Vì Bác, đơn vị tôi trở thành anh hùng

Đăng lúc: Thứ ba - 30/06/2009 07:34
Minh họa: Duy Hải

Minh họa: Duy Hải

Sau năm Mậu Thân, địch tập trung lực lượng phản kích ta quyết liệt. Với ý đồ tách dân ra khỏi cách mạng, chúng thực hiện kế hoạch bình định cấp tốc ở nông thôn. Đồn bót giặc mọc đầy như nấm; biệt kích Mỹ, bảo an, dân vệ ngày thì đi cào nhà, gom dân vào các khu tập trung; đêm thì rình rập, soi mói khắp đường đi lối lại, việc đánh phá bình định chưa có kinh nghiệm, nên ta gặp nhiều khó khăn, vùng giải phóng cứ ngày càng thu hẹp lại.

Ở Châu Thành, điểm bình định của chúng - ta chỉ còn liên lạc được từ đồn Đông Hòa trở lên Phú An, Hiệp Đức. Từ Hội Cư - căn cứ của Tỉnh đội - xuống tới xã Long Định - Châu Thành, ít nhất cũng phải qua 5 điểm đóng quân của địch. Chỉ trong tháng 6 và tháng 7 năm 1969, Tỉnh đội đã đưa 2 đoàn cán bộ xuống Châu Thành để nghiên cứu, đánh phá bình định, nhưng không đoàn nào “dùi” xuống nổi. Đoàn thứ nhất đi tới Láng Biển - Mỹ Phước Tây thì bị phục kích, đồng chí chỉ huy đoàn bị thương, phải quay trở lại. Một tháng sau, đoàn thứ 2 lần dò đến Tân Bình thì đụng địch; chị Út Minh - cán bộ dân quân của tỉnh hy sinh, lại phải quay về.

Đến tháng 8/1969, tôi đang là tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 514 được điều về làm Tham mưu trưởng Tỉnh đội, phụ trách đoàn cán bộ xuống Châu Thành nghiên cứu và trinh sát tình hình mé Đông lộ 12. Đoàn có 7 người. Sơn - Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 514; anh Tư Tùng - Phó Chính trị Tiểu đoàn, Thời - bảo vệ của tôi và 3 đồng chí bên trinh sát. Kế hoạch đã được thống nhất, các khâu chuẩn bị xong xuôi, đúng 4 giờ chiều chúng tôi lên đường.

6 giờ tối hôm ấy, chúng tôi tới kinh Một Thước (Hội Cư) thì máy bay đổ biệt kích chặn đường. Bọn Mỹ hề như con sâu lẫn trong cây lá, khó mà phát hiện, chúng tôi quyết định đi vòng đường Bà Tồn dù xa hơn, khó đi hơn, nhưng bảo đảm an toàn. Xuống tới Cả Rắn lại gặp địch đóng quân. Đường đêm tối tăm, lầy lội. Mưa rơi rả rít, mà địch ở bên cạnh. Chúng tôi bàn nhau “dùi” vào khu căn cứ của huyện Cai Lậy để ngủ qua đêm. Gọi là dùi vì không có người dẫn đường, chúng tôi phải tự gỡ lựu đạn gài, cắt lối đi. Vốn là lính đặc công, nên tôi và Sơn thay nhau vừa lần tìm những sợi gân lẫn trong cỏ tây lông, cỏ bắc; và dùng xuổng sắt xom để tránh lựu đạn hầm. Đã “lên mâm” rồi, thì phải ngồi xổm trên mười đầu ngón chân mà nhích từng tấc một. Muỗi cắn không dám đập, lạnh không dám run, đôi tay phải hết sức nhạy cảm và khéo léo. Thằng địch gài trái còn có tầng, có lớp, chứ ta gài cứ như mạng nhện, không có kinh nghiệm không dễ gì gỡ nổi. Có lúc 3 - 4 mét, lúc 5 - 6 mét chúng tôi gặp một trái cổ đỏ. Đoàn người phía sau (núp dưới mương) cũng nhích dần lên. Mãi tới gần sáng chúng tôi mới phát hiện ra ánh đèn le lói từ một căn hầm sát mặt đất. Nhìn thật kỹ mới thấy những tấm ni lông lụp xụp. Sự hiện diện của chúng tôi làm cho các anh trong cứ vô cùng kinh ngạc.

Hôm sau, khi trời tối, chúng tôi đi theo đường kênh Mười Tường, rồi cặp theo kênh Kháng Chiến. Con đường này cách nơi địch đóng quân hơn cây số. Cứ như chơi trò cướp bắt, đến kênh Bang Dầy, chúng tôi lại gặp Tiểu đoàn 12 của sư 7 ngụy đóng từ rạch Phú Nhuận, tới cầu ván Bang Dầy, ra Tân Bình. Chúng tôi xuống ấp 7 tìm chốt của ta để nắm tình hình. Địch đóng cách đường hơn 100 mét. Chúng tôi lội qua kênh 12, rồi theo lộ đất về xã Mỹ Hạnh Trung; âm thầm băng đồng lội rạch, đạp lên lau sậy mà đi; mãi đến 2, 3 giờ khuya mới tới Xóm Chòi. Những mái lá nghèo của người dân bám đất mọc bên nhau thành xóm cũng là nơi bộ đội, du kích thường trú qua đêm. Bộ đội gặp dân chưa nói hết nỗi vui mừng, tăng võng mắc lên chưa kịp nằm cho lại sức, thì ba lô súng ống lên đường; bởi lo tên phản bội lúc chiều sẽ dẫn biệt kích về. Để bảo vệ Xóm Chòi và cơ sở, chúng tôi hành quân về Ấp Bắc.

Chỉ còn độ 10 km nữa là tới xã Long Định (Châu Thành), nhưng chúng tôi phải chia tay nhau, vì không thể đi cả tiểu đội qua vùng bình định trắng. Anh Tư Tùng và 3 cậu trinh sát ở lại Ấp Bắc liên lạc với du kích xã Dưỡng Điềm, tôi, Sơn và Thôi sẽ đi tiếp.

Và đêm nay, tôi, Sơn đã ở đây; ngay cái ấp Tây II của xã Long Định này, cái ấp “điểm” mà giặc quét sạch từng chiếc lá khô, bơm nước ngập từng ngôi nhà, khu vườn để tìm hầm bí mật, nhưng chúng đâu biết rằng vẫn còn cái hầm “cá trê” trong liếp bình bát vườn chị Bảy Ổi đợi chúng tôi về. Tội nghiệp, đêm đó chị Bảy không ngủ được vì nỗi mừng, lo quá bất ngờ. Sáng ra tôi và Sơn vào khu Cây Lim chặt cây làm hầm. Trước kia, khu Cây Lim là căn cứ của Huyện ủy Châu Thành, vì tình hình quá khó khăn, cơ quan dời đi nơi khác, còn lại bãi lựu đạn chết. Ở đó cây cối um tùm hoang dại, là nơi “bất khả xâm phạm” đối với địch.

Đêm đó, tôi và Sơn bè cây về làm được một cái hầm đủ cho 5 người ở. Bọn địch quét lá, bơm nước tìm hầm, thì ta cũng có cách làm hầm để chúng không phát hiện được. Đào từ mặt đất xuống hơn 1,5 mét chúng tôi mới cho trổ cửa ngạch ra đáy mương. Cửa hầm bằng khung gỗ, bên trong đổ xi măng và cắm rễ cây khô. Nắp hầm đã được chuẩn bị từ trước, được ngâm lâu ngày dưới nước, nên rong bám đầy giống y như đất ở bờ mương. Phần mặt đất, chúng tôi dành hơn 5 tấc để lót cây và đổ đất lên cho bằng mặt. Sau đó chủ vườn móc mương bồi thêm lên một lớp bùn dày, rồi trồng khóm. Hầm đào đến liếp nào thì khóm mọc lên đến liếp đó. Trong hầm còn lại chiều cao đúng 1m, rộng gần 2m2. Đường vào hầm có 2 bậc, để khi chui từ đáy mương lên bậc thứ nhất chúng tôi có thể đứng lau chùi mình mẩy cho sạch sẽ, bậc thứ hai là chỗ nghỉ ngơi, có nhiều lỗ thông hơi ra bờ mương. Đêm nào cũng vậy trước khi vào hầm, chúng tôi phải chia nhau đi quần đục các con mương xung quanh để địch không phát hiện ra cái mương có hầm bí mật.

Thôi xuống đây, rồi phải quay trở lên Ấp Bắc để rước cánh anh Tư Tùng xuống. Khi đoàn đã đến đông đủ thì ban ngày vào khu Cây Lim nghỉ ngơi và đốn cây; tối đến ra vườn đào hầm theo đội hình bố trí. Cứ đào đủ chỗ cho 1 trung đội thì cử người về rước lực lượng xuống. Đơn vị mới đến lại đào hầm rước thêm đơn vị khác. Chúng tôi làm theo kiểu “nhảy cóc” như vậy chỉ hơn 1 tuần đã đào hầm và công sự chiến đấu đủ cho đại đội 2 - Tiểu đoàn 514 và trung đội đặc công của tỉnh.

Có đêm, tôi, Sơn và 3 đồng chí bên đặc công đi nghiên cứu để đánh đoàn bình định đóng ở ấp Trung. Lúc về bị bọn bảo an chận đường, 5 thầy trò đành ém lại chờ nó rút. Nhưng đến 4 giờ sáng, chúng không rút lại tăng thêm quân áng ngữ cả một vùng. Cũng may còn có đường nước Ba Mã, con kênh nhỏ ấy trở thành chiến hào che chở cho chúng tôi. Bè dưới kênh một lúc thì trời sáng hẳn. Phát hiện ra dấu nước đục, bọn bảo an hăm hở bườn theo. 3 đồng chí đặc công đi trước, tôi và Sơn đi sau. Gần tới khu vực Cây Lim chúng tôi vừa đi, vừa gài lựu đạn. Trái nổ đặt trong bờ kênh cho tầm sát thương từ trên chụp xuống, dây vướng căng ngang mặt nước. Có trái dây được chôn dưới lòng kênh, để lúc địch cụm lại, đất lún sâu mới nổ. Gài được 5, 6 trái thì chúng tôi lên khu Cây Lim chờ. Chưa đầy 5 phút sau, tiếng nổ ầm ầm nối nhau kéo theo tiếng khóc la dậy đất. Đứng trong gốc cây dừng nhìn qua đám dứa gai, tôi thấy thằng lính mang máy truyền tin hớt hải gào vào tổ hợp: “Đại bàng! Đại bàng! Lên rước con, bị nổ lựu đạn…”. Tiếng lựu đạn lại ầm ầm phía sau, có lẽ 2 trái tôi chôn dây sâu, giờ mới nổ. Bọn địch còn sống sót vừa la thất thanh, vừa xô nhau nhảy lên bờ, nhảy càn vào bãi lựu đạn khu Cây Lim. Những chớp lửa phụt lên, cả đại đội bảo an gần như đi đứt.

Trong lúc địch còn hoang mang chưa tìm ra hướng đóng quân của ta, tôi cho lực lượng đánh luôn đoàn bình định ở ấp Trung. Kết quả ta đã diệt gọn đoàn bình định. Nhưng Ngon, cậu lính trẻ dễ thương nhất của đơn vị đã hy sinh.

Trận đầu trót lọt, song đâu phải đã hết khó khăn. Đồn bót nhan nhản, các căn cứ địch, các đoàn bình định còn bao bọc xung quanh. Bây giờ thì chưa, nhưng lâu dài thì phải nghĩ đến vấn đề mộ quân, tiếp tế.

Tôi cầm cái radio chui ra khỏi hầm. Trận đánh vừa qua đã làm cho địch co lại chút ít, thỉnh thoảng chúng tôi có thể lên trên để hít thở khí trời. Bác Bảy - Huyện ủy viên Châu Thành - cũng đã lên tự lúc nào, mái tóc bạc trắng của ổng lấp ló trong đám bình bát. Từ lúc có ổng xuống, chúng tôi thêm vững dạ. Dựa lưng vào gốc xoài, tôi kéo cần ăngten nối dây nghe, tìm đài Hà Nội. Tiếng nhạc hiệu hôm nay sao nghe lạ, không phải bài hành khúc rầm rập như mọi khi. Rồi một giọng nam trầm, thống thiết cất lên: Xin báo tin buồn cho đồng bào cả nước…

- Trời ơi!… Bác Bảy ơi! Bác Hồ mất rồi!…

Tôi buông cái radio trên tay, mà toàn thân run theo từng tiếng nấc. Bác Bảy như người mất trí bò từ gốc cây này sang gốc cây khác. Mái tóc bạc của bác Bảy vật vờ trong khóm lá, tà áo bà ba đen run rẩy, lếch thếch trên mặt đất. Những tiếng kêu não nùng, thê thiết càng làm lòng tôi tan nát. Hai tiếng “trời ơi” bàng hoàng, thảng thốt từ các hầm. Không còn ai nhớ là mình đang sống trong lòng địch, còn cần giữ bí mật, tất cả đã lên mặt đất.

Tôi cố gắng bình tĩnh để bàn việc tổ chức lễ tang cho Bác. Đến lúc đọc điếu văn thì tôi chỉ còn nghe tiếng khóc. Những chiếc bàn thờ mới khói hương nghi ngút hiện lên ngay trong mỗi gia đình ở ấp chiến lược. Người nào cũng tự gắn cho mình một mảnh vải tang trên ngực; tự tổ chức lễ truy điệu Bác. Có người vốn nhát gan, mà nay cũng dám ra chợ Long Định mua thịt cá, hoa quả về cúng Bác, rồi mời bộ đội đến. Nhưng cả dân lẫn quân không ai thiết gì đến ăn uống, mắt ai cũng sưng đỏ lên. Chiến sĩ của tôi vốn là những anh lính trẻ vui tươi, dù ở hầm cũng tìm chuyện để cười, mà nay vật vờ, mỗi người ngồi một góc, không ai nói tới ai.

Đang lúc trời sầu, đất thảm thì có lời kêu gọi của Trung ương. Đơn vị phát động “biến đau thương thành hành động cách mạng”. Khí thế chiến đấu của đơn vị sôi nổi chưa từng có, tất cả đều quyết tâm phá bình định giải phóng cho toàn xã.

Đúng ngày thứ tư sau khi Bác mất, chúng tôi đánh tan đại đội khóa kinh. Hai đêm sau đánh đòn bình định ấp Tây Tròn và 12 chiếc xe công binh đang mở lộ ở bót Bờ Tẻ - Phước Thạnh. Ngày sau nữa, bắn rơi máy bay trực thăng, đánh chìm hai tàu sắt tại kinh Long Định. Sau mỗi trận đánh trở về nơi trú quân lại nhớ Bác, lại mong đánh nữa, thắng lớn nữa để đền ơn Bác. Tối tối, bác Bảy lại vịn vào vai tôi mà khóc, làm cho cả đơn vị không cầm được nước mắt. Một buổi chiều, tôi xuống thăm B đặc công, thấy cậu Sơn vừa mân mê cái thư chúc tết của Bác, vừa sụt sùi kể lể “Bác ơi! Đánh cho Mỹ cút, ngụy nhào, sao Bác bỏ con cháu mà đi…”. Sơn là một tiểu đoàn phó gan dạ, dũng cảm; mới 27 tuổi đã đánh không biết bao nhiêu trận, bị thương không hề rơi nước mắt, mà bây giờ…

Qua đợt chiến thắng giòn giã đó, đại đội 2 không còn ém quân dưới hầm bí mật nữa. Chúng tôi tổ chức mít tinh mừng chiến thắng, họp mặt với đồng bào, rồi lấy quân bổ sung lực lượng.

Được biết, hàng ngày có một đại đội bảo an địch từ Gò Lũy càn vào hướng cầu Bến Hải (cây cầu ván bắc ngang qua kinh Kháng Chiến mà địch không dám đi qua) rồi chiều lại rút về bảo vệ đoàn bình định. Không đánh bọn này thì dân chúng không thể yên ổn làm ăn được. Chúng tôi, hành quân ban ngày lên Gò Lũy. Khi đi ngang bót Di Cư thì người giả nông dân bơi xuồng, người mọp xuống, trùm bao bố lên lưng giả làm bao lúa để qua. Đến ấp Chợ - Gò Lũy thì mấy xuồng lúa và bác nông dân lại hóa thành lính bảo an, nằm phục hai bên đường vào ấp. Chiều hôm đó, bọn bảo an từ hướng cầu Bến Hải kéo về lọt vào trận địa phục kích bị chúng tôi khóa đuôi diệt gọn.

Nhiệm vụ ban đầu của đơn vị chỉ là đánh bình định, nhưng trong đợt phát động “biến đau thương thành hành động cách mạng”, chúng tôi đã mở luôn thành một vùng giải phóng rộng lớn, kéo dài từ Long Định (Châu Thành) đến Hội Cư - Cai Lậy. Cán bộ địa phương trở về xây dựng chính quyền, Huyện ủy Châu Thành trở lại khu Cây Lim như trước. Đại đội 2 - Tiểu đoàn 514 lại tiếp tục hoạt động mở rộng vùng giải phóng.

Sau gần 9 tháng kể từ khi Bác mất, đại đội 2 đánh tất cả trên 20 trận, tiêu diệt tương đương 12 đại đội; trong đó có 1 đại đội Mỹ ở Kinh 1 và 120 xe, 2 máy bay, 12 tàu chiến. Qua đợt đó, đại đội 2 - Tiểu đoàn 514 được tuyên dương đơn vị Anh hùng LLVT.

Ghi theo lời kể của Anh hùng LLVT nhân dân - Đại tá LÊ QUANG CÔNG

* (Tác phẩm đạt giải II cuộc thi sáng tác VHNT, báo chí Chủ đề "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh")

Ngọc Thủy
(Theo Văn nghệ Tiền Giang số 34)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 408
  • Khách viếng thăm: 403
  • Máy chủ tìm kiếm: 5
  • Hôm nay: 19681
  • Tháng hiện tại: 1885460
  • Tổng lượt truy cập: 48259587