Điệu hát chở hồn quê

Đăng lúc: Thứ sáu - 11/11/2016 16:54

Hơi vọng cổ nương bờ tre bay vút (Sơn Nam)

Là người dân Nam bộ, nhất là nông dân, ai cũng có thể nghêu ngao vài câu vọng cổ, cái điệu hát mà từ khi ra đời vào khoảng năm 1920 với cái tên Dạ cổ hoài lang, đã len lỏi vào ngõ ngách tâm hồn, tạo nên những cung bậc tình cảm khi đằm thắm nhẹ nhàng, lúc sâu lắng da diết, làm thổn thức tận đáy lòng người nghe.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Phải! Làm sao quên được những buổi chiều yên ả, bên con rạch vắng, bên cạnh bờ tre già hoặc trước sân một căn nhà lá nhỏ, sau một ngày mưa nắng ruộng đồng, bà con trong xóm ấp tụ lại đờn ca tài tử, một món ăn tinh thần không thể thiếu. Những buổi đờn ca như vậy thường kéo dài từ lúc xế chiều cho đến khi tiếng trống đình làng điểm canh ba mới tạm nghỉ. Người đờn, người ca, người nghe, tất cả đều say sưa lắng hồn như muốn nuốt chửng từng âm thanh, từng câu hát. Giữa không gian mông quạnh của miền quê, tiếng kéo đờn cò vang lên ray rứt, rồi tiếng sâu lắng của đờn kìm hòa quyện với giọng ca chân phương, mộc mạc của những người “nghệ sĩ ruộng đồng” cất lên mấy câu vọng cổ nghe mà đứt gan đứt ruột.

Chín nhánh sông ân tình đã chở nặng phù sa vun đắp cho vùng đất đồng bằng sông Cửu Long ngày thêm màu mỡ, cho vườn xanh trái ngọt, đồng vàng lúa thơm. Thiên nhiên ưu đãi cho vùng đất mới nầy tạo cho con người nơi đây những tính cách riêng như cần cù, thật thà, ngay thẳng, trung nghĩa và hiếu khách. Có nhà học giả nói rằng một trong những tính cách của người Nam bộ nói chung, miền Tây nói riêng là “chịu chơi” gẫm ra cũng không sai. Và chính điều ấy đã chắp cánh cho bài Hoài lang, rồi Dạ cổ hoài lang bay cao để định hình thành bài vọng cổ. Từ ngày ra đời đến nay, sức sống của bài ca nầy thật vững chắc, bền bỉ. Vọng cổ là bài ca không thể thiếu trong bất kỳ cuộc đờn ca tài tử nào, dù lớn hay nhỏ, của người Nam bộ; và nó cũng gắn liền với nghệ thuật cải lương như máu với thịt.

Thêm một điều diệu kỳ nữa đã xảy ra là từ khi đi vào sân khấu, bài vọng cổ đã lên ngôi bá chủ, đẩy lùi bài Tứ Đại Oán và Lưu Thủy Hành Vân, hai bài ca chủ yếu của cải lương bấy giờ. “Phi vọng cổ bất thành cải lương”, câu nói ấy đã khẳng định vị trí của bài vọng cổ luôn vững vàng trên sân khấu cải lương đến tận ngày nay.

Vì sao bài vọng cổ lại có một sức hấp dẫn mãnh liệt như thế? Các nhà nghiên cứu đều thống nhất với nhau là vọng cổ được ưa chuộng vì nội dung tự sự của nó rất phong phú, đầy chất trữ tình với 3 đặc điểm: vừa đậm màu bi ai, vừa có chất bi tráng lại dung nạp cả bi hài.

Đặc điểm thứ nhất, về chất tự sự trữ tình đậm màu bi ai là tính chất cơ bản của bài vọng cổ vì nó xuất thân từ bài Hoài lang, rồi Dạ cổ hoài lang là hai bài ca có nội dung sầu não thể hiện tâm sự của người cô phụ thương nhớ chồng vác kiếm ra đi cứu nước thời chinh chiến không hẹn ngày trở về:

Từ là từ phu tướng

Báu kiếm sắc phang lên đàng

Vào ra luống trông tin chàng

Đêm năm canh mơ màng

Em luống trông tin chàng

Ôi gan vàng oặn đau ý a…

(Dạ cổ hoài lang)

Nắm vững tính chất của bài Dạ cổ hoài lang, khi người nghệ sĩ xưa khi sáng tác hoặc ca bài vọng cổ luôn tô đậm chất sầu não chứa chan. Một bài vọng cổ được viết cách nay trên 70 năm đã thể hiện đặc sắc tính chất bi ai ấy qua giọng ca ray rứt, sầu não của danh ca Tư Bé trên đĩa than:

Anh ra đi không hẹn ngày về…

Nhưng em cảm thấy trong cái nhìn trìu mến của anh

Rằng ngày ấy không xa

Vì một người trai hào hiệp như anh

Không bao giờ nhẫn tâm

Để em sống trơ trọi với những ngày sầu tủi…

(Đợi chờ)

Hoặc trong một bài ca khác, người nghệ sĩ diễn tả bằng giọng nức nở, nghẹ ngào, khi ca khi nói, làm xé lòng người nghe:

Bạn ơi khúc đoạn ly tình…

Khéo bày chi để cho đời đôi ta

Chẳng đặng toàn chung trong

bức màn hạnh phúc…

(Bắn nhạn chung tình)

Cũng với bản vọng cổ, trong một bài ca khác nói lên nỗi lòng của người phương xa nhìn cảnh vật mà thương kẻ đợi chờ có lời văn chải chuốt mượt mà được chất giọng ngọt ngào của nghệ sĩ Út Trà Ôn diễn tả với bao nỗi thương tâm lay động lòng người:

Nhìn trời hiu quạnh rừng đêm

sương gió lạnh

Hướng quê nhà lòng chạnh nỗi niềm riêng

Em ôi! Nơi muôn dặm xa xôi xin em giữ vẹn hương nguyền

Để cho người cô lữ khỏi nặng mang niềm tủi hận

Thâu canh hồn ngơ ngẩn

Nhìn bóng trăng khuya soi lặng lẽ giữa đêm trường.

Cảnh vật mơ màng soi giấc điệp dưới trời sương

Thêm chạnh lòng người viễn khách cô đơn

Ngoài biên ải lạnh lung sầu

vương theo ngọn gió

     (Tôn Tẩn giả điên)

Không thể không nhắc đến một bài ca tự sự bi ai nổi tiếng vào thập niên 60 thế kỷ trước mà bất kỳ người nào mê vọng cổ cũng thuộc lòng vài câu. Ông vua vọng cổ Út Trà Ôn cũng đã lấy nước mắt không biết bao nhiêu người với bài ca nầy. Và bài ca ấy gần như đã trở thành một biểu tượng văn hóa tuyệt vời của miền Tây sông nước: “Về miền Tây nghe tình anh bán chiếu”. Với ca từ mộc mạc, bình dân nhưng đậm đà chất văn chương, lời ca cứ len lén xoáy sâu vào lòng người:

Ngọn gió đêm đông đừng thổi nữa

Lòng tôi lạnh lắm gió đông ơi

Tôi nhổ sào cho ghe chiếu trông xuôi

Lòng nặng trĩu một nỗi sầu tê tái

Tôi ngồi yên sau lái

Đôi mắt hướng về nẻo cũ vườn xưa

Hỡi ôi con sông Phụng Hiệp chảy ra bảy ngã

Thì lệ của tôi cũng lai láng tuôn dòng…

(Tình anh bán chiếu)

Tính chất tự sự trữ tình đậm chất bi ai của bài vọng cổ còn thành công rực rỡ trong sân khấu cải lương. Ta hãy nghe mấy câu vọng cổ thể hiện nỗi niềm tâm sự đau thương, u uất qua lời trối trăng của một nhân vật do nghệ sĩ Tám Thưa ca trên mặt đĩa Asia:

Cậu Tâm ôi sau khi tôi có chết đi rồi

Cậu nói lại giùm với má thằng Tâm

Để cho tôi kể rõ khúc nôi trước giờ

tôi nhắm mắt

Cậu ơi tôi nhờ cậu nói lại với má

thằng Tâm

Rằng tôi mong giũ sạch nợ trần ai

Đặng thoát ra khỏi tình thiên

hận hải

Vậy tôi có một đôi lờn nhắn nhủ

cùng với ai…

(Tô Ánh Nguyệt)

Sự kết hợp nhuần nhuyễn của ba yếu tố: tính chất sầu não trong âm nhạc, tính tự sự trong lời ca, tính bi ai trong nội dung hòa, với chất giọng truyền cảm của nghệ sĩ thể hiện, bản vọng cổ đã được công chúng nồng nhiệt đón nhận dù trong các cuộc đờn ca tài tử hay trên sân khấu cải lương. Ngay từ lúc mới ra đời, bài vọng cổ cũng đã chắp cánh cho nhiều tài danh bay cao trên vòm trời nghệ thuật thuở ấy như: Tư Bé, Tư Sạng, Ba Bến Tre, Ba Trà Vinh, Năm Cần Thơ, Hai Đá, Ngọc Nữ, Tám Thưa, Năm Nghĩa, Năm Châu, Năm Phỉ, Phùng Há v.v…Mãi đến nay, tên tuổi những nghệ sĩ tài danh ấy luôn gắn liền với một bài vọng cổ để vượt thời gian, sống mãi trong lòng công chúng. Các thế hệ sau nầy cũng làm nên tên tuổi từ sự thành công khi ca vọng cổ như Thành Được, Minh Vương, Minh Phụng, Tấn Tài, Thành Hương, Út Bạch Lan. Thanh Nga, Ngọc Giàu, Phượng Liên v.v…Có thể nói những tên tuổi ấy sẽ khó mà lên đỉnh cao trên vòm trời nghệ thuật nếu không có sự chắp cánh của bài vọng cổ đậm chất tự sự bi ai cuốn hút trái tim bao thế hệ khán giả.

Đặc điểm thứ hai, trong âm sắc vọng cổ mang tính chất tự sự bi tráng. Có thể nói, vọng cổ không chỉ dừng lại ở tự sự bi ai diễn tả những nỗi đau khổ, những bất hạnh mất mát của cuộc đời mà qua nội dung lời ca, vọng cổ có thể biến chuyển từ chất buồn thảm, sướt mướt của bi ai sang chất buồn mạnh mẽ, bi tráng qua tính chất âm nhạc và sự thể hiện lời ca của nghệ sĩ. Cần chú ý, nếu sự hòa quyện giữa ca và nhạc không đạt thì không thể hiện được chất hùng trong chất bi. Ca và đờn phải hòa quyện không phải chỉ trong lòng bản, nhịp nhàng mà phải hòa quyện trong cách tấu, cách ca. Ca và nhạc phải gắn liền như hình với bóng hay nói cách khác ca là hoa, nhạc là phân bón, phân bón không tốt thì hoa không thể nở đẹp được.

Sau khi cách mạng tháng Tám thành công, một bài vọng cổ tự sự bi hùng ra đời tạo một tiếng vang khắp cả nước bởi sự hòa quyện giữa các ngón đờn và giọng ca của nữ nghệ sĩ Ngọc Ánh:

Cả tiếng kêu 25 triệu đồng bào

Ta bừng tỉnh giấc mộng

huỳnh lương

Hãy sát cánh nhau chung lưng

đấu cật

Tạo nên một vách thành kiên cố

Giữ vững nước nhà

Vì nay đã được hưởng sự tự do,

hòa bình, hạnh phúc…

(Tiếng gọi đồng bào)

Sự phong phú của bài vọng cổ trong chất bi tráng còn được nghe trong bài vọng cổ dưới đây do nghệ sĩ tài danh Út Trà Ôn ca trên mặt đĩa Asia cách nay trên 70 năm với lối nhảy chữ lót, quăng bắt rắn rỏi, nhịp điệu vững vàng, vừa ca vừa nói rất độc đáo, bi tráng:

Chí vóc của đấng anh hùng

Đã nung nấu tận tâm trung từ thuở ấu thơ

Còn ở động tiền vì nhân duyên

nên không được thành tiên

Thầy mới cho hạ san để xả thân đền ơn cho nợ nước.

Bệ hạ ôi binh Khương Thượng

trước ngọ môn reo tở mở

Thành trì bị vâp phủ khắp nơi

Khương Tử Nha lãnh ấn

Nguyên nhung

Đòi bệ hạ khai thành giao chiến

Trời ơi đấng tôi trung đã phản

Trụ đầu Châu kéo binh về vấn tội

Trong khi hoàng hậu Tô Nương

đã bỏ ta sớm vội bôn đào.

Lần đầu tiên trẫm đã cho suối lệ

tuôn trào

Châu Khanh ôi hãy đem đến đây

một bầu ngự tửu

Cho trẫm ấm lòng khi vắng lạnh

               Tô Nương

Bá Lạc đài đã vắng bóng

người thương

Vắng tiếng nhạc lời ca vắng mỹ nữ cung tần

Nhìn lại giang sơn mà lòng quả nhân thêm nghẹn ngào tức tưởi…

(Trụ vương thiêu mình)

Tính chất bi tráng nằm chủ yếu ở lời ca và cách ca, diễn viên sắp chữ thưa nhặt, nhấn nhá sao cho phù hợp để diễn đạt tình cảm bi ai, hào hùng, uất hận, giận dữ… do nội dung

quyết định.

Đặc điểm thứ ba, bài vọng cổ như đã phân tích rất giàu chất bi ai, bi tráng. Nhưng sau đó, do sự sáng tạo tài hoa của các soạn giả với lối diễn bi hài và cách diễn đạt của các nghệ sĩ, bài ca cổ viết theo phong cách bi hài cũng rất được công chúng ưa chuộng.

Nói đến vọng cổ bi hài phải nhắc đến nghệ sĩ Hồng Châu, một giọng ca từng lấy nước mắt người nghe khi ca bi lụy nhưng cũng làm cho người nghe cất tiếng cười lý thú qua những bài ca nhuốm phong cách hài. Những người đương thời của những thập niên ba mươi bảy, ba mươi tám thế kỷ trước chắc không thể quên bài vọng cổ bi hài “Cọp cọp Bonjour thầy Ba”. Muốn diễn đạt thành công bài vọng cổ hài, ngoài chất giọng tốt, diễn viên phải ca như nói, kỹ thuật luyến láy duyên dáng đầy sáng tạo, nhịp nhàng phải chắc. Trong đĩa hát “Cọp cọp bonjour thầy Ba”, nghệ sĩ Hồng Châu ca cà lăm thật duyên dáng:

Cọp cọp cọp! Thằng Hai mầy ra coi ai gõ cửa đàng trước đó!?

Mầy coi ai muốn vô thì cho người ta vô.

Tao thấy cái dáng đội nón cối bận bộ đồ “xẹt”, vô tới rồi cà

À! Bonjour thầy Ba

Chà! Lâu lắm tôi mới gặp à

Hai, mầy chạy ra mua gói thuốc con…chuột…chuột…(cà lăm)

Với cái ống quẹt tiền xu về hút chơi

À, thầy Ba ! Công chuyện làm ăn ra thế nào ?

(Cọp cọp! Bonjour thầy Ba)

Lời văn dí dỏm, mộc mạc đã được nghệ sĩ có duyên hài thể hiện, đặc biệt khi dứt chữ ,chữ xang, chữ cống rất thú vị được người nghe mê đắm một thời.

Nắm được sự yêu chuộng của người nghe, nhiều soạn giả sáng tác ca cổ bi hài. Tuy nhiên đến khi soạn giả Viễn Châu khai thác chất giọng đặc biệt của Văn Hường với kỹ thuật  phát âm hự ứ hự rất duyên dáng trước khi xuống mới đưa tên tuổi Văn Hường lên tột đỉnh trong cách ca vọng cổ hài thật tài tình, duyên dáng. Ngoài ra, nhiều nghệ sĩ khác cũng đã thành công khi hát vọng cổ bi hài như: Năm Bé, Hề Minh, Văn Hường, sau nầy là Hề Sa, Thanh Nam… Đó là những danh ca vọng cổ hài đã tạo được ấn tượng đẹp trong lòng người nghe. Hàng loạt bài vọng cổ thể loại nầy ra đời khiến người nghe phải bật cười, bên trong cái cười là sự chua chát, cay đắng về tình người, thói đời  như : Hề Minh có “Tiên ông thọ nạn”, “Năm chàng rể quý”, “Mèo lại hoàn mèo”, “Đạo khòm đạo vuốt”, “Ớt không cay” …Văn Hường có “Tại tôi tuổi Sửu”, “Sợ vợ ”, “Năm con vợ ”, “Tai nạn Honda”, “Tôi đi hớt tóc”, “Tiền bạc, bạc tiền”…Hề Sa có “Khi người say biết yêu”,

“Lái xe gắn máy”, “Lính già vui vẻ”, “Anh chàng 4 vợ”, “Trời sinh trâu sinh cỏ”…Thanh Nam có “Hai Lúa lên đời”,

“Vợ tôi thi hoa hậu” v.v…Ví dụ như bài vọng cổ hài một thời được người nghe yêu thích sau đây :

Mỗi khi nghe má thằng nhái cằn nhằn cửi nhửi

Nó nói đời bây giờ mà tui còn để củ tỏi Hạ Châu

Tía nó ơi nghe lời tui đi hớt tóc gội đầu

Cho được gọn ghẽ bảnh bao cùng thiên hạ

Tui mới cãi lại với má nó rằng

Thân thể phát phu thọ chi phụ mẫu

Tôi giữ cục si nhông là để nhớ ơn tổ phụ ông (ự...ứ…)…bà…

(Tôi đi hớt tóc)

Sự thành công trong cách thể hiện duyên dáng của Văn Hường hòa với lời ca dí dỏm, ngôn từ mộc mạc nhưng thâm trầm sâu sắc, cái chọc cười thâm thúy trong từng ý từng lời, tất cả đã cộng hưởng làm nên sự thành công của bài ca.

Người viết vọng cổ bi hài thường đặt nội dung vào việc chế giễu thói hư tật xấu, xây dựng con người tốt hơn và hầu được người nghe nhiệt tình

đón nhận.

Vọng cổ là một bản nhạc có một không hai trong hệ thống bài bản tài tử và cải lương. Sự phát triển từ tự sự bi ai, bi tráng đến bi hài là một bước dài đáng kể khẳng định sự đa dạng của một bản nhạc có sự đóng góp rất lớn của tác giả. Diễn viên và nhạc sĩ. Do yêu cầu diễn đạt nội dung, từ lời ca ít đến nhiều, bài vọng cổ biến đổi từ nhịp 2 đến nhịp 4,8,16, 32 rồi gần nhất là 64.

Phần cuối trong bài viết về quá trình phát triển bài vọng cổ, xin dành đôi dòng nói thêm về thể loại tân cổ giao duyên.

Khi đã mở rộng tiết tấu thì một lần nữa bài vọng cổ lại tìm thêm một hướng đi mới. Đó là sự kết hợp dòng nhạc mới với bài vọng cổ gọi là tân cổ giao duyên. Nhạc sĩ Kiều Tấn - nhà nghiên cứu âm nhạc đã nhận định:

“Sự phát triển của vọng cổ vẫn tiếp tục mở ra một chân trời mới. Tân cổ giao duyên ra đời đánh dấu một bước ngoặt đầy sáng tạo làm cho bài vọng cổ trở thành một bài ca vừa dân tộc vừa hiện đại nhứt trong các bài bản tài tử đang trong giai đoạn thể nghiệm…”. Khó có thể khẳng định tương lai thể loại nầy ra sao vì bây giờ có nhiều người ủng hộ nhưng vẫn không ít người phản bác. Tân cổ giao duyên đang được yêu chuộng, nhất là giới trẻ. Chọn bài tân nhạc có nhịp điệu hài hòa với bản vọng cổ sẽ dễ đi vào lòng người nghe. Khi viết lời cổ cũng cần tìm hiểu nội dung, cảm xúc mà người nhạc sĩ tân nhạc gởi gắm trong ca khúc, có như thế mới tạo được sự đồng điệu, tránh trường hợp tân đi một đàng, cổ đi một nẻo rất khó nghe.

Trên đây là sơ lược các bước phát triển của bài vọng cổ trong phạm trù thể loại. Trong đó, việc phát triển phong phú về chất bi ai, bi tráng, bi hài của bài vọng cổ là một trong những yếu tố căn bản làm nên sự thành công kỳ diệu của bản nhạc ấy suốt chiều dài gần một trăm năm nay.

Nếu nền âm nhạc thế giới khẳng định tên tuổi của Chopin, Mozart, Bethoven v.v…thì Việt Nam ta nói chung, Nam bộ ta nói riêng cũng tự hào với bài vọng cổ, một điệu hát chuyên chở hồn Nam Bộ của

Việt Nam đã và sẽ còn sống mãi với thời gian.

(Trong bài có sử dụng tư liệu của các nhà nghiên cứu, các nhạc sĩ, soạn giả nhưng trong hoàn cảnh khó khăn chưa xin phép được. Nhằm mục đích đóng góp thêm tiếng nói khẳng định giá trị của bài vọng cổ, mong quý vị thông cảm và cho phép).

Khánh Văn
(Theo Văn nghệ Tiền Giang số 74)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 252
  • Khách viếng thăm: 248
  • Máy chủ tìm kiếm: 4
  • Hôm nay: 33471
  • Tháng hiện tại: 2198131
  • Tổng lượt truy cập: 46165364