Chuyện về nữ thủ trưởng của 4 Anh hùng LLVT

Đăng lúc: Thứ ba - 08/10/2013 15:35
Trung tá Nguyễn Thị Ánh Thu (Tám Thu), nguyên Huyện đội phó Huyện đội Châu Thành, từng là thủ trưởng của 4 Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND): Lê Thị Hồng Gấm, Hồ Văn Nhánh, Đoàn Hữu Kiệt và Nguyễn Thị Bé Sáu. Bản thân bà đang được chính quyền và nhân dân địa phương đề nghị Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND.
Bà Tám Thu và Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tại lễ kỷ niệm 36 năm ngày giải phóng miền Nam.

Bà Tám Thu và Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tại lễ kỷ niệm 36 năm ngày giải phóng miền Nam.

Sinh ra trong một gia đình nông dân có truyền thống yêu nước tại ấp Mỹ Phú (Song Thuận, Châu Thành), năm 1959 khi mới 14 tuổi, cô bé Ánh Thu đã tham gia cách mạng, làm giao liên cho cô Ba Kim Chi (Nguyễn Thị Kim Chi), Bí thư chi bộ và chú Tám Dần, Xã đội trưởng.

Vừa sang tuổi thanh niên,18 tuổi, Ánh Thu vinh dự được đứng chân vào hàng ngũ của Đảng; tròn 20 tuổi thì làm Xã đội phó và năm 23 tuổi là Chi ủy viên, Chính trị viên Xã đội Song Thuận. Cuộc đời binh nghiệp của bà gắn liền với Vành đai diệt Mỹ  Bình Đức; nhiều chiến công của bà đã đi vào lịch sử, trong đó có những trận đánh cứ như là huyền thoại.

Bà kể chuyện đánh giặc thật dung dị, bình thường như thể người nông dân ra đồng cấy cày, gặt hái vậy. Đang mang bầu 3 tháng, một mình bà ôm quả mìn ĐH10 chặn đánh đoàn xe tăng địch đi càn, phá hủy 1 chiếc, diệt 6 tên địch. Mang bầu 7 tháng, bà trực tiếp chỉ huy trận đánh hạ gục 1 chiếc máy bay trực thăng trên cánh đồng Mỹ Phú, tiêu diệt gọn 1 trung đội Mỹ.

Giọng bà kể lúc nhặt, lúc khoan nhưng không kém hóm hỉnh: “Cái bụng của tôi tròn vo, còn nước thì ngập đồng. Nhưng đây là trận đánh mà tôi tâm đắc nhất, bởi mình buộc thằng địch phải di chuyển theo ý đồ chiến thuật của mình. Sau nhiều lần nghiên cứu địa hình, tôi cho bố trí 3 trận địa mìn và lựu đạn ở 3 nơi nhằm trừng trị 1 đại đội Mỹ  thường xuyên lùng sục, càn quét vùng này.

Đang vào mùa nước nổi, nên ý đồ của tôi là khi bị đụng mìn ở trận địa thứ nhất, địch buộc phải đưa xác và những tên bị thương lên bờ đất gần đó. Tại đây, tôi cho bố trí 1 trái đầu ban 105 (đầu đạn pháo 105 ly của địch bị lép, ta chế tạo lại thành mìn).

Đụng trận này, thằng nào chết rồi cho chết thêm lần nữa, thằng nào bị thương cho nó đi luôn, còn mấy thằng đi khiêng cho tiêu luôn một thể. Trận địa thứ 3, tôi cho bố trí 2 trái đầu ban trên một bãi đất trống cao ráo, không ngập nước, nhất định chúng sẽ đáp máy  bay xuống đây để lấy xác.

Diễn biến trận đánh đúng như mọi sự tính toán. Khi tụi Mỹ khiêng xác và những tên bị thương về bãi đất trống, tôi đang hồi hộp chờ tiếng máy bay thì anh Tư Thân mải mê dòm tới dòm lui, sơ ý để hai mối dây điện chập vào nhau. Hai quầng lửa trùm lên cùng với hai tiếng nổ lớn làm gần 40 tên Mỹ đền tội, trong đó có thằng chết đến lần thứ ba. Thắng lợi lớn nhưng nghĩ đến chiếc máy bay, tôi vẫn tiếc hùi hụi.

Chợt nghĩ đến Đại đội địa phương quân của anh Hai Trần, tôi liền cử người đi xin chi viện. May là anh Hai Trần đưa hỏa lực tới thì cũng vừa lúc chiếc máy bay trực thăng của tụi nó đáp xuống. Bằng một đường đạn B40 bắn thẳng tuyệt vời, chiếc trực thăng bốc cháy dữ dội".

Từng chỉ huy du kích xã, du kích liên xã, lên phụ trách Dân quân huyện Châu Thành Nam, bà Tám Thu đã trực tiếp chiến đấu, sát cánh với 4 Anh hùng LLVTND mà bà là thủ trưởng cùng với quân và dân vành đai Bình Đức đã lập nhiều chiến công lớn.

Quần nhau với bọn lính sư đoàn 7 ngụy, sư đoàn 9 Mỹ, bà đã cùng đồng đội đánh hơn trăm trận. Trong đó, có khoảng 20 trận bà chủ động đánh địch một mình, phá hủy 1 xe tăng, diệt hơn 100 tên địch, hầu hết là bọn Mỹ, thu hàng chục súng các loại, 2 máy PRC25 và nhiều lựu đạn, đạn dược.

Những năm đó, mỗi khi nghe danh Tám Thu, bọn lính sư đoàn 9 Mỹ phải kinh hoàng, khiếp sợ. Sợ đến nỗi, bọn lính Mỹ hành quân tới đâu cũng dò hỏi: “Bà Tám Thu hiện ở đâu?". Không sợ sao được, vì bà từng 2 lần được tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt ngụy, 7 lần được tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ, 1 lần nhận danh hiệu Dũng sĩ diệt xe cơ giới. Một lần nhận danh hiệu Dũng sĩ đã đáng nể, đằng này đến những 10 lần!

Tương xứng với những chiến công của mình, 6 lần bà được bình bầu là Chiến sĩ Thi đua các cấp, 4 lần được công nhận là Chiến sĩ Quyết thắng. Năm 1969, bà được vinh dự cùng đoàn Anh hùng, Chiến sĩ Thi đua miền Nam ra thăm Bác Hồ và 11 nước anh em trong phe XHCN; tham dự 3 hội nghị lớn trên thế giới: Hội nghị Thanh niên thế giới, Hội nghị Phụ nữ thế giới và Hội nghị Công đoàn thế giới để tố cáo tội ác chiến tranh của đế quốc Mỹ.

Chiến tranh kết thúc, trở về cuộc sống đời thường, bà lại hăng hái tham gia công tác xã hội, làm Ủy viên BCH Hội Cựu chiến binh (CCB) tỉnh kiêm Phó Chủ tịch Hội CCB huyện Châu Thành, sau đó chuyển sang làm Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện.

Hình ảnh một người phụ nữ bước sang tuổi thất thập vẫn thường xuyên lặn lội đi thăm hỏi, động viên những CCB, những nạn nhân chất độc da cam vươn lên trong cuộc sống; đi vận động các tổ chức, các nhà hảo tâm giúp đỡ những gia đình chính sách, hộ nghèo càng làm cho phẩm chất bộ đội Cụ Hồ trong bà sáng ngời, để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp trong lòng bạn bè, anh em, đồng đội và bà con nhân dân.

Bà là người đề xuất và trực tiếp vận động thành lập Câu lạc bộ (CLB) Nữ CCB huyện Châu Thành để tập hợp chị em sinh hoạt về giới; tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước cho chị em thông hiểu và thực hiện; động viên chị em sản xuất, kinh doanh vươn lên trong cuộc sống; tích cực vận động từ nhiều nguồn để hỗ trợ, giúp đỡ những chị em có hoàn cảnh khó khăn.

Kể từ ngày thành lập (20-4-2005) đến nay, CLB Nữ CCB do bà làm chủ nhiệm đã vận động  trên 1 tỷ đồng, xây dựng được 31 căn nhà tình nghĩa, 34 căn nhà tình thương. Ngoài ra, CLB còn vận động xây dựng nhiều tuyến đường giao thông nông thôn, tặng quà cho các gia đình chính sách nhân các ngày lễ, tết; tặng học bổng cho các em học sinh nghèo hiếu học; xây dựng quỹ xoay vòng, quỹ vì đồng đội để hỗ trợ chị em trong sản xuất, kinh doanh, góp phần cùng địa phương xây dựng và phát triển kinh tế, xã hội.

Riêng bản thân bà, mỗi năm hỗ trợ khoảng 10 triệu đồng cho công tác từ thiện và đang tài trợ cho 1 học sinh, 1 sinh viên - mỗi em một tháng 500.000 đồng cho đến khi ra trường.

Mỗi khi nhắc về bà Tám Thu, ông Đoàn Văn Khanh, nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành và Trung tướng Võ Văn Liêm vẫn thường tự hào: “Hồi đó, chúng tôi đều là lính của cô Tám Thu!”.

Đậu Viết Hương
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 422
  • Khách viếng thăm: 419
  • Máy chủ tìm kiếm: 3
  • Hôm nay: 110348
  • Tháng hiện tại: 1859248
  • Tổng lượt truy cập: 48233375