất lớn

Đăng lúc: Thứ hai - 16/03/2015 10:43
Câu chuyện tạm trữ và việc tiêu thụ lúa gạo đang là đề tài được nhiều người quan tâm, nhất là người nông dân và các doanh nghiệp (DN) trong ngành lương thực. Chiều ngày 11-3, chúng tôi đã đặt ra vấn đề này với ông Lâm Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Lương thực Thịnh Phát, thành viên Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA). Ông Lâm Anh Tuấn nhấn mạnh:

Trước mắt, cần phải khẳng định là nhờ chính sách mua tạm trữ của Chính phủ và việc ký hợp đồng giao ngay cho Philippines 300.000 tấn gạo góp phần giữ giá lúa gạo vụ đông xuân đang vào giai đoạn thu hoạch rộ không bị giảm sâu như trước Tết Nguyên đán.

Cụ thể, sau khi có chủ trương mua tạm trữ 1 triệu tấn quy gạo của Chính phủ, giá lúa từ 4.000 đồng/kg nâng lên 4.300 đồng/kg, thậm chí có nơi đạt 4.400 đồng/kg (lúa tươi IR50404); gạo nguyên liệu cũng nâng lên 6.500 đồng/kg, tăng 300 đồng/kg. Tuy nhiên, việc mua tạm trữ lúa gạo đang được triển khai thực hiện không phải là giải quyết được hết các khó khăn.

* Phóng viên: Ông có thể lý giải nguyên nhân vì sao?

ÔNG LÂM ANH TUẤN: Nếu nhìn nhận ở nhiều khía cạnh khác nhau, sau khi có chủ trương mua tạm trữ, giá lúa gạo nhảy lên quá cao cũng tạo nên một số điều bất hợp lý. Khi giá lúa gạo bật lên nhanh như vừa qua dẫn đến DN trong ngành lương thực gặp một số khó khăn. Bởi DN chỉ được hỗ trợ lãi suất để không tăng chi phí lên cao chứ không có nghĩa là được trợ cấp để làm giảm giá gạo nguyên liệu trong nước.

Vận chuyển gạo tại Công ty TNHH Lương thực Thịnh Phát vào chiều ngày 11-3.
Vận chuyển gạo tại Công ty TNHH Lương thực Thịnh Phát vào chiều ngày 11-3.

Trong khi đó, tính sơ bộ mặt hàng gạo 5% tấm, thị trường tiêu thụ thế giới chỉ chấp nhận ở mức giá 360USD/tấn, trong khi giá thành loại gạo này trong nước có thời điểm tăng đến 370 USD/tấn. Có nghĩa là, nếu mua gạo nguyên liệu ở thời điểm này, DN cầm chắc lỗ 10 USD/tấn, tương đương 200 đồng/kg. Nếu tính hỗ trợ lãi suất trong thời gian tạm trữ lúa gạo, thì khả năng DN tham gia tạm trữ cũng chỉ được hưởng khoảng 120 đồng/kg, chưa tương ứng với mức lỗ mà DN dự kiến phải gánh chịu.

Chỉ với 1 triệu tấn gạo mua tạm trữ, nếu 6 tháng sau không có đầu ra sẽ trở nên áp lực đối với DN. Ở khía cạnh khác, theo số liệu gần đây cho thấy, đến ngày 10-3, việc thu mua tạm trữ chỉ mới đạt 8% trên tổng số 1 triệu tấn quy gạo. Nguyên nhân chủ yếu là do một số DN được phân chỉ tiêu thu mua tạm trữ nhưng việc tiếp cận nguồn vốn ngân hàng còn vướng một số khó khăn.

* Phóng viên: Như vậy, việc đẩy hàng ra cũng như giá bán đang là áp lực đối với các DN xuất khẩu gạo, thưa ông?

ÔNG LÂM ANH TUẤN: Điều này là tất nhiên. Bởi hiện tại chỉ với 300.000 tấn gạo được ký gần đây giao cho Philippines cũng chỉ là số lượng rất ít so với sản lượng của cả vụ đông xuân năm nay. Còn ở phương diện tổng thể, theo số liệu của VFA, kết thúc năm 2014, cả nước vẫn còn tồn 700.000 tấn gạo được chuyển sang năm 2015; trong khi lượng gạo hàng hóa được dự báo trong vụ đông xuân năm nay khoảng 4,3 triệu tấn, nâng tổng lượng gạo hàng hóa lên 5,3 triệu tấn.

Trong khi theo thông tin từ VFA, đến thời điểm hiện nay, tính cả hợp đồng thương mại và tập trung, chỉ mới ký khoảng 2 triệu tấn gạo, nếu cộng cả 1 triệu tấn gạo thu mua tạm trữ thì vẫn còn hơn 2 triệu tấn gạo cần phải giao dịch. Do vậy, áp lực tiêu thụ lúa gạo vẫn còn rất lớn; trong khi đó gạo Việt Nam vẫn phải chịu cạnh tranh về giá với gạo của Thái Lan và các nước xung quanh, trong lúc nhu cầu tiêu thụ gạo trên thị trường đang ở mức thấp, cả về giá bán.

* Phóng viên: Trước áp lực như thế, khả năng giá lúa gạo sẽ khó tăng trong thời gian tới?

ÔNG LÂM ANH TUẤN: Những ngày gần đây giá lúa gạo có dấu hiệu giảm lại vài chục đồng/kg. Sau ngày 20-3, giá lúa gạo có khả năng tiếp tục giảm để DN tìm cơ hội đẩy hàng ra. Theo tôi, cái lớn nhất cần hiểu là chính sách thu mua tạm trữ lúa gạo chỉ là yếu tố tác động thị trường, tránh bán đổ bán tháo khi thu hoạch rộ, chứ chưa phải là phép mầu nâng ngay giá gạo Việt Nam bán ra cao hơn.

Bởi giá gạo Việt Nam còn tùy thuộc vào thị trường tiêu thụ, nên việc giá lúa gạo sẽ tiếp tục tăng sau khi thực hiện chủ trương mua tạm trữ rất khó trở thành hiện thực. Một yếu tố nữa làm cho giá gạo Việt Nam giảm là xuất khẩu theo đường tiểu ngạch sang Trung Quốc năm nay rất ảm đạm chứ không sôi động như những năm trước.

Bởi cái chính yếu là giá lúa gạo của Việt Nam phải phù hợp với mặt bằng giá của thế giới. Cụ thể như, hiện tại mặt bằng gạo 5% tấm của Việt Nam hiện được chào ở mức 360 USD/tấn, trong khi gạo Pakistan chỉ ở mức 350 USD/tấn, chưa kể Thái Lan cũng sẵn sàng tung gạo ra thị trường…

* Phóng viên: Xin cảm ơn ông!

Khánh Linh
(Theo Ấp Bắc)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 252
  • Khách viếng thăm: 175
  • Máy chủ tìm kiếm: 77
  • Hôm nay: 38737
  • Tháng hiện tại: 2271287
  • Tổng lượt truy cập: 46238520