Tiền Giang với ngày Toàn quốc kháng chiến (19-12-1946 – 19-12-2016)

Đăng lúc: Thứ tư - 14/12/2016 10:19
BỐI CẢNH LỊCH SỬ

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công đã đập tan ách đô hộ của thực dân Pháp ngót gần một thế kỷ. Nhưng với bản chất của chủ nghĩa thực dân hiếu chiến, Pháp lại ngoan cố tìm cách thủ tiêu thành qủa cách mạng của nhân dân ta. Núp bóng quân đội Anh và sự hứa hẹn viện trợ của đế quốc Mỹ, giới quân phiệt Pháp đã trở lại nổ súng xâm lược nước ta lần thứ hai. Ngay trong ngày 2-9-1945, bọn tàn quân Pháp đã nổ súng gây hấn tại Sài Gòn, xả súng bắn vào đoàn người dự mittinh diễu hành mừng ngày Độc lập làm 47 người chết và bị thương. Ngày 23-9-1945, quân Pháp đánh chiếm trụ sở Quốc gia Tự vệ cuộc, đài phát thanh, nhà bưu điện, ngân hàng, nhà đèn và trụ sở Uỷ ban nhân dân Nam Bộ, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược nước ta lần thứ hai.

Di tích chiến thắng Giồng Dứa
Di tích chiến thắng Giồng Dứa

Ngày 23-10-1945, Pháp đưa quân đánh chiếm Gò Công-Mỹ Tho. Chính quyền cách mạng non trẻ của chúng ta vừa mới ra đời chưa được hai tháng thì lại phải đương đầu với một cuộc chiến tranh xâm lược mới. Hai tháng, vừa phải xây dựng chính quyền, vừa phải chuẩn bị lực lượng kháng chiến bảo vệ nền Độc lập tự do mới giành được qủa là một thời gian vô cùng ngắn ngủi. Nhưng với tinh thần “thề hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”, quân và dân Mỹ Tho- Gò Công cùng với quân và dân cả nước sẵn sàng bước vào cuộc chiến đấu mới “thề quyết tử cho tổ quốc quyết sinh”.

Biết bao khó khăn, gian nan, thử thách! Tình hình an ninh chính trị chưa ổn định, trật tự an toàn xã hội chưa được giữ vững, lực lượng vũ trang vừa thiếu vừa yếu; thiếu trang bị vũ khí, yếu chiến thuật, kỹ thuật, chưa hiểu biết gì về chiến tranh, về quân sự. Chính quyền cách mạng chưa có kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo, điều hành, quản lý. Đời sống của nhân dân còn nhiều khó khăn, kinh tế nghèo nàn, lạc hậu.

Trong một bối cảnh lịch sử như vậy nhưng dưới sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt và đúng đắn của Đảng; tinh thần đấu tranh bất khuất, kiên cường, dũng cảm, dám xả thân hy sinh quên mình vì sự nghiệp cách mạng của quân và dân cả nước, chúng ta đã làm nên một kỳ tích vĩ đại, đánh thắng chủ nghĩa thực dân Pháp, giành lại toàn vẹn nền Độc lập tự do cho dân tộc.

HƯỞNG ỨNG LỜI KÊU GỌI TOÀN QUỐC KHÁNG CHIẾN CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH

Trước mưu đồ đen tối và dã tâm xâm lược của chủ nghĩa thực dân Pháp muốn cướp nước ta lần thứ hai, ngày 26-10-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gởi thư kêu gọi đồng bào Nam Bộ kháng chiến. Hưởng ứng lời kêu gọi của Bác, quân và dân Mỹ Tho- Gò Công ngay từ đầu đã đánh địch quyết liệt tại Cầu Nổi (Gò Công), Tân Hương, ngã ba Trung Lương (Châu Thành) và nội ô thị xã Mỹ Tho. Sau đó, thực hiện Nghị quyết của Xứ uỷ, Tỉnh uỷ Mỹ Tho- Gò Công quyết tâm đánh bại kế hoạch “đánh nhanh, thắng nhanh” của quân Pháp, mặt trận chiến đấu mở ra khắp nơi: Mặt trận Kinh Xáng Lacomb, mặt trận cầu đúc Long Định, mặt trận Chùa Phật Đá, mặt trận sông Ba Rài, mặt trận ngã tư Văn Cang, mặt trận cầu Bà Tồn, mặt trận ngã ba Trung Lương, mặt trận Ngã Tư Kinh, mặt trận Bắc Chợ Gạo, mặt trận vàm Kỳ Hôn, mặt trận Rạch Tràm, mặt trận khu phố Ông Văn, mặt trận Hòa Bình, mặt trận Cầu Vĩ, mặt trận ngã ba Đồng Sơn… Các mặt trận này đã tiêu hao nhiều sinh lực địch, cản bước tiến của chúng và ghìm chân chúng trong các thị xã, thị trấn. Cùng với lực lượng vũ trang, hàng vạn quần chúng tham gia đào ngả cột điện, chặt đổ cây cối, phá lộ, giựt cầu, đắp cản, tự trang bị vũ khí để đánh địch. Đồng thời, thực hiện “tiêu thổ kháng chiến”, “vườn không, nhà trống”, làm cho kế hoạch “đánh nhanh, thắng nhanh” của thực dân Pháp hoàn toàn thất bại.

Song song với việc đánh chiếm Nam Bộ, ngày 30-10-1946, thực dân Pháp đưa quân đánh chiếm Hải Phòng và Lạng Sơn, hai cửa ngõ đường biển và đường bộ quan trọng của ta. Từ đầu tháng 12-1946, quân Pháp lại tiếp tục khiêu khích ở nhiều nơi. Trong ngày 18-12-1946, Pháp liên tiếp gửi 2 tối hậu thư đòi chiếm Sở Tài chánh, Sở Giao thông, yêu cầu ta dỡ bỏ chướng ngại vật trên đường phố và đòi làm nhiệm vụ trị an ở Hà Nội, nhưng không được ta chấp thuận. Sáng 19-12-1946, Pháp lại gởi tối hậu thư đòi tước vũ khí của quân đội, tự vệ, công an của ta nhưng bị Chính phủ ta bác bỏ.

Thời kỳ hòa hoãn đã hết, nguy cơ một cuộc chiến tranh là không thể tránh khỏi. Trước tình hình đó, Thường vụ Trung ương Đảng dưới sự chủ tọa của Chủ tịch Hồ Chí Minh họp hội nghị mở rộng ở làng Vạn Phúc (Hà Đông) quyết định phát động cả nước kháng chiến. Chiều 19-12 Bộ trưởng Quốc phòng kiêm Tổng chỉ huy Quân đội Quốc gia Việt Nam lệnh cho toàn thể LLVT sẵn sàng chiến đấu. Đúng 20 giờ ngày 19-12, Đài tiếng nói Việt Nam phát tín hiệu tổng tiến công, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ra mệnh lệnh chiến đấu! Kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Đêm hôm đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Sáng ngày 20-12, lời kêu gọi kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vang khắp toàn quốc.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Bác, tại Mỹ Tho, nhiều trận chiến đấu của ta đã liên tiếp diễn ra khắp nơi. Nổi bật nhất là trận chiến thắng Cổ Cò (Cái Bè) diễn ra vào lúc 10 giờ 30 phút sáng ngày 22-1-1947, chận đánh đoàn xe công voa 14 chiếc (trong đó có 8 chiếc xe bọc thép) trên lộ 4. Ta đã tiêu diệt 170 tên, bắt sống 16 tên, thu hơn 100 súng, trong đó có 8 đại liên, 15 trung kiên, 12 súng ngắn, đốt cháy toàn bộ 14 xe.

Tiếp theo là chiến thắng Giồng Dứa (Châu Thành) vào ngày 25-4-1947, chận đánh đoàn xe công voa của địch gồm 39 chiếc, trong đó có 12 xe quân sự do tên đại tá Trocard chỉ huy. Chỉ trong vòng 30 phút chiến đấu, ta đã tiêu diệt 43 tên (trong đó có tên đại tá chỉ huy), bắt sống 7 tên, phá huỷ 16 xe, thu nhiều quân trang, quân dụng và vũ khí. Ngày 7-8-1947, ta lại dùng mưu tập kích đồn Long Định giữa ban ngày, đây là trận đánh đồn cấp đại đội địch đầu tiên của ta. Sau 20 phút chiến đấu, ta đã làm chủ trận địa, bắt sống toàn bộ 1 đại đội địch trong đồn, trong đó có 2 tên sĩ quan Pháp; thu 2 trung liên, 2 Misslen, 48 súng trường, 500 qủa lựu đạn và hàng tấn quân trang, quân dụng.

Tại Gò Công, giữa tháng 1-1947, trung đội Quốc vệ đội đã phục kích tiêu diệt gọn 1 trung đội địch tại Tân Thành, diệt 37 tên, thu toàn bộ vũ khí. Ngày 10-3-1947, tại Long Thạnh, trung đội 9 chặn đánh 1 tiểu đoàn lính Âu Phi và lính ngụy có xe bọc thép và pháo binh yểm trợ. Trận đánh diễn ra trong một ngày, ta đã tiêu diệt và làm bị thương gần 100 tên địch, thu nhiều vũ khí. Chiến thắng Long Thạnh đã làm cho quân Pháp hoang mang, lo sợ; làm nức lòng quân và dân ta.

70 năm đã trôi qua, ôn lại những truyền thống đấu tranh anh dũng, chúng ta càng tự hào đã hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng những chiến thắng vang dội, làm đúng lời khẳng định của Bác: “Dù phải gian lao kháng chiến, nhưng với một lòng kiên quyết hy sinh, thắng lợi nhất định thuộc về dân tộc ta!”.

Đậu Viết Hương
(Theo Ấp Bắc)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 246
  • Khách viếng thăm: 238
  • Máy chủ tìm kiếm: 8
  • Hôm nay: 49745
  • Tháng hiện tại: 2282295
  • Tổng lượt truy cập: 46249528