Nguyễn Đình Tú cảm kích trước cách làm phim của Cường Ngô

Đăng lúc: Thứ hai - 30/12/2013 10:13
Tác giả "Phiên bản" cho rằng đây là lúc các tác phẩm văn học cần được điện ảnh chắp cánh. Cường Ngô là một trong số đạo diễn nhiệt tình làm điều này.

2013 là năm bội thu của nhà văn Nguyễn Đình Tú. Giữa năm anh ra mắt tiểu thuyết Hoang tâm. Gần cuối năm, anh vào TP HCM dự ra mắt đoàn phim Hương Ga - được chuyển thể từ tiểu thuyết Phiên bản của anh. VnExpress trò chuyện với tác giả.

- Việc anh bán bản quyền "Phiên bản" cho đạo diễn Cường Ngô với giá 50 triệu đồng khiến làng văn háo hức. Còn cảm giác của riêng anh thế nào?

- Số tiền đó bằng ba lần nhuận bút tái bản tiểu thuyết Phiên bản. Với tôi, thế là vui lắm rồi. Tất nhiên niềm vui có thêm số tiền từ tác phẩm của mình sẽ nhanh chóng qua đi. Điều ở lại dài lâu hơn là sự phấn khởi khi thấy đứa con tinh thần được sống thêm một đời sống nghệ thuật. Mong cho bộ phim ra đời và cầu chúc cho những người làm phim gặt hái được thành công.

Nguyễn Đình Tú (phải) và đạo diễn Cường Ngô đang chọn bối cảnh quay cho phim.

Nguyễn Đình Tú (phải) và đạo diễn Cường Ngô chọn bối cảnh quay cho phim.

- Phim mang tên khác hẳn tên của tác phẩm gốc. Anh nghĩ sao?

- Hương Ga (Cô bé bán hương ở chợ Ga) là biệt danh nhân vật chính của tiểu thuyết Phiên bản. Những nhà làm phim đã phải suy nghĩ rất nhiều khi chọn tên nhân vật chính làm tên phim thay cho tên tiểu thuyết. Tôi nghĩ đó là một lựa chọn hợp lý.

- Ngoài việc bán bản quyền tác phẩm, anh tiếp sức cho đạo diễn Cường Ngô như thế nào trong quá trình thực hiện bộ phim?

- Cường Ngô luôn coi trọng chất liệu văn học cho một tác phẩm điện ảnh. Vì thế, anh thường trao đổi với tôi về nội dung cuốn sách, về tính tư tưởng của nó, về những giá trị nhân văn mà tiểu thuyết hướng tới. Rồi anh hỏi ý kiến tôi về bối cảnh quay, về hình dung nhân vật, ngay cả tên phim nữa, tôi đáp lại tấm thịnh tình ấy bằng tất cả những gì có thể. Thời gian qua, tôi cũng cùng đạo diễn khi ở Sài Gòn, lúc ở Hà Nội, hay tham gia hành trình tìm kiếm bối cảnh cho bộ phim ở Nam Định, Hải Phòng và nhiều tỉnh thành khác.

- Chứ không phải anh kè kè bên đạo diễn vì sợ đạo diễn thể hiện không đúng tinh thần cuốn sách của mình?

- Bóp méo hay bóp tròn là quyền của nhà làm phim. Tôi đã đồng ý cho họ làm phim tức là tôi không đặt ra điều kiện gì nữa, chỉ mong nó hay, mong cho bộ phim thành công. Tôi và Cường Ngô hay gặp nhau không phải với tư cách người mua và người bán bản quyền mà với tư cách bạn bè. Chúng tôi không chỉ bàn về bộ phim này mà còn bàn về nhiều dự án làm phim khác. Cường Ngô là một trong số rất ít những đạo diễn hiện nay luôn có khát vọng lùng tìm tác phẩm văn học hay để làm phim. Là một nhà văn, tôi cảm kích trước thái độ ấy.

Tạo hình của Trương Ngọc Ánh trong vai Hương ga - cô gái làm nghề bán nhang ở chợ ga.

Tạo hình của Trương Ngọc Ánh trong vai Hương Ga - cô gái làm nghề bán nhang ở chợ Ga.

- Kịch bản phim sẽ có những thay đổi như thế nào so với tác phẩm gốc?

-  Trước khi sản xuất, đạo diễn đã chuyển cho tôi xem kịch bản phim. Phim vừa giống lại vừa khác với tiểu thuyết. Điều đó đương nhiên. Tôi cũng đã khuyên một số bạn đọc rằng, đừng mang tư duy tiểu thuyết khi đến rạp xem phim. Bởi cách kể của phim sẽ dẫn dụ bạn đi cùng câu chuyện khác với cách kể của sách. Tóm lại khi sống một đời sống khác thì tôi để tác phẩm của mình tự sống chứ không can thiệp.

- Trước đây Cường Ngô từng chuyển thể loạt truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Thị Minh Ngọc. Tuy nhiên, chuỗi phim ngắn "Ngọc Viễn Đông" khi ra rạp lại kén khán giả. Anh nghĩ gì về vị đạo diễn này khi gửi gắm tác phẩm của mình?

- Dòng phim Cường Ngô theo đuổi từ trước đến nay thế nào, mạnh yếu ra sao, mọi người đều biết cả. Có người còn nói phim của anh duy mỹ, chỉ hợp với các liên hoan phim quốc tế. Nếu đúng thế, tôi càng kính trọng vị đạo diễn này. Năm 1987 tác phẩm Gia tộc Cao lương đỏ của Mạc Ngôn được Trương Nghệ Mưu chuyển thể thành phim và gặt hái rất nhiều giải thưởng ở các liên hoan phim quốc tế. Để rồi 25 năm sau, vào năm 2012, Mạc Ngôn bước lên bục vinh quang để nhận giải thưởng Nobel danh giá của Viện Hàn lâm Thụy Điển.

Chúng ta đang rất cần những đạo diễn tài năng, và văn học đang rất cần lắp thêm đôi cánh của điện ảnh để có thể bay ra khỏi biên giới, đến với bạn bè năm châu. Tôi nghĩ, hơn bao giờ hết, lúc này giữa văn học và điện ảnh đang cần một cuộc hôn phối để có thể sinh ra những tác phẩm có giá trị, phục vụ người xem trong nước cũng như quốc tế. Đó mới thực sự là những khát vọng nghệ thuật đáng trân trọng.

- Theo anh, điện ảnh sẽ định đoạt số phận của một tác phẩm văn học như thế nào?

- Câu chuyện từ sách lên phim không mới. Trong quá khứ chúng ta đã có nhiều tác phẩm điện ảnh được xây dựng từ tác phẩm văn học. Nhưng thời gian qua, sự bắt tay này dường như không còn mặn nồng nữa. Tôi công tác ở Tạp chí Văn Nghệ Quân Đội, ở đây có nhiều nhà văn tài năng và họ sản sinh ra nhiều tác phẩm có giá trị. Nếu những tác phẩm của họ được dựng thành phim thì sẽ góp phần giảm đi cái mà báo chí gần đây vẫn gọi là "thảm họa phim Việt". Tôi rất muốn các đạo diễn, các nhà làm phim chú ý đến chất liệu văn học cho tác phẩm điện ảnh của mình. Văn học đi với tốc độ của người đi bộ, còn điện ảnh đi với tốc độ của máy bay. Nhờ đôi cánh của điện ảnh, chắc chắn văn học sẽ có thêm một đời sống nữa, sinh động và thú vị hơn. Đồng thời, bản thân văn học cũng nhờ đó mà có thể vượt thoát tới nhiều khu vực bạn đọc khác nhau.

Bìa tiểu thuyết

Bìa tiểu thuyết "Phiên bản".

- Cuốn sách sắp tới của anh là gì?

- Không lâu nữa đâu, bạn đọc sẽ được đón nhận cuốn tiểu thuyết mới của tôi. Viết là công việc có ý nghĩa nhất đối với nhà văn. Tôi đang hàng ngày làm cái công việc đầy ý nghĩa đó.

- Liệu những hợp đồng bán bản quyền có phải là một trong những động lực viết của anh?

- Giá của tác phẩm nghệ thuật thì vô cùng lắm, biết thế nào là được, thế nào là mất? Tôi viết trước hết là nhu cầu tự thân. Tất nhiên, mỗi tác phẩm ra đời, sau đời sống văn học, được sống thêm một đời sống nghệ thuật nữa thì quả là điều thú vị. Tôi luôn mong đợi những điều thú vị bất ngờ đến với mình.

Nguyễn Đình Tú sinh năm 1974, hiện là Trưởng ban Văn xuôi của Tạp chí Văn Nghệ Quân Đội. Anh là tác giả của nhiều tiểu thuyết gây chú ý thời gian qua như: Hồ sơ một tử tù, Bên dòng Sầu Diện, Nháp, Phiên bản, Kín, Hoang tâm…

Anh đã có 3 tác phẩm được chuyển thể thành phim: tiểu thuyết Hồ sơ một tử tù được chuyển thể thành 11 tập phim truyền hình mang tên Lời sám hối muộn màng; truyện dài Cánh rừng không yên ả chuyển thể thành Thung lũng tử thần. Mới đây, cuốn Phiên bản của anh được chuyển thể thành Hương Ga do Media Village và Wonderboys phối hợp sản xuất.


Hồ Huy Sơn
(Theo VnExpress)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 409
  • Hôm nay: 82931
  • Tháng hiện tại: 1831831
  • Tổng lượt truy cập: 48205958